Tu Viện Quảng Hương Gìa Lam

KHAI KIẾN QUẢNG HUƠNG GIÀ LAM 

HT THÍCH ĐỨC CHƠN

Để kỷ niệm lần thứ 30, ngày khai kiến Quảng Hương Già Lam (26.l.1962 – 26.l.1992) chúng tôi xin ghi lại đôi nét đại cương về nguồn gốc và quá trình tạo dựng ngôi chùa nầy, với ý niệm “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây.”

Người đầu tiên tạo dựng tu viện Quảng Hương Già Lam là Hòa thượng Thích Trí Thủ.

Sự nghiệp hàng đầu trong đời sống đạo của Hòa thượng Thích Trí Thủ là đào tạo Tăng tài để hoằng pháp lợi sanh. Thực hiện sự nghiệp ấy, Hòa thượng đã thành lập nhiều Phật-học-viện: Phật học viện Linh Quang,  Phật học viện Báo Quốc- Huế, Phật học viện Phổ Đà – Đà Nẵng, Phật học viện Hải Đức – Nha Trang, Phật học viện Linh Sơn – Đà Lạt. Rồi Hòa thượng quan tâm đến việc lập Phật học viện tại miền Nam, nên vào năm l961, Hòa thượng đích thân tìm đất xây chùa tại Sài Gòn. Mãi đến ngày 26.1.1962 Hòa thượng mới chính thức ký giấy mua đất hiện tại có diện tích 3940 m2, để xây dựng chùa Già Lam. Tổng số diện tích đất hiện nay là 4.211 m2, vì năm 1964 mua thêm 96 m2. Năm 1981 mua thêm 175 m2, tất cả đều đã trước bạ xong, tọa lạc tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Chủ trương ban đầu của Hòa thượng xây dựng Quảng Hương Già Lam để có nơi cư trú tu học cho lớp Tăng sinh trẻ, có trình độ đại học đời cũng như đạo

Tăng sinh đến Quảng Hương Già Lam nhập chúng tu học khóa đầu tiên vào năm 1962 là 6 vị. Về sau mỗi năm mỗi đông và cao điểm nhất là vào đầu năm 1975 với tổng số Tăng sinh viên là 120 vị.

Chương trình Phật học, tất cả sinh viên Tăng đều học trường Cao đẳng Pháp Hội, các khóa đầu, về sau học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Chương trình thế học, tùy khả năng và sở trường của sinh viên Tăng tự chọn Ngành học: y, dược, luật, triết, kiến trúc, văn chương… Sau một thời gian đào tạo, một số lớn đã ra trường, được phân bố đi các nơi phục vụ Đạo pháp, Dân tộc.

Chùa Già Lam, lúc đầu Hòa thượng đặt tên là Giải Hạnh Già Lam, Giải là học, để hiểu, để nâng cao kiến thức, phát triển trí tuệ. Hạnh là hành trì, tu chứng, nâng cao công hạnh tu tập để phát triển mặt phước đức. Học để biết (Giải) mà tu, để có khả năng và trình độ trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, là mặt lợi tha. Tu để thực chứng (Hạnh), để hoàn thành đại nguyện giải thoát sinh tử, là mặt tự lợi. Do đó học và tu, hay giải và hạnh là hai vấn đề tương quan mật thiết (Giải hạnh tương ứng) trong đời sống của một Như Lai sứ giả. Đây chính là mục tiêu đào tạo Tăng tài của Hòa thượng. Trong ý hướng đó, Hòa  thượng đã đặt tên chùa là GIẢI HẠNH GIÀ LAM.

Năm 1964, Hòa thượng lại đổi tên chùa là QUẢNG HƯƠNG GIÀ LAM. Quảng Hương là Pháp danh của một Tăng sinh tu học tại Phật- học-viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, sau được bổ nhiệm làm trú trì chùa Khải Đoan Ban Mê Thuột, đã tự thiêu lúc 12 giờ 25 phút ngày 18 tháng 8 năm Quý Mão (5.10.1963), trước mặt chợ Bến Thành Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm trước đây. Sau cái chết vì Đạo cao cả của Tăng sinh Quảng Hương, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã quyết định đổi tên chùa là Quảng Hương Già Lam thay thế Giải Hạnh Già Lam, để kỷ niệm một Tăng sinh tuẩn đạo. Từ dạo đó, có tên gọi Quảng Hương Già Lam.

