Tài Liệu Bậc Kiên

NĂM THỨ NHẤT

 A.  ĐÀO LUYỆN NẾP SỐNG TINH THẦN

Ðại Cương Phật Pháp 

 1.  Dẫn Nhập

Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn nhận thấy các nguồn tư tưởng cũng như sự hiện diện của các tôn giáo đương thời đã không giải quyết được gì cho con người và xã hội. Ngài muốn đem giáo pháp mà Ngài đã chứng khai thị cho chúng sanh thoát khỏi khổ đau, đi đến an vui hạnh phúc thật sự. Nhưng giáo lý của Ngài quá thâm sâu, căn cơ chúng sanh cũng khó tiếp nhận, song rồi Ngài cũng quyết định hoằng hóa cứu độ chúng sanh.

Ðầu tiên Ngài đến rừng Lộc Uyển thuyết pháp cho 5 anh em ông Kiều Trần Như, trước đây Ngài đã có lần cùng tu với các vị này nhưng sau đó Ngài thấy cách tu ấy không thể nào đưa đến giải thoát khổ đau. Sau khi nghe pháp 5 anh em đều giác ngộ. Rồi suốt 49 năm không những Ngài đi khắp các miền Ấn Ðộ để thuyết pháp giáo hóa mà còn thuyết giảng cho hàng Chư Thiên nữa. Những lời chỉ dạy của Ðức Phật đại cương như sau.

2. Ðại Cương Phật Pháp:

Nói đến giáo lý (tức là Phật Pháp) thì rất là nhiều, đến 8 vạn bốn ngàn pháp môn. Vì đức Phật tại thế, Ngài tùy trình độ, tùy căn cơ của chúng sanh để thuyết giảng. Giáo lý ấy gồm 3 tạng kinh điển:

  • Kinh (những lời đức Phật Thích Ca đã nói khi tại thế),
  • Luật (những giới luật mà Ðức Phật chế ra cho các hàng Phật Tử xuất gia và tại gia tu tập),
  • Luận (do các đệ tử của Phật – các vị tổ – làm ra để bàn giải rõ ràng những nghĩa lý mầu nhiệm).

Ba tạng kinh điển đó lại nằm trong hai Ðại Tạng: Ðại tạng Bắc tông (quen gọi là Ðại Thừa) và Ðại tạng Nam Tông.Về sau người ta còn phân ra Ðại Thừa và Tiểu Thừa. Ðại Thừa là cổ xe lớn chở được nhiều người. Tiểu Thừa là cổ xe nhỏ chỉ chở được một người. Sở dĩ chia ra như vậy vì căn cơ nguyện vọng của chúng sanh không đồng nhau. Những người nào nhận thấy mình chỉ đủ sức giải thoát riêng cho mình thì đi cổ xe nhỏ. Những người nào cảm thấy giải thoát cho mình mà còn có thể giải thoát, cứu độ cho nhiều người khác và có hạnh nguyện lợi tha thì dùng cổ xe lớn. Phật Pháp tuy nhiều như vậy nhưng chủ yếu là: cho ta thấy rõ sự khổ đau của cuộc đời, nhưng không phải để bi quan chán nản, thất vọng mà để tìm cho ra nguyên nhân khổ đau.

Sau khi Phật Pháp đã cho ta thấy được nguyên nhân của khổ đau thì Phật Pháp lại giới thiệu cho ta cái cảnh giới an vui tự tại. Nhưng không phải để van xin sự cứu rỗi của Thượng Ðế hay một vị thần linh nào cho ta tới cảnh giới an vui mà Phật Pháp chỉ cho ta con đường đi đến an vui giải thoát. Không ai cứu rỗi được chúng ta mà phải tự mình cứu lấy mình. Biện pháp chính có tám điều (sẽ học kỹ trong bài Bát Chánh Ðạo).

  • Thuộc về nhận thức, về trí tuệ:
  • Hiểu biết đúng đắn.

  • Suy nghĩ đúng đắn.

  • Thuộc về đạo đức, luân lý, về lời nói, việc làm:
  • Nói lời đúng đắn.

  • Hành động đúng đắn.

  • Làm ăn sinh sống đúng đắn.

  • Siêng năng,phấn đấu khắc phục khó khăn một cách đúng đắn.

  • Thuộc về định tâm:
  • Chú ý, chú tâm tưởng niệm đúng đắn.

  • Tập trung tư tưởng đúng đắn.

Tám cách, nói đúng hơn là con đường có tám ngành để đi đến an vui giải thoát, này có thể nhóm lại thành ba nhóm:

  1. Giới: Ðạo đức, luân lý, thực hành qua lời nói, hành động.

  2. Ðịnh: Ðịnh tâm, thực hành qua phép quán tưởng thiền định.

  3. Huệ: Nhận thức, trí tuệ.

Ba nhóm này hổ tương lẫn nhau, có trí tuệ nhận thức đúng đắn mới thấy được giới luật là cần thiết, mới nghiêm trì giới luật. Có nghiêm trì giới luật thì tâm không buông lung, việc định tâm mới dễ dàng. Có định tâm thì trí tuệ mới phát chiếu (ví dụ: khi định tâm thì học bài mau thuộc dễ nhớ, còn khi để tâm buông lung thì học bài khó nhớ, lâu thuộc).

Phật Pháp còn cho ta thấy rõ sự biến đổi vô thường của vạn vật (trong đó có cả con người): vô thường. Ðạo Phật cũng nêu rõ vũ trụ quan: “Duyên khởi”. Mọi sự mọi vật, mọi hiện tượng (nói rộng ra là cả vũ trụ) đều do nhiều yếu tố tương quan với nhau mà thành chứ không thể tự nhiên mà có và cũng không phải do một ai sinh ra, nếu một nhân hay một duyên nào thay đổi thì sự vật, hiện tượng đó cũng thay đổi. Và một nhân sinh quan “Nghiệp báo  con người không phải chết là hết mà là sự chuyển biến để rồi trở lại sống một kiếp khác. Sinh tử chỉ là giai đoạn chuyển biến của một chuổi dài luân hồi. Như thế, mọi hành động có ý thức (nghiệp) đều là nhân và là những gì ta nhận lấy trong kiếp sống của mình là quả và cứ thế nhân quả trùng trùng.

Vậy cuộc đời chúng ta do nghiệp nhân của chúng ta tạo ra chứ không có một đấng thần linh nào ban ơn giáng họa . Muốn an vui ta không phải cầu xin mà có, mà ta phải tạo lấy những nghiệp nhân “Thiện” để hưởng quả lành. Chúng ta không bao giờ buông xuôi tay cho số phận, trái lại cuộc đời chúng ta do chúng ta quyết định (sẽ được học kỹ trong bài nhân quả Nghiệp Báo).

