(Thích Thái Hòa) Tinh Tấn ngay trong đời sống của mỗi chúng ta

(Pháp thoại Thầy Thích Thái Hòa giảng)

Hôm nay là ngày 02/9/Đinh Dậu, nhằm ngày 21/10/2017, tại Tịnh Nhân Thiền Đường chùa Phước Duyên, TP Huế, BHD GĐPT Thừa Thiên tổ chức một ngày tu an lạc cho các thành viên GĐPT tại Thừa Thiên.

Bài pháp thoại cho chúng ta hôm nay là Tinh Tấn ngay trong đời sống của mỗi chúng ta.

Thưa đại chúng!

Hạnh Tinh Tấn là một trong những hạnh căn bản tu tập của người đệ tử Phật, dù đã xuất gia hay tại gia, thì tất cả chúng ta phải thực tập hạnh Tinh tấn của mình.

Trong đời sống của mỗi chúng ta, nếu chúng ta không thực tập hành Tinh tấn thì sự tu học của chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ, và chúng ta không bao giờ biến ước mơ, trở thành hiện thực trong đời sống của mỗi chúng ta.

Bởi vì vậy mà tổ chức GĐPT, lấy khẩu hiệu Tinh tấn để nhắc nhở sự tu học của chúng ta mỗi ngày, nhắc nhở lý tưởng mà chúng ta đang phụng sự mỗi ngày. Lý tưởng dù đẹp đến mấy mà không có Tinh tấn thì lý tưởng đó chỉ là hão huyền mà thôi. Mơ ước chúng ta dù đẹp đến mấy mà không có tinh tấn thì mơ ước đó chỉ là ước mơ mà thôi. Ý thức được điều này, thấy rõ được điều này cho nên đức Phật mới dạy các đệ tử của Ngài phải nỗ lực, phải tinh tấn thực hành lời dạy của Ngài. Và hiểu rõ được chân giá trị của hạnh Tinh tấn, cho nên tổ chức GĐPT mới lấy khẩu hiệu của mình là Tinh tấn.

Thế thì trong tổ chức GĐPT, ngành Oanh thực hành tinh tấn là thực hành cái gì? Trong ngành Thiếu GĐPT thực hành Tinh tấn là thực hành cái gì? Rồi các huynh trường GĐPT từ cấp Tập cho đến cấp Dũng, thực hành Tinh tấn là thực hành cái gì?
Cho nên hạnh Tinh tấn không phải chỉ dừng lại mỗi khi mình làm lễ Phật, hay hạnh Tinh tấn không phải chỉ khi mình cử bài ca Sen trắng, mà bài ca Sen trắng có trở thành hiện thực trong đời sống của GĐPT hay không chính là ở nơi hạnh Tinh tấn này. Định hướng của mình có thể thực hiện được hay không là nhờ hạnh Tinh tấn này. Như vậy thì một oanh vũ GĐPt thực hiện hạnh Tinh tấn là thực hiện cái gì?

 Hạnh tinh tấn của em Oanh vũ

Người Oanh vũ GĐPT thực hành hạnh Tinh tấn có nghĩa là em oanh vũ đó luôn luôn thực tập ba điều luật mà em đã thầm phát nguyện trước Tam bảo, trước tổ chức. Ba điều luật đó là gì? “Em tưởng nhớ Phật, em kính mến ba mẹ và thuận thảo với anh chị em, em thương người và vật”. Nói ba điều luật là nói trong cách tổ chức, nhưng nói về mặt đạo đức tâm linh thì ba điều luật đó là khuôn vàng thước ngọc để đạt tới tiêu chuẩn đạo đức của một người bé, rất trẻ trong tổ chức GĐPT.

Như vậy, một huynh trưởng hướng dẫn cho một em oanh vũ, khi gặp nhau chào “Phật tử”, tay bắt ấn Tam muội và trả lời “Tinh tấn”. Như vậy, sự tinh tấn của một oanh vũ luôn luôn thường trực đối với ba điều luật.

Điều một: “Em tưởng nhớ Phật”. Nghĩa là em phải thực hành tưởng nhớ Phật trong khi ăn, tưởng nhớ Phật trong khi uống, tưởng nhớ Phật trong khi ngủ, tưởng nhớ Phật trong khi mình học hành, chứ không phải chỉ tưởng nhớ Phật trong khi mình làm lễ Phật.

Như vậy các em oanh vũ được huân tập bằng điều thứ nhất “Em tưởng nhớ Phật” trong khi ăn, cho nên các em trong khi ăn thì chắp tay lại và thầm nghĩ: “Con tưởng nhớ Phật, con tưởng nhớ Pháp, con tưởng nhớ Tăng, con biết ơn mọi người, mọi loài đã tạo nên thức ăn này cho con ăn, cho nên con ăn với sự biết ơn”. Uống nước cũng vậy, mặc áo cũng vậy, tắm rửa cũng vậy, ngồi vào bàn để học cũng vậy, cũng thực hành “Em tưởng nhớ Phật” trước khi học.

Thực hành như vậy, gọi là Tinh tấn. Phải biết biến  điều luật của mình, biến khuôn vàng thước ngọc đạo đức của mình, trở thành đời sống đạo đức của chính mình. Nếu không như vậy thì “Em tưởng nhớ Phật” chỉ là nói suông, không có hiệu quả gì, vì sao? Vì nó không trở thành hạt giống tâm linh của mình; nó không trở thành hạt giống đạo dức của mình; nó không trở thành hạt giống tạo ra niềm tin trong đời sống của mình.

Người oanh vũ thực hành “tinh tấn”, trước khi mở máy vi tính ra để sử dụng, các em cầm máy vi tính rất đàng hoàng, trước khi mở ipad ra các em cầm ipad rất đàng hoàng, mở điện thoại di động ra thì cầm điện thoại di động rất đàng hoàng và chắp tay lại và thầm nghĩ “Em tưởng nhớ Phật”, trước khi mở máy vi tính, mở ipad, mở điện thoại di động để sử dụng.

Bởi vì mình tưởng nhớ Phật trước khi mở máy vi tính để sử dụng, nên máy vi tính đi theo chiều hướng “em tưởng nhớ Phật”; ipad cũng đi theo chiều hướng em tưởng nhớ Phật; điện thoại di động cũng đi theo hướng em tưởng nhớ Phật. Khi tưởng nhớ Phật thì ma không có trong hành động sử dụng máy vi tính, ipad, điện thoại di động của chính ta.

