Món Quà Quý Nhất Là Hiện Tại!

Món quà quý nhất là trong hiện tại

 

Mùa Vu Lan lại đến rồi các em!

Chưa có một đại lễ nào mà ý nghĩa rất nhiều như đại lễ Vu Lan, chữ Nho gọi là Vu Lan Thắng Hội; Thắng hội là lễ hội rất lớn, lớn nhất – đâu đâu cũng tổ chức lớn với nhiều Lễ, nhiều Nghi thức và nhiều Ý nghĩa, mà ý nghĩa nào cũng trọng đại.

Đối với lứa tuổi các em, điều các em nhớ nhất có lẽ là câu chuyện “Mục Liên Thanh Đề”. Sau khi đắc quả A La Hán Ngài Mục Kiền Liên mới dùng thiên nhãn thông để tìm mẹ khắp các cõi giới thì thấy mẹ mình đọa lạc vào thế giới của loài quỷ đói (Ngạ quỷ) Ngài bèn nhập vào cõi ngạ quỷ đó để dâng cơm cứu đói và tìm cách cứu mẹ ra khỏi nơi đau khổ đó, nhưng cả hai việc dâng cơm và cứu mẹ đều không thành công. Thứ nhất, cơm vừa dâng tới miệng thì lửa trong cổ họng đã đốt cháy cơm thành than và bà Thanh đề rất là đau đớn:

“…Lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt

Sợ chúng ma cướp giật của bà

Cơm đưa chưa  đến miệng đà

Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu…”

                                        Kinh Vu Lan.

Bởi vì tánh tham lam, bỏn xẻn còn nặng nề nên không thể ăn uống gì được, mỗi lần ăn là mỗi phen đau đớn vì cổ họng rất nhỏ mà bụng lại phình to. Nên nhà Phật lưu truyền các câu chân ngôn để khai yết hầu của ngạ quỷ lớn ra để dễ hưởng của cúng thí. Mục Liên muốn cứu mẹ ra khỏi nơi ngạ quỷ nhưng với núi nghiệp tham lam nặng nề như vậy thì ở đâu dung chứa được để mang mẹ tới đó! Chỉ có cõi Ngạ quỷ mới chứa nổi thôi. Ngài đành trở về cầu Phật Đà cứu mẹ nhưng Phật cũng nói:

“…Phật mới bảo rõ ràng căn cội

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu

Dù cho thần lực nhiệm mầu
Một mình không thể ai cầu được đâu.
Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn,
Tiếng vang đồn thấu đến Cửu-thiên
Cùng là các bậc Thần-kỳ
Tà, ma ngoại-đạo, bốn vì Thiên-vương
Cộng ba cõi sáu phương tu-tập,
Cũng không phương cứu-tế mẹ ngươi.
Muốn cho cứu đặng mẹ người.
Phải nhờ thần-lực của mười phương Tăng….”

Thế đã rõ! Muốn chuyển được núi nghiệp của bà Thanh Đề thì phải cần đến một đại oai lực rất lớn của mười phương tăng chúng cộng lại chứ không phải sức của một vài vị thượng tể, chí tôn nào can thiệp được, cũng bởi vì bản thân bà Thanh Đề không thể tự mình phát tâm chuyển nghiệp nên phải nương cậy vào một đại tha lực hùng hậu như thế – mà phải thực hiện trong mùa An cư kiết hạ vì lúc đó chư Tăng đang an trụ tu tập một chỗ nên định lực tăng tiến gấp trăm ngàn lần hơn cho nên ngày Lễ Vu Lan còn có tên gọi là Phật hoan hỷ nhật, ngày chư Phật hoan hỷ vì sự tinh tấn của chư Tăng ni. Ngày này cũng gọi là Xá tội vong nhân, các đẳng vong linh cũng nương oai lực này mà được cứu độ. Nhờ có  tình con chí hiếu của ngài Mục Kiền Liên mà đức Phật đã dạy cho chúng ta  phương pháp Vu Lan bồn là cứu cái khổ bị treo ngược không những của cha mẹ đời này mà còn cứu được các bậc cha mẹ đời trước nữa. Cho nên về sau chúng ta thường niệm danh hiệu: “Nammô Vu Lan duyên khởi đại hiếu Mục Kiền Liên bồ tát” là như vậy. Nếu quá khứ đã gieo điều bất thiện thì hiện đời phải gánh lấy khổ đau là đúng rồi, nhưng oai lực của mười phương tăng cộng lại có thể nhổ bật được gốc rể của tội lỗi quá khứ, phá tan cõi ngạ quỷ hiện tại để Mục Liên mẫu được sinh thiên. Đó là điều kỳ diệu của Phật Pháp, là điều kỳ diệu của Tứ thánh đế, của sự thật, chân lý nhiệm mầu mà đức Phật giáo hóa chúng sanh.