3. Kết Luận:

Qua bài này, chúng ta đã có cái nhìn tổng thể toàn bộ giáo lý của đạo Phật, nắm được những nét rất đại cương. Trong chương trình tu học của HT, chúng ta sẽ đi sâu vào từng vấn đề một để tìm hiểu tường tận hơn./.

Câu hỏi:

  1. Mục đích của Phật Pháp là gì?

  2. Kể tên những vị đệ tử đầu tiên của đức Phật tại vườn Nai.

  3. Kinh là gì? Kể vài tên Kinh mà Anh / Chị đã đọc.

  4. Tam tạng Kinh điển là gồm những gì?

  5. Tại sao sau Phật Niết bàn, Tăng Ðoàn chia thành hai phái Ðại thừa (Ðại Chúng bộ) và Tiểu thừa (Thượng Tọa bộ)?

  6. Nghiệp là gì? Tại sao nói: “hạnh phúc hay đau khổ là ở trong tay ta”?

  7. Phân biệt “biệt nghiệp” và “cộng nghiệp” – “y báo” và “chánh báo”

  8. Ðịnh nghĩa “Vũ trụ quan” Câu nói: “vũ trụ quan của Phật giáo là Duyên khởi” là có ý nghĩa như thế nào? Anh / Chị hãy giải thích câu nói ấy với những ví dụ cụ thể để nói về vũ trụ quan của Phật giáo .

  9. Giới là gì ? Công dụng của Giới?

  10. Theo ý kiến của Anh / Chị , bài học này đã đầy đủ chưa? Cần đưa thêm vào / bỏ bớt ra những vấn đề gì / những phần nào? Lý do?

—o0o—

 

Mục Ðích Phật Pháp 

 

Mục đích của GÐPT là đào tạo những phật tử chân chính và cải tạo đời sống theo tinh thần Phật giáo. Nhưng lấy gì để đào tạo? Dựa vào đâu để cải tạo? Là huynh trưởng, mang trách nhiệm giáo dục các em chúng ta phải nắm vững vấn đề này hơn ai hết. Dĩ nhiên là lấy Phật Pháp để đào tạo, dựa vào Phật pháp để cải tạo. Vậy chúng ta phải thông suốt mục đích của Phật pháp thì việc tu học của bản thân và giáo dục các em mới đúng hướng. Nhưng trước khi tìm hiểu mục đích của Phật Pháp ta cũng cần biết Phật Pháp từ đâu mà hình thành?

        1. Sự hình thành Phật Pháp:

Phát xuất từ lòng thương vô biên của Thái tử Tất Ðạt Ða, khi thấy chúng sanh quằn quại trong đau khổ, trong sự giành giựt cấu xé nhau để mưu cầu sự sống, trong đau đớn thảm khốc của già yếu bệnh tật, chết chóc. Tình thương rộng lớn ấy khiến thái tử phải suy tìm cho ra nguyên nhân khổ đau và phương pháp diệt trừ đau khổ. Qua thực nghiệm, tu hành, lòng từ bi càng mở rộng, công năng tu tập càng lớn lao vượt qua những cam go chướng ngại thì trí tuệ càng phát chiếu sáng ngời. Ðến lúc thái tử tập trung tư tưởng, chuyên tu thiền định thì trí tuệ càng sáng chói tuyệt đối (gọi là trí tuệ Bát Nhã), nhìn rõ được nguyên nhân đau khổ và phương pháp diệt trừ nó. Tức là đã tu chứng giác ngộ, đạt quả vị Phật (sẽ được rõ hơn qua bài ‘Cuộc đời đức Phật’) Phật pháp được hình thành qua công năng tu chứng giác ngộ ấy. Vậy ta phải hiểu rằng: Ðức Phật không phải là đấng thượng đế tối cao hay vị thần linh nào cả mà chỉ là một con người. Nhưng con người đã giác ngộ và giải thoát, nên vượt lên trên tất cả. Như vậy, đạo Phật không phải là đạo thần quyền thì người theo đạo Phật không phải cốt mong sự cứu rỗi. Do đó, lời dạy của đức Phật (Phật Pháp) không phải là những giáo điều bắt tín đồ phải tuân theo để được sung sướng, để được an vui như những tôn giáo khác mà Phật Pháp chỉ là những lời truyền đạt kinh nghiệm tu chứng của một con người đã hoàn toàn giác ngộ. Ðức Phật đã mở rộng con đường tu tập cho mọi người. Ngài không đứng trên mây cao vút, tuyệt đối của an lạc mà nhìn chúng sanh quằn quại trong bể khổ trầm luân để rồi độc quyền ban phát những ân huệ. Ðức Phật dìu dắt chúng sanh lên đỉnh cao của an lạc ấy, để ai cũng trở thành Phật cả (nếu biết theo đúng lời dạy của Ngài). Ðức Phật đã từng nói trong những lúc thuyết pháp: “Ta là Phật đã thành chúng sanh là Phật sẽ thành”.

        2. Phật pháp có phải là một hệ thống học thuyết không?

Phật pháp cũng là một hệ thống học thuyết. Nhưng như đã nhận định trên thì ta có thể khẳng định rằng: Phật pháp khác hẳn các học thuyết cổ kim, cả về căn bản lẫn danh từ và văn tự. Cho nên chớ đem từ ngữ học thuyết khác mà thay cho Phật Pháp.

        3. Sau khi Phật Pháp đã cho ta thấy được nguyên nhân của khổ đau thì Phật Pháp lại giới thiệu cho ta cái cảnh giới an vui tự tại. Nhưng không phải để van xin sự cứu rỗi của Thượng Ðế hay một vị thần linh nào cho ta tới cảnh giới an vui mà Phật Pháp chỉ cho ta con đường đi đến an vui giải thoát. Không ai cứu rỗi được chúng ta mà phải tự mình cứu lấy mình.

        4. Mục đích của Phật Pháp:

Trong bài trước chúng ta hiểu đại cương Phật Pháp, đến đây chúng ta lại thấy được sự hình thành Phật Pháp thì chúng ta cũng thấy mục đích của Phật Pháp là đưa con người từ khổ đau đến an vui, từ mê lầm đến giác ngộ, từ chỗ trói buộc phiền não đến chỗ giải thoát tự tại. Nếu nhận định đúng cuộc đời là vô thường biến dịch không ngừng, là khổ đau chồng chất, vì vô minh mê lầm, cái “Ta” cũng không tồn tại, là uế nhiễm, là vọng động, (Bài Ðại Cương Phật Pháp) thì mục đích của Phật Pháp là:

  • a. Ðưa chúng ta đến “chơn thường”. Người tu hành để đạt đến quả vị là không bao giờ bị luật vô thường chi phối. (sẽ được học kỹ ở các bậc sau).
  • b. Ðưa chúng ta tới “chơn lạc”, sự an vui trọn vẹn và bất tận.
  • c. Ðưa chúng ta tới “chơn ngã”. Người tu hành được giải thoát hoàn toàn ra khỏi những trói buộc, làm cho con người đày đủ năng lực để thực hiện ý nguyện tốt đẹp của mình.
  • d. Ðưa chúng ta tới “chơn tịnh”.