Già Lam là phiên âm Phạn văn Asharam là nơi thanh vắng, yên tĩnh, nơi thờ Phật, nơi chúng Tăng cư ngụ tu hành. Già Lam là tên khác của chùa. Cho nên, đúng ra phải gọi chùa Giải Hạnh hay chùa Quảng Hương. Phật tử đến chùa , thay vì phải gọi là Giải Hạnh Già Lam, Quảng Hương Già Lam, chỉ gọi tắt chùa Già Lam. Về sau, Phật tử còn gọi Hòa thượng khai sơn Quảng Hương Già Lam là Ôn Già Lam, Hòa thượng Già Lam…Gọi lâu thành quen, nên Già Lam là danh từ chung đã trở thành danh từ riêng, chùa Già lam.

Về mặt kiến thiết cơ sở, chúng tôi không căn cứ theo thứ tự thời gian, mà phân làm hai phần chính và phụ cho dễ thấy:

. Phần chính gồm có: Chánh điện, nhà Tăng, nhà Tổ, Thiền thất, cổng Tam quan, Tháp Hòa thượng khai sơn.

1. Ngôi chánh điện: Lễ đặt đá xây dựng chánh điện ngày 19.9. Giáp Thìn (24.10.1964) Lối kiến trúc theo hình bát giác, mỗi cạnh 5 mét, do kiến trúc sư Kỳ vẽ đúc bê tông cốt thép, hai tầng, tầng trên là điện thờ Phật, tầng dưới là thư viện. Sau ngày đặt đá 5 tháng là việc xây dựng hoàn tất. Lễ thỉnh Phật an vị vào ngày 15.2 Ất Ty (17.3.1965).

Năm 1981, chánh điện được nới rộng thêm để đáp ứng nhu cầu lễ bái của Phật tử ngày càng đông. Phần nới rộng này cũng gồm hai phần; phần trong nối chung với chánh điện: 8m x 8m; phần ngoài là tiền đường, hai bên thờ linh và để chuông trống: l4m x 7m. Toàn bộ đều đúc bê tông cốt thép, hai tầng. Tầng trên là chánh điện, tầng dưới là lớp học.

2. Nhà Tổ: Gồm dãy lầu hai tầng, nằm phía sau lưng chánh điện: 11m x 7m.

Tâng trên thờ Tổ, tầng dưới làm trai đường. Xây xong năm 1967.

3. Thiền thất: Xây dựng năm 1970. Bê tông cốt thép hai tầng: 11m x 6m. Trước 1975 có đức Tăng Thống Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ở, sau đó Thượng tọa Thích Trí Quang ở. Sau 1975, Thượng tọa Thích Thiện Minh ở. Hiện nay làm nhà lưu niệm lưu trữ những kỷ vật của Hòa thượng Thích Trí Thủ.

4. Tháp Hòa thượng Thích Trí Thủ: Diện tích mặt bằng: 7m50 x 7m50, cao12m, gồm 7 tầng, bê tông cốt thép. Xây xong ngày 19.9. ất Sửu (1985). Nằm sau chánh điện bên cạnh nhà Tổ phía trái. Do thất chúng đệ tử Hòa thượng phụng lập

5. Cổng Tam quan: Phía trước sân, ngay với chánh điện, cao 6m ngang 2m40, rộng 7m, bê tông cốt thép, cổ lầu, lợp ngói âm dương, trên thờ tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn và tượng Hộ Pháp. Xây xong năm 1988.

6. Nhà Tăng: Gồm có hai dãy lầu hai bên chánh điện, hai tầng bê tông cốt thép:

Dãy lầu phía bên trái chánh diện 24m x 11m. Xây xong năm 1966. Tầng trên phòng chư Tăng ở, tầng dưới, một nửa ở, một nửa làm phòng khách. Dãy lầu phía bên phải chánh điện: 20m x 7m, xây xong năm 1967, phần trên phòng chư Tăng ở. Tầng dưới, một nửa làm giảng đường, một nửa làm kho.

. Phần phụ:

1. Nhà bếp: Xây gạch, lợp tôn xi măng: 9m x 5m, trên nóc nhà bếp có một hồ chứa nước, bê tông cốt thép, cao 8m, dung tích 16m3. Xây xong năm 1965.

2. Nhà kho: Xây gạch, lợp tôn: 12m x 6m dùng làm nhà kho. Dãy nhà này được xây dựng đầu tiên đối với cơ sở Già Lam hiện nay. Xây năm 1962. Số học Tăng nhập học khóa đầu tiên, ở dãy nhà này.

3. Nhà thờ cốt: Dãy nhà này 15m x 7m nằm phía bên phải sân chùa, gần hai ngôi mộ cổ. Xây năm1972, làm nhà ký nhi, nhà trệt. Sau 1975 sửa lại làm nhà thờ cốt. Năm 1986 đúc mái bằng bê tông cốt thép dự bị lên lầu để thờ cốt.

4. Hai ngôi mộ cổ: Ngày đầu tiên Hòa thượng vào mua khu đất này, hai ngôi mộ cổ đã rêu phong cũ kỹ rồi, lại thêm cây cối um tùm, hai tấm bia bị mòn khuyết không còn chữ. Từ ngày xây dựng Già lam đến nay không thấy thân nhân đến thăm viếng. Tuy vậy chùa vẫn bảo quản tốt, hằng ngày lo hương khói đầy đủ.

Ngoài hai ngôi mộ cổ trong khuôn viên chùa còn có một dãy mộ 12 ngôi đã chôn sẵn. Có lẽ chủ đất trước đây dự định làm nghĩa trang nên chôn một dãy kế tiếp nhau có hàng lối. Số mộ này chùa vẫn bảo quản và hương khói mỗi ngày, thỉnh thoảng có thân nhân đến thăm viếng chạp giỗ.

. Chuông, Tượng:

Tượng Bổn Sư bằng xi măng ngồi, cao 2m5, thếp vàng, thờ tại chánh điện, an vị ngày 17.3.1965.

Tượng Quán Âm lộ thiên, cao 4m5, đứng giữa hồ sen đường kính 6m, sâu 2m.Thiết trí năm 1968

Một chuông u minh, đường kính 1m, nặng 330 ký. Đúc năm 1966 tại chùa Hải Đức Nha Trong chuông  có khắc bài ký sự nguyên văn như sau, chúng tôi xin trích ra đây để quý vị thấy rõ tiến trình xây dựng cơ sở Già Lam. Những gì đã xây dựng trước năm 1966 đều có ghi trong đó, ngoài ra là tiếp tục xây dựng sau năm 1966 đến nay, 1992.

KÝ SỰ

Quảng Hương Già Lam là chi nhánh của Phật-học-viện Trung phần, thành lập năm 1956, đến năm 1961, Phật-học-viện Trung phần đã đào tạo được một số học Tăng học xong  Trung học, (nội điển cũng như ngoại điển) cần vào Sài Gòn tiếp tục các ngành đại học.

Để có nơi cư trú thuận tiện cho số học Tăng ấy, ban quản trị Phật-học-viện ủy nhiệm tôi thiết lập Già Lam này.

Quảng Hương Già Lam tọa lạc trên một khu đất rộng 4000 m2[5] thuộc xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, số 300[6]đường Lê Quang Định, Gia Định. Cơ sở của Già Lam hiện gồm có:

– Một chánh điện bát giác, hai tầng, trên thờ Phật, dưới thư viện.

– Một Tăng xá lầu hai tầng, 24m x 11m.

