Mười Loại Quả Giúp Giải Nhiệt

10 loại quả giúp giải nhiệt

 1. Trái dưa hấu, có chứa nhiều chất chống oxy hóa trong thiên nhiên. Nó còn là một nguồn vitamin C và A. Theo y học cổ truyền, dưa hấu có vị ngọt, tính mát, tác dụng giải khát, hạ nhiệt, lợi tiểu, chữa say nắng, huyết áp cao, lở miệng, tiểu khó, táo bón, lỵ ra máu. Mỗi ngày ăn 100 – 200 gr hoặc lấy vỏ trái khoảng 40 – 100 gr sắc với 1 lít nước, uống nhiều lần trong ngày.

 Dưa hấu đỏ có chứa rất nhiều betacaroten và licopen. Đây là những chất có tác dụng trung hòa các gốc tự do gây tổn thương cho cơ thể. Các hợp chất có trong dưa hấu có thể ngăn chặn nguy cơ tạo thành các tế bào ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Dưa hấu có chứa lượng licopen nhiều hơn cà chua 40%. Dưa hấu lại không gây béo phì vì vậy nó còn được dùng trong chế độ ăn của người cần giảm cân.

2. Trái dưa gang, theo y học cổ truyền, dưa gang có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải khát, thông khí, lợi tiểu giải độc. Trong những ngày hè, ăn dưa có thể phòng ngừa được cảm nắng. Theo kết quả nghiên cứu, trong dưa gang có một số vitamin và các khoáng chất khác có lợi cho cơ thể. Mỗi ngày 250 gram, nấu chín làm canh, ăn bã, uống nước. Trái chín có thể ăn không hoặc ăn với ít đường, trái xanh nấu canh tôm hoặc tép. Nếu xay nát lấy nước uống còn chữa say nắng, ngộ độc rượu; có thể pha chung với bột sắn dây. Tuy nhiên ăn nhiều dưa gang sống dễ sinh đau bụng, người mới khỏi bệnh và tạng hàn nên kiêng.

3. Trái măng cụt, trong măng cụt có chứa nhiều hợp chất xanthon có tác dụng như những kháng thể thiên nhiên giúp tăng cường sinh lực, chống mệt mỏi, chống béophì, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, cải thiện hệ tuần hoàn và tiêu hóa, bồi dưỡng cơ thể và chống lão hóa.

4. Chanh có hàm lượng vitamin C cao và chứa nhiều acid hữu cơ giúp giải khát rất tốt, ngoài ra còn nhiều dưỡng chất khác và khoáng tố đặc biệt là selenium nên chanh đặc biệt tốt cho sự cân bằng chế độ ăn.

Chanh giúp giải nhiệt, hạ sốt, nhất là khi đi nắng về uống một ly chanh tươi hoặc chanh muối để giải khát đồng thời còn giúp cho tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên những người có bệnh dạ dày thì không nên dùng.

5. Chanh dây vị ngọt, chứa các loại acid hữu cơ, chủ yếu là acid citric (3,9 g/100 g, ít chua hơn trái chanh). Ngoài ra, trong chanh dây còn có các chất khoáng và chất vi lượng như sắt, phosphor, kẽm, magnesium… nhiều loại vitamin đặc biệt là vitamin C. Theo đông y, trái chanh dây có vị chua, ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, làm tăng hưng phấn, tăng cường khí lực và bổ dưỡng.

6. Quýt, cam, bưởi cũng có hàm lượng vitamin C cao, đặc biệt là các loại trái này(nhất là bưởi) có nhiều múi xơ có tính năng làm tan mỡ nên rất được phụ nữ ưa chuộng.

7. Dứa: chứa nhiều vitamin C, khoáng chất và vi lượng, nhưng đặc biệt hơn là điều tiết ra bromelin, một enzym có khả năng làm mềm và khiến cho protein dễ tiêu hóa. Dân gian còn dùng dứa chữa thiếu máu, suy dinh dưỡng, ăn uống khó tiêu, xơ cứng động mạch, viêm khớp, sỏi thận và tẩy độc cho cơ thể.

8. Trái khế: vị chua ngọt, tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, được dùng để trừ nhiệt độc trong cơ thể, chữa cảm cúm, sốt, nhức đầu, sổ mũi, ho, viêm họng. Mỗi ngày khoảng 100 – 120 g trái khế tươi, ép lấy dịch chiết uống.

9. Trái nho: cũng có chứa nhiều acid hữu cơ giúp giải nhiệt tốt. Đặc biệt là trong trái nho có chứa các hợp chất như resveratrol (chống oxy hóa tế bào) có liên quan đến việc phòng chống bệnh ung thư, bệnh tim mạch và thần kinh. Mỗi tuần sử dụng từ 3 – 4 ly rượu vang từ nho đỏ có lợi cho sức khỏe. Hạt nho còn có chứa các chất có tác dụng củng cố các mạch máu và cải thiện sự lưu thông máu. Các chất chiết từ hạt nho có thể giúp chống lão hóa, giảm các bệnh tim mạch, cản trở các tế bào ung thư, giảm bớt các triệu chứng dị ứng và trạng thái căng thẳng của mắt cũng như giúp phòng chống một số bệnh da liễu.

10. Trái thanh long: theo y học cổ truyền, có vị ngọt nhạt, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải khát, giảm ho, long đờm, giúp tinh thần thư thái. Trái thanh long có chứa nhiều chất dinh dưỡng và vi lượng giúp gia tăng sự chuyển hóa các chất trong cơ thể, tăng cường thải độc, cải thiện làn da. Nhờ chứa nhiều chất xơ và hàm lượng đường thấp, thanh long phù hợp với bệnh nhân tiểu đường và béo phì.

Tất cả các loại trái trên đều có thể sử dụng ăn tươi, ép nước, ngâm xi rô hay là làm mứt đều ngon cả. Tuy nhiên, nếu chế biến ở nhiệt độ cao hay bảo quản quá lâu trong tủ lạnh thì các dưỡng chất trong trái sẽ giảm đi đáng kể.

DS. LÊ KIM PHỤNG

Bài khác nên xem

Giải NoBel và các giải Nobel năm 2012

phuocthanh

Trái Sung Chữa Tan Sỏi Mật, Điều Mà Ít Ai Biết

phuocthanh

QUANG CHÂU: Tình thương dưới mái Chùa!

Linh Nguyên