Thái tử Tu Đại Noa

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

I. LƯỢT TRUYỆN :

Một thời Đức Thế Tôn ngự tại nước Xá Vệ nơi rừng Kỳ Hoàn, tại A-luyện trong vườn A-Na-Phân để đối với vô số Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu ba di. Lúc ấy Ngài ngồi chính giữa, có bốn hàng đệ tử chầu chực xung quanh. Bỗng Ngài mỉm cười và nơi miệng có chiếu hào quang năm sắc.

Ông A Nan đứng dậy, sửa y phục trang nghiêm, chắp tay quỳ xuống và nói : “… Bạch Đức Vô lượng thọ, đã 20 năm con hầu cận Ngài, chưa hề thấy Ngài cười lần nào như hôm nay. Bạch Đức Chánh Biến Giác, hiện giờ, Ngài nhớ đến chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai chăng ? Con rất mong đợi biết vì sao Ngài mỉm cười như thế ? ”.

Phật đáp: “ Ta không tưởng tới Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Ta nhớ cái hạnh bố thí Ba-la-mật-đa của ta ta hồi vô lượng kiếp trước ”.

Ông A Nan nói : “ Bạch đức Vô-lượng-quang xin Ngài hoan hỷ cho con biết Pháp ấy ra sao? ”.

Phật nói : Thuở A-tăng-kỳ kiếp, có một nước hiệu là Diệp-ba, vua tên là Thi-tí, lấy phép chân chánh trị vì, chẳng hề làm tổn hại lê dân.Vua có 4.000 quan thượng thơ, 500 thớt voi bạch, cai quản 60 tiểu bang và 800 thôn xã. Vua tuy có hai muôn vương phi mỹ nữ, song không có bà nào có con. Ngài khẩn cầu khắp nơi, tu luyện đạo đức.

May thay ! Một bà bỗng có thai.

Thiên tử bổn thân săn sóc chánh cung rất chu đáo. Ngài lại ra lệnh lo nào nệm thúy gối loan cho bà ăn nghỉ, nào món ăn cho mỹ vị, thức uống cho tinh khiết đặng bà dùng. Sau chín tháng đến ngày mãn nguyệt khai hoa, bà sanh hoàng nam. Hay tin này, cả thay quý phi trong cung điện đều hớn hở vui mừng.

Thời gian qua Thái tử được 16 tuổi. Ngài văn võ kiêm toàn, lại thêm lể nhạc cung đờn cũng là tột chúng. Ngài phụng kính Hoàng phụ và Mẫu hậu chẳng khác gì tiên thánh. Vua cha lại dựng riêng cho Thái tử một tòa các nguy nga rực rỡ.

Tuy trẻ tuổi, song Đông cung lại quý sự phước thiện, bố thí cho nhân loại, thượng cầm, hạ thú. Ý Ngài chỉ muốn cho tất cả chúng sanh được an vui tự tại.

Khi đến tuổi trưởng thành, vua cha đính hôn cho Ngài với nàng Mạn-Trà, con một vị thiên tử, Công chúa sắc đẹp tuyệt trần và đức hạnh không ai sánh kịp.

Ngày tháng qua, Đông cung được một trai, một gái. Một hôm, Ngài xin phép vua cha ra thành dạo chơi và xem cảnh vật. Ngài thấy những người nghèo, đui, điếc, câm đi dọc đường, trong lòng ưu ái, không hân hoan chút nào. Vua cha hỏi, Đông cung nói : “ Tâu Hoàng phụ, con ra thành thấy người nghèo, điếc, đui, câm; con động mối từ tâm, xót thương trắc ẩn. Con muốn tâu Hoàng phụ biết ý muốn của con, song con còn ngần ngại e Hoàng phụ không nhận lời ”. Hoàng thượng nói: “ Con muốn điều gì, cha cũng hoan hỷ ban cho như ý ”. Đông cung nói : “ Con muốn lấy tất cả của cải trong kho tàng của Hoàng phụ, đem bố thí cho mọi người, bất luận ai xin vật chi thì con cho vật ấy ”. Hoàng thượng đáp : “ Hay thay, con cứ thi hành theo bổn nguyện, cha không cấm cản ”.

Đông cung xin các quan hầu cận đem đồ châu báu ra bày biện nơi bốn cửa thành và ngoài chợ đặng bố thí cho tất cả nhân loại. Tám phương trời đất đều hay việc lành của Thái tử. Bốn hướng xa xôi nghìn dặm, đua nhau lặn suối trèo non, đến thọ thí. Người đói rách, Thái tử cho ăn mặc, kẻ xin bạc vàng châu báu, Thái tử lại cấp cho, ai ai cũng được toại lòng hả dạ.

Thời ấy có một ông vua nghịch sanh lòng nham hiểm, hay tin Thái tử bố thí bất luận là ai cùng vật gì, mới hội các đình thần và các vị Bà la môn trong nước bàn bạc rằng : “ Ta nghe vua nước Diệp-ba có một thớt tượng bạch, tên là Tu-đàn-diên chay bay được trên liên hoa. Voi ấy đã dũng mãnh lại mạo hiểm trong việc chiến tranh, trăm trận trăm thắng, chả biết chư khanh có ai chịu đi xin voi ấy chăng? ”.Các quan văn vỏ lắc đầu trương mắt nhìn nhau; song trong hàng Bà la môn, có tám ông tâu rằng: “ Chúng tôi nguyện làm như ý, cúi xin Hoàng thượng ban cho chúng tôi ít đồ hành lý ”. Vua dạy cấp đồ đi đường và nói rằng : “ Ta rất tin cậy các ngươi, nếu các ngươi xin được voi ấy, ta sẽ trọng thưởng ”.

