Thiếu niên trong Phật giáo qua hình tượng của Tôn giả La-hầu-la

Cuộc đời của một kiếp người: sinh ra, lớn lên, làm ăn, sinh sống,… bất chợt có ai đó hỏi một câu rằng: Trong cuộc đời của anh (chị) thời nào đẹp nhất, vui nhất và nhiều kỉ niệm nhất? Hầu như ai trong chúng ta cũng trả lời rằng: Thời thơ ấu hay thời niên thiếu của tôi là đẹp nhất, vui nhất, và nhiều kỉ niệm nhất.

 Thời niên thiếu luôn để lại những dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người: “Thuở thiếu thời vui lắm ai ơi!”, một nhạc sĩ nào đó đã để lại những lời nhạc êm đềm như vậy. Hơn thế nữa, thời niên thiếu còn ẩn chứa những tiềm năng, những tính chất tốt đẹp… hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang mở rộng trước mắt mỗi người. Đây chính là một bước ngoặc để mỗi người chuẩn bị đi vào lứa tuổi thanh niên, vươn vai gánh vác những trọng trách của đời mình. Trong kinh A-Hàm, đức Phật dạy các Tỳ-kheo: “Này các thầy, có 4 điều không nên xem thường: một đốm lửa nhỏ, một con rắn con, một tu sĩ trẻ và một Thái tử”. Một đốm lửa nhỏ có khả năng thiêu rụi cả một thành phố, cả ngôi làng. Một con rắn nhỏ có thể cắn chết nhiều người; một vị Thái tử có thể làm vua quyết định sự tồn vong của một quốc gia và một tu sĩ trẻ hay một chú tiểu có thể trở thành những nhà hướng dẫn đạo đức, làm mô phạm cho trời người… Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về thời niên thiếu của tôn giả La-hầu-la và cùng bàn luận về thời niên thiếu của mọi người.

 Hình tượng của một Vương tử bé nhỏ từ bỏ hoàng cung, xa lìa vòng tay thương mến của mẹ hiền, từ bỏ tất cả những gì cao sang sung sướng nhất của đời người… từ bỏ ngai vàng quyền uy, danh vọng tột đỉnh của nhân gian đang hứa hẹn… để bước vào đời sống phạm hạnh, trở thành một Sa-di bé bỏng đầu tiên trong Phật giáo; đây là hình bóng đặc biệt, là biểu tượng không phai mờ trong khối óc và con tim của những người con Phật.

 Tôn giả La-hầu-la là người con duy nhất của thái tử Tất-đạt-đa và công chúa Da-du-đà-la, là cháu đích tôn của vua Tịnh Phạn và là cháu ngoại của vua Thiện Giác. Thời thơ ấu, La-hầu-la được sống trong vòng tay hết mực yêu thương của người mẹ hiền, sự nuông chiều và kỳ vọng hết mực của Tịnh Phạn vương và cả hoàng tộc, là một bậc Vương tử được sự quí chuộng và sung sướng bậc nhất của vương thành Ca-tỳ-la-vệ. Năm La-hầu-la lên 10 tuổi thì đức Phật trở về cố hương để viếng thăm và hóa độ mọi người trong Hoàng tộc cùng dân chúng vương thành Ca-tỳ-la-vệ. Với tướng hảo quang minh, với tôn dung uy nghiêm và khả kính của đức Phật, vương tử La-hầu-la đã hoàn toàn bị chinh phục. Chính vì thế, vương tử La-hầu-la cứ đi theo chân của đức Đạo sư đòi xin gia tài theo lời chỉ bảo của mẹ mình. Đức Phật nói với La-hầu-la:  “Ta có hai gia tài quí giá, một là gia tài danh vọng và quyền lực tối cao của ngai vàng mà mọi người hằng mong ước, nhưng nó mong manh, vô thường ẩn chứa những khổ đau của tranh giành đầy phiền não… gia tài này Ta đã từ bỏ và Ta sẽ không trao lại cho con. Gia tài thứ hai là gia tài Pháp bảo vô giá mà Ta đã chứng ngộ được, gia tài này an lạc và giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau… Ta sẽ trao lại cho con gia tài cao cả quý giá nhất này”. Nói xong, đức Đạo sư gọi tôn giả Xá-lợi-phất lại, giao La-hầu-la cho Tôn giả hướng dẫn. Tôn giả Xá-lợi-phất đã xuống tóc cho vương tử La-hầu-la và vương tử trở thành vị Sa-di đầu tiên trong Phật giáo.

