Tìm Hiểu Về Mạn Đà La Cát


Tìm hiểu
về Mạn Đà La Cát


Các Mạn Đà La có thể được làm từ các loại đá quý, hoa, gạo khô, đá màu hay cát màu. Trường hợp cát, thường được tạo ra từ việc nghiền các viên đá quý và được xem như là vật liệu có hiệu lực nhất bởi vì có các chất liệu quý đòi hỏi kỹ năng rất khéo léo để tạo nên các Mạn Đà La có các chi tiết tuyệt hảo. Do mỗi hạt cát được nạp bởi các phúc lành của tiến trình lễ nên toàn thể Mạn Đà La cát biểu hiện một kho chứa khổng lồ của năng lực tinh thần. Nhìn một cách tổng quát, người ta dễ dàng nhận ra các Mạn Đà La cát đều được đặt trong các khuôn nền hình vuông. Toàn bộ nội dung chính của nó lại giới hạn trong một hình tròn lớn, nối tiếp trong đó sẽ là các lớp dạng vuông hay tròn đồng tâm trên mỗi lớp sẽ có các hình biểu tượng khác nhau. Tùy theo đặc tính của từng Mạn Đà La sẽ có các biểu tượng đặc trưng riêng. * Mạn Đà La có bốn cổng bao bọc bởi tường thành hình vuông. Các cổng thường có hình thú giữ cổng. Các hướng đều có biểu thị bằng màu sắc riêng. * Hình trung tâm là một hoa sen lớn với 8 cánh đi về 8 phương hướng chính. Mỗi cánh sen có thể biểu tượng cho một vị Hộ Phật thiền định. Có thể là hình hay các âm tiết chữ Phạn. Hoặc chỉ có 4 hướng Đông Tây Nam Bắc là có biểu tượng Phật. * Vành đai hay vòng trong cùng của tâm là ảnh hình tượng của Phật hay của biểu tượng Phật

* Các vành đai hay vòng tròn ngoài cùng, có thể có nhiều vành đai khác nhau chẳng hạn như: 1. Vành đai lớn nhất ngoài cùng thường thấy có 5 màu: Xanh dương, trắng, đỏ, vàng, và xanh lá cây được là các phần tử của lửa trí huệ (Fire of wisdom), vành đai này còn được gọi là Vành Đai Bảo Vệ Vĩ Đại (Great Protective Cicrle). 2. Vành đai tròn kế tiếp vào bên trong gọi là vành đai thành tố hư không có chứa một hàng rào kim cương chùy vàng đan cài vào nhau. 3. Vành đai thứ ba từ ngoài đếm vào được gọi là Vành Đai Nghĩa Địa làm từ các vành đai thành tố gió và vành đai thành tố lửa, có tài liệu nói rằng có 8 loại mồ chôn biểu tượng cho 8 trạng thái của ý thức mà hành giả phải vượt qua bao gồm ý thức về nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, bản ngã, và ý thức cơ sở. 4. Vành đai hoa sen biểu tượng cho lời nguyện. Nhiều Mạn Đà La không có vành đai các cánh sen này mà thay vào có thể là các vành đai thành tố nước, vành đai thành tố đất được cài đan với các biểu tượng khác. Các biểu tượng được cài đan vào có nhiều loại như là Bánh xe Pháp, các mẫu tự âm tiết Phạn hạt giống, sư tử 8 chân kéo cổ xe với hai vị Hộ Phật,… * Các ký hiệu biểu tượng khác một số trong chúng có thể là: – Kim cương: Vật rắn không thể gãy bể, trong sáng và phát toả mọi màu sắc là biểu tượng cho bản chất của tâm thức; –  Chuông: là vật giống cái, biểu tượng cho tính Không – sự mở không biên giới tạo chỗ cho trí huệ; – Kim cương chùy là vật giống đực, biểu tượng cho lòng từ bi vĩ đại, đem lại năng lực tỉnh thức không hư hoại. Biểu tượng này có thể có nguồn gốc từ thần sấm sét Ấn, sau đó chuyển sang dạng kim cương; –  Bánh xe Pháp: tượng trưng cho bát chánh đạo bao gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh  tinh tấn, Chánh niệm, và Chánh định; – Hoa sen: tượng trưng cho giáo huấn Phật hay Phật pháp, có gốc rễ từ trong bùn nhưng toả lớn hướng về phía ánh sáng và không bị bùn nhơ làm vẩn đục.  Hình chi tiết của một cổng (hướng Đông) và tường thành của cung điện Mạn Đà La. Tùy theo chủ đề, mỗi Mạn Đà La có thể có các chi tiết biểu tượng khác như trong hình cấu trúc Mạn Đà La về Lòng Từ Bi chẳng hạn. Ý nghĩa màu sắc: Nếu các hình và dạng hình học đều có biểu ý riêng thì màu sắc cũng có các ý nghĩa trong Mạn Đà La. Trong một Mạn Đà La thông thường, các góc tư của cung điện Mạn Đà La được chia thành các dạng tam giác vuông cân mỗi tam giác có một màu trong năm màu: trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây và xanh dương đậm. Mỗi màu liên hệ đến một vị trong năm vị Phật, ý nghĩa xa hơn là 5 màu này liên hệ tới 5 ảo tưởng của con người. Các ảo tưởng này ngăn trở bản tính chân thực của chúng ta, nhưng xuyên qua việc tu tập, chúng có thể được chuyển hóa thành trí huệ của 5 vị Phật tương ứng, đặc biệt là: * Trắng – Phật Đại Nhật (Vairocana): Ảo tưởng của vô minh trở nên trí huệ về thực tại; * Vàng – Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava): Ảo tưởng của danh vọng trở nên trí huệ về sự nhất thể; * Đỏ – Phật A-Di-Đà (Amitabha): Ảo tưởng của chấp thủ trở nên trí huệ về sự thấu suốt; * Xanh lá cây – Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi): Ảo tưởng của ganh tị trở nên trí huệ về sự thành tựu. * Xanh dương – Phật Bất Động hay Phật A súc (Akshobhya): Ảo tưởng của sân hận trở nên tấm gương như là trí huệ. Các Biểu Tượng từ Mạn Đà La: Mạn Đà La có nội dung phong phú về mặt biểu tượng liên quan tới nhiều khía cạnh của Phật Pháp và truyền thống. Một phần trong đó là nghệ thuật thiêng liêng nhằm truyền đạt các lời giảng huấn của Đức Phật bởi các Lạt Ma Tây Tạng.