Người tu hành gạn lọc được bao nhiêu ô trọc của cuộc đời để sống một cuộc sống trong trắng tinh khiết không vướng chút bợn nhơ của trần tục, được an nhiên tự tại. Nếu nhìn sự tác dụng thực tiễn mà nói, thì Phật Pháp với căn bản Từ Bi, làm cho nhân loại yêu thương nhau hơn. Nhờ ánh sáng trí tuệ, làm cho nhân loại bớt si mê lầm lạc. Thấy được đâu là giá trị thật, đâu là lừa dối. Nhờ tinh thần bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật, Phật Pháp san bằng những bất công của xã hội, của nhân loại, và làm cho cảnh giới Ta Bà được hòa vui trong tình nhân loại đại đồng. Nếu nói cô đọng lại thì mục đích Phật Pháp là diệt trừ tham dục vì tham dục là cội gốc chính của đau khổ mê lầm. Kinh Dhammapada (Pháp Cú) có nói: “những người say đắm theo dục, tự lao mình trong lưới buộc như nhện giăng tơ. Ai dứt được sự buộc ràng, không còn dính mắc nữa thì sẽ xa mọi tiếng khổ để ngao du tự tại.” (câu 347) Nói tóm lại, mục đích của Phật Pháp là đưa Ðạo vào Ðời “khai thị chúng sanh” để chúng sanh được “ngộ nhập Phật tri kiến”.

        5. Học Phật Pháp như thế nào? Ðã rõ mục đích của Phật Pháp thì ta nên học Phật Pháp như thế nào?

  1. Người Phật tử đã có ý thức được đạo Phật là đạo của Từ Bi, đạo giải thoát những con người đau khổ mà không trông chờ một sự cứu rỗi nào thì chúng ta học Phật Pháp với tâm niệm mong tìm hạnh phúc riêng mình, cầu sự an ổn cho mình, giải quyết cái chết cho mình … là hoàn toàn trái với Phật Pháp. Ta không nên chỉ nghỉ đến lợi ích riêng mà còn phải nghĩ đến những ngườI, những chúng sanh đang đau khổ xung quanh mình (chúng ta thường nguyện trước bàn thờ; “Từ Bi gia hộ cho chúng đệ tử tâm Bồ Ðề vững chắc, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cùng chúng sanh trong Pháp giới tội chướng tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, một thời đồng chứng Vô Thượng chánh đẳng, chánh giác”).

  2. Là Phật tử, chúng ta phải học Phật Pháp không chỉ bằng lý thuyết mà còn học qua đời sống, qua đức hạnh, qua hành động của đức Phật nữa.

  3. Học Phật Pháp không phải là học suông, học phải suy nghĩ để hiểu rốt ráo. Hiểu để thực hành thấu đáo và tự mình tu chứng.

  4. Một điều cần thiết nữa, như ta đã biết, Phật Pháp khác hẳn với các học thuyết khác, vậy đừng nên lệ thuộc vào từ ngữ mà ta thường gặp để hiểu Phật Pháp một cách nông cạn, hoặc hiểu Pháp qua học thuyết khác. Chẳng hạn như chữ “Nghiệp” cũng tương đồng với chữ “động tác” nhưng chữ động tác không thể mang cái nghĩa hành động có ý chí, có tính cách chữ “nghiệp”. Chữ “quán đãi”, nếu chỉ hiểu qua thì ai cũng tưởng tương đồng như chữ “đối đãi” nhưng sự đối đãi chỉ là do ý niệm. Chữ “thị hiện” trong đạo Phật cũng khác xa chữ “giáng sanh” của các tôn giáo khác. Chữ “Tự Giác”, “Giác Ngộ” mà chúng ta thường dùng ngoài đời với chữ “tự giác”, “giác ngộ”, trong đạo Phật cũng khác nhau xa. Còn những chữ “vọng động”, “chơn như” v.v. . . Thì phải đi sâu vào Phật Pháp mới hiễu đúng đắn được. Vậy ta phải hiểu đúng đắn từ ngữ Phật giáo để hiểu vấn đề không sai lệch.

Câu Hỏi:

  1. Phật Pháp là gì? Phật Pháp có phải là một hệ thống học thuyết như những học thuyết khác không? Ðiểm khác biệt giữa Phật Pháp và các học thuyết khác ?

  2. Ðại Cương Phật Pháp gồm những vấn đề gì? Hãy trình bày.

  3. Mục Ðích Phật Pháp là gì?

  4. Có người nói: Phật Pháp là pháp ly dục, có đúng không? (dùng kiến thức đã học để chứng minh)

  5. Người HT học Phật Pháp như thế nào?

  6. Như ta đã biết, Phật dạy: “đời là khổ, mọi sự vật hiện tượng đều vô thường, cảm thọ là khổ”. Thế nhưng hôm nay chúng ta lại được biết “thường, lạc, ngã ,tịnh” (phần 3 của bài). Như vậy Anh/Chị có nghĩ là có chỗ mâu thuẩn trong Phật Pháp hay không? tại sao?

  7. Tương tự, đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Mặt khác, Ngài cũng nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Thiền sư Bankei lại thêm: “Phật tánh ở nơi đức Phật không tốt hơn cũng không xấu hơn Phật tánh ở mỗi chúng sanh”. Theo Anh/Chị hai điều này có mâu thuẩn nhau không? hãy giải thích.

Quy Y Tam Bảo ^Mục Lục

 A. Dẫn nhập: 
Một đứa con khờ dại hư đốn lìa bỏ cha mẹ đi hoang, sống đời phiêu bạt lang thang. Một phút giây nào đó, hồi tỉnh muốn quay về sống trong sự ấp ủ yêu thương của cha mẹ. Sự quay về này chính là thái độ tỉnh giác, dứt khoát làm lại cuộc đời, một cuộc đời tươi sáng trong tình thương và sự dìu dắt của cha mẹ. Tất cả chúng ta cũng là những đứa con phiêu lãng ấy, lâu nay chưa nhận ra được sự khờ dại của mình, mãi miết lang thang, đắm chìm trong chốn khổ đau. Biết chăng có người hằng thương yêu chúng ta, hằng mong mõi đưa chúng ta đi trên con đường tươi sáng không vướng bận phiền não đau thương. Phút chốc, tỉnh giác muốn trở về với NGƯỜI, hoặc có kẻ thức tỉnh chúng ta để chúng ta quay về nương tựa NGƯỜI. Ðó chính là sự QUY Y.

