Tinh thần Trại A Dục

 

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

Vài suy nghĩ về Trại A Dục :

Khi dự trại huấn luyện đầu tiên trong bước đường làm Huynh trưởng – Trại Lộc Uyển – Anh, Chị đã có dịp nhận định về vấn đề huấn luyện trong Gia Đình Phật Tử. Qua đó các Anh, Chị đã có quan niệm rõ ràng về huấn luyện : Trại huấn luyện là cốt để tôi luyện thêm ý chí, vun xới thêm tinh thần và củng cố năng lực.

Lần nầy, không còn là buổi đầu tiên mới bước chân vào đời Huynh trưởng mà các Anh, Chị đã sống, đã đem nhuệ khí của mình phục vụ cho Gia Đình Phật Tử, phục vụ cho đàn em của chúng ta ít nhất là hai năm rồi. Những ngày tháng qua chúng ta đã trưởng thành trong chí hướng, lớn thêm trong niềm tin về Gia Đình Phật Tử. Cũng chính trong thời gian qua, chúng ta cũng đã hiểu sâu thêm giáo lý, học hỏi được ở các Anh, Chị đi trước thêm một số kinh nghiệm về điều khiển cũng như về chuyên môn. Và nhất là một thời gian dài tình cảm đối với Gia đình áo Lam  . . . (có lẻ điều này dành riêng cho các Anh, Chị tự cảm nhận thì đúng hơn) sâu đậm hơn.

Qua hai năm (ít nhất) làm Huynh trưởng, lần nầy các Anh, Chị tự nguyện xin tham dự một trại huấn luyện 7 ngày đêm với một cuộc sống trại đầy khắc khổ như đã nêu ở bảng kỷ luật trại : “ Khắc khổ – Lục hòa ”. Điều đó chứng tỏ những gì chúng tôi vừa nêu, không phải là những lời để khích lệ các Anh, Chị khi bước vào trại. Có lẽ đến bây giờ những lời khích lệ không còn là cần thiết đối với các Anh, Chị nữa mà các Anh, Chị đã hành động theo con tim của chính mình.

I. TINH THẦN TRẠI A DỤC :

Qua những suy nghĩ trên, chúng ta đã thấy được tinh thần trại A Dục phải khác hơn tinh thần trại Lộc Uyển. Hơn nữa mục đích trại A Dục là giúp các Anh, Chị hiểu thấu đáo về ngành và đào tạo Đoàn trưởng.

Với tinh thần một trại sinh A Dục như thế và với mục đích huấn luyện trại A Dục như đã nêu, nên tinh thần của trại A Dục chủ yếu là xây dựng được trong mỗi trại sinh tinh thần trách nhiệm của mình sau khi bế mạc trại. Trách nhiệm ở đây, không ai gán cho mình mà chính mỗi Anh, Chị tự nguyện nhận lãnh. Không có ai thôi thúc, bắt buộc các Anh, Chị đi dự trại, mà chính các Anh, Chị tự nguyện (có lẽ là thỉnh cầu được chấp nhận làm trại sinh A Dục thì đúng hơn). Và chính từ sự tự nguyện nhận lãnh đã tạo nên một tinh thần trách nhiệm cao.

–   Đến với trại A Dục là dịp cùng nhau nung nấu thêm lòng trung kiên của mình đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử.

–   Trại A Dục là nơi cùng trao đổi kinh nghiệm, để thống nhất phương pháp điều khiển, thống nhất phương thức tổ chức và quản trị Đoàn.

–   Trại A Dục cũng chính là nơi mà Anh, Chị tự kiểm tra năng lực về chuyên môn cũng như điều khiển và từ đó bổ túc thêm những khía cạnh còn yếu.

Ở đây không có ai dạy ai mà chỉ trong tinh thần Lục hòa những người đi trước phải truyền đạt những hiểu biết của mình cho người đi sau “ Kiến hòa đồng giải ”. Bởi lẽ tinh thần của trại A Dục ngoài “ Khắc khổ ” còn là “ Lục hòa ”

II. LỀ LỐI SINH HOẠT Ở TRẠI  A DỤC :

Tinh thần trại A Dục đã khác xa tinh thần trại Lộc Uyển cho nên lề lối sinh hoạt của trại cũng khác nhau. Chúng ta phải biết chịu đựng khắc khổ nhưng lại rất kỷ luật mà lại là “ Kỷ luật tự giác ”. Không phải đợi Ban Quản Trại nhắc nhở mà chính mình tự nhắc nhở cho mình.