Nhờ vậy mà mình sử dung vi tính, ipad, điện thoại di động không bị rơi vào tình cảnh “ma đưa lối, quỷ dẫn đường, lại tìm những chỗ đoạn trường mà đi”.

Như vậy thì các anh huynh trưởng đã có cách nào để dạy cho các em oanh vũ sử dụng vi tính, iphone, ipad, di động bằng hạnh tinh tấn, qua điều luật thứ nhất “Em tưởng nhớ Phật”chưa? Nếu các anh chưa dạy các em thực hành tinh tấn như vậy, thì tổ chức  GĐPT càng ngày càng rã là chuyện tất yếu, vì sao? Vì không có phương pháp thực nghiệm hay ứng dụng. Và rõ ràng là các anh sẽ không có thế hệ nối tiếp, vì lý tưởng một đường, thực tế một nẻo, làm sao mà tồn tại được. Đó là một điều mà ngày tu học hôm nay, các anh chị em phải lưu ý.

Điều hai: “Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em”. Với điều luật này, các anh chị phải nỗ lực dạy cho các em biến điều luật thứ hai này trở thành đời sống. Biến khẩu hiệu trở thành hiện thực. Phải dạy cho các em oanh vũ sử dụng máy vi tính, phải biết nguồn gốc máy vi tính này ở đâu, giá trị của máy vi tính mình đang sử dụng này là do công sức của ai. Nếu không có cha mẹ mình lao tác vất vả, chịu bao nhiêu gian truân để kiếm tiền, tạo cho mình cái máy vi tính để mình học, thì làm gì mình có máy vi tính để học? Nếu không có các nhà bác học phát minh máy vi tính, thì chúng ta làm gì có máy vi tính để học? Các anh chị phải dạy cho những người trẻ biết điều này. Nhờ các em biết và ý thức được máy vi tính, ipad, iphone mình đang sử dụng đều bằng chính công sức lao tác của cha mẹ mình, bằng chính công sức lao tác của anh chị em mình mới có tiền để mua những thứ đó cho mình sử dụng, nên từ đó các em biết sử dụng những phương tiện ấy cho mục đích học tập tốt đẹp hơn là do các em biết ơn cha mẹ, biết ơn anh chị em và những người sáng chế ra nó. Các em có biết ơn, thì các em mới có tâm hiếu kính và thuận thảo. Các em ăn cơm, uống nước, mặc áo… đều phải thực tập hạnh biết ơn cha mẹ, anh chị em và những người đã lao tác để làm ra những vật dụng ấy.

Có biết ơn cha mẹ, mới có hiếu kính đối với cha mẹ; biết ơn anh chị em, mới có tâm thuận thảo với anh chị em. Con cái có biết ơn cha mẹ, mới biết pha nước cho cha mẹ uống mỗi khi ăn cơm xong, mới biết giặt khăn cho cha mẹ lau trong mỗi bữa ăn. Người vô ơn, thì ngay cả việc pha nước cho cha mẹ uống, giặt khăn cho cha mẹ lau còn không biết, huống là biết cái gì và sẽ làm cái gì cho cha mẹ trong tương lai?!

Nên, các em oanh vũ phải tinh tấn thực hành “em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em”, mỗi ngày ngay trong gia đình huyết thống của mình.

Trong gia đình huyết thống, các anh chị mình có nói điều gì khiến mình không bằng lòng, thì mình cũng phải nỗ lực phòng hộ cái tâm không bằng lòng của mình để giữ hòa khí của mình đối với các anh chị, khiến gia đình êm ấm, không có lời qua tiếng lại ồn ào, làm cho cha mẹ đau buồn, đó gọi là kính mến cha mẹ, thuận thảo với anh chị em.

Nếu anh hay chị mình có nói điều gì oan ức cho mình, mình không vội vàng phản ứng mà phải thực tập theo dõi hơi thở vào và ra, khiến cho tâm của bình tỉnh, không bị mất thăng bằng, rồi sau đó có gì oan ức, mình sẽ có cơ hội để thưa trình.

Người oanh vũ thực hành hạnh tinh tấn như vậy mới xứng gọi là “em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em”.
Cho nên hạnh tinh tấn của một oanh vũ là phải biết biến “em tưởng nhớ Phật”; “kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em” trở thành đời sống thực tế, mới gọi là một người có hạnh kiểm tốt.

Điều ba: “Em thương người và vật”. Một em oanh vũ cầm iphone, sử dụng máy vi tính, cầm điện thoại di động thì phải biết giá trị của những vật chất này từ đâu, do ai, do đâu mà mình có được cái này. Từ đó mình mới trân trọng được cái vật mà mình đang sử dụng và biết ơn người đã tạo ra vật mà mình đang sử dụng này.

Em thương người và vật. Thương người là vì ta sống còn đều nhờ nhiều người hỗ trợ. Người nông dân hỗ trợ cho ta thực phẩm; người dệt vải, người thợ may hỗ trợ cho ta áo quần; người thợ hồ hỗ trợ cho ta nhà cửa; người thợ mộc hỗ trợ cho ta bàn ghế, vật dụng; người thợ điện hỗ trợ cho ta ánh sáng; người tài xế hỗ trợ cho ta sự đi lại; người đầu bếp hỗ trợ cho ta thức ăn; những vị thầy cô hỗ trợ cho ta chữ nghĩa, kiến thức, tri thức để sống; người thầy hỗ trợ cho ta lương dược để trị bệnh; những nhà triết học hỗ trợ cho ta tư duy và phân tích tư tưởng; những nhà khoa học hỗ trợ cho ta máy móc để sử dụng; những nhà chính trị điều hành quốc gia giúp ta yên ổn; những nhà quân sự giúp ta giữ gìn nguyên vẹn bờ cõi quốc gia; những nhà kinh tế giúp ta làm ra của cải; những nhà Tôn giáo hỗ trợ cho ta niềm tin tâm linh… Bao nhiêu công sức của mọi thành phần xã hội đã đổ ra, để giúp cho ta sống yên bình, vì vậy mà ta biết ơn con người và biết dành tình thương cho con người, không bao giờ có những hành vi làm tổn hại phẩm chất và giá trị của con người. Người oanh vũ không những chỉ thực hành hạnh tinh tấn thương người mà còn thương cả muôn vật và nỗ lực bảo vệ muôn vật. Con gà cho ta tiếng gáy mỗi buổi khuya; con chim cho ta tiếng hót; con chó giữ nhà cho ta; con trâu kéo cày và chở nặng cho ta; con bò cho ta sữa để uống mỗi ngày; mặt trời cho ta ánh sáng để sống; không gian cho ta không khí để thở; quả đất chuyên chở ta mỗi ngày, cho ta biết bao nhiêu hầm mỏ, cho ta biết bao nhiêu cây cối và cây cối cho ta hoa trái và màu xanh của lá; lửa cho ta hơi ấm, cho ta sự tiêu thụ và chuyển hóa; gió cho ta sự chuyển động; nước cho ta đời sống lưu nhuận… Nên, người oanh vũ không phải chỉ thương người mà còn thương vật nữa. Ở trong đời, ta thương cái gì, thì ta mới quý cái đó và tìm đủ mọi cách để bảo vệ cái đó. Người oanh vũ thương người và nỗ lực bảo vệ con người bằng tất cả tình thương của nó. Người oanh vũ thương vật nỗ lực bảo vệ muôn vật dưới nhiều hình thức khác nhau. Làm được như vậy, người oanh vũ mới xứng gọi là đệ tử của Phật đang thực hành hạnh tinh tấn đối với điều luật thứ ba là “em thương người và vật”.

