Ngày xưa, xưa lắm ở vùng Tân Cương có một nước tên gọi là Nhục Chi, có một đời sống kinh tế phồn thịnh, văn hoá tiến bộ. Kinh đô Nhục Chi nằm trên sườn núi lớn, cảnh trí rất đẹp, kiến trúc tân kỳ. Hoàng cung và đền đài nằm trên một vị trí cao nhất, rồi đến nhà cửa các bậc công hầu khanh tướng, phía dưới chân núi là nhà dân chúng và phố phường buôn bán tấp nập quanh năm.
Đời sống an cư lập nghiệp, nhưng đức vua Đột Quyết hằng nhớ chuyện ngày xưa, vì một phút nóng giận, đã giết chết quan Đề đốc Thanh Phong, làm cho nước nhà phải một phen điên đảo, suýt nữa cơ đồ bị sụp đổ. Mặc dù nhà vua đã ăn năn sám hối tội lỗi của mình, nhưng từ hơn hai tháng nay vua Đột Quyết đau nặng. Vua Quý Lâm nước láng giềng, vô cùng mừng rỡ, hội triều thần để bàn mưu sang xâm lược nước Nhục Chi, nhưng các tướng vẫn còn kỷ niệm đau thương của sự thất bại lúc trước nên tỏ vẻ e dè. Do đó, quan Tể tướng mới kiếm kế mua chuộc quan ngự y Thái Hòa bỏ thuốc độc cho vua Đột Quyết chết, rồi sẽ đem quân xâm chiếm sau.
Quan Tể tướng cho người thân tín, giả làm nhà buôn đem quế sang bán cho quan Ngự y và đưa thư thuyết phục vị Ngự y được vua Đột Quyết tin cẩn. Thái Hoà ban đầu còn do dự, nhưng khi được sứ giả của quan Tể tướng, đưa bức tranh vẽ chân dung của Công chúa nước Quý Lâm cho xem, thì không còn đủ nghị lực từ chối. Cuối cùng, quan Ngự y đã nhận viên độc dược của sứ giả và hứa sẽ thi hành kế hoạch của quan Tể tướng nước Quý Lâm. Một tờ cam kết đã thảo ra giữa hai người, và mỗi người cất giữ một bản để làm tin.
Sứ giả đã trở về và quan Ngự y vào cung chế thuốc như mọi ngày, chỉ khác là hôm nay có mang theo viên thuốc độc trong chéo áo. Có một lúc quan Ngự y định ném viên thuốc qua cửa sổ, nhưng sực nhớ tờ cam kết còn trong tay sứ giả, nếu mình không thi hành, thì thế nào quan Tể tướng cũng trả thù bằng cách tiết lộ tờ cam kết ấy cho triều đình nước Nhục Chi hay, thì đã mất vợ đẹp, mất nửa giang sơn gấm vóc, mà lại còn bị tru di cả ba họ vì tội mưu giết vua.
Nghĩ như vậy, quan Ngự y quyết cầm lấy viên độc dược trong chéo áo ra, lanh lẹ mở nắp nồi thuốc bỏ vào, quan thấy nhẹ nhõm trong người. Đợi đến giờ đem thuốc vào cho vua uống. Quan nhìn ra vườn thượng uyển, cảnh trí thật là đẹp, như ánh sáng mờ ảo của buổi hoàng hôn. Quan nghĩ thầm ta bây giờ là một quan Ngự y không quyền thế nhưng vài hôm nữa cung địên sẽ thuộc về ta, tất cả cung phi mỹ nữ sẽ ở dưới quyền sử dụng của ta, bọn đình thần bấy lâu nay khinh nạt ta sẽ quỳ dưới chân ta. Thật không ngờ, vận mệnh con người thay đổi mau lẹ như vậy.
Lúc bảy giờ tối, một viên Thị vệ đến mời quan Ngự y đem thuốc vào cho vua uống. Quan Ngự y bảo viên Thị vệ lấy nồi thuốc đổ vào bát sạch, đặt vào khay vàng và bưng vào phòng vua, còn mình theo sau. Viên Thị vệ quỳ xuống hai tay đặt khay thuốc trên chiếc án trước long sàng, rồi lui ra. Quan Ngự y vái chào vua và đứng dưới chân giường đợi lệnh. Vua chỉ một chiếc ghế và bảo quan Ngự y ngồi xuống, vua đưa tay bảo:
– “Khanh xem mạch cho trẫm hôm nay có khác hơn mọi hôm không? Có thể cho trẫm biết độ bao giờ thì hết bệnh, và nếu có mệnh hệ nào cũng đừng giấu trẫm làm chi, hãy để cho trẫm có thời giờ chuẩn bị”. Quan Ngự y đặt tay nhà vua lên một tấm lụa, rồi quỳ xuống bắt mạch. Vua cảm thấy mấy ngón tay của quan Ngự y run nhè nhẹ trên cổ tay mình.
Ngài nhìn vào mặt quan Ngự y, và quan Ngự y có vẻ như muốn tránh nhìn mình. Vua gợi chuyện hỏi han về thân thế gia đình của Ngự y:
– Khanh năm nay bao nhiêu tuổi?
