Lý nghiệp báo

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

  

A. DẪN NHẬP :

 Đức Phật đã dạy : “ Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự của Nghiệp. Nghiệp là thai tịnh mà từ đó con người được sinh ra, Nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa ” (Kinh Trung bộ). Như vậy sự hiện hữu của con người cũng chính là sự hiện hữu của Nghiệp, mà tác nhân của Nghiệp chính  là kết quả của những gì đang hiện hữu trong cuộc sống của mỗi cá nhân hay cộng đồng xã hội, và đó chính là vấn đề Nghiệp báo mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây.

B. NỘI DUNG :

I. HÀNH TƯỚNG CỦA LÝ NGHIỆP BÁO :

1.   Định nghĩa về Nghiệp và các tính chất của Nghiệp :

a. Định danh :

Nghiệp tiếng Phạn gọi là Karma, tiếng Tàu dịch là Tạo tác, tức là những hành động của Thân khẩu và ý tạo thành sức mạnh gây ra hậu quả cho tự thân và hoàn cảnh.

b. Phân loại Nghiệp :

Nói đến năng lực tạo tác và nguyên nhân tạo nghiệp thì chúng sanh nói chung, con người nói riêng có 3 nghiệp : Thân nghiệp – Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Tuy nhiên tùy theo tính chất và hiệu năng khác nhau mà Nghiệp được phân làm nhiều loại với các tên gọi khác nhau :

b1. Phân loại theo tên gọi :

+ Thiện nghiệp : Tư duy và hành động về các điều thiện.

+ Ác nghiệp : Tư duy và hành động về các điều ác.

b2. Phân loại theo tiến trình :

+ Định nghiệp : Nghiệp được lưu chuyển trong thời gian ổn định và từ nhân đến quả thống nhất với nhau (Ví dụ : Trứng gà thì nở ra con gà, Ăn thì no)

+ Bất định nghiệp : Nghiệp không dẫn tới kết quả, hoặc kết quả sẽ thành tựu trong thời gian bất định, hoặc giữa kết quả và nguyên nhân hoàn toàn không thống nhất với nhau.

b3. Phân loại theo thời gian :

+ Nghiệp củ : Nghiệp tích lũy từ nhiều đời, từ vô thỉ đưa đến quả hiện tại.

+ Nghiệp mới : Nghiệp do những hành động tạo tác của Thân khẩu ý trong hiện tại.

b4. Phân loại theo tính chất :

+ Dị thời nhi thục : Thời gian chín muồi của nghiệp quả khác với thời gian tạo nghiệp (nghiệp nhân).

+ Dị lọai nhi thục : Kết quả bị biến chất so với thời gian mới tạo nghiệp (Ví dụ : trái xoài từ xanh đến chín vàng).

+ Biến dị nhi thục : Kết quả bị biến thái và biến tướng so với thời gian mới tạo nghiệp (Ví dụ: Trái cây còn non so với trái cây đã chín vàng).

b5. Phân loại theo năng lực :

+ Tập quán nghiệp : Nghiệp huân tập bởi một thói quen trong đời sống hằng ngày.

+ Tích lũy nghiệp : Nghiệp chất  chứa từ đời này qua đời khác.

+ Cực trọng nghiệp : Nghiệp gây ấn tượng xấu ác cực mạnh lấn lướt các nghiệp khác.

+ Cận tử nghiệp : Sức mạnh tâm lý tác động và chi phối con người trước lúc lâm chung.

b6. Các tên gọi khác của Nghiệp :

+ Bạch nghiệp : nghiệp thiện

+ Hắc nghiệp : nghiệp ác

+ Phi hắc, bạch nghiệp : nghiệp vô ký (không thiện, không ác).

+ Biệt nghiệp : nghiệp riêng của mỗi người

+ Cọng nghiệp : nghiệp chung của nhiều người

+ Thánh nghiệp : nghiệp đưa đến Thánh đạo

+ Duy tác nghiệp : nghiệp không đưa đến kết quả

+ Chướng nghiệp : cản trở sự kết thành của quả.

+ Đoạn nghiệp : tiêu diệt các năng lực sanh ra nghiệp.

+ Hữu lậu nghiệp : nghiệp làm cho con người phải trôi lăn trong sanh tử luân hồi.

+ Bất động nghiệp : là nghiệp của hàng chư Thiên ở cỏi Sắc giới và Vô sắc giới, tu theo sức định mà thọ quả báo.

+ Bất tư nghì nghiệp : không vướng bận vào nghiệp nào mà lại có thể hóa thân vào vô số nghiệp để hóa độ chúng sanh. Đây là nghiệp của những vị thấy rõ được chân tâm.

2.  Định nghĩa về quả báo vào tính chất của quả báo

a. Định danh :

Quả báo là kết quả báo ứng tương xứng với các nghiệp nhân đã tạo ra.

b. Các món quả báo :

+ Chánh báo : kết quả báo ứng về tự thân do nghiệp chi phối riêng cho từng người (Ví dụ : tánh tình, hình dáng. . .)