Ngoài các ý nghĩa đã nêu trong các phần trên ta còn thấy: Vành đai lửa ngoài cùng biểu tượng cho một tiến trình (tâm thức) mà hành giả phải chuyển hóa để có thể đi vào các vùng thiêng liêng bên trong. Lửa đốt sạch vô minh. Các vành tiếp theo có đặc tính kim cương chùy (hay sấm sét) biểu thị cho sự bất khả phân hủy và sáng tỏ. Theo sau là 8 loại mồ chôn là 8 loại ý thức của con người trói buộc họ trong vòng luân hồi. Vòng hoa sen cuối (nếu có thường là 64 cánh) tượng trưng cho sự tái sinh. Cấu trúc vuông là cung điện trú ngụ của các vị Hộ Phật. Bốn cổng có thể có ý nghĩa khác nhau như là: Bốn ý tưởng vô biên của lòng tốt, từ bi, thiện cảm và xả bỏ;  Bốn hướng chính là các cung điện vuông là hình ảnh của các Hộ Phật cho mỗi hướng Đông Tây Nam Bắc và Trung Tâm. Mỗi vị Hộ Phật có năng lực tinh tấn để vượt qua các tội lỗi khác nhau như là vô minh, sân hận, tham dục. Trung tâm của Mạn Đà La là hình ảnh của Hộ Phật chính thường được đặt trên tâm điểm. Tâm điểm này tiêu biểu cho hạt giống hay trung tâm của vũ trụ không có kích thước.  Để biểu thị đặc tính vô thường, sau nhiều ngày, cát tạo nên Mạn Đà La sẽ bị quét thu dọn lại và thường theo truyền thống Tây Tạng là được đem đổ ra sông hay  biển để chú nguyện cho các chúng sinh sống dưới nước. Bên cạnh đó, một phần cát thiêng liêng đó được phân nhỏ cho những người đến chiêm bái và tham dự lễ hủy Mạn Đà La. Cát này đôi khi còn được đặt lên đầu người quá vãng, đặt trong quan tài trước khi địa táng hay hỏa táng, với lòng tin rằng sẽ giúp cho người ấy sớm đi tái sanh. Trước khi một vị Lạt Ma có thể được phép tham gia xây dựng một Mạn Đà La, người đó phải học trong một thời gian dài về nghệ thuật và triết học. Tất cả các Lạt Ma Tây Tạng đều được yêu cầu học về cách dựng các Mạn Đà La như là một phần của việc rèn luyện. Quá trình học có hai lớp bao gồm việc ghi nhớ các văn bản cho các tên, độ dài, và vị trí cửa các đường chuẩn dùng để xác định cấu trúc cơ bản của các Mạn Đà La cũng như là các kỹ thuật bằng tay để vẽ và rải dòng cát. Các văn bản này tuy vậy không miêu tả từng đường nét và cũng không chỉ rõ từng chi tiết của mỗi Mạn Đà La, mà đúng hơn nó được dùng như một ghi nhớ hướng dẫn để hoàn thành các dạng Mạn Đà La. Nội dung Mạn Đà La đặc biệt đều dựa vào các lời kinh. Việc thực hiện Mạn Đà La phải được thực tập lập đi lập lại để tạo dựng nó dưới sự hướng dẫn của các vị Lạt Ma có kinh nghiệm. Trường hợp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tại tự viện riêng Namgyal, chu kỳ học này kéo dài trong 3 năm. Tiến trình xây dựng Mạn Đà La sẽ đòi hỏi kiên trì làm việc trong nhiều ngày, có khi nhiều tuần lễ. Trong thời gian của tiến trình, mỗi sư nhận được hỗ trợ để cung cấp đủ cát màu trong khi vị chịu trọng trách tiếp tục làm việc trên các chi tiết đã được kẻ khung trên phần của mình. Công việc phải được tiến hành cực kỳ cẩn thận và chú tâm. Khi tiến hành, các Lạt Ma thực ra đang được truyền đạt các giảng huấn của Phật. Bởi vì Mạn Đà La chứa đựng các chỉ dạy của Phật để đạt tới giác ngộ, để thuần khiết hóa động cơ và để hoàn hảo công việc của họ nhằm cho phép những người chiêm bái  được thọ hưởng phước lợi.

Trích từ Thư Mục Mật Tông
Trang nhà Quảng Đức, www.quangduc.com

%name
%name
%name
%name

Bài khác nên xem

Kinh Công Đức Tắm Phật

phuocthanh

Thiền Sư Vạn Hạnh- vị Quốc Sư tài ba lỗi lạc

phuocthanh

Lễ Hội Rằm Tháng Giêng

phuocthanh