 Thuở thiếu thời, sung sướng danh vọng và cao sang của vương tử La-hầu-la nơi thế gian giả tạm đã bắt đầu khép lại. Từ đây, La-hầu-la chính thức bước vào thời niên thiếu trong Phật pháp, bắt đầu thực tập đời sống phạm hạnh gian khổ, một cuộc sống xuất trần thượng sĩ.

 Tuổi thơ nào cũng nghịch ngợm hồn nhiên vô tư lự, và vị Sa-di bé bỏng mới mười tuổi đầu của chúng ta cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Lúc bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất cũng vừa được đức Phật cho phép thâu nhận chú bé thứ hai vào tu tập tên là Quân Đầu. Từ đấy, Sa-di La-hầu-la đã có bạn, với bản tánh hồn nhiên vui giỡn và được nuông chiều trong Hoàng tộc, Sa-di La-hầu-la thường cùng với Sa-di Quân Đầu hay vui đùa, chạy nhảy và hay chơi trò dối gạt những người khác để lấy làm vui. Lúc bấy giờ, Sa-di La-hầu-la thường ở với đại chúng Tỳ-kheo và đức Phật tại rừng Ôn Tuyền ngoài thành Vương-xá, nơi đây thường được các vua quan, đại thần, trưởng giả, cư sĩ… đến viếng thăm, đảnh lễ và tu học, các vị này thường hỏi La-hầu-la, đức Phật đang ở đâu? La-hầu-la chẳng những không chỉ mà còn cười giỡn trêu chọc hay chỉ lạc đường những vị này để làm trò chơi. Nếu đức Phật ở tịnh xá Trúc Lâm thì La-hầu-la bảo ở Kỳ-xà-quật, ngược lại đức Phật ở Kỳ-xà-quật thì bảo ở Trúc lâm… hai nơi này cách nhau đến mấy dặm làm cho mọi người đều bực mình, nhưng họ còn ngại chưa nói ra. Chuyện ấy rồi cũng đến tai đức Phật, Ngài liền đi đến rừng Ôn Tuyền để giáo hóa La-hầu-la.

 Nghe đức Phật đến rừng Ôn Tuyền, La-hầu-la theo lời dạy của tôn giả Xá-lợi-phất múc một chậu nước mang đến để đức Phật rửa chân (thời xưa đức Phật và chư Tăng luôn đi chân đất, xứ Ấn Độ bụi rất nhiều…) khi rửa chân xong đức Phật hỏi La-hầu-la:

 – Này La-hầu-la! Nước này có thể uống được không?

 – Bạch Thế Tôn! Không thể uống được.

 – Tại sao?

 – Vì đây là nước rửa chân rất dơ không thể uống được.

 – Này La-hầu-la! Con cũng giống như thứ nước đó. Thời gian xuất gia làm Sa-di khá dài, nhưng với lề thói xấu xa, con chưa dứt được. Nước ô uế không uống được, thân tâm những người còn ô uế các tập khí có khác gì đâu? Hình thức xuất gia mà thân, khẩu, ý còn trần tục tất không thể thăng hoa. Người rời bỏ thế tục phải giữ lòng thanh tịnh, hành vi cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói phải chơn thật, lựa lời mà nói. Xuất gia mà không trừ bỏ ba độc uế, chẳng khác gì nước dơ. Nước không sạch người ta sẽ đem đổ. Con người mang nhiều tật xấu bị mọi người xa lánh, ắt sẽ sa đọa, tương lai mờ mịt đen tối.

 Nói xong, Phật bảo La-hầu-la mang chậu đi đổ rồi mang chậu về. Khi trở lại, đức Phật hỏi:

 – Này La-hầu-la! Bây giờ, con đem chậu này đựng thức ăn được không?

 – Thưa không.

 – Tại sao?