Khi một oanh vũ hiểu được ý nghĩa “em thương người và vật” và em biết ứng dụng ý nghĩa ấy vào chính trong đời sống của em, thì em sẽ là người hữu ích cho xã đình và xã hội ngay khi còn tấm bé, chứ không phải đợi đến khi trưởng thành. Các em sẽ biết sử dụng các loại máy vi tính, ipad, iphone một cách cẩn trọng và hữu ích, chứ không phải sử dụng những thứ này với tâm thức buông lung mù quáng.

Các anh chị trưởng phải dạy điều luật “em thương người và vật” qua khẩu hiệu “tinh tấn” một cách thực tế cho các em mà không nên lý thuyết đối với các em.

Đối với gia đình huyết thống, các anh chị đã là bậc cha mẹ, nên phải dạy những điều này cho con cái mình. Nếu  mình là anh chị trong gia đình, phải dạy điều này cho em mình. Nếu mình là bậc chú bác, cô dì trong dòng dõi huyết thống, thì mình phải dạy điều này cho con cháu của mình. Nếu, chúng ta không làm được như vậy, con cháu chúng ta hư hỏng, những thế hệ đi sau chúng ta hư hỏng, vậy chúng ta trách ai bây giờ?!

Các bậc tiền nhân của chúng ta, đã tốn bao nhiêu chất xám, bao nhiêu học hành mới gạn lọc đi những điều dở, còn lại những điều hay để lại cho chúng ta qua ba điều luật cho oanh vũ và đã chọn ra được khẩu hiệu “tinh tấn” cho tổ chức, để chúng ta qua khẩu hiệu đó mà biến ba điều luật oanh vũ trở thành đời sống. Qua khẩu hiệu “tinh tấn”, ba điều luật của oanh vũ không còn là lý thuyết hay mà trở thành đời sống đẹp, đời sống hữu ích cho mình, cho người, cho muôn vật, cho đời này và đời sau.

Cho nên, đối với các em oanh vũ, chúng ta không cần nói gì với các em cao siêu, vì sao? Vì các em thích thực tế; các em thích những gì mà các em có thể sử dụng được ngay trước mắt. Nên, ta phải dạy cho các em ba điều luật ấy để các em có thể sử dụng được ngay chính trong đời sống của các em. Điều tối kỵ nhất là đối với người trẻ mà nhất là các em oanh vũ, không nên nói và làm những gì thiếu thực tế đối với chúng.

Hạnh tinh tấn của ngành thiếu

Hạnh tinh tấn của ngành thiếu tổ chức GĐPT, có ý nghĩa như thế nào, thực tế của nó ở đâu?

Hạnh tinh tấn của ngành thiếu GĐPT là biết cách nhìn đóa sen trắng nở ra từ bùn mà không bị chất ô nhiễm của bùn làm cho nhiễm ô. Người thiếu nam, thiếu nữ của GĐPT phải học cách nhìn để nhìn thấy sen trắng và biết học cách ứng xử của sen trắng đối với bùn, nhằm tinh tấn “để sửa mình ngày thêm tinh khiết…”. Ấy là ý nghĩa tinh tấn và thực tế của ý nghĩa này trong ngành thiếu của Tổ chức GĐPT.

Năm tính chất hay năm điều luật tạo thành sen trắng của Tổ chức GĐPT Việt Nam, qua hạnh tinh tấn của các đoàn sinh.

Điều một: “Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện”.

Phật tử thực hành quy y Phật Pháp Tăng mỗi ngày, phải nương tự Phật Pháp Tăng mỗi ngày. Mỗi buổi sáng mở mắt ra là mình phải nghĩ tới việc nương tựa Phật Pháp Tăng ở trong ngày, để ngày ngày mình có một điểm tựa, mình có một chỗ để nương tựa. Mỗi tối trước khi đi ngủ, cũng nghĩ tới nương tựa Phật Pháp Tăng, để mình có một giấc ngủ bình an. Và ngủ dậy mình phải luôn luôn nhớ đến giới luật mà mình đã phát nguyện hành trì, vào buổi tối trước khi đi ngủ, mình ngồi yên lặng để xem thử trong ngày này, những giới luật của mình có điều gì không hoàn thành không? Nếu thấy không hoàn thành, thì mình phải tự điều chỉnh lấy cái tâm mình, điều chỉnh lại hành động của mình cho hoàn thành. Mình lên trước bàn Phật thắp hương, vái ba vái và thưa với Tam bảo rằng: “Ngày hôm nay, tâm con có những ý nghĩ không lành mạnh, con có những ý nghĩ sai về người này người kia, miệng con nói những lời không chuẩn mực, khiến cho người này buồn, người kia buồn. Con có những cử chỉ tuy không nặng nề, nhưng thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, khiến cho người khác khó chịu, khiến cho người ta thấy sự có mặt của con họ không vui”.

Nếu chúng ta tinh tấn thực tập: “Quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện” hàng ngày như vậy, khiến cho đời sống của ta, mỗi ngày mỗi hoàn hảo ở trong Phật Pháp Tăng và ở trong giới luật.