Ngày này còn được gọi là ngày báo hiếu lên hai đấng sinh thành, ngày của Mẹ(Mothrer’s day) theo tinh thần Á Đông do noi gương đức Mục Kiền Liên cứu mẹ.  Người mẹ nào không mang nặng chín tháng cưu mang, không đau đớn xác thân khi sinh nở; không vui mừng khi nhìn thấy con lành lặn an toàn! Để rồi chăm chút con thơ ba năm đến khi biết chạy, biết nhảy. Lo cho con từng ngày từng giờ cắp sách đến trường, đưa đón con không ngại nắng mưa cho đến khi con thành nhân hay lên đại học – cái lo đó canh cánh ưu tư cho đến hết cuộc đời. Cái đau đó, nỗi lo đó lặp đi lặp lại không chán mỏi – sanh bao nhiêu người con là bấy nỗi đau lo mà mẹ vẫn không sợ. Trái tim của mẹ, tình thương của mẹ thật là vĩ đại và tuyệt vời.

“ Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”

Cho đến khi chúng ta làm cha làm mẹ mới thấy thấm thía cái nỗi đau lo đó, mới thấy tình thương từ trong tim ta tràn như thác suối bảo bọc cho con cái, mới biết thương cha nhớ mẹ nhiều hơn, nhưng dòng nước thường chảy xuống, không có chảy ngược lên nên có mấy ai chu toàn đạo Hiếu. Như Thầy Tử Lộ lúc nhà nghèo chịu thương, chịu khó đội gạo nuôi mẹ mà vẫn luôn hứa với lòng là khi được công danh thì sẽ làm cho mẹ vui sướng hơn hiện tại. Đến lúc thành danh thị mẹ đà khuất núi, ông ngửa mặt lên trời mà than trách:

“ Mộc dục tịnh nhi phong bất đình

Dục báo thâm ân thân bất tại”

[Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng

Muốn thờ cha mẹ hai thân mất rồi]

Thuật ngữ tiếng Anh có từ “Present” là món quà; “present for you” là tặng quà cho bạn. Present cũng có nghĩa là hiện tại. Chúng ta đang sống đang thở, đang hoạt động bình thường cũng là một món quà mà ai ai cũng có đủ 24 giờ một ngày được hưởng thụ để vui sống như nhau.

Thế nên chúng ta có thể hứa hẹn với một tương lai không xa là tạo ra đời sống sung sướng an vui cho cha mẹ nhưng trong hiện tại đừng bao giờ quên là sống làm sao để cho hai đấng sinh thành vui vì con hiếu, mừng vì con ngoan, xúc động khi con được nên người. Đó là món quà quý giá nhất mà các bậc cha mẹ mong nhất nơi các con.

(Bản tin 17 Hội Hiếu GDPT Quảng Đức)

Đức Quảng

Bài khác nên xem

Cách thiết bàn thờ Phật

datthinh

Tác phẩm Ánh Đạo Vàng – phần 4

ducquang

Câu chuyện nhân quả

phuocthanh