Hòa thượng Tâm Hướng pháp danh Nguyên Nguyện, hiệu Huyền Luận, thế danh Dương Xuân Đệ, đời thứ 44 dòng thiền Lâm Tế. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Quý Hợi (31/12/1923), tại làng Hương Cần, xã Hương Tồn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình thâm tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ Dương Xuân Ngô và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Đặng.
Hòa thượng là con thứ 6 trong một gia đình 7 anh chị em. Năm Ngài 10 tuổi thì Thân phụ đã sớm từ trần. Mẹ một mình tần tảo nuôi 7 người con dại. Cảnh gia đình như vậy đã gây một ấn tượng khá sâu đậm trong tâm trí Ngài. Mặc dù Ngài được Thúc phụ là cụ Tiến sĩ Dương Xuân Phán mến thương giáo dưỡng, dạy cho Ngài học chữ Nho từ khi lên 11 tuổi. Năm 16 tuổi, Ngài sớm nhận thức được thế sự là vô thường, cuộc đời là bể khổ, Ngài đã tự quyết định và xin phép Mẹ, các anh chị được vào chùa, xa rời thế tục.
Ngài đã đến chùa Vạn Phước thuộc thôn Bình An, xã Thủy Xuân vào ngày đầu tháng 9 năm Mậu Dần (23/10/1938) đảnh lễ xin xuất gia học đạo với Hòa thượng Giác Hạnh. Ngài được Hòa thượng Bổn sư truyền trao Sa-di thập giới.
Năm 1942, Ngài được tòng học ở Phật Học Đường Báo Quốc cho đến năm 1945 gặp chính biến, trường phải tạm thời gián đoạn. Với Ngài, những khi học tập ở trường cũng như thời gian đảm trách việc chùa, lúc nào Ngài cũng với tâm tinh cần không quản khó khăn cực nhọc, Ngài được các bậc Trưởng thượng rất thương yêu, chư pháp hữu huynh đệ đều quí mến. Bất cứ một công việc gì được giao phó Ngài cũng rất hoan hỉ, đem hết kỉnh tâm hầu Thầy mà chu tồn mọi sự, nên rất được Hòa thượng Bổn sư tin tưởng thương mến. Ngài đã là một chú Sa di đức hạnh, bên trong thì rất thúc liễm, bên ngồi thì vui hòa nhu thuận. Đến năm 1949 Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Hưng Khánh tỉnh Bình Định do ngài Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu, Hòa thượng Giác Hạnh làm Yết-ma, Hòa thượng Vĩnh Thừa làm Giáo thọ, giới đàn ấy được Hòa thượng Phước Huệ (Thập Tháp) Chứng minh đạo sư.
Năm 1954 Ngài được Hòa thượng Bổn sư cử làm Tri sự chùa Vạn Phước. Thời gian quản thủ việc chùa, Ngài đã cùng với Hòa thượng Bổn sư đảm nhận trọng trách Đại trùng tu chùa, kéo dài suốt 3 năm. Ngôi Vạn Phước trang nghiêm được khánh thành vào ngày 08-02 năm Đinh Dậu (1957).
Năm 1965, lúc Đại lão Hòa thượng Bổn sư của Ngài 85 tuổi đã tiến cử Ngài làm Trú trì chùa Vạn Phước, kế nhiệm trú trì củasư huynh là Hòa thượng Nguyên Quang tự Tâm Hảo hiệu Huyền Khánh đã viên tịch từ năm 1953.
Năm 1967, thể theo thỉnh nguyện khẩn thiết của chư Phật tử chùa Tuệ Quang tại Đô thành Sài Gòn, Đại lão Hòa thượng đã cử Ngài vào chăm lo Phật sự, hướng dẫn tín đồ ở chùa Tuệ Quang. Khi vào Sài Gòn, lúc ra Huế Ngài đã hai vai gánh nặng. Phụng hành giáo chỉ của Hòa thượng Bổn sư, Ngài đã từng bước tu sửa và đổi tên ngôi chùa Tuệ Quang thành chùa Vạn Đức năm 1967.
Sau đó, Ngài cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Bổn sư vào cử hành lễ an vị. Trong lễ này, tín đồ đệ tử của Đại lão Hòa thượng đến tham dự rất đông. Mọi người thấy ngôi chùa quá thấp với mái ngói cũ dột, nên đã phát tâm thỉnh cầu Đại lão Hòa thượng cho thành lập Ban Trùng tu. Đại lão Hòa thượng Bổn sư đã cử Ngài làm Trưởng ban Trùng tu.
Sau Tết Mậu Thân 1968, công cuộc trùng tu được tiến hành theo đồ án của Kiến trúc sư Nguyễn Kỳ thiết kế và Kỹ sư Nguyễn Tấn Thọ thực hiện. Sau 3 năm thi công, ngôi chùa được hoàn tất. Đại lễ khánh thành được cử hành vào năm 1970. Trong dịp này, được sự gợi ý của Hòa thượng Thích Trí Quang và sự chấp thuận của Đại lão Hòa thượng Bổn sư, Ngài đã đổi tên chùa Vạn Đức thành chùa Vạn Phước.