Cho nên, nếu ta nói: “Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện”, nhưng trong đời sống thiếu hạnh tinh tấn thì Phật đi đường Phật, mình đi đường mình; Pháp đi đường Pháp mình đi đường mình; Tăng đi đường Tăng; mình đi đường mình; Giới đi đường giới, mình đi đường mình. Nghĩa là Phật Pháp Tăng và Giới, vẫn đi trên con đường cao thượng, mà mình thì vẫn đi trên con đường sinh tử theo thói quen của tham dục. Miệng thì nói Phật Pháp Tăng và Giới, nhưng tâm cứ đi theo thói quen tham dục, cho nên mình đi chùa, đi GĐPT đến mấy đi nữa, thì cũng không thành Phật tử, cũng không giải thoát được sinh tử đâu.

Cho nên, khổ đau hay tổ chức suy yếu, mình không trách ai cả, chỉ trách là trong đời sống tâm linh, mình thiếu hạnh tinh tấn đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng và đối với Giới.

Một thiếu nam, một thiếu nữ GĐPT, thực hành Tinh tấn là tinh tấn đối với cái gì? Ấy là nỗ lực biến điều luật thứ nhất: “Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện”, trở thành đời sống. Cho nên, hạnh tinh tấn có nghĩa là nỗ lực, tinh tấn, cần hành, biến lời Đức Phật dạy trở thành đời sống của chính mình. Cho nên, Archimedes (Khoảng 287 – 212 TCN), một nhà Toán học thời Hy Lạp cổ đại nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa và tôi sẽ nhắc bổng cả Trái đất”.

Như vậy, người đệ tử Phật của chúng ta không phải chỉ có một điểm tựa, mà có đến bốn điểm nương tựa. Nương tựa Phật, tựa vào Pháp, nương tựa Tăng, nương tựa Giới. Ông Archimedes đã nói chỉ cần một điểm tựa thôi mà ông đã nhắc hỏng cả Trái đất, người đệ tử Phật của chúng ta có đến bốn điểm tựa thì sức mạnh của chúng ta đến cỡ nào? Do đó, mình phải nỗ lực để biến bốn điểm tựa đó trở thành đời sống của mình.

Người đệ tử Phật nương tựa vào tuệ giác của Phật để biến tuệ giác của Phật trở thành tuệ giác của chính mình; tựa vào tính chất bất sinh bất diệt của Pháp để biến tính chất bất sinh bất diệt của Pháp thành bằng tính chất bất sinh bất diệt ở trong đời sống của chính mình; tựa vào Tăng để biến tính chất thanh tịnh và hòa hợp của Tăng trở thành đời sống, nếp sống của chính mình; tựa vào Giới là để biến sự giải thoát, sự cao thượng của Giới trở thành thành đời sống của chính mình.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, điều luật thứ nhất của ngành thiếu GĐPT cho chúng ta bốn điểm tựa, và bốn điểm tựa đó chỉ có giá trị, và trở thành hiện thực khi nào chúng ta thực hành hạnh Tinh tấn. Qua hạnh tinh tấn, chúng ta biến bốn điểm tựa ấy trở thành đời sống của chính mình. Đi đâu chúng ta cũng tựa vào bốn điểm tựa ấy để đi; ngồi đâu chúng ta cũng tựa vào bốn điểm tựa ấy để ngồi; ăn cái gì thì chúng ta cũng tựa vào bốn điểm tựa ấy để ăn; xử sự với mọi người điều gì, thì chúng ta cũng dựa vào bốn điểm tựa ấy mà xử sự.

Khi chúng ta đã dựa vào bốn điểm tựa ấy mà sống, mà xử sự, mà hoạt động, thì không còn bị bất cứ một ai, một cái gì có thể làm lay động niềm tin của chúng ta và không có bất cứ một cái gì có thể làm lay chuyển lý tưởng và mục đích của chúng ta.
Như vậy, đại chúng có thấy điều luật đầu tiên của ngành thiếu GĐPT có hay không? Cho nên, Phật tử chúng ta phải thực hành hạnh tinh tấn mỗi ngày. Qua hạnh tinh tấn, người Phật tử biến cái đẹp lý tưởng trở thành cái đẹp thực tế.

Cho nên, chúng ta phải biết rằng khẩu hiệu Tinh tấn của GĐPT là thực tế mà không phải là thực dụng. Người sống thực dụng là người sống chỉ biết hưởng thụ và bám lấy ảo ảnh của hiện tại, nên họ không có tâm hiếu kính cha mẹ, tổ tiên ông bà, không có tâm thương người và vật, người sống thực dụng rất dễ rơi vào tình trạng vô ân, “ăn cháo đá bát”. Người sống thực tế là người không hoang tưởng, họ sống có sự thấu hiểu căn nguyên, gốc rễ của mọi vấn đề và nỗ lực biến cái đẹp trở thành thực tế và họ sống với cái thực tế ấy. Từ nơi thực tế mà họ vươn lên.
Như vậy, Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện là những điểm tựa thực tế và từ nơi những điểm tựa thực tế đó, họ vươn lên bằng hạnh tinh tấn của họ.

Điều thứ 2: “Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống”.
Thương là phải hành động, thương là phải thực tế. Cái giúp biến tình thương trở thành hành động, trở thành thực tế là cái tinh tấn. Con thương thầy quá, nhưng thầy đau kệ thì con đành chịu thôi, chỉ gọi điện thăm thầy thôi đó là cái tình thương thiếu thực tế, tình thương thiếu tinh tấn. Nếu tình thương có thực tế thì xa mấy cũng thành gần, khó khăn đến mấy cũng trở thành thuận lợi. Nhưng, nếu ta thương mà không đi tới với nhau được, không cùng nhau hiện hữu được, thì đó là tình thương thiếu thực tế. Thực tế của tình thương giúp ta vượt qua mọi khó khăn và sợ hãi. Thực tế của tình thương được nuôi dưỡng bằng chất liệu tinh tấn. Nhờ có tinh tấn, ta mới có khả năng biến tình thương trở thành hành động, biến lý tưởng trở thành thực tế.

Thương là hy sinh. Tôi thương tổ chức của tôi, nghĩa là tôi sẵn sáng hy sinh thân mạng này cho tổ chức của tôi. Lịch sử Phật giáo và lịch sử nhân loại đã chứng minh cho những sự hy sinh này.

