HT Thích Thái Hòa: Chánh tâm hành đạo, hay Hướng tu học và pháp lý của Gia Đình Phật Tử Việt Nam

HT Thai Hoa

HT Thích Thái Hòa, Tổng Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Giáo giới Trung ương GĐPT Việt Nam

Mục Đích Không Biến Đổi: 

Mục đích của Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) là đào luyện Thanh Thiếu Đồng Niên thành Phật tử chân chánh; góp phần xây dựng xã hội theo Tinh Thần Phật Giáo (Nội Quy GĐPTVN).

Mục đích ấy của tổ chức GĐPTVN là trước sau thống nhất, không thay đổi, không biến dịch, bởi bất cứ không gian và thời gian nào. Nếu mục đích của GĐPT bị thay đổi, bị biến dịch bởi những tác động chủ quan hay khách quan, thì tự thân của tổ chức GĐPTVN không còn nữa, vì sao? Vì mọi sự tu học và sinh hoạt của GĐPTVN bị mất hướng, khiến tổ chức ấy bị biến dạng và trở thành dị dạng ở trong Phật Giáo.

Nên, dù không gian có thay đổi, thời gian có biến dịch, nhưng mục đích ấy của Tổ chức GĐPTVN vẫn không thay đổi, vẫn không biến dịch. Và vì mục đích không thay đổi, không biến dịch, nên bất cứ lúc nào và ở đâu, tổ chức GĐPT vẫn hiện hữu một cách có ý nghĩa để đóng góp tích cực vào sự nghiệp phụng sự Dân Tộc, xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo.

Châm Ngôn Trở Thành Đời Sống: 

Châm ngôn đào luyện và thực hành của GĐPTVN là BI – TRÍ –DŨNG.

1. Bi: 

Bi chính là Từ bi ở trong Đạo Phật. Từ là có khả năng chăm sóc niềm vui của bản thân, cũng như của người khác và xã hội; bi là có khả năng trị liệu, làm chấm dứt những nguyên nhân sinh khởi khổ đau đối với bản thân, cũng như của người khác và xã hội. Nên, Từ bi cần được thực hiện một cách của cụ thể đối với các mặt như sau:

 a -Đối Với Bản Thân:

Người Phật tử phải biết áp dụng giáo pháp Từ bi vào ngay trong đời sống hàng ngày của bản thân để chăm sóc những hạnh phúc, an lạc của chính mình, khiến cho những hạnh phúc, an lạc ấy càng lúc càng được tăng trưởng; khiến cho những nguyên nhân sinh khởi khổ đau, ở nơi chính mình càng lúc càng giảm thiểu và bị triệt tiêu. Thực hành Từ bi, không những giúp cho ta triệt hạ được khổ đau của ta nơi kết quả mà ngay nơi nguyên nhân sinh khởi của vấn đề; và không phải chỉ đem lại cho ta sự hạnh phúc an lạc ở nơi hiện tượng mà ngay ở nơi bản chất; không phải ở nơi nhất thời mà ở nơi mọi nguyên nhân sinh khởi khổ đau đều bị vĩnh viễn diệt tận.

Vì vậy, người Phật tử phải biết thực tập từ bi với chính mình, trước khi giúp người khác thực tập từ bi và đem từ bi đến cho những người khác.

   b- Đối Với Tổ Chức:

Tổ chức GĐPT không thể mạnh được, nếu các thành viên chỉ biết ca ngợi và tung hô khẩu hiệu Từ bi mà không có đời sống của Từ bi.  Và nếu đào tạo, huấn luyện Thanh Thiếu Đồng Niên trở thành những Phật tử chân chánh, nhưng người đứng vào vị trí đào luyện, lại là những người không chân chánh, thì làm sao có được những Phật tử chân chánh do ta đào luyện?! Và người đào luyện không có Từ bi, thì làm sao có được những con người Từ bi do ta đào luyện để góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo.?!