B. Chánh đề: 
   I. Quy y:

  1. Thế nào là quy y? Quy là trở về, Y là nương tựa. Quy y là trở về nương tựa.

  2. Quay về nương tựa đâu? Quay về với cội nguồn của mình. Quay về với người hằng yêu thương mình, yêu thương tất cả chúng sanh, muốn dẫn dắt chúng sanh đi vào con đường tươi sáng, hạnh phúc.

  3. Vì sao chúng ta phải quay về? Chúng ta sống đầy mê mờ, dục vọng; đang lặn hụp trong chốn bùn nhơ, trôi lăn trong đau thương phiền não. Mà bản thể chúng ta từ vô thủy vốn thanh tịnh sáng suốt nhưng vì vô minh, vọng tưởng nên bị quay cuồng trong sanh tử đau thương. Chúng ta phải quay về với cội nguồn của chúng ta, quay về với ba ngôi quý báu nhất, gọi là Tam Bảo, mà lâu nay chưa biết đến.

     II. Tam bảo:

1. Thế nào là Tam Bảo? Tam bảo là ba ngôi quý báu tột bực quý hơn cả những gì quý báu nhất của thế gian (vàng bạc, ngọc ngà, danh vọng…) Vì những gì quý báu nhất của thế gian đâu có cứu được con người ra khỏi khổ não đau thương. Chỉ có ba ngôi này mới dìu dắt được con người, đưa con người thoát khỏi khổ đau. Ba ngôi đó là:

a. Phật: Tiếng phạn bà Bouddha, Tàu dịch là Giác giả là bậc vô cùng sáng suốt, hoàn toàn dứt hết dục vọng, dứt hết tham sân si nên an lạc trọn vẹn gọi là “tự giác”. Ngài đem sự giác ngộ ấy tuyền đạt lại cho mọi người để mọi người thực hành, để ai cũng được an lạc như Ngài, gọi là “giác tha”. Cả hai công hạnh ấy Ngài đã thực hiện một cách tích cực và trọn vẹn, gọi là “giác hạnh viên mãn”. Nói gọn lại, đức Phật là bậc Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn. Người đời còn tôn xưng là đấng Ðại Giác. Chỉ có đức Phật mới dẫn dắt chúng ta ra khỏi đau khổ phiền não nên Phật là ngôi quý báu nhất.

b. Pháp: Tiếng Phạn là Dharma, phương pháp tu hành mà Phật đã dạy để trừ bỏ dục vọng. Là những chân lý mà Ngài đã chứng ngộ được (như Tứ đế, Vô Ngã, Vô Thường, Duyên Sinh…). Pháp gồm có:

  1. Kinh: Là lời của đức Phật (hoặc các vị Bồ tát vâng lệnh theo lời Phật mà nói), như Kinh Bát Nhã, kinh Lăng Nghiêm …

  2. Luật: Là những giới luật do đức Phật chế ra cho các thành phần xuất gia, tại gia, vâng theo đó mà tu tập, như 5 giới của Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, 10 giới của Sa di, 250 giới của Tỳ kheo, 348 giới của Tỳ Kheo Ni v.v…

  3. Luận: Là lời luận giải về kinh điển của các vị Tổ sư, nói rộng các yếu nghĩa trong kinh cho chúng ta dễ hiểu. Như Luận Khởi tín, Luận Nhân Minh v.v…

     Nhờ Pháp mà chúng ta hiểu được chơn lý, vận dụng để tu tập, trừ khổ được vui, dần dần chứng ngộ, giải thoát nên Pháp là quý nhất trên đời.

c. Tăng: Nói cho đủ là Tăng già, tiếng Phạn là Shanga, Tàu dịch là Hòa hợp chúng; là một đoàn thể xuất gia tu hành theo đạo Phật, gồm 4 người trở lên sống theo 6 phép hòa kính (Lục Hòa).
Ðây là một tập thể cách ly gia đình, sống theo lời Phật dạy, giữ gìn giới luật, oai nghi, luôn luôn nghiên cứu kinh điển, làm gương sáng cho mọi người. Nhờ quý vị này mà giáo lý của đức Phật (Pháp) được bảo tồn và cũng chính nhờ những vị này truyền lại giáo lý cho chúng ta sau khi đức Phật nhập diệt. Như vậy, chính nhờ quý vị Tăng già mà ta mới biết được Phật, biết được Pháp; biết được con đường giải thoát giác ngộ. Cho nên Tăng là ngôi quý báu nhất đối với chúng ta, những người thiết tha với sự tu tập giải thoát.

2. Các định danh Tam bảo:

a. Ðồng thể Tam bảo: Mỗi chúng sanh đều có bản tánh thanh tịnh, sáng suốt; đều có khả năng giác ngộ, gọi là Phật tánh. Nhưng vì vô minh che lấp nên Phật tánh không thể hiện ra được. Vì mỗi chúng sanh đều có Phật tánh nên chúng sanh cùng như chư Phật đồng chung một thể tánh, gọi là “Ðồng thể Phật bảo”. Các giáo pháp không phải đức Phật đặt ra mà đó là chơn lý đức Phật chứng ngộ. Ðó là một thực tế hiển nhiên mà trí tuệ đức Phật đã nhìn thấy, thực tế đó là mọi sự vật, mọi hiện tượng trong vũ trụ, trong thế gian này, gọi là thế gian pháp. Chính từ thế gian pháp này làm đối tượng tư duy mà đức Phật đã giác ngộ chân lý nên người ta cũng thường nói: “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Mỗi chúng sanh cũng là một trong vạn pháp của thế gian. Vì vậy, chúng sanh cũng là “Ðồng thế gian pháp bảo”. Ngày xưa, đức Phật cùng với Tăng chúng cũng sống trong lục hòa, đức Phật cũng là một vị Tăng già. Mỗi chúng sanh nếu xuất gia nghiệm thi giới luật dòng tam lục bảo cũng là một vị tăng già, tất cả chúng sanh cùng đức Phật đồng một thế gian thì chúng sanh cũng là “Ðồng thế Tăng bảo”.
b. Xuất thế gian Tam bảo: Ðức Phật Thích Ca cũng như chư Phật trong mười phương đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian, gọi là “Xuất thế gian Phật bảo”. Chánh pháp của đức Phật có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian nên gọi là “Xuất thế gian Pháp bảo”. Các vị Thánh Tăng đã chứng ngộ thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức Quán Thế Âm, đức Văn Thù v.v… gọi là “Xuất thế gian Tăng bảo”.
c. Thế gian trụ trì Tam bảo: Tức là Tam bảo hiện có trong thế gian.

  • Thế gian trụ trì Phật bảo: Xá lợi của Phật, các tượng Phật đúc hoặc vẽ…
  • Thế gian trụ trì Pháp bảo: Ba tạng kinh điển, in chép bằng sách, vở hiện có trong thế gian.
  • Thế gian trụ trì Tăng bảo: Chư vị Tỳ Kheo chân chánh, giới luật trang nghiêm hiện tại.