Không có tình thương sẽ không có hành động tôn trọng và bảo vệ sự sống. Sự sống của con người, của muôn vật chỉ được tôn trọng và bảo vệ bởi tình thương.

Điều thứ 3: “Phật tử trau dồi trí tuệ và tôn trọng sư thật”.
Nếu không có tinh tấn thì ta sẽ không bao giờ có khả năng trau dồiđược trí tuệ. Mình học bỏ mứa, mình trau dồi nửa vời thì không bao giờ có được cái trí tuệ tinh xảo, không có một trí tuệ sắc bén để quyết đoán mọi vấn đề bằng trực giác. Hiểu thì ai cũng có thể hiểu, nhưng trau dồi cái hiểu đó đến chỗ tinh tế, đến chỗ sâu thẳm thì cần phải có Tinh tấn.

Chùa Phước Duyên trong những ngày mưa lớn bị dột, từ trên nóc dột xuống, tôi gọi anh thợ Cả và bảo anh lợp mà sao chùa lại bị dột. Anh thợ Cả trả lời: “Dạ, con lợp, nhưng chưa trau”. Nghĩa là anh ta mới lợp phần thô bên ngoài thôi, chưa trau láng, nên mưa xuống là bị dột. Điều ấy cho ta biết rằng, làm bất cứ điều gì cũng cần phải trau dồi mới bền vững. Trí tuệ không trau dồi để trở thành thuần thục, thì nó sẽ biến mất khi bị chướng duyên. Không có trí tuệ thì không biết sự thật để tôn trọng. Biết tôn trọng sự thật là nhờ có trí tuệ. Có trí tuệ là nhờ biết trau dồi, nhờ có tinh tấn.

Nên, điều thứ ba của tổ chức GĐPT là trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật. Trau dồi là cách diễn đạt khác của tinh tấn. Cái đẹp đã có, thì nỗ lực cho nó tinh, tinh rồi thì phải làm cho nó sâu. Con người có trí thức căn bản rồi, thì phải trau dồi cái trí thức ấy đến chỗ tinh tế, đến chỗ nhuần nhuyễn, thì mới nhìn thấy được sự thật của mọi vấn đề. Khi nhìn thấy được sự thật của mọi vấn đề thì mình mới tôn trọng sự thật đó và đem sự thật đó hiến tặng cho đời, nói lên được sự thật đó dưới nhiều góc cạnh khác nhau, dưới nhiều phương diện khác nhau để giúp cho người đời hiểu được sự thật.

Trí tuệ chúng sanh ai cũng có, Phật tính chúng sanh ai cũng có nhưng Phật tính đó đang còn bị cái bụi phiền não che khuất, cái tham dục trói buộc. Người Phật tử trau dồi trí tuệ, có nghĩa là nỗ lực làm cho tất cả bụi bặm bám nơi Phật tính của mình nó tan ra, để cho Phật tính nơi mình sáng lên, để cho cái trí tuệ nơi mình nó sáng lên. Không có Tinh tấn thì lấy cái gì mà trau dồi trí tuệ, mà tôn trọng sự thật? Biết sự thật nằm ở đâu mà tôn trọng? Ta biết được sự thật là nhờ vào trí tuệ, vậy trí tuệ do đâu mà có được? Do sự trau dồi, trau dồi Giới, trau dồi Định, trau dồi Tuệ, từ đó trí tuệ sinh ra.

Cho nên, mình phải trau dồi trí tuệ để biết được sự thât của đạo đức nằm ở đâu, sự thật nhân cách của mình nằm ở đâu, sự thật vai trò lãnh đạo của mình nằm ở đâu? Biết được tất cả sự thật ấy đều là nhờ trí tuệ.

Điều thứ 4: “Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm”. Tinh tấn có nghĩa là trau dồi. Trong đời sống, nếu ta không trau dồi, không tinh tấn, thì ta không bao giờ chuyển đổi cái nhớp thành cái sạch. Chuyển đổi cái thấp kém thành cái thanh cao. Bởi vì mình từ vô lượng kiếp đến nay ta phần nhiều sống trong vô minh tham dục, sống trong phiền não loạn tâm. Nếu trong đời này, ta không tinh tấn để mà trau dồi biến những cái ô nhiễm trở thành thanh tịnh, thì làm gì mà có sự trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm được.
Tâm mình còn tham sân si, chấp ngã là còn nhớp. Nên, nếu mình tu tập mà thiếu trau dồi, thiếu tinh tấn thì cái nhớp của tâm không thể nào sạch được. Hễ còn ăn là còn nhớp, còn uống là còn nhớp. Dù là ăn chay, hễ còn ăn là còn nhớp, còn uống là còn nhớp, mà còn nói là còn nhớp. Cho nên, phải ăn như thế nào để làm thay đổi cái nhớp đó thành ra cái sạch, uống như thế nào để cái nhớp bớt lại, cái sạch tăng lên, và nói như thế nào để trong lời nói, cái nhớp bớt lại, cái sạch trong lời nói được tăng lên.

Nên, thực hành điều luật “Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần từ lời nói đến việc làm”, không phải là chuyện dễ dàng đối với chúng ta. Mình sinh ra trong thế giới này là do nghiệp lực thiện ác của nhiều đời, mượn tinh cha, huyết mẹ phối hợp mà thành hình hài này… lớn lên trong môi trường xấu nhiều hơn tốt, ác nhiều hơn thiện, lại nuôi thân thể bằng máu thịt của chúng sinh, nên “sống trong sạch từ thể chất đến tính thần, từ lời nói đến việc làm” là quá khó.

Tuy nhiên, “sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm” là ước nguyện của người Phật tử. Nhưng, muốn ước nguyện này trở thành hiện thực, thì phải tinh tấn.