+ Y báo : kết quả báo ứng qua hoàn cảnh của từng người hay một cộng đồng xã hội (gia đình, họ hàng, dân tộc . . .)

c. Thời gian trong quả báo :

+ Hiện báo : Những hành động tạo nghiệp được xảy ra ngay trong cùng một kiếp.

+ Sanh báo : Những hành động tạo nghiệp có kết quả liền ngay sau một kiếp khác.

+ Hậu báo : Những hành động tạo nghiệp qua nhiều kiếp mới có kết quả.

d. Quả báo với ảnh hưởng tự tâm :

+ Quả báo tự tâm : Do hành động chủ ý của bản thân vì thù ghét, vì lợi lộc.

+ Quả báo đối đải : Do hành động vô tình hay nghiệp nhân của kiếp trước.

II. NHỮNG HỌAT ĐỘNG DẪN ĐẾN NGHIỆP :

1. Hoạt động có chủ ý của loài hữu tình :

            Nghiệp chỉ cấu thành khi những hoạt động được thúc đẩy bởi ý thức có chủ ý, có mục tiêu, có suy xét rồi đưa đến phán quyết phải làm như thế này, phải làm như thế kia và bước cuối cùng là hành động và những điều này chỉ xãy ra trong hữu tình giới. Còn những hoạt động của vô tình giới thì không thể cấu thành nghiệp vì những hoạt động đó là những hoạt động không có ý thức, mà được tiến hành bởi tự nhiên (Ví dụ : nước chảy thì đá mòn)

2. Hoạt động gieo nhân  của con người :

            Ở đây điều trước tiên là cần phải hiểu và nhận định rõ nét về hai vế của “Nghiệp báo” đó là “Nghiệp nhân” tức là tư duy hành động tạo tác và “Nghiệp quả” tức là tiến trình tạo ra kết quả của chính  hành động tạo tác đó. Vì thế nghiệp quả (tức là nghiệp báo) là những kết quả thể hiện ngay nơi  những loài hữu tình cư trú để sinh hoạt hầu thọ nhận những nghiệp nhân tương xứng đã tạo ra : ngạ quỹ, súc sanh hay các loài cao hơn ở các tầng trời Sắc giới và Vô sắc giới. Do đó cho chúng thấy “Nghiệp nhân” mới là chính yếu vì những hoạt động của nó sẽ cấu thành “Nghiệp quả” cho kiếp sau. Do đó mà hoạt động này chỉ chú trọng ở con người, bởi lẽ đây là một cõi có đủ 2 yếu tố và tính chất để vừa sinh hoạt trả quả và hoạt động gieo nhân :

+ Ý nghiệp (Tư) : nghiệp khởi động với một chủ ý muốn đạt được mục đích nào đó mà đã suy tư tính toán : Đây là giai đoạn chưa biểu lộ ra ngoài.

+ Biểu nghiệp : Sau khi suy tư tính toán dứt khoát, nghiệp tác dụng qua 2 phương tiện thân và khẩu để hoạt động. Đây là giai đoạn biểu lộ qua 2 mặt thân và khẩu và tất cả đều thấy rõ.

+ Vô biểu nghiệp : sau khi hành động thân và khẩu chấm dứt. Nghiệp ẩn chìm và mọi người kể cả bản thân cũng không còn nhận biết hành động của nghiệp.

3. Quả báo hay di thục :

Quả báo không phải chỉ là một liên hệ nhân quả theo nguyên tắc luận lý kiểu toán học hay lối luận lý đạo đức của thế gian. Mà trái lại Nghiệp luôn luôn có riêng một kết quả báo đáp tương xứng với chính nó. Vì theo nguyên tắc, đời sống hiện nay của mỗi người là quả báo của nghiệp nhân của đời trước; còn cái nghiệp nhân khác mà ta đang gieo rắc thì chúng sẽ có riêng cả một hoạt động chuyển biến phát triển thành quả cho đời sống kiếp sau. Do đó mỗi nghiệp nhân sẽ có chánh báo và y báo riêng tương xứng, và vì giới hữu tình nên không thể có 2 đời sống tức là 2 quả báo cùng một lúc, thế nên các nghiệp nhân chúng ta tạo nên sẽ chờ đợi quả báo của đời sống hiện tại chấm dứt thì nó sẽ biến chuyển thành quả đời sau từ đó mà có tái sinh, luân hồi. Vì lẽ đó quả báo của nghiệp mới được gọi theo danh từ chuyên môn là “Dị thục” (Vijàka) với 3 tính chất của nghiệp là : Dị thời nhi thục – Dị loại nhi thục – Biến dị nhi thục.

4. Các nhân tố thành lập nghiệp :

Khi tâm suy tính là tâm dựa vào các dữ kiện như thân khẩu và hoàn cảnh chung quanh mà suy tính, và tâm muốn đạt đến mục tiêu cụ thể dĩ nhiên phải sử dụng đến thân khẩu để hoạt động đối xử với hoàn cảnh chung quanh. Do đó thân khẩu và hoàn cảnh chung quanh chính là điều kiện phải có, cho nghiệp có phương tiện và có chỗ để hoạt động đó gọi là “Vô tình thế gian” (loka) hay “Khí thế gian” (bhàjanaloka).

Phương tiện thân khẩu sở dĩ hoạt động do tâm suy tính thôi thúc, mà sự thôi thúc này thì lại chính là lực hoạt động của phiền não, tham sân si. Nhưng xét cho cùng thì phiền não này không hề là Ngã hay có ngã, mà chỉ do tâm vô minh không thấy rõ chân lý Vô Ngã, lại vọng tưởng cho rằng có Ngã. Thế nên phân biệt thành ta với người mà thành ra đồng loại chung sống hoạt động với nhau gọi là “hữu tình thế gian” và từ cuộc sống với những hoạt động va chạm mà thành những nghiệp thiện và ác.

Do đó vô minh cũng như phiền não là những nhân tố chính yếu để khởi động Nghiệp

5. Nghiệp là nhân của luân hồi mà cũng là nên tảng của Đạo :

Nhân duyên tác thành nghiệp của chúng sinh là do tâm suy tính mà động lực thúc đây lại là bối cảnh của 2 phạm trù “vô tình thế gian” và “hữu tình thế gian”. Do đó dù con người có xoay sở để tạo ra bao nhiêu loại nghiệp, theo bao nhiêu cách thì cũng chỉ là một nguyên tắc nhân quả mà thôi. Vì nghiệp chính là nhân, mà đã có nhân tức có quả, mà có quả tức là tái sinh luân hồi tức còn khỗ, sinh tử. Tóm lại nghiệp là nguồn gốc của luân hồi. Song đó chỉ là do nơi tính chất phiền não của tự thân các nhân duyên chứ không phải là lỗi nơi nguyên tắc của nhân duyên (Ví dụ : khi ăn phải chất độc thì bị đau : đó là lỗi nơi chất độc chứ không phải lỗi do ăn). Song với Đại thừa Phật giáo quan niệm nguyên tắc nhân duyên của Nghiệp là căn bản chung vừa cho luân hồi mà vừa cho cả con đường tu Đạo (Ví dụ : nấu ăn vừa phải và vừa đủ chất dinh dưỡng thì người ăn sẽ có được một bữa ăn ngon và thân thể khỏe mạnh hoặc trái lại. Vậy khỏe mạnh hay ốm đau đều cùng một nguyên tắc ăn mà ra), cũng thế chúng sanh đau khổ luân hồi hay được giải thoát thành Phật đều cùng một nguyên tắc nhân duyên của Nghiệp mà ra. Nếu tâm suy tính và phát khởi những đại nguyện với một Bồ đề tâm để cứu độ quần sanh, thì với cái nhân duyên ấy sẽ trở thành nhân của Đạo (tức là cơ sở hay nền móng của Đạo). Ý nghĩa này hoàn toàn rành mạch rõ ràng trong tiến trình vận hành của 12 nhân duyên đưa đến sanh tử luân hồi của hữu tình giới.

C. SUY NGHIỆM :

Nguyên tắc của nghiệp là nền tảng của tất cả mọi pháp dù là thế gian hay xuất thế gian, điều đó cho chúng ta thấy rằng mỗi người chúng ta đều phải tự chịu trách nhiệm những gì mà mình tạo tác từ thân khẩu ý. Bởi chính những tạo tác này sẽ là nghiệp nhân để có quả báo trong hiện tại hoặc tương lai, cho nên cá tánh, hình dáng, hoàn cảnh của mỗi cá nhân, của một gia đình, của một dân tộc đều do nghiệp nhân của chính mình và những người cùng sống trong một cộng đồng xã hội đã tạo ra trong quá khứ mà có quả tương xứng.

Vậy để thay đổi nghiệp báo chỉ có một cách là tu tâm dưỡng tánh, ăn năn hối cải những việc bất thiện đã làm và tránh lập lại trong tương lai, để chí tâm làm những việc thiện.

Hiểu rõ: “Lý nghiệp báo” chẳng những tạo ra những hữu lậu thiện mà còn tiến lên vô lậu thiện, đó chính mới là con đường Tu Phật và Học Phật.

D. TU TẬP :

 Để có được một đời sống an lạc trong hiện tại và tương lai, chúng ta cần phải :

–    Thực hành hạnh Bố thí để tích lủy nghiệp thiện.

–    Sống cuộc sống Hỹ xã vị tha để gieo nhân lành cho tương lai.

–    Chọn nghề nghiệp sinh sống phãi đúng theo tinh thần “chánh nghiệp”.

Bài khác nên xem

Ban Đại Diện GĐPT thị xã Ninh Hòa (thuộc BHD Khánh Hòa): tổ chức thi vượt bậc cho các em đoàn sinh

Huệ Quang GĐPTVN

BHD GĐPT Đồng Nai tổ chức khóa tu Bát Quan Trai Giới

phuocthanh

BHD GĐPT Quảng Đức Sài Gòn tỗ chức thọ trì giới pháp Quan Trai lần II năm 2016

phuocthanh