3. Sự tướng quy y Tam bảo: Sau khi hiểu rõ ý nghĩa quy y Tam bảo và nhận thấy cần có sự “quy y” tức là nguyện trở về nương tựa vào Phật Pháp Tăng để thăng hoa cuộc sống của chúng ta, để tu tập đi dần đến giải thoát giác ngộ, thì chúng ta cũng phải có buổi lễ đánh dấu biến chuyển lớn trong cuộc sống chúng ta, tức là “Lễ Quy Y”.
Chúng ta chọn một vị Tăng giới hạnh trang nghiêm, uyên thâm giáo pháp làm bổn sư cho chúng ta. Vị này chủ trì buổi lễ quy y. Trong buổi lễ quy y, chúng ta có phát nguyện: “Ðệ tử phát nguyện: Trọn đời quy y Phật, Trọn đời quy y Pháp, Trọn đời quy y Tăng”. Tiếp đó, cũng phát nguyện một cách thành khẩn:

  • Ðệ tử quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y Thiên thần, quỷ vật.
  • Ðệ tử quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo tà giáo.
  • Ðệ tử quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng. (Thường kèm với lễ quy y có thọ trì 5 giới).
    Sau khi phát nguyện quy y thì hằng ngày phải nhớ đến lời phát nguyện của mình: Luôn nhớ nghĩ đến đức Phật, nhớ nghĩ đến công hạnh của Ngài. Phải chí tâm lễ bái. Hàng ngày tụng đọc kinh, luật, luận (Luật ở đây là 5 Giới mà chúng ta đã phát nguyện thọ trì), luôn luôn học hỏi, suy gẫm giáo lý. Và cốt nhất là phải thực hành giáo lý trong cuộc sống của chúng ta. PHẢI TỤNG GIỚI (TẬP THỂ HAY CÁ NHÂN) MỖI THÁNG 1 HAY 2 LẦN. Chúng ta phải tôn kính chư Tăng. Hằng ngày tới lui thăm viếng các vị bổn sư của chúng ta, có điều gì vướng mắc trong cuộc sống cũng nhờ vị bổn sư chỉ dạy để có những ứng xử hợp giáo pháp. Những thắc mắc về giáo lý, nhờ vị bổn sư giảng giải để hiểu được tường tận. Xem vị bổn sư như người cha tinh thần của chúng ta. Chúng ta phải cúng dường chư Tăng (hay ít ra là vị bổn sư chúng ta) những phẩm vật, thuốc men hay đồ dùng để chư Tăng có đủ phương tiện tu hành.

4. Lý tánh của quy y Tam Bảo: Tinh tấn làm những công việc trên hàng ngày cũng chưa đủ, ta cần luôn tự nhắc cho mình ý nghĩa của quy y Tam bảo và luôn luôn nhớ về “Ðồng thế Tam bảo”. Như trong “Ðồng thế Tam bảo” ta đã thấy rõ: Tam bảo đều có trong mỗi chúng ta, vì vô minh che lấp, chúng ta mãi đuổi theo dục vọng, sống cuộc sống đầy tham, sân, si. Vậy, quy y Tam bảo cũng còn có ý nghĩa quay trở về với tự tánh của chúng ta.
Tự quy y Phật: Tự trở về với Phật tánh của mình. Mỗi khi những đám mây vô minh được quét sạch thì mặt trăng trong sáng của Phật tánh sẽ được hiện rõ.
Tự quy y Pháp: Trong tâm ta cũng có đủ các Pháp (cụ thể như từ bi, trí tuệ, tinh tấn, hỷ xả v…) ta trở về với bản thể của chúng ta, phát huy những pháp tánh hằng có ấy trong mỗi chúng ta, lại nữa, những giáo pháp mà chúng ta đã học đã hiểu thì giáo pháp đó đã khắc sâu trong tâm chúng ta, chúng ta luôn luôn đem thực hành trong đời sống.
Tự quy y Tăng: Trở về nương tựa ông thầy trong tâm chúng ta. Tăng già là thể hiện sự hòa hợp, thanh tịnh, tự tại. Trong tâm chúng ta cũng sẵn có nhưng vì mê mờ chúng ta không thấy được, nay nhờ đức Phật chỉ dạy, ta mới trở về nương tựa ông thầy gần gũi ta nhất.

C. Kết luận: Chúng ta đã hiểu ý nghĩa của Quy Y Tam Bảo, chúng ta cũng đã nhận thức được. Chỉ có nương tựa vào Tam bảo mới có thể thăng hoa cuộc sống, mới có thể giải thoát được khổ đau, tiến dần đến an vui, tự tại thì người Phật tử chúng ta phải quy y Tam bảo, nhưng phải đủ cả Lý lẫn Sự. Không nên hoàn toàn chỉ quy y Tam bảo bên ngoài mà quên mất Tam bảo của tự tâm chúng ta, nhưng cũng không vì thế mà rơi vào tự tôn, nếu tự tôn thì cũng gần kề với ngã mạn và ngã mạn cũng lại là cái lưới vô minh đưa chúng ta trong trầm luân thống khổ.

Câu hỏi:

1.      Tại sao phải làm lễ quy y? Mục đích của lễ quy y là gì?

2.      Tại sao chúng ta phải quay về nương dựa Tam Bảo? Cái gì đã đưa chúng ta vào phiền não?

3.      Phân biệt Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng với Tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng?

4.      Lý tướng và sự tướng khác nhau thế nào? Theo anh chị thì tướng nào quan trọng hơn? Giải thích?

—o0o—

Ngũ Giới 

 A. Ðịnh nghĩa:

Ngũ giới là năm điều răn cấm mà đức Phật đã chế ra, để ngăn những ý tưởng ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chánh. Năm điều răn ấy là:

  1. Không được giết hại.
  2. Không được trộm cắp.
  3. Không được tà dâm.
  4. Không được nói dối.
  5. Không được uống rượu.

Sự giữ Giới hay không giữ Giới là hoàn toàn do chúng ta tự liệu lấy. Ðạo Phật khác với các tôn giáo khác chính là ở điểm: Ðức Phật không phải là một quan Tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động tốt hay xấu chính đã mang theo nó một cái mầm thưởng phạt rồi. Ðức Phật chỉ là một vị dẫn đường rất từ bi và rất sáng suốt. Ngài chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường sáng và con đường nào là con đường tối nguy hiểm không nên đi. Nếu chúng ta không theo con đường sáng mà lại mù quáng đi vào con đường tối tăm nguy hiểm thì tất nhiên chúng ta sẽ gặp tai họa, chứ Phật không tạo ra tại họa để trừng phạt chúng ta.
Năm giới chính là năm thành trì ngăn chận cho ta đừng đi lạc vào đường ác, là năm hàng rào ngăn chận cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi trên đường giải thoát.