Cho nên, phải tinh tấn mỗi ngày để bỏ cái xấu, cái ác, làm cái đẹp, cái thiện; phải nỗ lực bỏ lời nói đâm thọc, chê bai, chỉ trích, châm biếm, người khác mỗi ngày, để lời nói của mình mỗi ngày đều trở nên trong sạch. Phải nỗ lực loại bỏ tâm tham ăn cá thịt mỗi ngày, để mỗi ngày tâm ta lớn trong từ bi, lớn lên trong sự biết ơn mọi người và muôn loài. Người Phật tử chúng ta phải thực tập cái sạch ngay trong cái nhớp. Nếu chúng ta thực tập cái sạch ngay trong cái sạch, thì không còn gì để nói hay sống với cái nhớp ở trong cái nhớp, thì cũng không có gì nữa để nói, nhưng điều đáng nói, đáng ca ngợi là chúng ta nỗ lực sống trong sạch ngay nơi cái nhớp; chúng ta phải thực tập sự hoàn hảo ngay nơi đời sống không hoàn hảo. Chúng ta phải biết thực tập sự hoàn hảo ngay nơi môi trường không hoàn hảo; chúng ta phải biết trau dồi trí tuệ ngay nơi môi trường kém thông minh, kém hiểu biết.

Nhờ biết trau dồi trí tuệ mọi lúc, mọi nơi, nên ở đâu và lúc nào chúng ta cũng có khả năng gạn đục khơi trong, để có thể biến ước nguyện “sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần từ lời nói đến việc làm”, trở thành hiện thực, từ nhất phần, đến thiểu phần, bán phần, đa phần đến toàn phần.

Cho nên, muốn biến điều luật này trở thành hiện thực, chúng ta phải thực hành tinh tấn. Tinh tấn ngay nơi việc ăn uống, nói, làm và suy nghĩ của chúng ta.

Điều thứ 5: “Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo”.
Không có hỷ xả là không có tinh tấn. Cho nên, chúng ta muốn đi tới, muốn tiến bộ thì phải thực hành hỷ xả. Nếu một người mang nặng, thì không thể đi xa nổi. Một người đi xa nổi là người không mang bất cứ cái gì nặng. Người Phật tử sống xả là vì trong xả có hỷ. Xả mà không có hỷ thì xả không thể tồn tại lâu dài. Muốn có hỷ xả lâu dài, thì phải có tinh tấn. Nhờ có tinh tấn, ta mới có hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

Cho nên, mình tu tập phải có niềm vui, nếu tu tập mà không có niềm vui, thì sự tu tập không bao giờ tiến bộ. Trái với hỷ xả là cố chấp. Tu tập mà cố chấp thì không bao giờ tiến bộ.
Như vậy, chúng ta thấy khẩu hiệu “tinh tấn” của GĐPT Việt Nam không phải chỉ dừng lại ở nơi pháp học mà chính nó là pháp hành.

Hạnh tinh tấn của các cấp Tập, Tín, Tấn Dũng.

Tôi đã nói đến hạnh tinh tấn của oanh vũ, hạnh tinh tấn của ngành thiếu, bây giờ tôi nói hạnh tinh tấn của cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn, cấp Dũng. Những huynh trưởng thọ những cấp này là nhận lấy những trách nhiệm suy thịnh đối với tổ chức. Những huynh trưởng mang vào trong mình những cấp này, chính họ phải thấy lý tưởng tổ chức GĐPT đẹp chỗ nào, cao quý chỗ nào, có lợi ích chỗ nào mình và cho mọi người, cho Phật giáo và cho xã hội, và mỗi khi đã thấy những gì tốt đẹp và lợi ích từ chỗ chức này thì họ phải nỗ lực học để duy trì và phát triển tổ chức, và nhận trách nhiệm mà tổ chức giao phó theo cấp của mình.

Huynh trưởng cấp Tập với hạnh tinh tấn.

Hạnh tinh tấn của người huynh trưởng cấp Tập là làm gì? Một huynh trưởng mang cấp này, họ phải nỗ lực làm thế nào hoàn thành trách nhiệm với cương vị là đoàn trưởng hay đoàn phó của trong một đơn vị Gia Đình Phật Tử. Họ phải chịu trách nhiệm thịnh suy của một đoàn ở trong đơn vị Gia đình; họ phải nỗ lực phát triển đoàn của mình đi đúng hướng, đúng mục đích của tổ chức. Chứ nếu huynh trưởng cầm đoàn lúc đầu có 30 người, bây giờ còn 10 người thì không phải là một huynh trưởng cấp Tập thực hành tinh tấn. Làm vị huynh trưởng đảm nhiệm đoàn trưởng, đoàn phó, thì ngày mai sinh hoạt, tối nay gọi điện cho đoàn sinh của mình để nhắc nhở và nắm lấy số lượng đoàn sinh của mình, để biết được đoàn sinh của mình ngày mai có bao nhiêu đoàn sinh tham dự và bao nhiêu đoàn sinh không thể tham dự, vì những lý do của họ và nỗ lực giúp các em tháo gỡ những vướng mắc để các em có thể đến sinh hoạt được với gia đình, đó là một huynh trưởng đang thực hành hạnh tinh tấn. Đó là sự thực hành tinh tấn của một huynh trưởng cấp Tập. Thiếu sự tinh tấn này thì đoàn sinh càng ngày càng suy yếu.

Một huynh trưởng làm gia trưởng thì cũng phải biết vai trò gia trưởng của mình. Ấy là gạch nối giữa khuôn hội và gia đình. Cho nên, mỗi khi có mâu thuẫn giữa khuôn hội với gia đình thì bác gia trưởng hãy tìm cách để hóa giải và phải nỗ lực hóa giải cho bằng được, bằng cách này hay cách khác. Đó là sự thực hành tinh tấn của một bác gia trưởng ở trong tổ chức. Nếu bác gia trưởng thấy rằng mình hóa giải không được mà phải cần phải nhờ anh A, anh B, anh C mới giúp được sự hóa giải này thì babs gia trưởng phải nỗ lực nhờ anh A, anh B, anh C giúp mình làm công việc hóa giải ấy. Bởi biết mình nói không có hiệu quả thì phải nhờ người nói có hiệu quả giúp mình.

Bởi vậy, ngày xưa đức Phật không phải chỗ nào Ngài cũng đến để thuyết pháp, có những vùng Ngài bảo Tôn giả A Nan đi, có những vùng Ngài bảo Tôn giả Ca Diếp đi, có những vùng Ngài bảo Tôn giả Tu Bồ Đề đi, có những vùng Ngài bảo Tôn giả Xá Lợi Phất đi… Vì Ngài biết các Tôn giả ấy có nhân duyên với những vùng ấy, nên đến đó thuyết pháp có hiệu quả hơn.

Cho nên, có những trường hợp bác Gia trưởng không giải quyết mà nhờ anh Liên đoàn trưởng giải quyết và có những trường hợp anh Liên đoàn trưởng không giải quyết mà phải nhờ đến anh Đoàn trưởng giải quyết, chứ không phải việc gì mình cũng nhúng tay vào để giải quyết. Cho nên, thực hành hạnh tinh tấn của một huynh trưởng cấp Tập hay của một bác Gia trưởng rất là linh hoạt và sống động, nhờ vậy mà duy trì và phát triển được tổ chức của mình.

Huynh trưởng cấp Tín với hạnh tinh tấn.

Người huynh trưởng cấp Tín phải thực hành hạnh tinh tấn như thế nào? Có phải trong nội quy và Quy chế GĐPT, quy định cấp Tín là chịu thịnh suy của một đơn vị phải không? Một huynh trưởng cấp Tín, một Liên đoàn trưởng, chịu trách nhiệm cho sự thịnh suy của một đơn vị Gia Đính Phật Tử. Như vậy, đối với sinh hoạt của đơn vị, vị huynh trưởng cấp Tín phải nỗ lực thường xuyên chăm sóc tinh thần tu học và sinh hoạt của các Đoàn trưởng. Vị Liên đoàn trưởng phải đi sát với các Đoàn trưởng trong mọi sinh hoạt của Đơn vị, để biết những gì thuận lợi và khó khăn của các đoàn, nhằm kịp thời giải quyết và yểm trợ, khiến những gì chưa hoàn hảo thì kịp thời hoàn hảo, những gì đã hoàn hảo thì kịp thời phát triển, để đẩy lùi cái suy và phát triển cái thịnh đúng hướng. Phát triển tổ chức đúng hướng là phải phát triển trên nền tảng tự lực. Muốn tự lực phát triển phải có nội lực. Nội lực không có, thì không thể nào có tự lực. Nếu một tổ chức phát triển ngoài nội lực là một sự phát triển khá nguy hiểm vì không bao lâu, nó sẽ bị mất hướng. Nên, một huynh trưởng cấp Tín phải nỗ lực để có nội lực, trước khi tự lực và nhận lấy trách nhiệm đối với tổ chức.

Huynh trưởng cấp Tấn với hạnh Tinh tấn.

Hạnh tinh tấn của huynh trưởng cấp Tấn là chịu thịnh suy tổ chức GĐPT của một tỉnh. Một người làm huynh trưởng cấp Tấn phải luôn luôn xem xét sự phát triển nội lực của mình và hỗ trợ các huynh trưởng cấp Tín phát huy nội lực qua những trải nghiệm của chính mình.

Một huynh trưởng cấp Tấn, thì không bị sinh hoạt hạn chế trong một đơn vị mà bất cứ đơn vị nào trong tỉnh vị huynh trưởng này đều có thể đến sinh hoạt và yểm trợ để phát triển, nhất là những đơn vị yếu, những đơn vị mới thành lập. Đó là hạnh tinh tấn của một huynh trưởng cấp Tấn. Đó là trách nhiệm thiêng liêng mà một huynh trưởng cấp Tấn đã phát thệ, phát nguyện trước Tam Bảo, và đã được chư Tôn đức Tăng cũng như tổ chức đã xác nhận cho mình.

Anh Vũ là một huynh trưởng cấp Tấn đại diện cho BHD TW tại miền Vạn Hạnh, thì anh phải biết làm gì cho GĐPT miền Vạn Hạnh này. Vai trò một huynh trưởng cấp Tấn đại diện Miền phải thực sự có nội lực và phải tinh tấn, phải nỗ lực thường xuyên tạo ra nội lực cho chính mình và đủ khả năng chia sẻ nội lực của mình đến những huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT trong một Miền.

Ở thế gian này, không có hoàn cảnh nào thuận lợi cho sự tu học hết, ngay cả những người chạy theo thế gian để sống vẫn không có thuận lợi, huống gì những người tu tập. Tuy nhiên, ngay nơi những điều không thuận lợi của thế gian, người biết tu tập, họ lập nguyện, lập hạnh bằng sự xả kỷ, bằng tình thương để nuôi dưỡng và phát huy nội lực, nhằm chia sẻ tình thương và trí tuệ cho người đời qua sự tinh tấn của chính mình.

Ngày trước anh La Thành Tỵ, anh Võ Tấn Sáu, khi nhận vai trò đại diện Miền Vạn Hạnh, các anh từ Quảng Nam, Đà Nẵng thỉnh thoảng tự đi xe Honda ra chùa Phước Duyên gặp tôi để tham khảo Phật sự cho tổ chức, nếu các anh không thực hành hạnh tinh tấn thì không thể làm nổi. Các anh phần nhiều tự mình nỗ lực để đóng góp cho sự tồn tại của tổ chức, chứ có ai trả tiền lương cho các anh đâu. Dù không ai trả tiền lương, nhưng các anh vẫn tinh tấn, vẫn nỗ lực làm theo tinh thần và trách nhiệm của người huynh trưởng cấp Tấn đã phát thệ nguyện trước Tam bảo, trước tổ chức.

Nói như vậy, để chúng ta biết rằng, trong đời sống của một huynh trưởng thiếu hạnh tinh tấn thì ta không làm được gì cho bản thân, chứ nói gì đến tổ chức. Nhưng, nếu có hạnh tinh tấn, thì tổ chức chưa có, nỗ lực làm cho có và đã có rồi thì nỗ lực làm cho phát triển. Điều này, không những ở trong nước mà cả nước ngoài, các huynh trưởng GĐPT có hành tinh tấn, thì trước sau gì, nơi vùng đất họ đến, nơi chỗ họ ở, cũng sẽ có một đơn vị GĐPT ra đời và phát triển. Các anh chị em huynh trưởng GĐPT đi ra nước ngoài nhờ thực hạnh tinh tấn mà ngày nay tổ chức Áo Lam có mặt khắp trên thế giới và đã có một tổ chức Áo Lam toàn cầu. Những thành quả ấy là từ nơi hạnh tinh tấn của một huynh trưởng GĐPT tạo nên.

Huynh trưởng cấp Dũng với hạnh tinh tấn.