Vị Ngự y cung kính trả lời:
– Dạ, tâu hạ thần năm nay được năm mươi hai…
– Vậy là khanh thua trẫm hai tuổi. Chẳng mấy chốc mà đã qua nửa đời người rồi! nhiều khi trẫm ân hận là chưa làm gì được cho dân cho nước, mà đã sắp lìa trần rồi! lúc ấy tay quan Ngự y run mạnh trên cổ tay của nhà vua.
Vua lại tiếp:
– Khanh ạ! Trẫm chưa muốn chết vội. Khanh hãy chữa cho trẫm mau lành bệnh nhé!
Quan Ngự y: “Dạ” một tiếng nhỏ. Khẽ cúi mặt nhìn xuống chén thuốc, để trên chiếc khay vàng, bỗng mắt vị Ngự y như bị thôi miên, vì mấy chữ chạm trên chiếc khay và trên thành bát thuốc có ghi bài học ngàn vàng:
“PHÀM LÀM VIỆC GÌ, TRƯỚC PHẢI XÉT KỸ ĐẾN HẬU QUẢ CỦA NÓ”.
Vị Ngự y cảm thấy choáng váng, như đầu mình bị đập vào tường. Mấy chữ vẫn nằm yên lặng ở đấy, mà quan Ngự y nghe như tiếng quở trách, đang vang dội vào tai, khắp nơi và cả trong lòng mình. Quan Ngự y tự hỏi: “Ta đang làm gì đây? Ta đang bỏ thuốc độc cho vua. Vua sẽ uống chén thuốc và sẽ chết trong vài giờ sau. Âm mưu giết vua thế nào cũng bị bại lộ. Ta sẽ bị quan đại thần bắt và chém đầu. Dòng họ Thái và cả gia đình ta chắc cũng không tránh khỏi án tử hình, và tiếng xấu sẽ lưu lại muôn đời. Ta làm một việc ác lớn lao chắc sẽ bị hậu quả vô cùng tai hại”.
Trong khi suy nghĩ như vậy, mấy ngón tay của quan Ngự y vẫn nằm yên trên cổ tay nhà vua. Vua vẫn để yên tay mình ở dưới tay Ngự y, nhưng đôi mắt vẫn theo dõi, quan sát từng cử chỉ, từng hành động biến chuyển trên nét mặt suy tư của quan Ngự y. Hồi lâu vua cất giọng yếu ớt hỏi:
– Khanh xem mạch trẫm thấy có thế nào? Sắp nguy chưa?
Quan Ngự y như sực tỉnh và có vẻ bối rối, vội tâu:
– Tâu… Tâu Hoàng thượng… mạch rất tốt, rất tốt…
Vua mỉm cười héo hắt :
– Thế à! Trẫm cảm ơn khanh, bây giờ trẫm uống thuốc nhé! Vua vừa nói vừa ngồi dậy định bưng bát thuốc. Quan Ngự y hốt hoảng cản tay vua và vội nói:
– Xin Hoàng thượng hãy khoan!…
Vua ngạc nhiên hỏi:
– Sao vậy? Sao khanh lại không cho ta uống?
Quan Ngự y sụp xuống đất van lạy:
– Tâu Hoàng thượng, thần xin Hoàng thượng rộng lượng tha tội cho kẻ hạ thần, vì bát thuốc có độc dược!
Nhà vua vô cùng kinh ngạc hỏi lại:
– Sao vậy? Khanh định giết trẫm thật sao?
– Muôn tâu Hoàng thượng, hạ thần đã bị vô minh và dục vọng làm mờ ám lương tâm, nhưng nay chợt tỉnh khi nhìn thấy “bài học ngàn vàng” khắc trên khay và trên miệng bát thuốc, nên hạ thần đã hồi tỉnh. Quan Ngự y vội quỳ xuống tâu:
– Tội hạ thần đáng chết, xin Hoàng thượng hãy truyền lệnh hạ ngục đi!
Vua trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu rồi từ tốn phán:
– Thật quả khanh tội đáng chết, nhưng khanh đã hối hận và ăn năn kịp thời, trước khi hành động xảy ra, nên trẫm niệm tình mà tha tội chết cho khanh. Từ nay về sau, phải hết lòng tận trung với trẫm!
Quan Ngự y mừng rỡ dập đầu vái lạy và quỳ bên chân nhà vua, vô cùng cảm động không cầm được nước mắt.
Lúc ấy, bệnh tình của vua tự nhiên thuyên giảm, mồ hôi Ngài thoát ra, ướt cả long bào, và cảm thấy trong người nhẹ nhõm, nhà vua mừng quá, tự bảo: “Bài học này quý lắm. Một ngàn lượng vàng còn rẻ, nhờ bài học này mà quan Ngự y được hối ngộ, khỏi bị tội tử hình và tru di tam tộc, nhờ bài học này nước nhà khỏi mất, dân ta khỏi lầm than và cũng nhờ bài học này mà tánh mạng ta khỏi chết. Thật là:
– “BÀI HỌC NGÀN VÀNG”.
Nhờ sự vui mừng đó, nên tâm hồn vua phấn khởi, khoan khoái mà bệnh Ngài dần dần thuyên giảm.
(Trích Bài Học Ngàn Vàng của HT. Thiện Hoa)