A. Năm giới:

     1. Không được giết hại: Ðiều răn cấm thứ nhất mà Phật khuyên chúng ta là không được giết hại sinh mạng từ loài người cho đến loài vật, sinh mạng có một giá trị quý báu, nhất là mạng người; giết sinh mạng kia để bồi dưỡõng sinh mạng này là không hợp lý, là một điều ác. Phật giáo cấm sát sanh bởi nhiều lý do:

  • a. Tôn trọng sự công bằng: Chúng ta ai cũng coi sinh mạng mình là quý, là một của báu tuyệt đối. Nếu ai mưu hại là mình chống trả triệt để để bảo vệ sinh mạng. Mình đã quý trọng sinh mạng mình, tại sao lại chà đạp sinh mạng người khác? Phật dạy: ” … ai cũng sợ chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết”.
  • b. Nuôi dưỡng lòng từ bi: Lòng từ bi của đức Phật xem mọi loài như con, nên Ngài không đồng ý cho đệ tử Ngài sát hại sanh vật, bất cứ trong trường hợp nào. Bởi vì đem tâm giết hại sinh mạng là lòng độc ác đã cao độ, tâm từ bi bị bóp chết. Nhẫn tâm vô cớ giết một con vật, tính bạc ác không kém giết một con người. Nghe tiếng kêu la của con vật, không nở ăn thịt nó, thấy nó sống không đành thấy nó chết. Vậy người có lòng từ bi không nở ăn thịt hay không nở giết hại người hay loài vật.
  • c. Tránh quả báo ứng oán căm thù: Khi giết một người hay một con vật, thì sự oán hận của họ tràn trề khó dập tắt được. Bởi vì có thể, vì yếu đuối nên bị ta giết hại. Hơn nữa gây nhân giết hại thì chỉ lấy quả báo bị giết hại.
    Lợi ích của sự không giết hại: Vì những lý do trên, đức Phật cấm đệ tử không giết hại, đồng thời không giết hại sẽ có những điều lợi sau đây:
  • a. Về phương diện cá nhân: Một người không tàn nhẫn sát nhân, hại vật, không độc ác làm đổ máu thì lòng không bức rức, hối hận, thân tâm được nhẹ nhàng thư thới, giấc ngủ được an lành, nét mặt được hiền hòa trong sáng.
  • b. Về phương diện xã hội: Nếu tất cả nhân loại trên thế giới đều giữ gìn đúng giới thứ nhất của Phật dạy thì chiến tranh sẽ không có mà các nghiệp sanh tử luân hồi cũng được giải thoát. Cho nên xưa có câu:”Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp. Thập phương hà xứ động đao binh. Gia gia hộ hộ đồng ta thiện. Thiên hạ hà tư bất thái bình”. Dịch nghĩa: Hết thảy mỗi chúng sanh không nghiệp sát. Mười phương nào có nỗi binh đao. Mỗi nhà mỗi chốn đều tu thiện. Lo chi thiên hạ chẳng thái bình.

     2. Không được trộm cắp: Ai cũng biết trộm cắp là lấy những vật thuộc quyền sở hữu của người khác, mà không có sự ưng thuận hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng võ lực hay quyền hành. Phật cấm trộm cắp vì những lý do sau đây:
a. Tôn trọng sự công bằng: Chúng ta không muốn ai lấy của mình, tại sao mình lại chăm chăm muốn đoạt của người? Quyền sở hữu của ta, ta biết tôn trọng thì tại sao lại chà đạp lên quyền sở hữu của người? Làm như thế là trái lẽ công bằng. Một xã hội thiếu công bằng thì không thể tồn tại lâu dài.
b. Nuôi dưỡõng lòng từ bi: Mỗi khi vô ý đánh mất một vật gì hay một số tiền, ta buồn khổ, ăn không ngon, ngủ không yên; tại sao ta lại nở nhẫn tâm lấy của người, để cho người khác phải khóc than, đau khổ vì ta? Không làm cho người khác đau khổ là nuôi dưỡng lòng từ bi.
c. Tránh nghiệp báo oán thù: Trong xã hội có tổ chức, tôn trọng lẽ công bằng, thì tội trộm cắp bao giờ cũng bị trừng phạt. Khi bị bắt, kẻ trộm cướp phải tìm trăm phương ngàn kế để trốn thoát, sống chui rúc trong bóng tối. Khi bị bắt phải bị tra khảo, ngồi tù, nhốt khám. Phận mình đã đành cực thân, khổ trí; lại làm cho gia đình, cha mẹ, vợ con cũng buồn rầu khổ sở xấu hổ và mất hết cả hy vọng ở tương lai. Nếu không bị luật thế gian trừng trị, thì người trộm cắp cũng không tránh khỏi luật nhân quả nghiệp báo, không sớm thì muộn cũng bị mất cắp lấy trộm. Hơn nữa, Phật dạy: Người tham luyến sắc tài không chịu rời bỏ, cũng như đứa bé luyến tiếc một chút mật trên lưỡi dao, thè lưỡi liếm, phải bị cái họa đứt lưỡi (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).
d. Xây dựng xã hội thanh bình: Một xã hội không có kẻ cắp trộm, người người sống an ổn không phập phồng lo sợ là một xã hội thanh bình.

     3. Không được tà dâm: Tà dâm là muốn nói về sự dâm dục không đoan chính, luật dạy người xuất gia ly tục phải dứt hẳn dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục. Khi đã có cưới hỏi thì gọi là chính, ngoài ra lén lút, lang chạ, phi pháp gọi là tà. Nói một cách vi tế hơn, thì phàm những sự đam mê người khác phái, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lã lơi, cũng đều thuộc về loại tà dâm cả. Phật cấm tà dâm vì những lý do sau đây: Tôn trọng sự công bình, bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh oán thù và quả báo xấu xa. Lợi ích về sự không tà dâm:
a. Về phương diện cá nhân: Kinh Thập Thiện nói, người thế gian không tà hạnh thì được hưởng 4 điều lợi ích: Sáu căn đều được vẹn toàn Trọn đời được người kính trọng Ðoạn trừ hết cả phiền lụy quấy nhiễu Cuộc tình duyên trọn đời không ai dám xâm phạm.
b. Về phương diện xã hội: Trong một xã hội mà ai cũng không tà hạnh thì gia đình được yên vui, những sự luân thường bại lý sẽ tiêu tan, những cảnh thù hiềm chém giết không xảy ra, con cái được chăm sóc chu đáo, được hưởng tình thương trọn vẹn của cha mẹ, xã hội sẽ cường thịnh. Nói tóm lại, cõi ta bà ô trược, đau khổ này sẽ biến thành thế giới thanh tịnh an vui.

