Thành Đạo Dưới Cội Bồ Đề – Đức Quảng

tua Dem thanh dao

 

Sự kiện Thành Đạo dưới cội Bồ Đề

Đức Thích Ca đã thị hiện sự kiện thành đạo dưới cội Bồ Đề là đem thân giáo để giáo huấn chúng sinh chứ không phải chỉ trong một vài kiếp tu hành con người ta có thể đạt đến một trí tuệ siêu việt như thế, tuy nhiên sau khi Thành Đạo Ngài đã chỉ rõ cho Phật tử một con đường tắt để như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm viết: “ Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng – Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân” nghĩa là các điên đảo vọng tưởng trong muôn ức kiếp đều bị tiêu diệt, không cần phải trải qua vô số kiếp tu hành mà vẫn có thể chứng được Pháp thân.

 Từ vô lượng kiếp Đức Phật tu hành chứng các tầng đạo quả  trong Tứ vô lượng tâm mà tích lũy công đức. Mỗi lần tái sanh, Ngài lại đưa thêm vào tạng thức A Đà Na công hạnh phước đức trí tuệ dần hoàn thiện nên một nhân cách thù thắng: Sinh ở loài cá thì vượt lên trên loài cá mà hy sinh cho nhân loại; làm chúa loài vượn ra công cố sức cứu bầy thoát khỏi loài người độc ác, làm vua loài nai thì tròn trách nhiệm lớn hy sinh không tiếc mạng sống cho người; lúc được thân người thì bố thí thân thể cho đàn hổ đói; khi ở ngôi vua thì lóc thịt cứu chim ưng; làm chim, làm voi cũng rạng rỡ lòng hiếu kính….Ngài đã giải thích cho chúng ta hiểu rằng thân người mà chúng ta có được hôm nay là một sự hệ thuộc tương quan không rời với các loại tứ sanh, lục thú trong quá khứ, ngày nay được gần Phật Pháp đã là một đại nhân duyên nếu không ra sức tu hành vượt ra khỏi các điều tham muốn thì “Nhân thân nan đắc-Phật Pháp nan cầu”. Nên khi ta được thân người thì không nên khinh chê các loài cầm thú vì trong thân của chúng cũng đã từng dung chứa thân ta. Hãy nhìn những ai tuy mang thân người mà lòng dã thú cũng là một hiện tượng nhân quả tương quan, và đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy một sự hợp nhất không có sai biệt về Phật tánh trong tất cả chúng sinh, sở dĩ gây ra những cảnh tương sát, tương tàn đều do tham, sân, si, mạn, nghi cấu thành trùng trùng vọng niệm dấy khởi làm khổ đau cho nhau.

 Kết quả trong hiện đời Ngài có thể lực khỏe mạnh, trí lực siêu việt, gia đình hạnh phúc và thụ hưởng những điều kiện sống cao tột mà bao người thế gian cho là hạnh phúc – Rồi Ngài cũng buông bỏ tất cả các thứ giả tạm đó để đi tìm một thứ chân lý đích thực vì đã thấu hiểu trước sau gì rồi các hạnh phúc đó cũng từ bỏ thế gian mà đi.

Mục đích cứu cánh, bản hoài của chư Phật mong muốn chúng sanh là giác ngộ nên cội cây Tất Bát La nơi đặt Kim cang tòa đức Thích Ca thành đạo được gọi là cây Bồ Đề với lời đại nguyện “ Nếu không chứng quả Bồ Đề ta quyết không đứng dậy”, như vậy mục đích Giác ngộ đã rõ , không rời khỏi Bồ Đề khi chưa chứng đạo – và Phật tử chúng ta đừng bao giờ quên mục đích này mà rời khỏi cội Bồ Đề. Qua ngày thứ 49 đức Thích Ca đã an nhiên đứng dậy rời khỏi cội bồ đề, chúng ta hiểu Ngài đã hoàn toàn giác ngộ, chứng được tuệ giác vô thượng Phật Đà.

Từ vô lượng kiếp quá khứ ngài đã thường hành “Bồ Tát Đạo” không ngừng qua các tâm thể đồng cảm với chúng sanh không có thắc mắc nghi ngại để giải cứu cho họ. Ngài tùy hỷ với chúng sanh khi chúng sanh làm được việc tốt để mang thêm nguồn vui cho họ. Tất cả việc làm của Ngài đều tạo thành hạnh ban vui cứu khổ của đại từ bi – mà nếu không mở tâm đại bi thì chúng ta không thể nào bước vào nhà Như Lai được. Không có lòng kham nhẫn chịu đựng, nhẫn nhục ôn hòa, bình an trong hoàn cảnh thống khổ cứ buông trôi tâm trạng chiều ý hoặc đối kháng với lục dục thất tình thì Phật tử chúng ta khó thể mặc áo Như Lai mà làm con Phật, thiếu hai thành tố này ta sẽ mãi mãi không hiểu và không có khả năng nhìn thấy được Pháp thân Tỳ Lô Giá na Phật, trang nghiêm rực rỡ, bao trùm hư không vũ trụ của tất cả chúng sinh. Thành tố thứ ba mới thật sự quan trọng hơn cả là đạt được Pháp tánh không tuệ của trí Bát Nhã, không chấp thời không vương; không thủ thời không xả – nhất thiết duy tâm tạo – Ưng quán Pháp giới tánh. Giải thoát tri kiến để tòa Pháp thân hiện ra lầu gác, muốn thấy được Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật thì phải thành Phật đó chính là cứu cánh khi ngồi xuống cội Bồ Đề và phát nguyện không rời khỏi mục đích Giác ngộ nếu không chứng đạo.

1 Tuan 2

Thế nên, sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề đến tuần thứ hai Ngài ngồi đối diện với cội Bồ Đề để tạ ơn loài đại thụ đã che chở suốt thời gian nhập vào Đại định kiên cố cho đến khi thành Đạo. Ngài lại muốn cho tất cả chúng sanh giác ngộ như Ngài nên ngay tại Bồ Đề Đạo Tràng đã khai mở Pháp hội Hoa Nghiêm trong 21 ngày. Con đường của Thiện tài Đồng Tử  với tâm hồn ngây thơ, vô lo, và trong sáng nhẹ tênh đã đi qua 110 thành, vượt qua 50 chặng đường, học đạo với 50 bằng hữu Thiện Tri Thức, dù người hiền, người dữ đều có thể thân cận gần gũi để học những điều hay nơi họ (hay để trau luyện tâm mình) Chúng ta phát tâm tu hạnh Bồ tát phải thường thắp giữ ngọn đèn chánh niệm trong hành vi lời nói để mỗi ngày mỗi hiển lộ Phật tâm, làm cho gia thân, quyến thuộc, bằng hữu chuyển hóa tâm thức để hiểu Phật, làm những việc giống Phật. Tuy những hình thức phát tâm là từ sự hy sinh, buông bỏ những hành động và vật chất nhỏ đến các sự hy sinh lớn lao như xả mạng vì người, vì chúng sanh, nhưng ba đời chư Phật là sự chuyển hóa nơi Tâm, thành đạo và truyền đạo nơi Tâm mà các hành trạng chỉ là sự biểu hiện của tứ vô lượng tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả.

Hảy khởi niệm và con đường đến cội Bồ đề thành đạo không xa.

 

Đức Quảng

 

Bài khác nên xem

Nhạc Karaoke: Áo Lam Hiền – Chúc Linh

ducquang

Không khí

nhuanphap

Choáng ngợp hàng nghìn tượng Phật thiêng xuyên núi

phuocthanh