Tám ông Bà-la-môn tay cầm tích trượng lên đường, khi lên thác khi xuống ghềnh, lần hồi đã tới nước Diệp-ba. Chúng hỏi thăm đến trước của đền của Thái tử, thảy đều chống gậy kim cương, chân đứng chân treo, day mặt vô cửa. Người giữ của vào báo cho Đông cung. Ngài liền ra thi lễ một cách tôn trọng, chẳng khác chi nghĩa cha con. Đoạn Thái-tử hỏi : “ Bạch quý Ngài, quý Ngài ở đâu đến đây ? Đi đường sá xa xôi có cực khổ chăng ? cảm phiền quý Ngài cho tôi biết có việc chi quan hệ mà phải chịu nhọc nhằn treo chân thế này? ”. Tám vị Bà-la-môn đáp : “ Thưa Thái tử Đông cung, chúng tôi mạn nghe Đông cung mở đường phát thiện, bố thí bất luận ai cùng bất cứ của cải gì, nên danh thơm của Ngài truyền khắp tám phương, công đức của Ngài quả thật vô lượng, vô biên, xa gần đều chúc tụng, không một ai không biết. Chính bần đạo lấy đó tin chắc chắc như lời. Thưa Thái tử Đông cung, thật Ngài là con cõi thượng thiên, thế thì lời nói của Ngài còn hơn kim thạch. vấy nếy Ngài thành tâm bố thí, chúng bần đạo xin Ngài hoan hỷ cho chúng tôi bạch tượng bay trên liên hoa ”. Đông cung liền lại chuồng tượng dắt ra một con voi bạch, song các vị Bà-la-môn nói lại : “ Thưa Thái tử Đông cung, không phải thớt voi này, chúng tôi xin đây là bạch tượng chay được trên hoa sen, tên nó là Tu-đàm-diên ”. Thái tử đáp: “ Cha tôi thương voi ấy lắm, chẳng khác chi tôi, tôi không thể tự quyền cho các Ngài. Nếu tôi cho thì cha tôi hết thương tưởng tôi, lại còn đuổi tôi ra khỏi nước nữa ”. Nhưng Đông cung lại nghĩ rằng : “ Trước kia ta đã lập trọng nguyện “ Bố thí như ý ”, nếu nay ta từ chối thì ta tư bác đại nguyện của ta. Ta nên cho voi ấy mới có thể đạt được pháp Ba-la-mật-đa ”. Đông cung không còn ngần ngại nói : “ Bạch quý Ngài, tôi không dám làm quý Ngài phài bận long vì một sự nhỏ nhen đó ”. Đông cung dạy tùy tùng thắng bành vàng và dắt tượng ra tức tốc, tay trái Ngài bưng nước rửa tay cho các vị Bà-la-môn tay mặt dắt voi cho quý khách. Vừa được voi bạch, tám Bà-la-môn liền ca tụng “ Bồ đề tâm ” và cảm tạ Đông cung, lộ vẻ hân hoan và vội vả lên đường. Đông cung lại còn nói vớI: “ Xin quý Ngài hãy đi cho chóng, kẻo Hoàng phụ tôi biết lại cho người theo bắt voi ”. Trong nháy mắt, tám ông Bà-la-môn biệt dạng.

Vừa nghe Thái tử cho kẻ nghịch tượng báu, các quan văn vỏ đều sửng sốt, lo sợ rằng: “ Nước ta nhờ có voi ấy mà dẹp nạn can qua ”. Quần thần liền vào tâu với vua : “ Muôn tâu bệ hạ, Đông cung đã đem voi báu cho kẻ thù nhà, Bệ hạ dựng nên bờ cõi cũng nhờ voi ấy oai phong lẫm liệt, một mình có thể chống cự với sáu chục thớt voi khác như chơi, nay Đông cung lại cho kẻ nghịch, chúng hạ thần cho đó là điềm mất nước. Chúng tôi tâm hồn rối loạn, cúi xin Hoàng thượng định đoạt, Bố thí như ý của Đông cung theo thiển kiến của chúng tôi thì chẳng kíp thì chầy, Thái tử chẳng những vét sạch cả của cải trong kho tang mà thôi, lại chúng tôi e sợ Ngài còn cho luôn cả nước và vợ con Ngài nữa ”. Vua nghe tâu không vừa lòng, liền cho đòi một vị Đại thượng thơ đến hỏi : “ Khanh cho trẫm biết có phải Thái tử bắt bạch tượng cho kẻ nghịch chăng? ”.

–    Muôn tâu Bệ hạ, quả thật như lời.

Vua hội nghị cả thảy đình thần để thẩm án Đông cung. Một quan Thượng thơ tâu: “ Kẻ nào vào chuồng tượng thì chặt chơn, kẻ nào dắt tượng thì cắt tay, kẻ nào thấy dắt tượng thì móc mắt ”. Một quan thượng thơ khác lại tâu: “ Xin Hoàng thượng cọng cả tử hình cho cả thảy thủ phạm và đồng lõa ”. Thấy quần thần phân vân và ý kiến không đồng, vua lại thêm tha thiết và phán với triều đình: “ Con Trẫm chẳng những ham tu Huệ mà thôi, lại còn mộ đường phước thiện. Đối với mấy điều ấy Trẫm không thể ngăn cản, huống chi nay Trẫm nỡ đành bắt buộc hành hình cùng địa ngục ”. Một vị thượng thơ bác bẻ ý kiến cả thảy triều thần, rồi quỳ xuống tâu: “ Theo thiển kiến của tôi, Ngài nên đuổi Thái tử ra khỏi nước và đày người ở chốn sơn lâm 12 năm hòng người ăn năn hối ngộ ”.

Vua theo ý kiến ấy, dạy đòi Đông cung vào hỏi: “ Có phải ngươi bắt bạch tượng cho kẻ nghịch chăng? ”.

–    Muôn tâu Hoàng phụ, quả thật có như vậy.

Vua lại hỏi: “ Sao ngươi lại dám bắt bạch tượng cho kẻ nghịch mà không trình cho ta hay trước? ”.

–    Thưa Hoàng phụ, trước kia Hoàng phụ cho phép con bố thí như ý và không ngăn cấm một việc chi. Bởi thế con không tâu lại với Hoàng phụ việc con làm phước.

Thánh hoàng nói: “ Lệnh ta ban thuộc về đồ ngọc ngà châu báu, chớ không can hệ đến tượng bạch ”.

Thái tử đáp: “ Muôn tâu Hoàng phụ, các vật ấy đều là của cải của Hoàng phụ tất cả, con không ngờ phải trừ ra bạch tượng ”.

Hoàng thượng phán: “ Ngươi phải tức tốc ra khỏi nước này, ta đày ngươi tại núi Đàn-đặc (Danta) 12 năm ”.

Thái tử tâu: “ Con không dám cãi lệnh Hoàng phụ, song con xin Hoàng phụ cho phép con ở lại thêm bảy ngày đặng bố thí thêm cho mãn nguyện ”.

Thiên tử đáp : “ Ta dạy đuổi ngươi cũng vì sự bố thí của ngươi thái quá, chẳng những làm tiêu tan kho báu của ta lại làm cho nước mất một linh vật, người không được ở lại đây thêm bảy ngày, hãy ra khỏi nước bây giờ, ta không cho phép đâu? ”.

Thái tử tâu: “ Con không dám trái lệnh Hoàng phụ, nhưng vì con còn chút ít của cải riêng, muốn đem bố thí cho trọn vẹn, chớ con không dám đá động đến kho tàng của nước nữa ”. . .

Hai muôn cung phi đồng xin cho Thái tử ở lại bảy ngày rồi sẽ đi cũng chẳng muộn. Vua nhận lời.

Thái tử dạy gia dịch truyền cho thập phương hay; ai muốn của cải, thì đến Ngài cung cấp cho. Nhân dân ở bốn phương trời nghe đồn đều đến cửa đền. Thái tử rất ân cần thiết đãi thức ăn, chăm non phân phát của cải, mọi người đều được vui vẻ. Trong bảy ngày được bố thí cho của cải, người hàn vi trở nên phú quý, cả muôn người nhờ đó được no ấm hân hoan.

Đông cung vào từ tạ Công chúa Mạn-trà nói rằng: “ Vì tôi bố thí thái quá, đã vét sạch kho tàng lại cho kẻ nghịch tượng bạch kỳ tài, nên Hoàng phụ và triều đình đày tôi 12 năm lên núi Đàn-đặc ”. bà Mạn-trà nói: “ Muốn nước thạnh nhà an, tôi xin cầu Đức Thánh hoàng, các thượng quan cùng quan dân lớn nhỏ trong nước, thảy đều được giàu sang, an vui vĩnh viễn. Còn tôi thì tôi nguyện theo Thái tử vào chốn thâm sơn mà tu hành pháp Bát nhã ”. Đông cung nói: “ Người nam tử ở núi non hiểm địa còn khó giữ được bình tĩnh với cọp hùm cùng các thú dữ khác, Vương phi đã quen thanh nhàn, làm sao chịu nổi với cảnh khó khăn và đời vô vị. Công chúa ở thì đài các nguy nga, mặc ròng tơ lụa, nghỉ toàn nện gối, ăn uống toàn đồ mỹ vị. Còn trên sơn lâm, nghỉ ngơi màn trời chiếu đất, nệm gối bằng cỏ rơm, thức ăn toàn là hoa quả. lại thêm mưa, gió, sấm, sét, sương, tuyết làm cho vỡ mật kinh tâm. Khi lạnh thì lạnh thấu xương, khi nóng thì nóng phỏng trán. Nơi đây cây cối không bề nương dựa, dưới đất thì là cỏ gai đá sỏi cùng loài sâu bọ độc địa, làm sao phu nhân lại chịu nổi cảnh khổ ấy? ”. Bà Mạn-trà đáp: “ Nếu thiếp xa cách Thái tử thì cần gì nệm thúy gối loan, sơn hào hải vị. Hôm nay đứng trước hoàn cảnh này, thì lẽ đương nhiên chàng đâu thiếp đó cho trọn đạo vợ chồng. Nước lấy cờ làm biểu hiện, khói thì có lửa, vợ thì có chồng. Thiếp chỉ biết gởi thân phận cho lang quân, mặc dầu mưa tối nằng chiều. Thiếp tưởng: lang quân chẳng khác chi thần thức của thiếp, nếu thần thức xa lìa thì thân kia tan rã. Vả lại, lúc  lang quân lập đàn bố thí thiếp cũng dự vào, khi lang quân lìa quê hương nếu có ngươờ đến xin thọ thí, thiếp biết nói làm sao với họ ? Lúc thiếp nghe ai khẩn cầu với thí chủ, thiếp quá cảm động có thể chết đặng vậy ”. Đông cung nói: “ Tôi mở đường bố thí, không từ chối một ai, nếu có người đến xin hai con, tôi rất hoan hỷ nhân lời. Khi ấy Công chúa không vui lòng hưởng ứng, có phải làm rối lọan tâm từ thiện của tôi không? Tốt hơn Công chúa đừng theo tôi làm chi ”. Mạn-trà đáp: “ Thái tử chớ quá lo xa, tôi xin tán thành mọi việc phước thiện, lang quân ôi ! Trong trời đất không có ai nhơn đức hơn lang quân ”. Đông cung nói: “ nếu quả Vương phi đồng tình thì không gì quý hóa bằng! ”.

Đông cung dắt vợ con vào viếng mẹ và từ giả lên đường. Thái tử thưa: “ Cúi xin Mẫu hậu hãy năng nhắc nhở Thánh hoàng lấy luật chân chánh trị nước chăn dân, chớ để tà đạo sang nhập nước nhà ”.

Nghe lời Đông cung, Hoàng hậu bồi hồi cảm động âu sầu. Bà nói giữa cung phi: “ Ta đem thân cứng cõi như sắt đá, lấy lòng bền bỉ hơn gang thép mà phò Hoàng thượng không chút chi lỗi lầm. nay có một mụn con vỏn vẹn, nó lại bỏ ta mà đi, tưởng tới chừng nào thì tâm bào ta đứt từng đoạn! Nhớ khi con còn trong bụng mẹ, chẳng khác chi lá trên nhành, càng ngày càng lớn ta nuôi con đến trưởng thành, nó lại đi xa, bỏ ta hiu quạnh! Các Vương phi khác sẽ được hưởng thú vui chơi, còn ta thì Hoàng thượng sẽ hết yêu ta nữa. Ta xin thành tâm chú nguyên cùng cao xanh cho con ta được mau trở về xứ sở ”.

Đông cung cùng vợ con lạy mẹ rồi lui ra.

Hai muôn quý phi mỗi bà đều đem ngọc ngà trân châu đặng biếu cho Đông cung; bốn ngàn thượng thợ đem tràng hoa và bảy báu dâng cho Thái tử.

Thái tử ra cửa thành Bắc, Ngài lấy cả thảy bảy vật báu, ngọc ngà và bông hoa bố thí cho mọi người. Cả thảy quan dân lớn nhỏ vô số đến đưa đón chật đường, chen nhau đưa lễ vật cùng chúc từ cho Thái tử. Họ bàn luận cùng với nhau và nói: “ Đông cung Thái tử là người trọn lành, là bậc vĩ nhân trong nước. Vì sao Hoàng thượng lại xua đuổi một vị Hoàng tử quý nhất và hiếm có trong đời này? ”. Cả thảy mọi người đều hoài tâm thương tiếc.

Ra khỏi thành, Thái tử xin thần dân trở gót đặng Ngài lên đường. Lúc quay lưng, quan dân lớn nhỏ đều bi cảm và khóc than nức nở.

Thái tử lên xe với vợ con, tự cầm cương dục ngựa. Đi một quảng đường xa xa, Thái tử dừng xe dưới bóng cây nghỉ mát. Bỗng có một người Bà-la-môn đến xin Ngài con ngựa. Thái tử mở ngựa ra cho, rồi để hai con lên xe, tự mang gọng xe vào vai kéo thế cho ngựa, Công chúa thì ở sau đẩy tới. Đi thêm một khúc đường, lại gặp một vị Bà-la-môn đón xin cái xe, Đông cung liền nhận lời. Đi một khúc xa hơn nữa lại gặp một người Bà-la-môn xin bố thí. Thái tử nói: “ Tôi không muốn từ chối, song của cải tôi đã hết cả ”. Người Bà-la-môn đáp: “ Nếu Ngài không có của cải gì khác, nhờ Ngài cho tôi y phục Ngài đang mặc trong mình ”. Đông cung lấy quần áo tốt của mình mà cho, rồi mặc đồ cũ. Đi một đỗi xa nữa, gặp một người Bà-la-môn khác đến xin bố thí, Đông cung cho quần áo của vợ. Một đỗi xa hơn nữa, lại gặp một người Bà-la-môm đến thọ thí, Ngài cho quần áo hai con, Đông cung đã bố thí cả xe, ngựa, của cải, quần áo mà không buồn tiếc chút nào. Bây giờ, Đông cung thì cõng con trai, Công chúa thì bồng con gái, đi bộ lên đường. Cả thảy vợ chồng con cái đều hân hoan, nhắm non cao thẳng dặm.

Núi Đàn-đặc ở xa lắm, cách châu thành hơn 6.000 dặm. Muốn đi đến nơi, phải trải qua không biết bao nhiêu hầm hố bùn lầy, phải nhịn đói chịu khát nữa. Cứ ngày đi đêm nghỉ, xuân qua thu lại, hè mãn đông sang, tội nhân đã đền núi Đàn-đặc. Thái tử nhắm xem phong cảnh thấy núi cao chơm chởm oai nghi, cây cỏ sầm uất thạnh mậu, các thứ chim ca hót với giọng véo von, hồ trong hoa nỡ, nước ngon trái ngọt với vô số ngỗng, hạc, vịt, chài cùng các loại chim ăn dưới nước.

Thái tử nói với vợ: “ Ở đây cây mọc thẳng bằng, cao sừng sửng tận trời xanh mà không cây nào lay động. Chúng ta sẽ được uống nước trái ngọt ở hang đá; chúng ta sẽ hành pháp Bát nhã ”. Đông cung vô núi, cả thảy thượng cầm hạ thú đều vui mừng đến nghinh tiếp Ngài.

Trên chóp núi có một vị tu hành tên là A-Châu-Đà. Ngài được 5.000 tuổi và đức hạnh dung thông, Đông cung đến thi lễ rồi lui ra đứng dậy mà nói: “ Bạch Ngài, hiện giờ chúng tôi chưa biết phải ở nơi nào có thức ăn uống? ”. Ông A-Chân-Đà đáp: “ Toàn núi nầy là cảnh thiên thai, Ngài ở đâu lại không được? Núi nầy chỗ nào cũng tinh sạch và thanh tịnh, Ngài muốn hành pháp bát nhã lại đem theo vợ con làm chi ”.

Thái tử chưa kịp trả lời, bà Mạn-Trà chận hỏi: “ Ngài tu ở núi này đã bao lâu?

–    Tôi ở núi nầy được đâu 400 hay là 500 năm.

–    Một người như tôi ước tu bao nhiêu năm mới đắc huệ? Giả tỷ như tôi ở núi nầy lâu hơn cả cổ thọ cũng khó tính cho ra đến chừng nào đạt được đạo Bồ Đề.

Vị tu sĩ đáp: “ Kỳ thật mấy câu chuyện ấy, tôi cũng không biết được ”.

Đông cung hỏi: “ Ngài có nghe nói đến tên Thái tử Tu-Đại-Noa, con của vua Diệp-Ba chăng ?

Vị tu sĩ đáp: “ Tôi thường nghe nói đến nhưng không biết mặt ”.

Thái tử nói: “ Đông cung ấy là tôi đây vậy ”.

Vị tu sĩ hỏi: “ Ngài muốn tu pháp môn nào? ”.

Thái tử đáp: “ Tôi muốn tu theo Đại thừa ”.

Vị tu sĩ nói: “ Đối với công đức của Ngài, tôi tưởng chẳng bao lâu Ngài đạt mục đích một cách viên mãn. Chừng Ngài đắc đạo vô thượng, hoàn toàn sáng suốt, tôi sẽ là đệ tử thứ nhất của Ngài có phép siêu phàm nhập thánh ”.

Rồi vị tu sĩ lại chỉ cho Thái tử một chỗ ở. Thái tử bắt chước ông trồng cương vào đầu và vấn tóc, lượm nhánh và lá cây cất bốn lều tranh cho mình và vợ con.

Con trai tên là Da-li (Jali) 7 tuổi, mặc quần áo bằng cỏ rơm theo cha, con gái tên là Kê-Na-Diên (Krnâjinâ) mặc quần áo da nai theo mẹ.

Trên núi chim chóc và cầm thú vui cười, tỏ lòng tín ngưỡng và sung bái Thái tử. Khi Thái tử ở đêm tới đâu thì ở đó hang hốc đều nổi mạch nước, cây cỏ lại đơm bông trổ lá, loại sâu bọ và ác thú đều trốn mất; loại thú ăn thịt trở lại ăn cỏ, cây sai trái, chim đồng tình kêu hót. Bà Mạn-Trà lo hái trái cho Thái tử và cho con ăn. Còn hai trẻ khi thì đi chơi với cầm thú nơi mé rạch, khi thì ở đó suốt đêm. Lần kia đuổi thú chơi, con trai Di-Lị cỡi sư tử, sư tử nhảy. Di-Lị té xuống đất trầy mặt chảy máu. Một con khỉ thấy, leo lấy lá cây chùi máu, rồi dắt lại bờ ao rửa. Thái tử thấy tấn tuồng ấy, thầm nói: “ Loài cầm thú cũng có lòng thương như nhân lọai

Trong thời kỳ ấy, tại xứ Câu-Lưu có một người Bà-la-môn nghèo khó, bốn mươi tuổi, không con, vợ chàng thì yểu điệu đẹp đẽ, phương phi, còn chàng thì xấu xa, mình mẩy đen điu, diện mạo quá dị tướng, chẳng khác chi yêu ma quỉ mị. Vợ chàng gớm ghét mong sao chàng chết phức cho rồi. Ngày kia cô ta đi múc nước gặp một đám trai tráng nhạo báng chồng nàng và nói: “ Bà thì ví tợ thiên kim, cớ sao lại làm vợ một người như thế ? ”. Cô ta trả lời : “ Cái đầu già nua ấy bạc trắng như sương, sớm tối tôi hằng trù rủa nó chết, chẳng biết sao nó không nhúc nhích ”. Đáp rồi tự than thân tủi phận, về nhà khóc nói với chồng: “ Thiếp đi múc nước gặp một lũ trai tơ xúm nhau diễu cợt. Vậy chàng phải kiếm cho thiếp một con đòi, chừng nào có đứa ở, thiếp khỏi đi xách nước, bọn ấy mới hết chọc ghẹo thiếp ”. Người chồng trả lời: “ Tôi nghèo xác da xác chiếu, nàng lại muốn kiếm tôi mọi ở đâu? ” Vợ đáp: “ Nếu không có, tôi tình nguyện bỏ nhà ra đi ”. Nàng lại tiếp lời: “ Tôi có nghe Thái tử Tu Đại Noa, vì bố thí thái quá nên bị vua cha đày tại núi Đàn-đặc. Ngài có một trai, một gái, chàng nên than hành đến đó xin hai trẻ ”. Chồng bác lời rằng: “ Núi Đàn-đặc xa hơn 6.000 dặm, khó đi đến nơi, huống nữa, là xin Thái tử một việc mà Ngài không thể nào cho! ”. Vợ lên tiếng: “ Nếu chàng còn do dự, tôi sẽ mượn con dao tự tử ngay ”. Chồng xuống giọng: “ Thôi đừng vội giận, nàng coi sắm cho tôi đồ hành lý ”. Vợ nói: “ Đi thi đi đi, nhà ta thiếu trước hụt sau, còn đòi đồ hành lý gì? ”.