     4. Không được nói sai sự thật: Nói sai sự thật có 4 cách: Nói dối, Nói hai lưỡi, Nói thêu dệt, Nói lời hung ác.
a. Nói dối hay nói láo là nói không thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có, việc phải nói trái, việc trái nói phải, hoặc giả trước mặt khen tốt sau lưng chê mạt. Tóm lại, ý nghĩ với lời nói, việc làm với lời nói trước sau mâu thuẫn trên dưới khác nhau, trong ngoài bất nhất, đều thuộc về nói dối cả.
b. Nói thêu dệt: là việc ít xít cho nhiều, làm cho người nghe nổi sân hận, hoặc trau tria lời nói, chuốt ngọt giọng hay cho êm tai mát dạ để cám dỗ người nghe; cũng có khi nói biếm, nói châm, nói chích làm cho người nghe phải khổ sở. Tóm lại, bao nhiêu lời nói không đúng nghĩa chân thật, thêm bớt, đều gọi là nói thêu dệt cả. br>     c. Nói hai lưỡi: Thành ngữ Việt Nam gọi là “Ðòn xóc nhọn hai đầu”. Nghĩa là đến chỗ này thì hùa với bên này để nói xấu bên kia, đến bên kia thì hùa với bên kia để nói xấu bên này, làm cho bạn bè đang thân nhau trở lại chống nhau, oán thù nhau.
d. Nói lời hung ác: Là nói những tiếng thô tục, cộc cằn, chưỡi rủa, làm cho người nghe phải đau khổ, buồn rầu, sợ hãi. Phật cấm nói sai sự thật vì những lý do sau đây:

  • a. Tôn trọng sự thật: Người theo đạo Phật phải tôn trọng sự thật. Người quen nói dối không thiết tìm sự thật thì khó có thể chứng quả được.
  • b. Nuôi dưỡng lòng từ bi: Cái động lực chính của sự nói dối là lòng ích kỷ, ác độc, muốn hại người để thỏa lòng dục vọng đen tối của mình. Người bị lừa dối sẽ chịu khổ vì mình, có khi phải mắc thù vương oán, có khi phải tan gia bại sản. Người tu hành như thế là đã tán tận lương tâm, không những đã bóp chết tình thương của mình mà còn làm đổ nát tình thương trong lòng người. Một khi lòng từ bi không còn nữa, sự chân thật không còn cần thiết nữa, nghĩa là động lực chính đã mất, thì sự tu hành chỉ còn là giả dối.
  • c. Bảo tồn sự trung tín trong xã hội: Trong một gia đình, một đoàn thể, một xã hội mà không ai tin ai thì mọi công việc từ nhỏ đến lớn đều thất bại và không thể nào sống hòa hợp với nhau.
  • d. Tránh nghiệp bào khổ đau: Lời nói tuy không phải là lưỡi kiếm, nhưng nó nguy hiểm hơn lưỡi kiếm, vì nó có hai mũi nhọn, một mũi đâm vào người khác, một mũi đâm vào chính mình.

     Phật dạy: “Phù sĩ xử thế phú tại khẩu trung, sở dĩ trảm thân do ký ác ngôn” (nghĩa là: Phàm kẻ ở đời, lưỡi quá bén nằm trong miệng, sở dỉ chém mình là do lời nói ác). Ðã đành nói ly gián, nói xuyên tạc là để hại người thì thế nào cũng hại lại mình. Ác lai ác báo là thế. Ðể tránh sự thù oán, chúng ta không nên dối trá, điêu ngoa. Lợi ích của sự không nói dối:
a. Về phương diện cá nhân: Ðược người trọng nễ, tin cậy, không ai oán hận thù hiềm. Trong nghề làm ăn, người chân thật được nhiều thân chủ và được tin cậy giao phó cho nhiều trọng trách.
b. Về phương diện quần thể: Gia đình, xã hội đoàn kết trong sự tin cậy, không ai oán hận thù hiềm, anh em thương yêu thông cảm nhau hơn.

     5. Không được uống rượu:  Tất cả những thứ có chất men làm say người hay chất độc hại người đều không được dùng. Chính mình không uống đã đành, mà cũng không được ép nài người khác uống. Ép nài, khuyến khích người khác uống tội lại nặng hơn cả chính mình uống nữa. Lúc lâm bệnh nặng, uống các thứ thuốc không lành. Thầy thuốc bảo phải dùng rượu hòa với thuốc, thì tạm dùng được, nhưng trước khi dùng phải bạch cho chúng Tăng biết. Khi hết bịnh, không được tiếp tục uống thuốc có hòa với rượu nữa. Phật cấm uống rượu vì những lý do sau đây:
a. Bảo toàn hạt giống trí tuệ: Rượu còn nguy hiểm hơn thuốc độc. Một chén thuốc độc ta uống vào chết ngay, nhung chỉ chết một thân hiện tại, chớ uống rượu vào làm mất giống trí tuệ, phải chết đi sống lại vô số kiếp. Vì thế, để bảo tồn hạt giống trí tuệ quý báu, Phật cấm uống rượu. Chúng ta cũng thấy thực tế những người say rượu mất cả lý trí, nói xàm, nói bậy, hành động hung ác. Có khi đâm chém nhau.Ngày nay, khoa học cũng chứng minh rượu đốt cháy những tế bào thần kinh.
b. Ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi: Uống rượu, chính nó không phải là một tội lỗi như sát sanh, trộm cướp, nhưng nó có thể làm động lực cho những tội lỗi nào cũng có thể phạm được. Dưới đây là một câu chuyện để chứng minh điều đó:

Một thanh niên nọ, không biết sao đã làm cho một hung thần phẩn nộ đòi giết anh ta. Anh ta van xin thần tha cho tội chết, vì anh còn một mẹ già không ai nuôi dưỡng, chàng sẵn sàng nhận lãnh một hình phạt khác. Vị hung thần bảo:
” Vậy người phải về nhà giết mẹ ngươi, ta sẽ trả mạng sống cho ngươi.” Anh ta van xin:
“Con chỉ có một bà mẹ già yêu quý nhất trong đời. Mẹ con đã suốt đời khổ cực, hy sinh cho con. Làm thế nào con có thể giết được? Xin ngài cho một hình phạt khác. ”
“Ngươi hãy về nhà châm lửa đốt nhà ngươi.”
‘Vậy thì mẹ con còn chỗ nào nương trú? Con thì không kể nhưng mẹ con già nua làm sao chịu nổi với sương gió năng mưa? Xin ngài ban ân, cho một hình phạt khác.”
“Bây giờ ta cho ngươi một hình phạt rất đơn giản: Ngươi hãy uống hết bình rượu này.”