 – Vì chậu này chỉ để rửa chân, lại bị bụi đất dơ bám đầy, không đựng thức ăn được.

 – Này La-hầu-la! Chậu dơ không đựng thức ăn được, thân dơ cũng thế thôi. Con chỉ là một hình đồng Sa-di mà thân, khẩu, ý không đồng, không tu tập giới, định, tuệ, tâm không trong sạch, lời nói bông đùa nghịch ngợm, thân dính đầy cấu uế, mất hết oai nghi, thức ăn đạo lý làm sao chứa đựng vào tâm được; như thế, khác gì nước uế, chậu dơ. Chậu dùng không được thì giữ lại làm gì?

 Nói vừa dứt lời, Phật lấy chân đá nhẹ vào chậu, khiến cái chậu lăn mấy vòng, La-hầu-la thấy thế hoảng sợ, Phật lại hỏi tiếp:

 – Này La-hầu-la! Con có sợ cái chậu này bị đá bể không?

 – Bạch đức Thế Tôn! Không sợ ạ. Vì nó là chậu rửa chân đã dơ bẩn, rủi bể cũng không sao.

 – Này La-hầu-la! Con không tiếc cái chậu này, giống như mọi người không thương mến con, vì con còn nhiều lầm lỗi, kể cả việc nói để mà chơi. Mang danh xuất gia, ăn nói không được thật thà, oai nghi thiếu chuẩn mực, phỉnh gạt người khác, dẫu con có chết cũng không ai thương tiếc cả. La-hầu-la nghe Phật dạy toát mồ hôi, vô cùng hổ thẹn, chí thành sám hối, nguyện từ nay về sau sẽ cố gắng sửa đổi tâm tánh, không còn tái phạm nữa.

 Đức Phật bèn kể cho La-hầu-la một câu chuyện: xưa kia có một ông vua nuôi một con voi chiến vô cùng dũng mãnh. Mỗi khi nhà vua ra trận liền mặc áo giáp cho voi, ngà voi nối giáo nhọn, bên tai voi giắt kiếm bén, bốn chân voi đều có dao sáng ngời, sau đuôi lại có cột thêm gậy sắt… Những lúc giao chiến quân địch đến gần đều bị voi giết sạch. Tuy dũng mãnh và trang bị đầy đủ vũ khí như thế, nhưng lúc giao chiến, voi đều cuốn vòi lại giấu kín bên trong, vì đó là chỗ nhược, nếu để trúng tên liền chết ngay. Phật khuyên La-hầu-la cần cẩn thận lời nói, giống như con voi bảo vệ cái vòi. Mở miệng nói dối, dù nói chơi, huệ mạng của ông sẽ mất. Con voi ra trận mà không biết bảo vệ cái vòi thì vô cùng nguy hiểm; Con người không cẩn thận, cân nhắc lời nói cứ nói láo, nói dối sẽ không có tàm quí và không chừa một việc xấu xa nào mà không làm, khi lâm chung sẽ bị đọa trong tam đồ, ác đạo.

 Nghe qua câu chuyện, La-hầu-la tỉnh ngộ, phát nguyện sửa đổi oai nghi, bỏ lời dối gạt… tinh tấn tu học, âm thầm phát nguyện tu trì Mật hạnh.

 Tuổi thơ hay thời niên thiếu nào cũng có những hồn nhiên và vui tươi. Đó là những nét đáng yêu của mọi người; nhưng sự nghịch ngợm dối gạt cũng luôn song hành tồn tại ở lứa tuổi này, đây là điều đáng trách. Phương pháp mà đức Phật đã dạy là một trong những phương pháp giáo dục tuyệt vời nhất từ xưa đến nay. Giáo dục trẻ thơ hay thiếu niên ta không nên đánh đập hay la hét mà phải có những phương cách hay đẹp, nhẹ nhàng mà sâu sắc như đức Phật đã giáo giới Sa-di La-hầu-la.

