Thủ quyển Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ

doi-dieu-khao-nghiem

Lời toà soạn: Thông tin về bức thư hoạ Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ mang lại niềm tự hào cho người Việt về một vị danh nhân văn hoá của Việt Nam nhưng cũng có những ý kiến phân vân về tính xác thực của bức thư hoạ. Nhận được bài viết do tác giả Nguyễn Nam từ nước ngoài gửi về cung cấp thêm một số chi tiết liên quan đến bức thư hoạ Ban Biên Tập Văn Hoá Phật Giáo cũng đã dò tìm trên mạng internet để tải xuống nội dung bức tranh khi còn được tàng trữ tại Liêu Ninh tỉnh Bác vật quán….. Chúng tôi xin được giới thiệu với quý độc giả toàn văn bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Nam dưới đây để rộng đường dư luận.doi-dieu-khao-nghiem

Từ sau thông tin về cuộc đấu giá bản phục chế bằng kỹ thuật cao bức thư hoạ lịch sử Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ với giá vượt ngoài sức tưởng tượng (1.8 triệu USD), công chúng trong nước đã có dịp tìm xem tác phẩm nghệ thuật này trên mạng internet. Sau khi vui mừng đón nhận hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), người xem không khỏi băn khoăn tự hỏi: tác phẩm trước mắt có thể “nói” gì với người hôm nay về những việc đã qua? Và những câu chuyện quá khứ ấy còn có giá trị gì trong hiện tại?

Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ được bảo tồn đến nay dưới hình thức thủ quyển. Đây là một thuật ngữ trong nghệ thuật hội hoạ – thư pháp Trung Hoa, chỉ các tác phẩm cuốn tròn lại, có thể đặt trên bàn, thuận chiều mở ra để xem. Về căn bản, thủ quyển bao gồm các phần chính là dẫn thủ (viết tiêu đề tác phẩm), hoạ tâm (phần tranh chính) và đà vĩ (phần nối theo tranh, gồm các bài bình luận của văn nhân về nội dung – nghệ thuật của tranh). Hai phần dẫn thủ và đà vĩ thường được viết với thư pháp rất đẹp, hợp với tranh thành chỉnh thể thư (pháp) – (hội) hoạ. Cuộn thư – hoạ Trúc Lâm Đại Sĩ có tổng chiều dài hơn 9m (trong đó, riêng phần tranh dài hơn 3m). Theo dòng chữ ở cuối tranh, tranh được Trần Giám Như vẽ năm 1363. Trần Giám Như là một hoạ sư sống ở Hàng Châu, nhưng nguyên quán của ông và duyên do sáng tác bức Trúc Lâm Đại Sĩ hiện nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, qua các bài dẫn, ký, bình, tán trong phần đà vĩ, có thể khẳng định bức tranh được một (nhóm), người Việt tổ chức vẽ vào cuối đời Nguyên.

“Đại sĩ” là danh hiệu gọi chung các vị Bồ – tát, các bậc Thanh văn, hay Phật. Bức tranh vẽ cảnh Đại Sĩ Trúc Lâm, theo thỉnh cầu của con là vua Trần Anh Tông (1276 – 1320), xuống núi truyền tâm giới Bồ – tát cho nhà vua và triều thần năm 1304. Do được hoàn thành khá lâu sau khi sự kiện này xảy ra, tranh chắc hẳn được thực hiện theo lời bình nghị của người Việt tổ chức vẽ, dựa trên suy tưởng của những người đời sau và thể hiện bằng nét bút ít nhiều mang tính ước lệ. Qua khảo sát, có thể thấy dấu ấn của hội hoạ đời Tống (đặc biệt triều Nam Tống) và đời Nguyên trên tranh. Những tình tiết thể hiện trong tranh cho thấy nhận thức của người vẽ và người tổ chức vẽ về tinh thần dung hợp Tam giáo (Nho – Phật – Đạo) của Phật hoàng qua hình tượng của nhà vua Anh Tông và triều thần nghênh đón, qua hình ảnh tăng đồ tháp tùng ngài và hạc tiên được chăn dắt đi cùng; về hoà hợp khu vực với hình vẽ đạo sĩ Trung Hoa Lâm Thời Vũ cưỡi trâu theo sau; về nguồn gốc sâu xa của thiền phái Trúc Lâm qua hình ảnh tăng nhân Tây vực; và về tầm quan trọng của tâm từ bi trong việc trị nước qua sự kiện truyền thụ tâm giới Bồ – tát.

Mùa xuân năm 1420, một người Việt học Phật quê ở vùng sông Lô tên là Trần Quang Chỉ mang bức tranh cùng với bài đề dẫn của mình đến Yên Kinh, yêu cầu các nhân sĩ Trung Nguyên (bao gồm nho thần, cao tăng và đạo sĩ; phần lớn khi ấy đang tham gia biên tập bộ Văn hiến đại thành) viết tiêu đề và lời bình – tán cho bức tranh. Trong hai năm 1420 và 1423, mỗi năm hai lần, Trần Quang Chỉ đến Yên Kinh giới thiệu tranh và yêu cầu viết lời bình phẩm. Dựa theo bài đề dẫn của Trần Quang Chỉ, các văn nhân Trung Hoa với căn bản tư tưởng Nho – Phật Đạo không đồng nhất đã đề thơ, viết ký trên phần đà vĩ, và nay những gì họ viết nối theo nhau hiện ra trước mắt người đọc như những đối thoại với những góc nhìn khác nhau về Trúc Lâm Đại Sĩ. Một vài chi tiết lịch sử thú vị cũng được hé lộ qua các bài viết, ví như bức hoạ có thể đã được người dân Đại Việt khắc lên chất liệu đá hay đồng để lưu truyền lâu dài. Đặc biệt, trong số những người viết có một vị cao tăng Nhật Bản, khiến cho những “đối thoại” trên vượt ra ngoài phạm vi Việt – Trung, mở ra đến Đông Á. Theo Trần Quang Chỉ, việc giới thiệu Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ là để công đức Đại Sĩ (cũng là vua Trần Nhân Tông từng đánh bại quân Nguyên xâm lược) không bị mai một. Đáng lưu ý hơn là việc này diễn ra ngay dưới triều Thành Tổ với chính sách bành trướng quân sự và đồng hoá văn hoá, và giữa lúc người nước Nam bất khuất chống Minh, quật khởi đấu tranh dưới cờ nghĩa Lam Sơn để bảo tồn cương thổ và bản sắc dân tộc.