– Một Tăng xá trệt 20m x 7m.

– Một nhà kho 12m x 6m.

– Một nhà trai 11m x 7m.

– Một nhà bếp 9m x 5m.

Tất cả đều vách gạch, mái Fibrociment, lầu đúc bê tông cốt sắt. Pháp khí và vật dụng trang bị đầy đủ

Mọi giấy tờ về động sản và bất động sản của Phật-học-viện Trung phần ở Nha Trang cũng như của Quảng Hương Già Lam ở SàiGòn đều do tôi đứng tên với tư cách Giám-viện, thừa ủy nhiệm của Ban Quản trị Phật-học-viện Trung phần.

Như vậy Già Lam nầy đương nhiên và là tài sản của Phật-học-viện Trung phần, trước đây thuộc hội Phật giáo Trung phần, nay thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Làm tại SàiGòn 31.3.1966

Giám viện Phật-học-viện Trung phần

(đã ký tên)

THÍCH TRÍ THỦ.

Trên đây là nói về nguồn gốc và sự kiến tạo Già Lam. Tiếp theo là vấn đề nhân sự. Có nhân sự tốt mới kiến tạo và giữ vững hướng đi của Phật học viện được.

Già Lam được kiến tạo cơ sở tương đối đầy đủ tiện nghi và đã đào tạo được một số Tăng sĩ có khả năng phục vụ Giáo hội các nơi. Kết quả ấy trước hết là nhờ công lao đức độ của Hòa thượng Thích Trí Thủ, kế đến là Thượng tọa Thích Đổng Minh rất nhiệt tình trong việc xây dựng Già Lam từ đầu.

Khi Già Lam hình thành, có các vị trú trì giúp việc Hòa thượng, chăm lo đời sống hằng ngày của Tăng chúng. Hòa thượng Thích Trí Thủ với chức vụ Giám viện. Trong thời gian đầu Hòa thượng ở tại Hải Đức Nha Trang nhiều hơn. Từ 1964 về sau, Hòa thượng ở Già Lam nhiều hơn. Vị trú trì đầu tiên của Già Lam là Đại đức Thích Phước Chương. Vị thứ hai là Đại đức Thích Huyền Giác. Vị thứ ba là Đại Đức Thích Đức Nhơn.

GIỚI PHẬT TỬ CÓ:

– Ông bà chủ đất Bùi Văn Sử cúng một nửa, chỉ trả tiền 1/2.
– Đạo hữu Trần Đình Long, lo thủ tục giấy tờ nhà đất, điện nước và xây dựng giai đoạn đầu
– Đạo hữu Trần Đình Lợi, lo việc đốc công xây dựng nhà Tăng, nhà Tổ…
– Đạo hữu Võ Đình Diệp giúp việc thiết kế họa đồ xây dựng.
– Đạo hữu Nguyên Thành, Nguyên Thắng, Tâm Nghĩa là những đại thí chủ trong việc xây dựng cơ sở chính của Già Lam. Ngoài ra còn nhiều vị khác nữa, nhưng không ghi hết vào đây được.

Nhân ngày kỷ niệm tròn 30 năm xây dựng Quảng Hương Già Lam, tôi xin ghi lại đôi nét đại cương để tỏ lòng biết ơn những người đã dày công xây dựng.

Chúng tôi hằng mong được sự nhất tâm hộ trì của các bậc Tôn túc trưởng lão, chư Đại đức Tăng Ni cùng Thiện nam tín nữ gần xa, để Quảng Hương Già Lam mãi mãi là nơi truyền thừa Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, như tâm nguyện của Hòa thượng Thích Trí Thủ, khai kiến Quảng Hương Già Lam.

Bài khác nên xem

(Thiệp xuân) BHD Trung ương mừng xuân Vạn Hạnh

nhuanphap

Nhạc Karaoke: Tâm Sự Cài Hoa Trắng – Trường Khánh

ducquang

Hình Ảnh HT Thích Thiện Minh Nguyên TVT Tổng Vụ Thanh Niên

phuocthanh