 Đức Phật dạy có hai hạng người đáng quí: Một là hạng người không phạm lỗi  lầm và hai là hạng người phạm lỗi lầm nhưng biết sửa đổi. Sa-di La-hầu-la thuộc về hạng người đáng quí thứ hai. Là một vương tử sống đời cao sang, sung sướng nhưng khi bước vào cuộc sống phạm hạnh, thanh bần, đời sống xuất thế, Sa-di La-hầu-la phải gặp nhiều gian khổ. Công việc của chú Sa-di thời đức Phật là đuổi chim quạ, quét dọn sân chùa (tịnh xá), phòng ốc, hầu thầy, nghe đức Phật giảng pháp… Nhưng có lúc La-hầu-la phải nhẫn nhục những điều làm cho chúng ta vô cùng khâm phục. Một hôm sau khi thực hiện xong, những công tác hằng ngày, La-hầu-la vào giảng đường nghe đức Phật thuyết pháp. Mãi đến tối mới trở về phòng, La-hầu-la thấy một vị khách Tăng đã dọn y bát của mình để ra ngoài và nằm ngủ trong phòng, theo sự hướng dẫn của thầy quản lý (Sa-di phải nhường phòng cho Tỳ-kheo). Vì đã phát nguyện tu theo pháp Mật hạnh, La-hầu-la đành ôm y bát ra sân ngồi. Bất ngờ lúc ấy trời đổ mưa rất lớn, La-hầu-la lại ôm y bát vào nhà xí để trú mưa. Gần nhà xí, có một hang rắn độc. Vì trời mưa quá lớn, nước ngập hang, con rắn tìm nơi tránh nạn, bò vô nhà xí. Trời thì tối, mưa lại như trút nước, La-hầu-la ngồi bất động không thấy rắn. Ngược lại trong cơn nước ngập, rắn bò ra khỏi hang tìm chỗ khô ráo nên cũng không biết có người trong nhà xí. Ngay tối hôm đó, có người báo cho Phật hay La-hầu-la bị một khách Tăng chiếm phòng và có thể La-hầu-la đang ẩn mưa trong nhà xí. Phật liền cùng người ấy đến nhà xí đón La-hầu-la. Khi rọi đèn vào nhà xí, Phật thấy La-hầu-la ngồi bó gối trong một góc, con rắn khoanh tròn ở một góc. Thấy có ánh sáng, rắn nằm bất động, còn La-hầu-la được Phật gọi ra và dẫn về tịnh xá. Sáng hôm sau, nhân lúc chư Tăng đông đủ, đức Phật chế giới Sa-di có thể được ở chung với Tỳ-kheo trong vòng ba hôm.

 Tuổi trẻ dù ở tại gia hay xuất gia cũng luôn cần có những nhu cầu về ăn mặc, ngủ nghỉ, vui đùa… Sa-di La-hầu-la thường theo chư Tăng đi khất thực. Vì tôn kính Tỳ-kheo hơn Sa-di, nên các đàn việt đem những thức ăn ngon cúng dường cho Tỳ-kheo, còn Sa-di La-hầu-la chỉ nhận được những thức ăn thô dở, ít chất dinh dưỡng khó lòng nuốt được. Tuy đã phát nguyện nhẫn nhịn, tịnh hóa thân tâm, nhưng khả năng tu tập chưa cao nên các tập khí bị dồn nén lâu ngày, giờ có thời cơ trỗi dậy. Những lần gặp trường hợp như thế, hồi tưởng lại thuở sung sướng nơi hoàng cung của mình… khi khất thực về La-hầu-la thường lộ nét u buồn trên gương mặt. Một hôm đức thấy được liền hỏi lý do, La-hầu-la xúc động trình bày sự việc qua tiếng khóc. Phật dạy La-hầu-la nên cố gắng chịu đựng, vì cuộc sống của một xuất trần ắt phải gặp nhiều gian lao, khó khăn và thử thách; vả lại thức ăn chỉ dùng để duy trì thân mạng, chúng ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Bởi thế, Phật khuyên La-hầu-la nên chú trọng đến hạnh tu, không nên quá quan tâm đến ăn uống. Thức ăn chỉ là thuốc trị bệnh đói khát… Đồng thời, đức Phật cũng bảo tôn giả Xá-lợi-phất và chư Tỳ-kheo nên chăm sóc đến sức khỏe của các vị Sa-di bằng cách lưu tâm đến sự ăn uống cho đủ chất dinh dưỡng… Ghi nhớ lời dạy của Phật, La-hầu-la, không còn lưu tâm nhiều đến vấn đề ăn uống. Ngược lại, cũng từ đó chư Tăng lại rất quan tâm đến vấn đề ăn uống đủ chất dinh dưỡng cho các vị Sa-di.