Từ bi là một trong những chất liệu then chốt, tạo nên người Phật tử chân chánh. Nên, một Phật tử chân chánh thì không thể nào thiếu đi chất liệu Từ bi trong cuộc sống của họ. Từ bi là phải biết cách chấm dứt những nỗi khổ đau của chính mình từ tác nhân, tác duyên và phải biết tạo ra những tác nhân, tác duyên tốt đẹp để chuyển hóa những tác nghiệp khổ đau cho những người khác, khiến cho những khổ quả của người khác không nảy sinh, ấy mới là thực hành hạnh Từ bi của Đạo Phật.

Trong GĐPT phải biết đào luyện cho Tổ chức mình nhiều thành viên có tâm, hạnh và đời sống Từ bi như thế, thì tự thân tổ chức GĐPT mới tồn tại và lớn mạnh một cách tự nhiên và hữu ích, khiến cho tự thân của tổ chức có khả năng góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Từ bi của Phật Giáo.

c- Đối Với Xã Hội:

Đối với xã hội, mục đích tổ chức GĐPT là đào luyện Thanh Thiếu Đồng Niên thành những Phật tử chân chánh; góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Thanh Thiếu Đồng Niên giữa xã hội có nhiều khuynh hướng sống khác nhau. Ta muốn đào luyện họ trở thành những Phật tử chân chánh đã là khó, huống nữa là đào luyện họ để góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo lại khó đến chừng mức nào?!

Tuy khó, nhưng không phải là không thực hiện được. Muốn thực hiện được điều nầy, trước hết ta phải có tâm và hạnh Từ bi đối với xã hội. Mọi hành hoạt của người Phật tử ở trong đời, không phải tranh giành uy tín để kiếm lợi nhuận cho bản thân và tổ chức của mình, mà vì lợi ích, hạnh phúc, an lạc tiến bộ chung cho nhân quần xã hội mà thực hành hạnh Từ bi.

Sở dĩ xã hội bị phân hóa nhiều đoàn thể, nhiều tổ chức, dẫn đến kỳ thị và sát phạt nhau, phần nhiều chỉ vì lợi nhuận cá nhân hay cho tập đoàn của chính nó, dưới nhiều hình thức khác nhau là vì thiếu Từ bi. Thiếu Từ bi đối với bản thân mình; thiếu Từ bi đối với tổ chức của mình và xã hội. Để vượt ra khỏi gọng kềm nầy, tổ chức GĐPT không đặt sự tồn tại và quyền lợi của mình trong sự tồn tại và quyền lợi cá biệt, mà đặt sự tồn tại và quyền lợi của mình trong sự tồn tại và quyền lợi chung của xã hội con người trong ý thức Từ bi của Đạo Phật.

Nói cách khác, Tổ chức GĐPT không đặt sự tồn tại của mình ở nơi uy tín và quyền lợi cá nhân, mà đặt sự tồn tại của mình ở nơi bản chất Từ bi của Đạo Phật. Từ bi của Đạo Phật hiện hữu là do chúng sanh bị khổ đau. Đến khi nào mọi khổ đau của chúng sanh không còn, thì sứ mệnh cứu khổ của Đạo Phật sẽ chấm dứt và bản chất cũng như mọi hành hoạt của GĐPT mới không còn có lý do để tồn tại ở trong xã hội con người.

Với ý thức Từ bi và sự tồn tại ấy, nên tự thân của GĐPT đã trở thành hạt nhân tốt đẹp, bất vụ lợi đối với xã hội và nó sẽ được con người và xã hội bảo vệ và xúc tác, nhằm phát triển lớn mạnh để góp phần xây dựng xã hội hòa bình, đoàn kết và sáng trong theo tinh thần Từ bi của Đạo Phật.

2. Trí: 

Trí là trí tuệ mà không phải là trí thức. Trí tuệ có khả năng bao gồm cả trí thức, nhưng trí thức thì chưa đủ khả năng để chuyển tải trí tuệ. Trí thức phần nhiều do học hành, suy luận, tỷ giảo mà sinh khởi; nhưng trí tuệ lại sinh khởi từ nơi sự thực hành Giới Định và Tuệ.

a- Đối Với Bản Thân:

Người Phật tử do thực hành giới, nên dẫn đến đời sống thanh tịnh về thân và ngữ; và do thực hành thiền định, nên dẫn đến sự thanh tịnh về tâm ý. Do tâm ý thanh tịnh mà trí tuệ nơi vị ấy phát sinh.