Cuộn thư – hoạ Trúc Lâm Đại Sĩ về sau đã lưu lạc vào bộ sưu tập tư nhân của Mẫn Khoáng Trai, Hạng Nguyên Biện đời Minh ( có đến 17 dấu ấn chương khác nhau của họ Hạng đóng trên tác phẩm). Đến năm 1790, tác phẩm này được biên mục vào sách Bí điện châu lâm tục biên của vua Càn Long với miêu tả chi tiết quy cách toàn bộ thủ quyển, liệt kê các dấu ấn chương của các tác giả trong phần đà vĩ và cả các nhà sưu tập ở trên. Các triều Càn Long, Gia Khánh, Tuyên Thống nhà Thanh đều có ấn – tỷ đóng trên tranh. Tuy nhiên, việc các nhà sưu tập tư nhân và triều đình nhà Thanh tu bồi tranh cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến hình thức nguyên thuỷ của tác phẩm. Bị vua Phổ Nghi tuồn ra khỏi hoàng cung cùng với các trân phẩm khác, và bị bán đi trên đường tháo chạy của vị hoàng đế cuối cùng này, đến năm 1964 cuộn thư – hoạ Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ mới được thu mua lại và đưa vào lưu trữ tại Bảo tàng Liêu Ninh cho đến nay.

Nghệ nhân sản xuất mực đời Minh Trình Quân Phòng nổi danh với việc chế tác ra những thỏi mực có chất lượng đặc biệt, đúc khắc với tiểu phẩm hội hoạ mang ý nghĩa triết học của các hoạ sư đương thời. Dựa trên tranh Trúc Lâm Đại Sĩ, Quân Phòng đã đúc nên thỏi mực hình nghiên mực độc đáo, đúc khắc các hoạ cảnh từ trong tranh, mặt dưới khắc bài tán của Tăng Khải – một tác giả trong phần đà vĩ. Tác phẩm nghệ thuật này của họ Trình về sau được mô phỏng, đúc thành các nghiên mực Trúc Lâm Đại Sĩ băng châu sa, bằng đồng, bằng đá. Sức sống của hình tượng Trúc Lâm Đại Sĩ cứ như thế mà lan truyền ở Trung Nguyên.

Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ rõ ràng là một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị lịch sử đặc thù. Cuộn thư hoạ kể lại cho đời sau sự kiện Đại Sĩ xuống núi truyền Bồ – tát giới để vua và triều thần trị quốc. Phản ánh hiện thực này dựa trên suy tưởng, thể hiện bằng bút tháp tả thực xen với ước lệ, bức hoạ nói lên không ít điều về cảm thức đời sau về Đại Sĩ và thời đại của ngài. Ẩn sau bức hoạ là những vấn đề chính trị – văn hoá của xã hội Việt Nam cuối đời Trần và quan hệ Việt – Trung dưới thời Minh xâm. Những bài bình tán của các tầng lớp nhân sĩ Trung, Nhật là những lăng kính đa sắc quán chiếu Đại Sĩ Trúc Lâm, nhưng cũng qua những lăng kính này, có thể hiểu thêm về những người quán chiếu nọ.

Bản phục chế bằng kỹ thuật cao của bức thư hoạ đã được bán đấu giá với giá “phi lý tính”, ngoài sức tưởng tượng, nhưng những thông điệp từ bức hoạ mà ta có thể “đọc” được là trường tồn và vô giá. Được vẽ, giới thiệu, và bình tán trong chiến tranh và tao loạn, bức hoạ như muốn gửi đến mai sau lời nhắn: tâm từ bi, lòng nhân hậu bao trùm vạn vật, thông hiểu tôn giáo, cảm thông chính trị, bình đẳng – tôn trọng – bao dung, và tri thức không ngừng điều chỉnh, cập nhật là những gì con người hôm nay cần có để hoà hợp, hoà giải với nhau, và tránh được “xung đột giữa các nền văn minh”, đem lại hoà bình cho thôn xóm quốc gia và ngôi làng toàn cầu chung của nhân loại.

Chú thích:

Nguyễn Nam, Đấu giá thư hoạ Trần Nhân Tông, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 05/08/2012.

Tất cả các vấn đề giới thiệu trong bài được thảo luận chi tiết cùng với bản in toàn bộ cuộn thư hoạ trong chuyên luận Bóng hình để lại, tập san Suối Nguồn, số 7 (11.2012)

Bài khác nên xem

Lễ ra mắt CLB Nhiếp ảnh Lam GĐPT Gia Định

nhuanphap

Bác Gấm

nhuanphap

Chùa Việt Nam

phuocthanh