 Những khó khăn về ăn uống đã đi qua, nhưng những khó khăn và thử thách vẫn luôn giăng bủa trên bước đường xuất thế của vị Sa-di bé bỏng của chúng ta. Có lần La-hầu-la cùng với tôn giả Xá-lợi-phất đi khất thực trên đường gặp một tên du đảng, hắn chặn đường văng tục, chửi mắng và lấy các đồ dơ phẩn đất… bỏ vào bình bát của tôn giả Xá-lợi-phất và dùng cây đánh lên đầu Sa-di La-hầu-la đến chảy máu. Tôn giả Xá-lợi-phất đã chứng Thánh quả xem mọi việc như không có gì xảy ra, nhưng đối với Sa-di La-hầu-la còn nhỏ không chịu được nên rất tức giận và khóc thảm thương, tôn giả Xá Lợi Phất phải băng bó vết thương và an ủi khuyến khích La-hầu-la nên nhẫn tâm cố gắng học hạnh nhẫn nhục và hãy cố gắng trải lòng từ đến với hết thảy chúng sanh. Về đến Tinh xá, tôn giả Xá-lợi-phất đem sự việc trên thưa đức Thế Tôn, đức Phật dạy Sa-di La-hầu-la: Này La-hầu-la! Nhẫn nhục là hạnh vô cùng cao quý. Muốn thấy Phật, thuận Pháp, gần Tăng. Ông hãy tu hạnh nhẫn nhục. Người biết nhẫn nhục tâm hồn sẽ thư thái, an ổn, diệt trừ được các tai họa, trí tuệ phát sinh; trí tuệ là kiếm báu chặt đứt gốc rễ vô minh, tham ái, ngã chấp. Người có trí tuệ, dù có chung đụng với thế lực vẫn không bị ô nhiễm. Nhẫn nhục là điều kiện làm tăng thượng duyên, tuyên dương chánh pháp, là tư lương để sớm được giải thoát sinh tử luân hồi.

 Nghe lời chỉ dạy vô cùng thâm thúy của đức Phật, Sa-di La-hầu-la như được truyền những sức mạnh vô biên, quyết tâm tu hạnh nhẫn nhục, đồng thời tu tập lòng từ đối với mọi chúng sanh, chuyên tâm tu tập mọi oai nghi tế hạnh… Không bao lâu sau đó Tôn giả thọ đại giới, nỗ lực tấn tu chứng đắc quả vị Vô sanh. Trở thành một trong mười đệ tử có năng lực đứng bậc nhất trong hàng vạn đệ tử xuất gia của đức Thế Tôn, được đức Phật và chư Tăng khen ngợi là bậc có mật hạnh đệ nhất; dự vào hàng “Thập đại đệ tử” của đức Thế Tôn.

 Tuổi trẻ với những nhu cầu cuộc sống không phải chỉ được xã hội bây giờ quan tâm mà đã được đức Phật quan tâm đúng mực; đồng thời Ngài còn chỉ dạy những phương pháp giáo dục xuyên qua những tâm lý và nhu cầu của tuổi trẻ, chỉ dạy những phương pháp tu tập khuyến khích và nêu cao hạnh nguyện cao cả của một bậc thượng sĩ xuất trần trong buổi đầu đến với Phật pháp dưới danh xưng là “chú điệu, chú tiểu và chú Sa-di), sự quan tâm về mọi mặt của một vị xuất gia trong thời niên thiếu một cách đúng mức và sinh động được đức Phật dạy rõ qua hình tượng của Sa-di La-hầu-la.

 Câu chuyện đức Khổng Tử phải bó tay trước những câu hỏi của những trẻ em đã đánh giá tầm quan trọng của trẻ em trong thời niên thiếu: Một hôm trên đường đi du thuyết, ngồi trên xe có người điều khiển, đức Khổng Tử nghe hai chú bé cãi nhau quyết liệt không phân thắng bại, Ông bảo người đánh xe dừng lại hỏi để hỏi rõ chúng cãi nhau về chuyện gì.