Một vị Phật tử có trí tuệ phát sinh từ Giới Định Tuệ, vị ấy có khả năng minh triệt nhân quả xuyên suốt ba đời của tự thân, của hết thảy chúng sanh và của hết thảy mọi sự hiện hữu. Trí tuệ ấy có khả năng minh triệt và quyết trạch mọi nhân và mọi duyên sinh khởi khổ đau và hạnh phúc, thấp kém và cao quý, vô thường và chân thường, sinh tử và Niết bàn.

Do minh triệt và quyết trạch như vậy, nên tự thân của vị ấy không rơi vào những tác nhân, tác duyên sinh khởi khổ đau. Vị ấy sống ở đâu cũng có an toàn và hạnh phúc. An toàn và hạnh phúc của vị ấy là do vị ấy thực tập Giới Định Tuệ và năng lực Giới Định Tuệ bảo vệ an toàn và hạnh phúc cho vị ấy, chứ không phải do ai khác hay do bất cứ thế lực nào khác. Vị ấy trở thành cao quý ở giữa mọi người từ sự thực tập Giới Định Tuệ, chứ không phải ở nơi sự khen thưởng, xưng tụng hay ban tặng từ những ngoại lực.

b- Đối Với Tổ Chức: 

Tổ chức GĐPT không thể nào lớn mạnh và tồn tại có ý nghĩa, khi trong tổ chức nầy chỉ có những thành phần trí thức mà không phải là trí tuệ. Nền giáo dục của PG không phải chỉ là nhắm tới đào tạo cho con người có trí thức mà còn phải nhắm tới đào tạo cho con người có trí tuệ. Trí tuệ mới là sự nghiệp duy nhất của người Phật tử (Điều 3, Kinh Bát Đại Nhân Giác).

Nhờ có trí tuệ, người Phật tử mới thấy rõ sự liên hệ nhân quả trong ba đời, để chuyển hóa tác nhân và khắc phục hậu quả. Nhân thiện được nuôi dưỡng bởi những tác duyên thích hợp sẽ tựu thành và sinh khởi quả vui. Và nhờ có trí tuệ, người Phật tử mới thấy rõ sự tương tác hỗ dụng giữa cái nầy và cái kia, giữa cái kia và cái nầy, ở trong tự tánh duyên sinh vô ngã, khiến cho những tà kiến chấp ngã bị rơi rụng, để phát khởi hạnh nguyện xây dựng một tổ chức dựa trên nền tảng nhân duyên, nhân quả. Vì tổ chức GĐPT là một tổ chức dựa trên nền tảng giáo lý nhân duyên sinh khởi, nên tự thân của tổ chức nầy là mang nội dung của dân chủ tương tác đích thực, phi dân chủ trá hình.

 c – Đối Với Xã Hội:

Mục đích của GĐPT là đào luyện Thanh Thiếu Đồng Niên thành những Phật tử chân chánh; góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo. Xã hội là hình ảnh phóng đại của gia đình và gia đình là hình ảnh phóng đại của con người. Nên, con người là yếu tố tất yếu tạo thành xã hội. Muốn xã hội tốt phải có con người tốt. Muốn có con người tốt, phải đào luyện đầy đủ hai mặt trí tuệ và từ bi. Trong xã hội nhiều người có trí tuệ và từ bi mới tạo thành một cộng đồng loài người sống chung trong hòa bình và văn minh. Văn minh ngay trong tư duy và hòa bình ngay trong hành động.

Vì vậy, tổ chức GĐPT không chỉ đào luyện con người trí thức cho xã hội mà chú trọng đến đào luyện con người có trí tuệ, để góp phần xây dựng một xã hội văn minh trong tư duy và hòa bình trong hành động.