Song song với việc Đại trùng tu các chùa, Hòa thượng đã chú Tượng, đúc Chuông, tiếp Tăng độ chúng. Mặc dù đảm trách nhiều Phật sự nặng nề trong cả hai Chùa, nhưng Hòa thượng vẫn không quên hỗ trợ nhiều Phật sự của Giáo hội, nhất là việc giáo dục đào tạo Tăng tài, từ các Trường Cơ bản Phật học của một số Tỉnh thành cho đến Trường Cao cấp Phật học. Ngài cũng rất quan tâm đến công việc Từ thiện xã hội, cho thành lập Tuệ Tĩnh Đường tại chùa Vạn Phước Sài Gòn để cứu giúp những bệnh nhân nghèo khổ. Vì Phật sự phải rời xa Huế, song tấm lòng của Hòa thượng bao giờ cũng hướng về Phật giáo Thừa Thiên Huế, hướng về chư Tôn Hòa thượng, chư Tăng Ni, về các Phật sự ở Huế. Đạo tình của Hòa thượng thật bao la và trách nhiệm với tổ chức Giáo hội thì rất chu tồn, không từ nan một Phật sự nào khi được giao phó.
Năm 1979, Ngài là ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Ngài cũng đã từng làm tôn chứng cho nhiều Đại giới đàn tại chùa Ấn Quang v.v…
Năm 1981, Ngài được cử làm Chánh Đại diện Phật giáo quận 11 thành phố Hồ Chí Minh. Trong Đại hội kỳ II GHPGVN tại Thủ đô Hà Nội, Ngài được sung vào chức vụ Phó ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN kiêm Trưởng ban Nghi lễ Thành hội Phật giáo TP.HCM. Ngài được Hội đồng Chứng Minh TW GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.
Suốt cuộc đời tu tập và hoằng hóa, Ngài là tấm gương ngời sáng cho Tăng Ni Phật tử. Tu hành thì giới luật tinh nghiêm, nhiếp hóa chúng sanh thì bằng tứ vô lượng tâm.
Ngài chân thật sống bằng giới luật, bằng kính tâm, bằng từ bi tâm. Ngài là hiện thân của Hiếu hạnh. Hình ảnh tôn thờ Bổn sư của Hòa thượng đã làm xúc động những ai nghe và thấy hình ảnh hầu Thầy của Hòa thượng. Đại lão Hòa thượng Bổn sư bệnh là Ngài đau, Đại lão Hòa thượng Bổn sư chưa thời (ăn) là Hòa thượng không nuốt xuống cơm mà chỉ chấp tay quỳ gối bên cạnh Đại lão Hòa thượng Bổn sư.
Từ hiếu tâm ấy nên lúc nào đối với chư Tôn đức Trưởng thượng, Hòa thượng cũng đầy kính tâm, luôn hầu hạ thăm viếng. Với Pháp lữ, Hòa thượng luôn trân quí, tôn trọng. Với hàng hậu tấn
khi nào Hòa thượng cũng lân mẫn ưu ái. Với Phật tử Hòa thượng là người Cha lành luôn vỗ về, an ủi, tùy thuận.
Hòa thượng sống thật đơn giản, ngôn từ thì bình dị mà tấm lòng thì thật sâu thẳm bao la, hết lòng phụng đạo giúp đời. Lòng bao dung, tính hiền hòa cũng chính là đức nhiếp chúng của Hòa thượng, nhiều đệ tử xuất gia của Hòa thượng đã trưởng thành, trụ vững và có nhiều đóng góp Phật sự như Thượng tọa Thích Phước Trí, Thích Phước Toàn, Thích Phước Hoàn, Thích Phước Chơn và nhiều vị khác đã đảm trách trú trì nhiều nơi các chùa trong Nam.
Đối với Tổ đình Vạn Phước Huế và chùa Vạn Phước Sài Gòn, Hòa thượng cũng ổn định nhân sự, cử Pháp đệ là Hòa thượng Thích Tâm Thọ làm Trú trì Tổ đình Vạn Phước Huế, và Trưởng pháp tử Hòa thượng Thích Phước Trí làm Trú trì chùa Vạn Phước Sài Gòn.
Tháng 3 năm Bính Tý (1996) Hòa thượng về thăm Huế, như linh cảm về sự ra đi của mình không còn xa nên Ngài đã về quê thăm lại lần cuối, đốt hương tưởng niệm trước mộ phần thân thuộc thương kính, Hòa thượng đã tổ chức trai đàn chẩn tế cầu siêu độ chư tiên linh.
Mùa xuân Đinh Sửu năm nay, Hòa thượng rất hoan hỷ đón Xuân, vui Tết một cách thanh thản khinh an như Hòa thượng biết mình sắp trút gánh nặng của thân tứ đại vô thường để trở về cảnh giới Cực Lạc Tây phương.
Hòa thượng đã an nhiên thị tịch vào lúc 1g30’ ngày 19 tháng Giêng năm Đinh Sửu (1997) tại chùa Vạn Phước Sài Gòn. Hòa thượng trụ thế 74 năm, 48 Hạ lạp.
Môn đồ pháp quyến