 Một em nói rằng: Con bảo mặt trời buổi sáng gần ta hơn mặt trời buổi trưa, vì con thấy mặt trời buổi sáng nó to hơn mặt trời buổi trưa nhưng thằng này không chịu. Em còn lại bảo rằng: Con nói mặt trời buổi trưa gần chúng ta hơn ví nó chiếu sáng và  nóng hơn, buổi sáng xa nên nó không làm nóng… vậy mà thằng này nó không chịu. Và cả hai em bé xin đức Khổng Tử giải thích giùm.

 Đức Khổng Tử nghe xong toát mồ hôi vì nghĩ mình từng dạy hàng ngàn, hàng triệu người học tập mà không trả lời được sự thắc mắc của hai thằng bé, cảm thán ông thốt lên rằng: “ hậu sanh khả úy” rồi lên xe bỏ đi.

 Các nhà giáo dục bây giờ đã nhận thấy được tầm quan trọng của tuổi thanh thiếu niên nên đã có những lời nhận định: “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” hay “tuổi trẻ hôm nay là chủ của thế giới ngày mai”. Ông cha ta cũng đã khẳng định tầm quan trọng của tuổi thơ nên có những lời nhận định rất bình dị mà sâu sắc: “Tre già măng mọc”.

 Đến với đạo Phật ngày nay, chúng ta sẽ thấy được hình bóng của hàng thanh thiếu niên được đề cao qua sự chú trọng phát triển các Gia Đình Phật Tử. Tuy nhiên điều này còn rất mờ nhạt chưa được quí thầy, giáo hội và các giới Phật tử… quan tâm đúng mức, nếu như lớp Phật tử trung niên hay lão thành đi qua mà không có hàng thanh thiếu niên Phật tử lên thay thế thử hỏi Phật giáo có bị mai một hay không? Truyền thống tâm linh sâu sắc, đạo đức cao đẹp ngàn đời có được nhiều người kế thừa hay không?

 Quan trọng hơn thanh thiếu niên trong Gia Đình Phật Tử là hàng Sa-di và Tăng Ni trẻ cần phải được quí thầy và giáo hội quan tâm hết mình, bởi đây là điều kiện quyết định sự tồn vong, thạnh suy của Phật pháp trong tương lai. Xác định được tầm quan trọng là một phần, nhưng đưa ra đường hướng để giáo dục, hiểu được nhu cầu từng lứa tuổi… lại là vấn đề quan trọng hơn.

 Cuộc đời của các bậc Thánh đi qua lặng lẽ như một dòng sông với nước sông tưới mát ruộng đồng, với phù sa vun bồi cho từng khu vườn, đồng lúa… nhưng hình ảnh của các Ngài, Thánh hạnh của các Ngài và nhất là  giáo pháp quí giá của quí Ngài, sẽ là những dòng suối thanh lương tưới tẩm cho mọi tâm hồn, mọi cuộc đời ngày càng thêm thăng hoa, tươi đẹp. Nhất là Thánh hạnh của tôn giả La-hầu-la một cuộc sống hy sinh vĩ đại thời thơ ấu tuyệt vời và cao cả: Từ bỏ những gì cao sang nhất sung sướng danh vọng nhất… để đón nhận những khổ đau nhọc nhằn nhất và thành tựu được Mật hạnh cao cả nhất. Xứng đáng là tấm gương tốt cho hàng Sa-di, hàng thanh thiếu niên Phật tử chúng ta rọi soi, học tập để làm thăng tiến cuộc sống, lý tưởng cao cả của mình ngay trong cuộc sống phồn hoa giả mộng như thế giới ngày nay.

Nguồn Tập San Pháp Luân 18


Bài khác nên xem

Thân Gíáo – A young Buddhist perspective

phuocthanh

Tiểu sử Hòa Thượng tuyên Luật Sư Thích Đỗng Minh

phuocthanh

Bát Chánh Đạo với Năm Giới quý báu

datthinh