Với mục đích ấy, tổ chức GĐPT không đặt trên nền tảng trí thức hay học vị của xã hội mà đặt trên nên tảng tu luyện Giới Định Tuệ để có trí tuệ của Đạo Phật và đóng góp chất liệu trí tuệ ấy cho xã hội và xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo chuyển tải đầy đủ cả hai chất liệu Trí tuệ và Từ bi. 

3. Dũng: 

Dũng là sức mạnh có khả năng nhiếp phục đối với những gì làm chướng ngại đối với hai hạnh trí tuệ và từ bi. Và dũng là có khả năng thực hiện hai hạnh trí tuệ và từ bi đến chỗ hoàn hảo.

a – Đối Với Bản Thân: 

Dũng của người Phật tử là khả năng chặt đứt những phiền não nơi tâm, để vượt ra khỏi những gì thấp kém ở nơi tự thân của chính mình. Tự chiến thắng với những gì thấp kém nơi tâm mình và không để bị hoàn cảnh sai sử, và có năng lực thực hành hạnh Trí tuệ và Từ bi một cách hoàn hảo, đó là cái dũng của người Phật tử.

b – Đối Với Tổ Chức: 

Tổ chức GĐPT không thể nào lớn mạnh và tồn tại có ý nghĩa, khi tổ chức nầy không có sức mạnh của trí tuệ và từ bi. Có sức mạnh của trí tuệ thì không thể nào bị sức mạnh của tà kiến và trí thức thế gian cuốn hút; và có sức mạnh từ bi, thì không thể nào bị sức mạnh của hận thù, kỳ thị, phân biệt quyến rủ.

Nên, tổ chức GĐPT chỉ tồn tại và lớn mạnh, khi nào các thành viên của tổ chức nầy hoạt động theo sức mạnh của trí tuệ và từ bi; đồng thời có khả năng biểu hiện sức mạnh ấy để đóng góp và duy trì tổ chức.

c – Đối Với Xã Hội: 

Đạo Phật không phải đóng góp cho xã hội bằng trí thức, mà chính bằng chất liệu của trí tuệ và từ bi. Chỉ có trí thức mà không có trí tuệ, những sinh hoạt xã hội dễ đưa đến phân hóa, kỳ thị nhau do tranh chấp hơn thua, thắng liệt về các quan điểm của các lập thuyết, học thuyết, chủ nghĩa, dẫn xã hội con người sinh khởi chiến tranh lạnh, chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh võ trang, chiến tranh kinh tế, chiến tranh tôn giáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Và một khi chiến tranh đã xảy ra, thì không có cuộc chiến tranh nào là có chính nghĩa cả, vì sao? Vì tất cả đều tiêu diệt sự sống con người và hủy diệt rất nhiều tài nguyên của xã hội con người, trong hiện tại và cả tương lai, cho những mục tiêu quan điểm dị biệt, khiến kẻ thắng sinh tâm kiêu mạn, sợ hãi và phòng thủ; kẻ bại sinh tâm thù oán và chờ đợi thời cơ phục hận. Nên, thắng hay bại từ những luận điểm dị biệt của trí thức đều là những gánh nặng cho con người từ bản thân, gia đình và xã hội.

Ý thức được điều nầy, nên GĐPT không nhắm đến đóng góp cho xã hội bằng sức mạnh của trí thức mà bằng sức mạnh của trí tuệ và từ bi, vì sao? Vì chỉ có sức mạnh của trí tuệ mới đủ năng lực nhìn thấy xuyên suốt nhân quả thiện ác ba đời, nhân duyên sinh khởi để tận diệt cái ác, sinh khởi cái thiện, diệt tận cái khổ, sinh khởi cái vui, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội và thăng hoa cho con người.