Người Bà-la-môn cụ bị ít món ăn rồi lên đường. Đến xứ Diệp-Ba đi ngay lại cửa thành, chàng ta mới hỏi người giữ cửa: “ Xin ông thi ân cho tôi biết Thái tử Đông cung Tu-Đại-Noa ở đâu hiện giờ? ”. Người giữ cửa không dám trả lời vào báo với Hoàng thượng hay, vua nghe tức giận mà phán rằng: “ Cũng vì lũ này mà ta đày Thái tử sao chúng nó lại đến đây làm chi? ”. Người Bà-la-môn được vào quỳ tâu: “ Muôn tâu Thánh hoàng tôi ở xứ xa lại, vì cái thanh danh của Thái tử Đông cung đâu đâu đều bếit, trên thấu tứ thiên, dưới tận cửu tuyền, Đông cung có lòng bác ái không hề để một ai thất vọng. Bỏi vậy nên ở xa, tôi cũng lặn lội đến đây chủ ý thành tâm yêu cầu một đôi việc cùng Thái tử ”. Vua nói: “ Đông cung ở chốn quạnh hiu, trong thâm sơn vì quá nghèo khổ, người còn vật chi nữa mà bố thí ”. Người Bà-la-môn tâu: “ Muôn tâu Hoàng thượng, tuy biết Đông cung kiếm khuyết mọi vật, song tôi cũng chỉ nguyện đến tận nơi ra mắt Ngài ”. Vua dạy người đi chỉ đường.

Người Bà-la-môn nhắm núi Đàn-Đặc thẳng dặm băng ngàn. Chàng vào núi gặp một người thợ săn đón hỏi: “ Xin ông thi ân cho tôi biết, Thái tử Tu-Đại-Noa có ở trên núi này không? ”. Thợ săn tuy biết Đông cung bị đày ở đây cũng vì bố thí cho dòng Bà-la-môn, song không chỉ chỗ lại còn bắt chàng trói vào gốc cây đánh một trận nhừ tử, mằng nhiếc quá lời và nói: “ Ta muốn cho người vài mủi tên và ăn thịt ngươi, ngươi còn thiếu vật chi mà đến đây hỏi thăm Thái tử ”. Người Bà-la-môn nghĩ: “ Ta sẽ bị tay người này giết vậy ta phải thiết kế đánh lừa ngườI mới mong toàn tánh mạng ”. Nghĩ rồi liền nói: “ Theo lẽ phải thì Ngài nên hỏi tôi nguyên nhân trước khi hành phạt tôi cho đáng ”. Thợ săn đáp: “ Ngươi muốn nói việc chi? ”. Người Bà-la-môn nói: “ Thưa Ngài, đức Thánh hoàng hồi tâm thương nhớ Thái tử Đông cung, dạy tôi đi tìm Thái tử đặng thỉnh về nước ”. Nghe vậy thợ săn hối hận liền mở trói thả ra nhận lỗi và nói: “ Tôi thật vô lễ, xin ông miễn chấp, cũng bởi không hay không biết có chỉ Thánh hoàng nên mới có lỗi lầm như hôm nay ”. Nói rồi chỉ chỗ ở của Đông cung.

Người Bà-la-môn đi thẳng tới lều tranh của Thái tử, Đông cung thấy đặng rất đổi vui mừng, ra tiếp rước thi lễ hỏi thăm: “ Ông ở đâu lại có lẽ đi đường xa mệt nhọc thì phải? Ông đến tôi có việc chi chăng? ”. Người Bà-la-môn thưa: “ Tôi ở xa lắm, thân tôi khốn đốn không cùng, hiện giờ tôi đói khát nữa ”. Thái tử lật đật mời vào cốc, mời ngồi, đem trà nước và trái cây cho người Bà-la-môn dùng. Khi no rồi người Bà-la-môn nói: “ Thưa Đông cung Thái tử, tôi gốc ở nước Câu-lưu đã lâu, tôi nghe lòng từ thiện của Ngài, thập phương thế giới đều mến danh thơm và đức hạnh của Ngài. Tôi quá nghèo khổ mong Ngài thương tưởng tôi, cho tôi một vài vật ”.Thái tử đáp: “ Kính ông, chẳng có việc gì tôi từ chối nhưng rủi cho ông, hiện giờ tôi không còn món gì ”. Người Bà-la-môn nói: “ Thưa Đông cung, nếu Ngài không có gì, xin Ngài cho tôi hai trẻ con của Ngài để phụng dưỡng tôi lúc trở về già ”. Thái tử suy nghĩ một hồi rồi đáp: “ Ông ở xa lại chú tâm xin hai đứa con tôi, tôi không lẽ từ chối ”.

Lúc đó hai trẻ đi chơi. Thái tử kêu lại và nói: “ Có một người Bà-la-môn ở xa đến xin hai con, cha đã hứa lời ưng chịu hai con hãy đi với người ”. Hai đứa trẻ chạy đến một bên cha khóc rằng: “ Chúng con đã từng biết nhiều người Ba-la-môn song chúng con không hề thấy người nào dị tướng như thế. Chắc người này không phải trong họ của Bà-la-môn đâu, người ấy là quỷ yêu! Nay mẹ con đi hái trái chưa về, cha lại bắt con cho yêu tinh ăn thịt, chúng con phải chết mất. Đến chừng mẹ con về, kêu con chẳng thấy chẳng khác gì bò mẹ kiếm con, người sẽ bi lụy, than van, đau khổ ”. Thái tử nói: “ Hai con chớ quá bịn rịn, cha đã hứa lời không thể thất tín. Người Bà-la-môn này không phảI là ma quỉ mị, không ăn thịt con đâu mà ngại, hai con hãy đi đi ”. Thái tử lấy nước rửa tay cho người Ba-la-môn, rồi kéo tay con cho người Bà-la-môn dắt đi.

Hai trẻ không chịu đi, chúng trở lại trước mặt cha, quỳ xuống và nói: “ Thưa cha chẳng hay chúng con phạm tội gì những kiếp trước mà ngày nay chúng con phải chịu lắm điều thống khổ. Chúng con là dòng vua nay phải làm tôi tớ cho kẻ phàm phu. Trước mắt cha, chúng con xin sám hối các tội lỗi có lẽ nhờ đó sự phiền não và nghiệp chướng của chúng con sẽ được tiêu trừ và hạnh phúc lại đặng phát khởi, mong sao đời này sang đời khác chúng con không còn gặp phải bước gian truân như thế nữa ”. Đông cung nói với hai con: “ Cả thảy ái tình đều là ảo mộng, một ngày kia phải hủy hoại; vạn vật đều vô thường mấy ai giữ trọn vẹn một vật chi nơi trần thế ”. Hai con hãy đi đi, chẳng nên dùng dằng nữa, chừng nào cha đắc đạo cha sẽ độ cho hai con ”. Hai trẻ mắt đỏ ngầu nói với cha: “ Xin cha trao lời vĩnh biệt của hai con lại cho mẹ con, chúng con quá đau lòng vì nghĩa mẹ con xa cách đời đời, lại không giáp mặt tỏ phân một lời trong khi mẹ bắc con nam. Chẳng còn nghi gì nữa, cũng bởi tiền căn nghiệp báo của chúng con, nên nay chúng con phải chịu vậy. Chúng con khi nghĩ đến mẹ chúng con về thấy mất hai con, người sẽ khổ tâm, đau đớn, sầu não chẳng cùng, lo cho thân chúng con phải chịu đói rách, phiêu lưu nơi đất khách ”. Người Bà-la-môn nói: “ Tôi già yếu, hai trẻ bỏ chạy tôi theo mẹ chúng nó, tôi lụm cụm theo bắt chúng nó sao được. Xin Đông cung trói nó giùm tôi ”.

Thái tử liền trói hai con giao cho người Bà-la-môn dắt đi, nhưng hai đứa nhỏ cưỡng lại chẳng chịu, người Bà-la-môn mới đánh chảy máu. Đau đớn thay cho Thái tử, thấy tình cảnh như vậy động lòng sa nước mắt. Cả trái đất đều rung động. Đông cung và cầm thú theo sau đưa đón hai trẻ, tới chừng biệt dạng mới trở về. Các loài lục súc trở lại chỗ cũ hai trẻ thường chơi, thấy cảnh chẳng thấy người xúc động rên than thảm thiết, lăn lộn dưới đất. Người Bà-la-môn dẫn hai đứa nhỏ đi được xa xa, dọc đường đứa trai vấn dây trói vào cây không chịu đi, chủ ý chờ mẹ nó đến cứu. Người Bà-la-môn nỗi giận lấy cây đánh nhừ tử, đến chừng chúng nó xin thôi đánh, chịu đi mới nới tay. Hai đứa nhỏ ngước mắt lên trời vái rằng:

Thần linh ơi! Hỡi thần linh ôi!

Hoan hỷ mách dùm mẹ chúng tôi

Xót dạ con đi sầu chất chứa

Đau lòng mẹ ở lụy quên thôi

Chạnh tình nuôi dưỡng chưa thù đáp

Đoái nghĩa cưu mang chẳng đắp bồi

Ở biết bao giờ cho rảnh nghiệp ?

Cuộc đời thiết tưởng bạc hơn vôi.

Cũng ngay lúc đó, Công chúa ở trên núi nháy mắt khó chịu, bà lấy làm lạ và nghĩ: Thuở giờ tôi chẳng hề có cảm động thái quá như hôm nay, chắc hai trẻ mắc phải tai nạn rồi. Bà liền để giỏ trái cây lại đó, hối hả trở về.

Khi Công chúa về, thấy Đông cung ngồi một mình không có hai con, bà vô lều tranh kiếm không có, bà lại trở ra mé rạch, chỗ chúng hay chơi giỡn, cũng không thấy. Bà chỉ thấy man, sư tử, khỉ, mấy thứ thường chơi với nó mà thôi. Bà Mạn-trà trở lại chỗ Thái tử ngồi và hỏi hai con ở đâu ? Thái tử không nói. Bà lại hỏi nữa: “ Khi hai con ở xa thấy tôi đem trái về chúng nó chạy nhào lăn dướI đất, rồi lồm cồm chổi dậy nhảy nhót reo “Mẹ về”. Khi chúng nó thấy tôi ngồi ở đâu thì đến ngồi kề một bên, thấy bụi bặm dính mìnnh tôi liền phủi. Bây giờ tôi không thấy con tôi và chúng nó không lại gần tôi, nó ở đâu, ai bắt nó ? Không thấy con tôi, lòng tôi đứt từng đoạn ! Chỉ cho tôi biết con tôi đi đâu và đừng làm cho tôi phải cuồng tâm? ”. Bà nói đi nói lại ba lần. Thái tử vẫn điềm nhiên không thốt một lời. Bà càng đau đớn hơn nữa, bà nói chua cay như vầy: “ Mất con tôi còn chịu được, song sự lặng thinh của lang quân làm cho tôi thêm rối lọan ”. Đông cung nói: “ Có người Bà-la-môn ở xứ Câu-lưu đến xin hai con và tôi đã cho rồi ”. Công chúa thoạt nghe quá cảm động, té xỉu xuống đất đau đớn khôn cùng. Đông cung nói: “ Xin Công chúa hãy nguôi lòng. Phu nhân hãy nhớ lại việc xưa, hồi thuở Phật Để-Hòa-Kiệt-La ra đời. Lúc đó tôi là một người Bà-la-môn, tên là Ba-Sô-Vệ, còn Công chúa phu nhân là con gái Bà-la-môn tên là Tu-La-Đà, Công chúa cầm bảy liên hoa, còn tôi thì nắm trong tay 100 bạc. Tôi mua năm bông sen của Công chúa đặng cúng dường Phật, còn Vương phi thì đem thêm hai bông khác cho tôi dâng cúng Phật. Phu nhân lại lập nguyện như vậy: “ Tôi nguyện cầu sao trong những kiếp vị lai tôi cứ được làm vợ chàng, dầu lịch sự, dầu xấu xa tôi không hề xa chàng”. Tôi có nói với Công chúa rằng: “ Nếu nàng muốn làm vợ tôi thì phải tuân theo chánh lý của tôi, tôi sẽ đem hết tâm lực hành pháp bố thí, không hề thối chuyển cùng làm trái ý một ai. Trừ cha mẹ tôi, ai xin vật chi tôi đều hoan hỷ ”. Công chúa ưng chịu bằng lời. Nay tôi cho hai con, Vương phi lại làm rối lọan đến mối từ tâm của tôi ”. Nghe Đông cung nói bà liền tỉnh ngộ; bà nhớ lại trong kiếp quá khứ, bà có hứa hẹn và nhận các việc bố thí của Thái tử.

Đế Thích thấy Thái tử hành pháp bố thí Ba-la-mật-đa, cố ý thử lòng Thái tử. Ngài hóa thân làm người Bà-la-môn xấu xa và cũng dị tướng như người trước, đến trước mặt Thái tử và thốt rằng: “ Đông cung ơi ! Tôi hằng nghe Đông cung rất hoan hỷ làm các việc phhước thiện và không hề từ chối việc chi. Vậy tôi đến đây xin bà Vương nữ, vợ Đông cung ”. Thái tử đáp: “ Công chúa là người của Ngài ”. Công chúa nói: “ Nếu Thái tử cho tôi đi, lấy ai mà giúp đỡ Thái tử ”. Đông cung nói: “ Nếu tôi không cho Công chúa thì tôi không đạt được đạo vô thượng Ba-la-mật-đa ”.

