Thi vượt bậc

 

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

I. MỤC ĐÍCH :

Thi vượt bậc có mục đích :

–    Kiểm tra lại kiến thức mà các em đã được các anh chị trưởng truyền thụ, về gíáo lý cũng như về hoạt động thanh niên.

–    Có kiểm tra lại kiến thức của các em mới biết chắc trình độ tiếp thu của các em, đồng thời mới nhận ra các nhận thức sai lầm của các em nếu có, để kịp thời chỉnh lại cho chính xác.

–    Cũng qua việc thi vượt bậc người Huynh trưởng mới nhận đuợc khả năng giảng dạy của mình như thế nào, để cải tiến lại cách giảng giải của mình.

–    Có thi, Đoàn sinh mới chịu khó ôn tập các bài vở đã học.

–    Có tổ chức thi vượt bậc, bản thân Đoàn sinh mới nhận ra được đã nắm vững, hiểu thấu đáo các vấn đề đã học chưa ? Nếu chưa hiểu được rành mạch thì cần học lại để hiểu cho thấu đáo hơn, là điều đương nhiên.

* Huynh trưởng cần cho Đoàn sinh hiểu rõ mục đích nầy thì việc không đạt cũng chẳng có gì là buồn.

Như vậy thi cử có mục đích đôn đốc và kiểm soát Đoàn sinh. Huynh trưởng trong công việc giảng dạy phải thực hiện cho đúng chương trình đã quy định trong từng bậc học.

* Trước ngày thi vượt bậc, Huynh trưởng phải cho kiểm tra nhiều lần.

II. PHẦN CHUẨN BỊ :

1. Hội đồng khảo thí :

a. Nhân sự :

–    1 Chánh chủ khảo

–    1 Phó chủ khảo

–    1 Thư ký

–    Các giám khảo.

b. Nhiệm vụ :

–    Ấn định lần cuối thời gian và địa điểm cho kỳ thi.

–    Ra các đề thi (theo thông lệ mỗi Đoàn trưởng ra 3 đề cho mỗi môn rồi cho vào phong bì dán kín lại. Hội đồng bốc thăm lấy một phong bì) và chấm thi.

2. Hội đồng coi thi :

a. Nhân sự :

–    1 Chủ tịch

–    1 Phó chủ tịch

–    Các giám thị.

b. Nhiệm vụ :

–    Giám sát Đoàn sinh trong khi thi.

–    Niêm phong bài thi và chuyển qua cho Hội đồng khảo thí.

Ghi chú : Trường hợp nhân sự của Ban Huynh trưởng ít thì có thể chỉ một Hội đồng khảo thí làm luôn cả hai công việc.

3. Các vật dụng :

–    Có loại do gia đình cung cấp.

–    Có loại do Đoàn sinh mang theo.

Tất cả 2 loại đều được tiên liệu trước để chuẩn bị.

4. Thủ tục :

–    Gia đình chỉ được phép tổ chức kỳ thi cho 4 bậc Oanh vũ và 2 bậc Hướng, Sơ thiện cho ngành Thiếu.

–    1 tháng trước kỳ thi, chương trình thi, đề thi, danh sách Đoàn sinh dự thi, danh sách Hội đồng khảo thí, phải được trình lên cho Ban hướng Dẫn tỉnh.

5. Tinh thần thí sinh :

Huynh trưởng Đoàn phải chuẩn bị tinh thần cho Đoàn sinh hầu tránh xa 2 thái cực :

–    Quá lo sợ, mất bình tĩnh.

–    Buông xuôi, xem thường giá trị thi cử, không trung thực.

Ban Huynh trưởng phải gây được sự hứng thú cầu tiến, thật thà, thản nhiên và tin tưởng vào Hội đồng khảo thí.

III. PHẦN THỰC HIỆN :

1. Dưới hình thức trại :

Thông thường Hội đồng khảo thí quan sát kỹ lưỡng địa điểm để vạch một trò chơi lớn, hầu lồng các đề thi vào. Cuộc thi như vậy rất hào hứng có tính chất hoạt động thanh niên (nhưng lại khó kiểm soát).

2. Hình thức trường ốc :

Ở đây việc kiểm soát dễ dàng hơn, nhưng lại thiếu sinh động không mang tính chất thanh niên và cuộc thi lại không được liên tục, tự nhiên từ môn nầy đến môn khác (Phật pháp thi ở trong phòng, Hoạt động thanh niên thi ở ngoài chẳng hạn).

3. Thái độ giám thị và giám khảo :

Điều khó nhất là cách đối xử của giám khảo và giám thị. Các Huynh trưởng nầy phải lánh xa 2 thái cực :

–    Đừng quá lầm lì, hống hách, quá quan trọng hóa các vấn đề để Đoàn sinh lo sợ hay có những cử chỉ hạ nhân cách.

–    Đừng tỏ ra quá khe khắt.

–    Đừng luôn miệng phàn nàn Đoàn sinh kém vì như thế là hạ nhân phẩm.

–    Giám thị không nên chỉ vẻ, mà chỉ nên khuyến khích và gợi ý trong tình thân mật anh em. Phải làm thế nào để Đoàn sinh trực nhận ở nơi giám khảo lòng nhân ái nhưng thẳng thắn, công bằng.

            Các vị Đoàn trưởng liên hệ :

–    Đừng quá xuề xòa để Đoàn sinh coi thường cuộc thi.

–    Đừng chê đề thi quá khó, quá dễ, cũng không phàn nàn thời giờ quá dài hay quá ngắn (Điều nầy có thể góp ý sau).

Nói tóm lại, thi cử cũng là một phương tiện giáo dục Đoàn sinh về phương diện đức độ. Như vậy thi cử không chu đáo lại là phản giáo dục.

4. Kết quả :

Bài thi phải được chấm tại chỗ, các điểm phải cộng nhanh nhưng chính xác, để kết quả được công bố càng sớm càng tốt.

Danh sách Đoàn sinh trúng tuyển phải chép thành 3 bản, do Chánh chủ khảo lập với sự duyệt khán của Bác Gia trưởng, rồi đệ trình lên Ban Hướng Dẫn tỉnh. Ban Hướng Dẫn lưu một bản và một bản niêm yết tại Đoàn quán.

IV. KẾT LUẬN :

Qua phần mục đích chúng ta đã thấy ngay : thi vượt bậc rất quan trọng trong Gia Đình Phật Tử. Giúp chúng ta khảo sát về năng lực, chuyên môn, văn nghệ, mức am tường Phật pháp của Đoàn sinh. Nhưng việc thi cử nầy không thể xác định mặt đạo đức của Đoàn sinh được.

Vậy nên để bổ túc, chúng ta cần phải đề ra một vài biện pháp nhằm đôn đốc Đoàn sinh rèn luyện nhân cách, chẳng hạn Đoàn sinh có một số điểm tối thiểu nào đó về đức độ mới được dự vào các cuộc thi cử (do Ban Huynh trưởng xét).

Chúng ta lại vô cùng thận trọng khi thi cử  thì mới khỏi mang lại đổ vỡ như Đoàn sinh bất mãn xin ra khỏi gia đình, Huynh trưởng mang tiếng bất lực, bất công.

Bài khác nên xem

BHD.GĐPT Cam Ranh: Sinh hoạt hậu trại A Dục XIII-Huyền Trang V (đợt 1)

Huệ Quang GĐPTVN

Tư cách và nhiệm vụ người Đoàn phó

datthinh

BHD GĐPT Đồng Nai tổ chức bế mạc Liên Trại Lộc Uyển 11 – A Dục 6

phuocthanh