Sức mạnh của người Phật tử không phải bằng tiền bạc hay vũ lực mà chính bằng sức mạnh từ bi. Sức mạnh tiền bạc có khả năng kích động lòng tham con người và dẫn đời sống con người đến chỗ thù hận hay đưa tới những sinh hoạt nhảm nhí, mù quáng, trong lúc đó sức mạnh từ bi lại giúp cho con người thoát ra khỏi lòng tham của chính nó và biết sử dụng tiền bạc vào những mục tiêu có ý nghĩa lợi mình, lợi người, lợi hiện tại và cả tương lai. Và sức mạnh vũ lực chỉ có khả năng tạo nên hận thù hơn là thông cảm; có năng lực tạo nên phân biệt, kỳ thị và chiến tranh hơn là chung sống và bảo vệ hòa bình. Trong lúc đó sức mạnh từ bi có năng lực giúp cho mọi thành phần xã hội đi tới hỗ trợ nhau trong sự tương kính, tương thuận và chung sống hòa bình.

Vì ý thức được điều nầy, nên tổ chức GĐPT không thiết lập sự tồn tại của mình trên sức mạnh tiền bạc, danh vọng hay vũ lực mà thiết lập sự tồn tại của mình trên sức mạnh trí tuệ và từ bi của Đạo Phật.

GĐPT do thiết lập và hoạt động theo châm ngôn Bi Trí Dũng, nên GĐPT đã, đang và sẽ đóng góp một cách thiết thực vào đời sống xã hội bằng những thành viên mà do tổ chức nầy đào luyện, để góp sức mạnh xây dựng và chuyển hóa xã hội theo tinh thần Phật Giáo. Đó là cái dũng của những người Phật tử nói chung và của GĐPT nói riêng. Ấy là cái dũng có nội dung của trí tuệ và từ bi; và là cái dũng có khả năng thực hiện chất liệu trí tuệ và từ bi đối với mọi không gian, thời gian và đối với mọi đối tượng một cách kiên trì định lực để dẫn đến sự hoàn hảo.

Khẩu Hiệu Trở Thành Hiện Thực: 

Khẩu hiệu của GĐPT là Tinh Tấn. Tinh tấn là nỗ lực rèn luyện và thường xuyên tiêu hóa Bi Trí Dũng, để Bi Trí Dũng không phải là lý thuyết, không còn là châm ngôn hay tín ngưỡng mà trở thành chất liệu nuôi dưỡng đời sống tinh thần, đời sống tâm linh và mọi hành hoạt của người Phật tử.

Người Phật tử biến khẩu hiệu trở thành đời sống qua các mặt như sau:

a- Đối Với Bản Thân:

Đối với điều ác đã phát sinh, thì nỗ lực làm cho nó ngưng chỉ và hủy diệt; đối với điều ác chưa phát sinh, thì nỗ lực phòng hộ, khiến cho chúng vĩnh viễn không phát sinh; đối với điều thiện đã phát sinh, thì nỗ lực phát triển chúng đến chỗ hoàn hảo và đối với điều thiện chưa phát sinh, thì nỗ lực làm cho nó phát sinh.

Thiện là những hạt giống tích cực ở trong tâm, những hạt giống ấy có khả năng đem lại lợi ích cho mình và cho người trong hiện tại và trong tương lai, khi chúng tương tác lên mặt ý thức và biểu hiện cụ thể trong những hành hoạt của thân và ngữ.

Ác là những hạt giống tiêu cực ở trong tâm, những hạt giống ấy có tác dụng gây khổ đau cho mình và cho người trong hiện tại và trong tương lai, khi chúng tương tác lên mặt ý thức và biểu hiện cụ thể trong những hành hoạt của thân và ngữ.

Nên, đối với bản thân người Phật tử nỗ lực thường xuyên để hưng thiện diệt ác ở trong tâm bằng Định và Tuệ, và nỗ lực nuôi dưỡng điều thiện phòng hộ điều ác nơi thân ngữ bằng Giới. Đối với châm ngôn hành hoạt của GĐPT thì Giới chính là Bi; Định chính Dũng và Trí chính là Tuệ.