Thái tử múc nước rửa tay cho người Bà-la-môn và dắt vợ cho người. Đế Thích đã nhận rõ được lòng Thái tử không còn tiếc việc chi. Các Thiên thần lại ca tụng lòng từ bi của Đông cung, tức thì trời dất tối tăm, thế giới đều rung động.

Người Bà-la-môn dắt Công chúa ra đi, được bảy bước, trở lại trả Công chúa cho Thái tử. Thái tử hỏi: “ Sao Ngài không giữ Công chúa cho Ngài? Công chúa thiếu nết na, tánh hạnh xấu chăng ? Trong cả hoàng nữ, Công chúa là cực phẩm phu nhân, nàng là Công chúa của một nhà vua kim thời. Cũng vì tôi mà nàng phải nhảy vào dầu sôi, trong đống lửa đỏ, phải chịu ăn uống kham khổ, không hề than thở vì đau khổ phong trần; trong mỗi sự hành động, nàng rất ân cần chú ý và gương mặt vẫn thư thái tươi cười. Ngài nên đem nàng đi, tôi mới được an vui? ”. Người Bà-la-môn nói với Thái tử: “ Ta không phải là Bà-la-môn, ta là Thiên Đế Thích. Ta đến thử lòng Ngài. Vậy bổn nguyện của hai Ngài là chi. Ta sẽ cho được toại nguyện? ”. Nói xong Đế Thích hoàn nguyên diện mạo oai nghi, dung nhan tuyệt mỹ. Công chúa đãnh lễ Ngài và cầu xin ba điều: “ Trước nhất xin Ngài làm sao cho người Bà-la-môn đem hai con về bán tại bổn xứ, sau khi xin đừng cho chúng đói khát, sau nữa cho chúng tôi được về nước cho chóng ”. Đế Thích đáp: “ Bà sẽ được như nguyện ”. Đông cung nói: “ Kính Ngài, tôi nguyện sao cho cả thảy chúng sanh đều được giải thoát và hết khổ về sự sanh, lão,bệnh, tử ”. Đế Thích đáp: “ Lời nguyện của Ngài thật cao thượng vĩ đại không chi hơn. Nếu Ngài muốn sanh cõi trời, làm vua Thượng thiên, làm Đại hoàng đế tại cõi trần trường thọ như bá, như tùng, thì tôi có thể làm được như ý; chớ cái oai linh tối yếu trong ba giới ra ngoài bản năng của tôi ”. Đông cung tiếp: “ Tôi tạm xin cho được giàu có muôn xe đặng bố thí hơn xưa. Tôi mong sao cho Hoàng phụ cùng các quan Đại thần, hồi tâm sum hiệp cùng tôi ”. Đế Thích đáp: “ Bản nguyện của Ngài sẽ được thành tựu ”. Dứt lời Đế Thích biến mất.

Trong khi ấy, người Bà-la-môn dẫn mấy đứa nhỏ về tới nhà. Vợ chàng ra đón và nhiếc rằng: “ Thật chàng quá lớn to gan mới đem mấy trẻ nầy về đây. Nó là dòng dõi vua chúa, sao chàng lại tàn nhẫn đánh đập đến nỗi vết tích máu mủ đầy mình. Hãy tức khắc đem bán đi và kiếm đứa khác cho tôi ”. Chồng nghe lời vợ đem bán hai đứa trẻ.

Đế Thích thể theo lời nguyện của Công chúa, liền đổi ý cho người Bà-la-môn đưa qua nước Diệp Ba. Đến xứ ấy; các quan và dân nhìn biết con của Đông cung, cháu nội của đức Kin-thượng lớn nhỏ đều đồng lòng, thương xót liền vào tâu vua. Vua nghe nói lấy làm ngạc nhiên, cho đòi vào. Xa xa vừa chợt thấy Hoàng tôn; Thiên tử, Hoàng hậu, quần thần, cung phi đều khóc nức nở. Vua hỏi người Bà-la-môn làm sao có mấy trẻ nầy ? Nó tâu: “ Tôi xin Đông cung Thái tử ”.

Vua kêu cháu đến và muốn ôm, nhưng nó khóc không chịu lại gần. Vua hỏi giá cả. Người Bà-la-môn chưa kịp trả lời. Hoàng tôn nam tâu: “ Trai định giá một ngàn bạc với một trăm bò cái, gái thì hai ngàn bạc với hai trăm bò cái ”.

Vua nói rằng: “ Lẽ thường thì người ta yêu chuộng con trai hơn gái, sao trai lại rẻ giá hơn gái ”. Hoàng tôn nói: “ Tâu Bệ hạ, những mỹ nữ của Bệ hạ không là quyến thuộc của Ngài, người thì hèn hạ, kẻ lại hoa đòi; nhưng ai được Hoàng thượng yêu vì được tặng phẩm tước, trang điểm mỹ lệ, ăn uống sung sướng ! Ngài chỉ có một mụn con trai mà Ngài đày chốn non cao rừng rậm, còn Ngài thì sớm tối sung sướng với cung phi, chẳng chút đoái hoài tới nghĩa cha con. Đó rõ ràng biểu thị trai ít có giá trị hơn gái ”.

Thoạt nghe vua liền tỉnh ngộ, khóc than rằng: “ Ta có tội cùng cháu, lẽ nào cháu chẳng chịu lại gần ta ? Ghét ta hay sợ người Bà-la-môn? ”. Hoàng tôn vội tâu: “ Chúng con đâu dám tự phép ghét Hoàng thượng và chúng con tuy là con của vua chúa, nay lại là tôi tớ của kẻ phàm phu. Làm sao đứa nô bộc lại dám lòn dưới tay Hoàng thượng? Bởi vậy chúng con không thể tự tiện làm việc ấy ”. Hoàng tôn dứt lời, vua thêm sầu muộn. Liền đó Thánh hoàng trả theo giá định của người Bà-la-môn, rồi kêu cháu, hai trẻ chạy lại vào lòng Ngài. Vua ôm cháu vuốt ve và hỏi: “ Cha con ăn mặc những gì trên núi ”. Hai cháu nói: “ Cha con ăn toàn lê-hoắc, mễ cốc, mặc áo vải quần nâu, có trăm thứ chim làm cho cha con được giải khuây và không chút chi phiền ”. Vua cho người Bà-la-môn về. Hoàng tôn tâu: “ Người Bà-la-môn đói khát, xin Thánh hoàng cho người một bữa cơm ”. Vua nói: “ Vậy chớ con không giận nó sao, lại còn cho nó ăn uống nữa? ”. Hoàng tôn tâu: “ Cha hai con ham tu phước huệ, đến nỗi không còn vật chi bố thí nên đem hai con cho người, người là chủ của con, chúng con rất tiếc chưa làm nô lệ cho người, để khỏi phụ lòng bác ái của cha con. Chúng con sao đành để người đói khát. Cha chúng con còn cho chúng con được thay, huống chi bố thí một bữa cơm có lẽ nào Hoàng thượng từ chối ”.

