Lễ truy điệu và tưởng niệm Huynh trưởng cấp Dũng GĐPT Việt Nam Quảng Hội – Lê Cao Phan

Hôm qua vào lúc 20g ngày 04/01/2014 tại chùa Vạn Phước số 55 đường Tuệ Tĩnh Phường 13, Quận 11 Sài Gòn đã diễn ra lễ tưởng niệm cố Huynh trưởng cấp Dũng Quảng Hội Lê Cao Pha.n. Buổi lễ đã diễn ra muộn gần một giờ đồng hồ so với thời gian được ấn định vì có nhiều phái đoàn từ phương xa đến viếng vào những giờ phút cuối cùng trong đêm cuối cùng trước lễ di quan. Tham dự buổi lễ truy điệu và tưởng niệm có Hòa thượng Thích Minh Tâm Phó Ban Thường Trực phụ trách ngoại vụ Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPT Việt Nam, anh Nguyên Tín Nguyễn Châu Trưởng BHD GĐPT Việt Nam trên thế giới, anh Như Thật Nguyễn Công Minh Phó trưởng ban điều hành BHD TƯ GĐPT Việt Nam, anh chị em Lam viên các tỉnh Biên Hòa, Bình Phước, Bình Thuận… cùng tang gia hiếu quyến.

Sau khi niêm hương bạch Phật, mở đầu buổi lễ anh Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi đã tuyên đọc tiểu sử của anh Nhuận Pháp Lê Cao Phan khiến đại chúng sáng tỏ nhiều điểm về cuộc đời riêng tư cũng như công hạnh của anh đối với tổ chức và đạo pháp.

Huynh trưởng Lê Cao Phan sinh năm Quý Hợi, 1923, tại làng Ngô Xá Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Kể từ Đại hội Gia đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại chùa Từ Đàm – Huế vào các ngày 24 25 26 tháng 4 năm 1951, nhất trí đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử và đã công cử anh đảm trách vị trí  Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên kiêm Ủy viên Văn nghệ Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần. Vào thượng tuần tháng 5 năm 1951, nhân Đại hội lịch sử Phật giáo Bắc-Trung-Nam tổ chức tại chùa Từ Đàm, anh đã sáng tác ca khúc Phật giáo Việt Nam với tất cả lòng nhiệt thành để chào mừng Đại hội. Được sự ủng hộ của quý chư tôn đức giáo phẩm kể từ đó bài hát Phật giáo Việt Nam đã trơ thành đạo ca gắn liền với lịch sử Phật giáo nước nhà.

Về âm nhạc anh sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như piano, guitar, harmonica, đàn tranh, đàn nguyệt và đã sáng tác nhiều ca khúc giáo dục thiếu nhi, Phật giáo, GĐPT trong đó có bài Vườn Xanh, bài A Dục Vương là trại ca chính thức của trại Lộc Uyển và A Dục mà bất cứ anh chị em Huynh trưởng nào cũng thuộc lòng.

Trên lĩnh vực hội họa, anh đã tổ chức triển lãm bốn phòng tranh sơn dầu trước năm 1975. Ngoài ra anh còn là một điêu khắc gia có nhiều tác phẩm điêu khắc bạn bè nhạc sĩ, các danh nhân và người thân trong gia đình. Đặc biệt, anh đã điêu khắc tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức ngay sau khi Bồ-tát vị pháp thiêu thân trong mùa Pháp nạn năm 1963, bức tượng này được anh gởi cho anh Hồng Liên Phan Cảnh Tuân tức Đại Đức Thích Phổ Hòa.

Từ năm 1983 anh gia tâm nghiên cứu văn học và đã dịch Truyện Kiều sang thơ vần tiếng Pháp, Histoire de Kiều, và sang thơ vần tiếng Anh, The Story of Kiều, cả hai dịch phẩm này đều được tổ chức UNESCO tài trợ và đưa vào bộ Sưu Tập Tác Phẩm Tiêu Biểu. Anh cũng đã dịch Truyện Kiều Quốc tế ngữ Espéranto. Ngoài ra, anh cũng đã dịch Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi sang thơ vần Việt-Anh-Pháp và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2000.

Tiếp theo anh Tâm Huy Phan Đình Thăng đã thay mặt tổ chức đọc điếu văn tưởng niệm anh Lê Cao Phan với lòng tiếc thương vô hạn. Trong điếu văn một lần nữa đã ôn lại những chặng đường anh đã đi qua, nhũng kỷ niệm không thể nào quên của anh đối với anh em áo lam khiến nhiều anh chị em không cầm được nước mắt.

Ngay sau đó Hòa thượng Thích Minh Tâm đã có thời pháp thoại ngắn với đại chúng. Xuất thân là một Huynh trưởng GĐPT Hòa thượng đã tự thừa nhận rằng mình chỉ là đàn em của anh lúc còn trẻ, nhìn lại những gì anh đã cống hiến cho tổ chức dân tộc đạo Pháp Hòa thượng cảm thấy hổ thẹn vì đã cắt ái ly gia, đầu tròn áo vuông mà vẫn chưa đóng góp được như anh. Chính vì vậy Hòa thượng khuyến tấn anh em áo lam phải dũng mãnh trí tuệ xả thân hy hiến cho tổ chức không màng danh lợi, không để nỗi sợ hãi lấn át trái tim nhiệt huyết với tổ chức. Nếu như mỗi anh chị em ngồi trong lễ đường hôm nay đem hạnh nguyện và tâm huyết đóng góp cho tổ chức đạo pháp và dân tộc hết lòng thì mai kia chúng ta không chỉ có một Lê Cao Phan mà còn hàng trăm hàng ngàn Lê Cao Phan khác.

Cuối buổi lễ trước khi tan hàng anh Ủy viên Văn nghệ BHD TW GĐPT Việt Nam Đức Quảng Nguyễn Hoàng Phụng đã chỉ huy ban lễ nhạc hợp xướng bài hát Vang Mãi Diệu Âm, một bài hát mà anh sáng tác tặng riêng cho anh Lê Cao Phan: “… Từ phong ba bão táp quê hương cùng đạo pháp muôn vàng vững tin không chùn bước cho ban mai ánh sáng ngập tràn. Nén tâm hương nguyện dâng tiễn anh đến đến cõi an lành. Khắp năm châu tình Lam còn đó mãi tiếc thương anh…. “

Hồng Nguyễn

Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được trong buổi lễ truy điệu và tưởng niệm

DSC_1176

DSC_1177

DSC_1180

DSC_1182

DSC_1188

DSC_1194

DSC_1197ơ

DSC_1199

DSC_1204

DSC_1207

DSC_1212

DSC_1215

DSC_1219

DSC_1223

DSC_1225

DSC_1229

DSC_1231

DSC_1237

DSC_1240

DSC_1244

DSC_1246

Bài khác nên xem

Video: Điếu văn tưởng niệm Đức Trưởng lão HT Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ

Áo Lam

Khánh Hoà: Mùa Vu Lan với Gia đình Phật tử

Huệ Quang GĐPTVN

Đại hội Huynh trưởng GĐPT Quảng Nam 1 – 02.01.2012

datthinh