Nên, người Phật tử, phải nỗ lực thường xuyên hưng thiện diệt ác để hoàn thiện bản thân bằng con đường của Giới Định Tuệ hay bằng châm ngôn Bi Trí Dũng trong đời sống hàng ngày bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, khiến cho khẩu hiệu Tinh Tấn không còn là khẩu hiệu mà trở thành hiện thực của cuộc sống.

b- Đối Với Tổ Chức:

Đối với tổ chức GĐPT, tinh tấn là nỗ lực hoàn thiện tổ chức đầy đủ cả ba mặt Bi Trí Dũng.

Bi Trí Dũng trong tổ chức chưa phát sinh, thì mọi thành viên trong tổ chức phải nỗ lực làm cho chúng phát sinh; chúng đã phát sinh, thì phải nỗ lực làm cho chúng tăng trưởng đến chỗ hoàn thiện.

Những gì làm trở ngại đối với Bi Trí Dũng cho tổ chức, thì phải nỗ lực làm cho những trở ngại ấy dừng lại và diệt tận; và nỗ lực phòng hộ những gì có thể sinh khởi làm trở ngại đối với sự phát khởi Bi Trí Dũng của tổ chức, khiến những trở ngại ấy bị diệt tận ngay ở trong trứng nước.

Vì vậy, GĐPT, chỉ tồn tại và lớn mạnh có ý nghĩa, khi nào các thành viên của GĐPT có khả năng biến khẩu hiệu Tinh Tấn trở thành hiện thực trong đời sống cá nhân và tổ chức.

c- Đối Với Xã Hội:

 Đối với xã hội, tinh tấn là khuyến khích mọi người cùng nhau nỗ lực hoàn thiện những điều chưa hoàn thiện của xã hội; nỗ lực duy trì và phát triển những điều tốt đẹp của xã hội vốn có; nỗ lực khuyến khích mọi người trong xã hội đình chỉ những tệ nạn xã hội đã có và khuyến khích mọi thành phần trong xã hội nỗ lực phòng hộ những tệ nạn trong xã hội chưa có.

Nói tóm lại, biến khẩu hiệu Tinh Tấn trở thành hiện thực trong đời sống xã hội, là nỗ lực khắc phục hậu quả những tệ nạn xã hội trước mắt và nỗ lực chuyển hóa những nguyên nhân và tác duyên sâu xa, tạo nên những tệ nạn trong xã hội. Và đồng thời biết nuôi dưỡng, phát triển những gốc rễ tốt đẹp vốn có của xã hội đến chỗ hoàn thiện.  Ấy là ta đã biến khẩu hiệu Tinh Tấn trở thành hiện thực trong đời sống xã hội, để góp phần xây dựng xã hội trong tinh thần Phật Giáo.

Phương Pháp Duy Trì Và Phát Triển Hay Khẳng Định Và Thăng Hoa:

Phương pháp duy trì và phát triển tổ chức GĐPT là ba điều luật của Đồng niên và năm điều luật của Thanh và Thiếu niên.

1. Ba điều luật của Đồng niên:

 a- Em tưởng nhớ Phật:

 Em tưởng nhớ Phật không phải là lý thuyết mà là một trong sáu phương pháp thực tập của người đệ tử Phật đối với lục niệm, để chuyển hóa tạp niệm và duy trì chánh niệm trong đời sống hàng ngày, qua bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi và ở trong các hành hoạt. Nhờ thực tập niệm Phật mà giác niệm được tăng trưởng, mê niệm bị giảm và loại trừ. Giác niệm tăng trưởng là trí tuệ sinh khởi và lớn lên; mê niệm bị giảm và loại trừ là do vọng tâm bị nhiếp phục và chân tâm hiện ra. Nên, trong lục niệm, niệm Phật có năng lực trực tiếp chuyển hóa phiền não và những mê lầm có hiệu quả nhất trong các phương pháp nhiếp tâm và duy trì lý tưởng giác ngộ của người Phật tử trong mọi thời và mọi xứ.

Do đó, niệm Phật hay tưởng nhớ Phật là căn bản của hết thảy pháp môn tu luyện trong Đạo Phật và cũng là pháp môn rất nguyên thủy ở trong phật giáo. Các pháp môn khác được thiết lập và duy trì từ pháp môn nầy và cũng từ nơi pháp môn nầy mà khai triển và phát triển.