Giờ giấc sinh hoạt phải đúng thời gian biểu. Tác phong người trại sinh ở trại Lộc Uyển đã nói nhiều nhưng ở trại A Dục thì lại càng nghiêm túc hơn.

Nhưng không vì thế mà tình thân thiết giữa trại sinh với nhau bị giảm đi, trái lại tình thân yêu đó càng khắn khít mặn nồng hơn cả kỳ trại Lộc Uyển vì chúng ta đều là những người đã cùng nhau sống với tổ chức qua một thời gian khá dài, chúng  ta đã hiểu nhau hơn và thông cảm nhau hơn. Cho nên mỗi hành vi, mỗi sự đối xử giữa trại sinh với nhau làm sao phải thể hiện được điều đó. Chắc chắn không thể, thể hiện bằng sự vồn vã, chào hỏi hay bằng những buổi tâm tình. Nhưng qua những ánh mắt, những nụ cười, những câu nói bông đùa  . . . mà thấm sâu tình cảm.

Một điều mà các Anh, Chị – nếu tinh thần kỷ luật tự giác chưa cao – sẽ nhận thấy anh Ủy viên kỷ luật trại quá khắc khe (mà khắc khe thật tình đấy); Nhưng rồi sau ngày bế mạc trại hay thời gian xa lâu hơn nữa các Anh, Chị mới hiểu được và khi hiểu ra thì nó lại thành dĩ vãng, là những kỷ niểm sâu sắc khó quên trong cuộc đời làm Huynh trưởng.

Rồi đây nếu thuận duyên khi các Anh, Chị tham dự trại Huyền Trang hay cao hơn nữa trại Vạn Hạnh các Anh, Chị sẽ thấy tinh thần lại khác xa với trại A Dục.

III. Ý NGHĨA TÊN TRẠI :

Vì sao lại lấy tên trại là A Dục ? Có lẽ sau khi học lịch sử A Dục vương thì chúng ta sẽ dễ nhận ra … Ở đây để có khái niệm rõ rệt, chúng tôi xin nói qua :

A Dục vương là một ông vua hiếu chiến, tỉnh ngộ sau một chiến thắng mà vứt bỏ gươm giáo : lạ thật, phải không ? một ông vua hiếu chiến, đang trong chiến thắng lại ghét bỏ chiến tranh ? Từ một ông vua hiếu chiến A Dục vương đã trở thành một Phật tử thuần thành, phục vụ đạo pháp tích cực trong quảng đời còn lại của mình.

Sau kỳ trại nầy, khi đã thực sự hiểu được lý tưởng Gia Đình Phật Tử, các Anh, Chị có dám đem trọn cuộc đời mình phục vụ cho Gia Đình Phật Tử không ? Điều đó để các Anh, Chị tự trả lời với lòng mình. Nhưng cũng chính vì điều đó mà Trại được mang tên một vị vua xứ Ấn Độ, sau khi tỉnh thức, nhận chân được giá trị của cuộc sống trên tinh thần Phật giáo, đã đem những tháng năm còn lại của cuộc đời mình phục vụ tích cực cho Đạo pháp.

Cái tên trại A Dục đã mói lên kỳ vọng của các bậc đàn anh đang đặt vào tất cả các Anh Chị hôm nay.

IV. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TRẠI A DỤC :

1. Thời gian :

–   7 ngày đêm liên tục.

2. Điều kiện trại sinh :

–   Trúng cách trại Lộc Uyển sau 2 năm

–   Có chứng chỉ bậc Trì

3. Điều kiện trúng cách :

–   Dự học suốt thời gian trại

–   Trúng cách cuộc khảo sát

4. Thời gian cấp chứng chỉ :

–   01 năm sau khi trúng cách

5. Kỷ luật và khẩu hiệu :

–   Kỷ luật : Khắc khổ – Lục hòa

–   Khẩu hiệu : Tín

Bây giờ mời các Anh, Chị nhập cuộc chúng ta sẽ sống, sẽ thể hiện tinh thần trại A Dục qua 7 ngày đêm trên đất trại.

Bài khác nên xem

Cấp cứu

datthinh

Vĩnh Biệt Người Phụ Tá Văn Nghệ Của Tôi!

ducquang

GĐPT Lâm Đồng khai mạc Liên trại huấn luyện Lộc Uyển – A Dục – năm 2020

Huệ Quang GĐPTVN