Công cuộc hoằng pháp lợi sinh, không phải chỉ biết chú trọng vào tinh thần, mà xa rời thực tế – lãng quên những thao thức của quần chúng. Chỉ biết tập trung cho mai sau mà quên đi những bức xúc thực tại. Chỉ biết hót suông mà thiếu vắng thực hành.
Sở dĩ Phật giáo bị bệnh hoạn – ốm yếu triền miên, mất đi sức sống tươi trẻ, đi ngược lại những nhu cầu bức thiết và kỳ vọng của toàn dân tộc, là vì thiếu vắng bóng dáng người chứng ngộ, cửa thiền trở thành nơi chốn cầu vái van xin – mua bán hư danh – hơn thua sắc tướng
Đứng trước nền kinh tế đang chuyển dần đến nền kinh tế thị trường, thì ý thức – hình thái Phật giáo cũng phải chuyển đổi, Tư tưởng – văn hóa – giáo dục cũng phải chuyển đổi hết. Muốn có một xã hội hóa tín ngưỡng Phật giáo, thì phải nhanh chóng, mạnh dạn thủ tiêu “Chế độ tư hữu tự viện” – xa rời hư danh, trả lại nếp sống thanh quy, thực hiện trọn vẹn tinh thần từ bị – vị tha – giác ngộ – giải thoát
Gia Đình Phật Tử Việt Nam, là một biểu trưng cho giới cư sĩ “Đạo Phật mới”. Ở đây cho thấy một sức sống trẻ trung thể nhập – khế cơ – hợp thời
Một đạo Phật có thế hệ Phật tử luôn luôn làm mới, sống trong đời, gần gũi người đời, thẩm thấu tình người. Đang nhận sứ mệnh tiếp hiện thiêng liêng trọng đại, lắng đục khơi trong, chuyển hóa – thoát khổ dòng đời. Nhưng không bị đời nhuộm bùn, như cánh sen trắng muốt, vẫn mãi mãi vươn lên tinh khiết
Phật giáo đang suy đồi – rối rắm trầm trọng, cần phải gấp rút chấn chỉnh. Nhưng căn bản và tiềm lực chưa cao, sức mạnh chấn hưng còn rất mơ hồ – mong manh đáng lo lắng. Những ánh sao tâm huyết thì chựng laị – le lói co cụm – chưa đủ sức cất cao tiếng hót gọi đàn – thiếu niềm tin nội lực sãi cánh vươn xa
Tuổi trẻ Phật tử Việt Nam thấy rằng, con đường cải cách dẫy đầy chông gai trắc trở. Những xa xót từ những tâm hồn lấm lem phủ phàng – ruồng rẩy, đang là áp lực đè nặng lương tri. Mỗi người Huynh trưởng Phật tử phải tỉnh tại sáng suốt. Sự lọc lừa của người thầy, sự phản bội của đạo lữ, cái bối cảnh xé lòng này, đã làm cho lòng người Phật tử dằn vặt – chai sạn. Càng chai sạn càng vững chãi cứng cáp thêm hơn. Đây là sự bất khoan nhượng trước những cặp kính màu, các dòng ý thức hệ đi ngược lại tiền đồ dân tộc – đạo pháp
Lý tưởng thì lúc nào cũng nở hoa – ắp đầy mộng đẹp, luôn luôn ước ao hạnh phúc không bao giờ có oán hờn. Nhưng thực tế thì thật đáng thương, lúc nào cũng đoanh vây chua chát. Người chiến sĩ khi bước vào chiến tuyến, ai mà không bỏ lại sau lưng ít nhiều một phần máu thịt của mình, có khi là cả phần lớn cuộc đời !
Công cuộc bảo vệ chính nghĩa – xây dựng đạo pháp – Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, thật là gian nan – nguy khó. Nhưng không phải vì vậy mà người Huynh trưởng GĐPT VN từ chối sự hiện diện, để sẵn sàng đối mặt tác chiến. Trên mặt trận tâm linh, dù có kéo dài đến đâu đi nữa, thì tấm lòng người Huynh trưởng hôm nay, vẫn mãi mãi vô úy – sắc son. Thế hệ Huynh trưởng này đi qua, thì thế hệ Huynh trưởng hậu duệ nối tiếp sự nghiệp truyền đăng, cứ kế tục như vậy, thì bức màn vô minh không sớm thì chầy sẽ được vén lên, đem lại cho thế giới này ánh sáng chân lý rạng ngời – “nhà Lam” sáng chói
Dù anh là ai ! Dù chị là thế nào ! Dù em có ra sao đi nữa ! Khi mà chúng ta đã khoác lên mình chiếc áo màu Lam, thì sợi “Dây thân ái” vô hình đã quấn quýt lại với nhau, hòa quyện chung cùng một “Tình Lam” thắm thiết
Cứ mỗi chiều chủ nhật, quây quần tíu tít bên nhau “Đây gia đình cùng nhau chung thân ái…”, thì khó bao giờ mà dứt nhau ra được. Những ngày lăn lộn với công tác từ thiện – xã hội, những đêm thức trắng bên đống lửa trại dần tàn. Cứ thế mà dồn dập, mà cuốn hút anh – chị – em chúng ta gần lại với nhau hơn – gắn bó với nhau như máu với thịt. Một “Tình Lam” đã làm nãy nở biết bao bao yêu thương trìu mến – kết quyện vào nhau niềm vui bất tận. Màu khói hương hiền hòa, đã cưu mang biết bao ân tình đằm thắm – làm thấm đẫm cho chúng ta được trưởng thành – lớn khôn từng dây từng phút
Bài hát đầu đời khi bước vào trại Lộc Uyển – thực tập làm Huynh trưởng:
“Ai đi mô thì đi, xin nhớ quay về
“Vòng tay thân ái vẫn còn vấn vương
“Ai đi mô thì đi, xin nhớ câu thề
“Tình lam dào dạt tô thắm thêm cuộc đời…”
Đã làm xao xuyến một tình cảm nhẹ nhàng, đã dẫn dắt chúng tôi đi trọn cuộc đời lam. Để rồi cữ mỗi kỳ trại đi qua, cảm thấy mình được trưởng thành thêm hơn. Tinh thần Bi – Trí – Dũng, đã hun đúc tạo nên một sức sồng kỳ vĩ, như một uy lực cứ mãi thôi thúc – vững chãi gánh vác gian nan – vô úy tĩnh tại sấn bước đi tới
Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM