Lục hòa

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )

 

I. VĂN :

Hồi đức Phật còn tại thế, tại tu viện Ghosira ( Cùsưla ) thuộc thành phố Kosambi Vương quốc  Vamsa, đã xảy ra một vụ tranh chấp giữ một vị Kinh sư và một vị Luật sư. ( Kinh sư là những vị chuyên giảng dạy và ôn tụng những lời Phật dạy, Luật sư  là những vị chuyên lo trì tụng về giới luật ).

Nguyên nhân của sự tranh chấp thật là bé nhỏ, nhưng vì lòng tự ái của một số các thầy mà vụ tranh chấp đã gây nên chia rẽ trầm trọng trong đại chúng. Vị Kinh sư vì vô ý đã không đổ nước trong chậu sau khi dùng, vị Luật sư cho đó là phạm luật. Vị Kinh sư nghĩ là vì không cố tình nên không có tội. Thế là cuộc tranh chấp leo thang.

Cuối cùng là vị Luật sư tuyên bố giữa đại chúng là vị Kinh sư đã phạm giới, và nếu không sám hối thì vị này sẽ không được phép tham dự các buổi Bố tát, tụng giới…Tình trạng trở nên căng thẳng và những lời qua tiếng lại nầy cũng tai hại như những mũi tên độc. Các vị Khất sĩ chia làm hai phe, và may mắn là cũng có những vị không theo bên nào. Khi đức Phật được biết chuyện, Ngài liền đi tìm Luật sư và nói : “ Chúng ta không nên quá tin ở quan điểm của chúng ta mà phải lắng nghe và chúng ta phải làm mọi cách để tránh sự chia rẽ trong đại chúng ”. Rồi Ngài đi tìm vị Kinh sư, cũng nói với những lời trên đây, hy vọng sẽ đi tới sự hòa giải. Nhưng không có hiệu quả. Quý vị Tu sĩ ở giữa không đủ sức dàn xếp một cuộc hoà giải.

Thế là nội vụ đã tới tai giới Cư sĩ tại gia, và chẳng bao lâu các Giáo phái bên ngoài đều biết. Đức Phật triệu tập đại chúng và nói : “ Xin quý vị hãy chấm dứt tình trạng chia rẽ trong nội bộ Giáo đoàn, xin  trở về với sự tu học. Nếu chúng ta tu học thật sự, chúng ta không còn là nạn nhân của tự ái, giận hờn và chia rẽ nữa ”.

Mặc dù đức Phật đã nói vậy nhưng sự  hoà hợp không được tái lập, tình trạng chia rẽ ở đây vẫn còn. Phật lặng lẽ từ bỏ Kosambi, đi về phía công viên Đông Trúc Lâm, nơi có các đệ tử Phật tu học. Người đến đó hỏi thăm các vị đệ tử : “ Các thầy ở đây có được an tịnh không ? Sự tu học, khất thực và hành hoá có được dễ dàng không ? ”.

Các thầy đáp : “ Bạch Thế Tôn, chúng con ở đây an ổn, khung cảnh an tịnh, và việc khất thực, hành hoá cũng dễ dàng. Chúng con đã đạt nhiều tiến bộ trong tu học ”.

Phật hỏi :

–   Các thầy có thương mến nhau hoà hợp với nhau không ?

–   Thưa, chúng con rất thương mến và hoà hợp nhau. Chúng con biết chia sẻ cho nhau đồng đều mọi thứ, từ chỗ  ăn, chỗ ngủ đến kiến thức và kinh nghiệm tu học, chúng con đều chia sẻ cho nhau.

Phật khen :

–   Tốt lắm, ta rất hài lòng thấy các thầy đối xử với nhau như vậy. Có sự hoà hợp đó, một đoàn thể mới thực sự là một đoàn thể tu học. Các thầy đã thực sự tỉnh thức cho nên mới thực hiện được sự hoà hợp đó.

Trước khi từ giã các thầy ở đây, Phật nói :

–   Các thầy : Bản chất của một tăng đoàn là sự hoà hợp. Theo tôi, ta có thể minh định sự hoà hợp đó như sau :

1.  Thân hoà đồng trú : Cùng chia sẻ với nhau một nơi tu học, một khu rừng, hay một mái nhà. Nên hiểu là thân hành từ ái, khiêm cung, trìu mến.

2.  Khẩu hoà vô tranh : Tránh những lời nói có thể gây ra thắc mắc, chia rẽ.            Nên hiểu là khẩu hoà từ ái.

3.  Ý hoà đồng duyệt : Các ý kiến khác nhau sẽ được trao đổi, tạo sự vui vẻ, hoà hợp trong tập thể, không bắt buộc người khác theo ý kiến riêng của mình, phải khéo léo để tất cả cùng đi đến ý chung, đúng đắn nhất.

4.  Kiến hoà đồng giải : Trao đổi, chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm cho nhau.

5.  Lợi hoà đồng quân : Cùng chia sẻ đồng đều những tiện nghi cuộc sống.

6.  Giới hoà đồng tu : Cùng hành trì với nhau những giới luật đã được truyền thọ.

Từ nay về sau, chúng ta phải lấy sáu nguyên tắc hoà hợp này mà sống với nhau.

Về việc tranh chấp giữa hai vị Kinh sư và Luật sư : Tại tu viện Cấp Cô Độc, với sự dàn xếp của Ngài Xá Lợi Phất, hai bên đã thành tâm sám hối trước Phật, trước Tăng Đoàn. Được Phật, đại chúng chứng minh, hai vị đã có giới thể trở lại thanh tịnh.

II. TƯ :

Qua câu chuyện trên, em thấy rằng pháp Lục Hòa này không những cần cho Tăng đoàn mà cần cho mọi tập thể, cụ thể là đoàn, đội, chúng, … trong GĐPT, cả gia đình nhỏ của chúng ta nữa.

Bất cứ cuộc tranh chấp nào dù lớn hay nhỏ cũng đem lại sự tổn thất cho cả hai bên, nhất là làm ảnh hưởng cả những người “ vô can ”. Do đo, ta phải chấm dứt mọi sự tranh chấp khi nó vừa xảy ra và ngăn ngừa không cho nó xảy ra.

Sự cãi cọ và gây chia rẽ là chất độc giết chết sự hòa hợp của tập thể và tín tâm tu học của mọi thành viên trong tập thể. Ngoài ra, Đức Phật dạy : “ Nó là biểu hiện sự thiếu tu học thật sự ”.

III. TU :

Em sống trong những tập thể nhỏ khác nhau : gia đình, lớp học, đoàn, đội, chúng, … Trong GĐPT cũng như trong lớp học, … em quyết thấm nhuần tinh thần lục hòa và sống cho hợp khung cảnh để phổ biến cho những thành viên trong tập thể của em.

Em tự soi rọi lại mình trong cách cư xử với mọi người trên căn bản lục hòa ( một phần hay toàn phần ). Nếu em là một đoàn, đội hay lớp trưởng, em càng phải soi rọi lại mình nhiều hơn mới duy trì được sự hòa hợp của tập thể mình.

IV. CÂU HỎI :

  1. Nguyên nhân Phật dạy Pháp Lục hòa ?
  2. Em hãy triển khai từng nguyên tắc, bằng cách cho ví dụ minh họa ?
  3. Theo em cái gì là nguyên nhân chính đã làm cho một vụ tranh chấp bé nhỏ bị xé ra to ? Em hãy kể lại một trường hợp nào mà em đã kinh nghiệm hoặc em biết đã xảy ra và kết thúc câu chuyện được dàn xếp như thế nào ?
  4. Từ bài học lục hòa, em hãy dựa theo và thành lập một nội quy cho anh, chị, em của em ( giả sử em có bốn, năm anh, chị, em trong gia đình mà em không phải là con trưởng hay con út để tránh gây gổ và tạo sự hòa thuận làm vui lòng cha, mẹ ).
  5. Tinh thần Lục hoà có thể áp dụng một cách rốt ráo đối với người tại gia hay không ? Vì sao ? Thế nhưng tại sao người tại gia lại vận dụng “ Lục hoà ” trong cuộc sống tập thể, gia đình cũng như xã hội ?

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Lâm Đồng tổ chức tổng kết và trao chứng chỉ kết khóa Bậc kiên 14 năm 2014.

phuocthanh

BHD Khánh Hòa: Thi kết khóa tu học thường niên của Huynh trưởng & Đoàn sinh

Huệ Quang GĐPTVN

GĐPT Cam Ranh tu Bát Quan Trai giới lần thứ 2 – năm 2014

Huệ Quang GĐPTVN