Chàng thanh niên nghĩ rằng: Việc này thì dễ dàng, dẫu có say đi nữa cũng chẳng sao. Sau đó, quả thật anh say tít chẳng còn biết gì nữa, trở về châm lửa đốt nhà, bà mẹ chạy ra níu kéo lại, anh đẩy mẹ ngã vào lửa, chết thiêu. Khi tỉnh dậy, đau đớn quá, mẹ đã chết, nhà không còn nên anh tự tử theo mẹ. Thế là chỉ nhận một hình phạt nhẹ nhàng uống hết một bình rượu mà lại đã nhận thêm một lúc ba hình phạt: giết mình, giết mẹ, đốt nhà. Ngoài ra rượu còn làm mất tư cách con người.

Người uống rượu vào thì nói năng bừa bãi, nham nhỡ, đi đứng xiêu vẹo, khi say quá thì té nhào xuống đất … không còn tư cách gì cả. Tóm lại rượu gây ra nhiều tội lỗi. Sau đây là 10 điều tai hại của uống rượu mà trong kinh đã nói:

  1. Tăng trưởng lòng giết hại
  2. Trí tuệ kém dần.
  3. Sự nghiệp chẳng thành.
  4. Thâm tâm nhiêu khê.
  5. Thân hay tật bệnh.
  6. Tâm sầu hận, bồng bột, ưa cãi lẫy.
  7. Phước đức tiêu mòn.
  8. Tuổi thọ giảm bớt.
  9. Mạng chung đọa vào địa ngục

     Lợi ích của sự không uống rượu:
a. Về phương diện cá nhân: (Người không uống rượu thì tránh được 10 điều hại kể trên):

  1. Vun trồng được hạt giống trí tuệ.
  2. Tâm trí được tỉnh táo.
  3. Giữ gìn được sức khoẻ, tránh bệnh tật.

     b. Về phương diện quán thể: Gia đình được yên vui, con cái ít bệnh tật, xã hội được an hòa, nòi giống được hưng cường.

B. Kết luận: Chúng ta đã thấy rõ: Giới chính là để “Phòng phi, Chỉ ác” (ngăn ngừa những hành động phi pháp, những ý nghĩ độc ác), chính đó là căn bản của giải thoát. Người tu theo đạo Phật nói chung, người Huynh trưởng nói riêng phải tinh tấn hành trì Giới luật, vừa là để trở thành một con người có nhân cách, hiền thiện làm gương cho đàn em; vừa để tiến dần đến giải thoát cho tự thân. Không những thế, nếu mọi người trong xã hội ai ai cũng thực hiện 5 Giới này thì quốc gia nào mà không phồn thịnh, xã hội nào lại không hòa bình.

Câu hỏi:

1.      Theo anh chị, năm giới cấm được sắp xếp như thế nào để đúng vị trí của nó? Cho giải thích?

2.      Có người bảo, vì cuộc sống hàng ngày của chúng ta, sự việc giữ giới “Không sát sanh” là một giới không thể nào giữ được. Do đó, chúng ta chỉ cần giữ giới này trong giới hạn “con người” thôi, có nghĩa là chúng ta không giết người là được rồi ! Theo anh chị nghĩ thế nào? Và cũng theo anh chị thì làm sao giữ được giới không sát sanh?

3.      Phân biệt tà dâm và dâm dục?

4.      Có người đề nghị, trong các buổi lễ quy y cho các em oanh vũ, chúng ta nên cho các các em phát nguyện giữ 3 giới (không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối) thôi, còn lại hai giới (không tà dâm, không uống rượu) thì nên để các em đến bậc Thiếu mới phát nguyện. Anh chị nghĩ sao?

—o0o—


  1. Mục đích Phật pháp.
  2. Tam Quy.
  3. Ngũ Giới.
  4. Cuộc đời Đức Phật.
  5. Đại cương Kinh Đại phương tiện Phật báo ân.
  6. Ngài Bồ Đề Đạt Ma.
  7. Ngài Khương Tăng Hội.
  8. Niền tin và đức tin.

B.  ĐÀO LUYỆN KIẾN THỨC CĂN BẢN

  1. Mục đích và phương tiện.
  2. Tâm lý trẻ.
  3. Cờ Phật giáo.
  4. Lược sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
  5. Nội quy – Quy chế Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

C.  ĐÀO LUYỆN KIẾN THỨC VÀ KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN

  1. Tổ chức làng xã Việt Nam.
  2. Giáo dục y tế: Sự tác hại của Ma túy – Bệnh Sida.
  3. Cứu thương: Khái niệm và mục đích.
  4. Thể dục: Mục đích thể dục và các động tác căn bản.
  5. Ôn lại nhạc lý căn bản và các bài hát đã học, giới thiệu một số nhạc cụ phổ thông.
  6. Đại cương và phương pháp dạy môn Thủ công – Nữ công – Gia chánh.
  7. Bảng hiệu lưu thông.
  8. Khắc trên phấn – Gỗ.
  9. Phương pháp in lụa.

 NĂM THỨ HAI

A.  ĐÀO LUYỆN NẾP SỐNG TINH THẦN

  1. Ngũ Minh Pháp ( Giới thiệu Tuệ Tỉnh thiền sư trong phần Y Phương Minh).
  2. Sổ tức – Niệm Phật.
  3. Từ Nhiếp Pháp.
  4. Tứ Ân.
      1. Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
  5. Kinh Ưu Bà Tắc.
  6. Những đặc tính của Phật pháp.
  7. Đạo Phật với thanh niên.
  8. Năm hạnh.

B.  ĐÀO LUYỆN KIẾN THỨC CĂN BẢN

  1. Các giai đoạn chính trong lịch sử Việt Nam.
  2. Tìm hiểu tôn giáo bạn: Đạo Khổng, đạo Lão.
  3. Nguyên lý Huân tập.
  4. Nghệ thuật nói chuyện trước đám đông.
  5. Phật giáo với tinh thần dân chủ.
  6. Lịch sử truyền bá Phật giáo tại Việt Nam thời du nhập đến Đinh, Lê.
  7. Tinh thần giáo dục Gia Đình Phật Tử.
  8. Ứng dụng Phật pháp vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử.

C.  ĐÀO LUYỆN KIẾN THỨC VÀ KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN

  1. Phương pháp hướng dẫn môn Hoạt động thanh niên Bậc Hướng thiện và Sơ thiện.
  2. Biết nguyên tắc cấu tạo và sử dụng điện thoại.
  3. Công nghệ thông tin: Tin học phổ thông.
  4. Mục đích và những điểm co bản về bảo vệ môi trường sinh thái.

Bài khác nên xem

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu tu Bát Quan Trai kỳ 5/2017

Tâm Lễ

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu thi kết khóa bậc Định 8

Tâm Lễ

“Tuần lễ Huân Tu lần thứ II ” – Chương trình truyền phát trực tiếp đêm thứ nhất (08/7 Canh Tý)

Huệ Quang GĐPTVN