Một huynh trưởng cấp Dũng thì thực hành tinh tấn như thế nào? Một Huynh trưởng cấp Dũng, chịu thịnh suy của tổ chức GĐPT mang tính quốc gia, nên thực hành hạnh tinh tấn của họ cũng mang tính quốc gia. Và Hội đồng cấp Dũng thực hành hạnh tinh tấn mang tính xuyên quốc gia. Như vậy, nội lực của một huynh trưởng cấp Dũng không phải chỉ đủ năng lực đáp ứng cho một tỉnh mà cho tổ chức GĐPT của cả một quốc gia. Hội đồng huynh trưởng cấp Dũng phải có nội lực liên kết trong sự thanh tịnh và hòa hợp để đáp ứng cho sự tồn tại và phát triển của GĐPT xuyên quốc gia.

Một huynh trưởng trách nhiệm càng cao, thì nội lực nơi họ càng phong phú, tinh anh nơi họ phải càng nhiều; trí tuệ nơi họ càng sắc bén, chiến lược nơi họ càng giỏi, chiến thuật nơi họ càng tài, chứ không phải làm một huynh trưởng cấp Dũng, chịu thịnh suy của tổ chức GĐPT mang tính quốc gia, mang tính xuyên quốc gia mà cơm dọn lên ăn không được, đi họp không nổi… thì làm sao chịu nổi những khó khăn của GĐPT mang tính quốc gia và quốc tế, để duy trì tổ chức và phát triển tổ chức.

Nếu một huynh trưởng cấp Dũng thiếu nội lực, thiếu năng lực là thiếu thực tế, nên không thể thực hiện được trách nhiệm của mình do tổ chức giáo phó. Danh xưng không phù hợp với thực tế, đó là đầu mối của mọi sự bất cập và suy thoái.

Một huynh trưởng phải có nội lực mang tầm quốc gia và toàn cầu, tạo thành lực hút để các hành tinh chung quanh và về thế giới quay về nương tựa.

Một huynh trưởng phải có nội lực thực sự để các huynh trưởng cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn đồng hướng về và hỗ trợ. Dù đi không nổi, nhưng nội lực tinh tấn của mình vẫn tỏa sáng, tạo thành lực hút để tất cả các tiểu hành tinh quay chung quanh mình. Đó là thực hành hạnh tinh tấn của một huynh trưởng cấp Dũng.
Cho nên những huynh trưởng cấp Dũng thì phải biết vai trò của mình là gì, mình phải làm gì cho tổ chức. Đó là điểm để cho tất cả các điểm quay về, đó là vệ tinh để cho tất cả vệ tinh truyền tới và vận hành.

Như vậy, sáng nay tôi nói về Tinh tấn, về khẩu hiệu của GĐPT. Có mấy vấn đề tôi đã nói gồm: vấn đề thứ nhất là của ngành oanh, vấn đề thứ hai là của ngành thiếu, vấn đề thứ ba là của huynh trưởng các cấp. Nếu mình thiếu tinh tấn, mình không làm nổi. Thiếu tinh tấn, có tài giỏi và thông minh đến mấy cũng không làm nổi.

Ngay cả ông thợ Cả của nhóm thợ nề, ông phải có hạnh tinh tấn ông mới làm thợ Cả nổi. Các vị thợ chính và phụ làm hết giờ họ ra về, nhưng ông thợ Cả phải xem xét công việc từng chút, từng chút cho hoàn chỉnh trước khi ông rời hiện trường xây dựng. Thợ chính và phụ đi về rồi, còn ông về sau hết để kiểm tra lại những công việc mà thợ chính và phụ đã làm; ông phải kiểm tra đồ đạc, dọn dẹp vào một phòng riêng để ngày mai lại đến làm, xi măng chưa hốt hết thì ông phải đi hốt cất đặt đâu ra đó mới rời hiện trường. Có làm như vậy mới là cái nết của ông thợ Cả.

Ở trong ngôi nhà mà làm ăn nên nổi là nhờ cái nết của ông thợ Cả. Nếu ông thợ Cả có tài, nhưng không có nết, dù ông làm xong ngôi nhà rất đẹp, nhưng người ở trong ngôi nhà ấy thì làm ăn ngày càng bị tuột dốc. Cho nên con người sống và làm việc là nhờ vào cái nết mà ông thợ làm nên danh phận cũng nhờ cái nết, mà làm thầy cũng nhờ cái nết. Có những vị thầy cúng hay giọng lưỡi rất tốt, nhưng không có nết, nên khi cúng xong thì nhà của thì nhà của tín chủ tan tành, vợ chồng ly biệt, con cái hư hỏng, làm ăn càng ngày càng lao xuống dốc. Nhưng lại có những vị thầy cúng không hay, âm thanh không tốt, thế mà có mặt ở đâu, ở gia đình nào, thì ở gia đình đó yên ổn, có mặt ở gia đình nào thì gia đình đó làm ăn phát đạt, những thành đạt ấy là nhờ cái nết của ông thầy. Ca dao Việt Nam nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Ấy là câu nói đầy trải nghiệm của các bậc tiền nhân của chúng ta.

Người huynh trưởng các cấp cũng vậy, họ làm tròn và hoàn thành trách nhiệm đối với tổ chức được là nhờ cái nết, cái hạnh của họ. Một huynh trưởng sống thiếu nết, thiếu hạnh, thì dù tài năng đến mấy cũng không duy trì và phát triển được tổ chức.

Người huynh trưởng cấp Dũng là người mà tổ chức cần đến cái nết, cái hạnh, cái đức sáng lên của vị ấy hơn là cần đến tài năng. Vì tài năng nhiều người có thể giúp mình được, nhưng cái nết, cái hạnh, cái đức thì tự thân mỗi người phải tinh tấn, phải nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy ngay ở nơi tâm đức của mình, chứ không ai có thể giúp được mình điều này.

Người huynh trưởng cấp Dũng của tổ chức GĐPT là người được đề cao bằng đức hạnh chân thật mà suốt đời người ấy cần mẫn, hy sinh, tận tụy với tổ chức, không nề gian lao, không nản khó nhọc, một mặt kiên trinh đi tới bằng công hạnh hạnh tinh tấn của mình “cho đến khi được tày sen ngát”.

Thưa Đại chúng!

Với bài pháp thoại này, rất mong quý vị chiêm nghiệm và ứng dụng cho cả gia đình, xã hội, chứ không phải chỉ ở trong tổ chức GĐPT.

Đệ tử Nguyên Dung và Tâm Ý kính phiên tả.

Bài khác nên xem

Kinh báo hiếu

datthinh

HĐXH : Bổn phận đối với mọi người

datthinh

Tập hát cho Đàn

datthinh