Đưa Ông Bà Nét đẹp Phong Tục Cổ Truyền

Đưa Ông Bà Nét đẹp Phong Tục Cổ Truyền

Thờ cúng ông bà, tổ tiên là tấm lòng biết ơn của người còn sống đối với tiền nhân, những người có công sinh thành dưỡng dục, dạy dỗ ta nên người. Đây là đạo lý sâu xa của dân tộc về giáo dục chữ hiếu, quý trọng cội nguồn. Từ người giàu sang đến nghèo khó, bao giờ trong nhà cũng có bàn thờ đặt nơi trang trọng nhất.
Gọi là “lễ” nhưng chỉ là nghi thức đơn giản nhưng rất thành kính của con cháu dành cho ông bà quá cố của mình. Ngày 25 tháng chạp hằng năm, mỗi nhà đều có mâm cơm cúng đưa ông bà, kèm theo mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây thường là: mãng cầu, dừa tươi, đu đủ, xoài, dưa hấu, với ý nghĩa: mong gia đình được đầy đủ trong năm.
Ngày nay cuộc sống ngày càng phát triển nên đâu chỉ “cầu dừa đủ xài” mà ước vọng cũng cao sang hơn vì vậy lời uớc nguyện cũng thay đổi theo. Người ta bày mâm “tứ quả” với 4 loại trái cây là: cau, quýt, đu đủ và trái điều họăc hạt điều với ý nghĩa là “cao quý đủ điều” và một bình hoa tuơi thắm.

Theo quan niệm dân gian, ngày 25 tháng chạp những người quá cố trở về cõi trên, nên cúng xong, tất cả chưn nhang đều được đốt và từ đó ngưng thắp nhang cho đến giao thừa. Mâm ngũ quả và hoa tuơi vẫn để chưng cho đến giao thừa thì thay lượt mới, đây cũng là một nghi thức tâm linh không biết có từ bao giờ nhưng đến ngày này vẫn được duy trì.

Ngoài ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp, hoa quả được xem là lộc trời đất ban cho thành quả lao động của con người, để con cháu dâng lên tổ tiên và tạ ơn trời đất.
Song song với đưa ông bà thì ngày 25 cũng là ngày tảo mộ, chăm sóc nơi yên nghỉ của người quá cố. Nếu mộ đất thì dọn cỏ sạch sẽ, phát hoang lối đi cho thông thoáng, mộ kiên cố thì trang hoàng lại cho mới mẻ.
Ngày nay kinh tế phát triển, đời sống của người dân đa phần khấm khá cho nên ngoài việc trang hoàng nhà cửa trong dịp Tết thì mồ mả ông bà cũng được sửa sang, làm mới. Việc làm này được con cháu tập trung lại cùng thực hiện, nhiều nhà còn tổ chức bữa tiệc sum họp sau khi đã hòan thành mọi việc.
Với những người làm công việc đặc biệt tại công sở trong những ngày Tết thì ngày 25 tháng chạp họ tập họp nhau lại để về tảo mộ và tổ chức buổi tiệc tất niên cùng chúc mừng năm mới rồi trở về tiếp tục công việc của mình.
Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của ngừơi VN dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng được nhân dân ta giữ gìn, làm theo phong tục. Đó là văn hóa dân tộc, là nét đẹp trong đời sống của mỗi người dân Việt chúng ta./.

Lê Ngọc
Nguồn: Baocamau

Bài khác nên xem

Nói Về Trường Ca Lửa Từ Bi – Đức Quảng

ducquang

Chữa bệnh và làm đẹp với dưa hấu

phuocthanh

Sáu Nguy Hiểm về Rượu

phuocthanh