Vua lại cho sứ giả đi triệu Đông cung về. Được lệnh sứ thần đi tìm Thái tử; tới núi Đàn-đặc liền tuyên đọc Thánh chỉ và xin Đông cung lập tức về cung. Đông cung đáp: “ Hoàng thượng đã đày ta ở núi nầy 12 năm và còn một nửa mới mãn hạn, chứng nào khâm kỳ viên mãn ta sẽ về chẳng muộn ”.

Sứ giả về tâu lại cho vua nghe, rồi Thánh hoàng tự tay hạ bút đề thơ cho Thái tử như vầy: “ Con thật đáng vị hiền nhân, nên lấy dạ khoan hồng quên chuyện đã qua. Con giận dữ có ích lợi gì, mà không quay về tổ quốc ? Cha đợi con về đặng doàn viên cọng hưởng sự an vui ”. Khâm sứ mang bức thư đem đưa cho Đông cung. Tiếp chiếu, Thái tử liền quỳ lạy trước mật chiếu, đoạn lui lại, đi vòng mật chiếu bảy vòng rồi mới khai thơ ra đọc.

Hay tin Thái tử sắp hồi trào, các loài cầm thú nhảy nhót cảm động, kêu gào tha thiết, suối khe bỗng cạn, thú cái dứt sữa, chim chóc hót tiếng như thảm sầu. Hy hữu thay cho loài cầm thú cũng biết đau thương trong khi vĩnh biệt? Đông cung và Công chúa đổi y phục lên đường.

Nghe tin Đông cung về nước, vua nước địch dạy thám tử bắt bành vàng cho bạch tượng, lại đem theo một ô vàng đựng bạc, một ô bạc đựng vàng, đón mừng Thái tử xin trả lại và tỏ dấu ăn năn hối ngộ cùng Thái tử như vầy: “ Trước kia mê muội, tôi cố ý xin Ngài voi báu, vì tôi nên Ngài bị đày ở chốn thâm sâu rừng rậm. Nay nghe tin Ngài về nước, tôi rất vui mừng cho khâm sứ đưa bạch tượng trả lại cho Ngài cùng dưng chút lễ bạc vàng, rất trông mong được Ngài hạ cố và thứ lỗi cho tôi ”. Đông cung nói: “ Giá như một người kia sắm sửa các thức ăn đủ mùi vị và dưng cho ai dùng, người ấy ăn vô rồi nhả ra, thức ăn đó có còn hương vị tinh khiết chăng ? Họ lượm ăn lại đặng chăng ? các việc bố thí của tôi khác chi đồ ăn kia, thế thì tôi không hề bắt voi lại. các quan hãy lên tượng mà về và nói có lời cảm tạ nhà vua ”.

Thám tử lên voi về tâu lại nhà Vua. Cũng nhờ câu chuyện con voi mà vua nước địch được tỉnh ngộ, trở nên người hiền, thành bậc trượng phu. Vua quan và dân lại tín ngưỡng đạo Bồ-đề và bắt đầu hành pháp vô thượng Ba-la-mật-đa.

Hoàng thượng, cha của Đông cung, ngồi voi đón con. Thái tử chợt thấy vội trổi bước, đảnh lễ sát đất rồi theo vua cha. Cả thảy văn quan, võ tướng và lê dân rất hoan hỷ đồng rải bong đốt hương trầm, treo cờ lọng, rưới nước thơm dưới đất, làm lễ tiếp rước Đông cung một cách long trọng linh đình.

Đông cung đã về tới thành liền vào lạy và vấn an Hoàng hậu.

Hoàng thượng giao cho Đông cung hết thảy kho tàng trong nước. Thái tử đem ra bố thí cho thập phương và còn nhân đức hơn xưa. Sự bố thí của Ngài viên mãn nên sau nầy Ngài sẽ chứng quả Niết bàn.

Đức Chánh Đẳng nói với ông A-Nan : “ Đó là cách ta hành pháp bố thí trong một tiền kiếp của ta. Đông cung Tu-Đại-Noa là ta đó vậy; cha Đông cung lúc đó là cha ta bây giờ, tức Hoàng đế Tịnh Phạn; mẹ Đông cung khi ấy hiện giờ là bà Ma-Da; Công chúa khi trước hiện nay là Da-Du-Đà-La, Ông A-Châu-Đà bây giờ là Mục-Liền-Liên; Đế Thích là Xá Lợi Phất; thợ săn lúc ấy hiện nay là A Nan; con trai Da-Lị hiện giờ là con trai ta La Hầu La; con gái Kê-Na-Diên bây giờ là mẹ của La hán Mật-Li; người Bà-la-môn xin hai trẻ bây giờ là Đề Bà Đạt Đa, vợ của Bà-la-môn ấy là Chiên-Đà-Ma-Na ”.

Đó là sự phiền não và đau đớn, ta chịu trong vô lượng kiếp và cũng trong vô số kiếp ta lại làm luôn luôn như thế.

Phật nói cùng ông A Nan: “ A Nan, ngươi hãy luôn luôn gìn giữ kinh này đặng diễn giải cho Tăng chúng nghe ”. Đó là cách của Bồ tát hành Bố thí Ba-la-mật-đa.

           Phỏng theo kinh “Đông cung Tu-Đại-Noa trong quyển “6 phép Ba-la-mật”

II. SUY NGHIỆM :

Qua toàn bộ câu chuyện, đã cho chúng ta thấy được rằng : Ngoài vấn đề Đức Thế Tôn kể lại chuyện tiền thân của mình nhằm để dạy cho chúng đệ tử cách thực hành hạnh Bố thí Ba-la-mật-đa. Câu chuyện về Thái tử Tu-Đại-Noa đã chứng thực cho chúng ta thấy :

–    Lòng từ bi vô hạn của đức Thế Tôn đối với chúng sanh, không những sau khi Ngài Thành đạo mà kể cả trong tiền kiếp của Ngài.

–    Thành quả của bài học tự thân với những kết quả của tâm bất thối chuyển khi thực hành hạnh bố thí ba-la-mật-đa đối với Thái tử Tu Đại Noa: cầm thú và cảnh núi rừng nơi Thái tử Tu Đại Noa đi đày; lòng mến mộ lẫn kính phục của quan, dân nước Diệp Ba; Sự tỉnh ngộ và hướng thiện của Vua quan và nhân dân nước địch của nước Diệp-ba. . .

–    Những cọng hưởng khi được sống gần Thiện tri thức : Công chúa Mạn-Trà, cũng như hai đứa con của Thái tử Tu Đại Noa : chánh kiến và tâm từ bi được huân tập và phát triển.

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Cam Ranh Tổ Chức Thi Kết Khóa Bậc Lực Năm 2011

phuocthanh

Sơ lược về Thiền ( Làm quen với giáo dục Thiền )

datthinh

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu tu Bát Quan Trai kỳ 2/2021

Tâm Lễ