Người con nào không tưởng nhớ đến cha mẹ, người con ấy tự rơi mất tổ tiên và đánh mất quê hương huyết thống để đi về. Cũng vậy, người Phật tử nào mà không tưởng nhớ phật, không biết niệm phật, người ấy trở nên dị dạng ở trong phật giáo và họ không bao giờ có quê hương tâm giác ngộ để thể nhập và chứng nghiệm.

Vì vậy, Tưởng nhớ Phật hay niệm Phật là pháp hành căn bản của GĐPT để duy trì và phát triển đời sống tâm linh giác ngộ ở trong tổ chức nầy.

b- Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em:

Điều luật nầy có tác dụng duy trì sự quan hệ đạo đức căn bản ở trong gia đình huyết thống. Chất liệu hiếu kính với cha mẹ và thuận thảo với anh chị em trong gia đình huyết thống là nguyên tố tạo nên vẻ đẹp nhân văn và phước báo trời người. Và nó là điều kiện cần có và đủ để con người có thể tự khẳng định được phẩm chất đạo đức của tự thân đối với gia đình và xã hội. Và nó là điều kiện căn bản để tiến tới Phật đạo.

Vì vậy, điều luật thứ hai nầy không phải là lý thuyết mà là nấc thang căn bản về đạo đức và phước đức, để con người có thể bước lên Thánh đạo và Phật Đạo và con người cũng từ nấc thang đạo đức và phước báo của gia đình, để bước ra xã hội và đóng góp những gì tốt đẹp cho xã hội.

Như vậy, thực hành điều luật nầy sẽ tạo nên những hạt nhân tốt cho bản thân, gia đình và xã hội không những về mặt huyết thống mà còn cả về mặt tâm linh.

c- Em thương người và vật:

Điều luật nầy có tác dụng duy trì sự quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân và xã hội, giữa con người với muôn vật và thiên nhiên.

Theo giáo lý duyên khởi, con người không thể tồn tại cá biệt, mà tồn tại trong quan hệ nhân duyên, giữa tâm và vật, giữa con người với con người, giữa con người với muôn vật và thiên nhiên.

Nên, con người phải biết thương người bằng cách biết đồng cảm với những nỗi đau của người khác và thực tập sự hy sinh quyền lợi cho người khác; không những vậy mà còn phải thực tập sự thương yêu đến những loài vật cũng như bảo vệ môi trường và yêu quý thiên nhiên nữa.

Thương người bằng cách thực tập bảo vệ quyền lợi cho những người bị áp bức, chia sẻ cơm áo cho những người nghèo thiếu vật chất, chia sẻ những hiểu biết cho những người nghèo nàn kiến thức, chia sẻ đạo đức cho những người phi nghĩa và chia sẻ tình thương cho những người cô quả, không nơi nương tựa, không chỗ cậy nhờ. Thương vật, thì không nên sát sanh mà cần thực hiện lòng từ bi tôn trọng sự sống, bằng cách thực tập ăn chay, một tháng hai ngày, bốn ngày, sáu ngày, mười ngày,… tùy theo điều kiện mà mình có thể. Bảo vệ môi sinh thì đừng làm cho môi trường bị ô nhiễm, bằng thực tập không hút thuốc lá, không xả giấy loại bừa bài, không đốn phá cây rừng một cách thiếu ý thức, không làm ô nhiễm các nguồn nước một cách vô trách nhiệm và không khai thác những tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất để phục vụ tham dục một cách mù quáng,…

Thực tập điều luật nầy là phương pháp đóng góp vào sự xây dựng và phát triển xã hội theo hướng y báo và chánh báo, trang nghiêm, tịnh Phật quốc độ mà đức Phật đã dạy.

Như vậy, đối với ba điều luật của Đồng niên trong GĐPT, ta thấy điều thứ nhất đặt nền tảng cho đời sống tâm linh giác ngộ; điều thứ hai là đặt nền tảng cho đời sống đạo đức gia đình huyết thống và điều thứ ba là đặt nền tảng cho sự quan hệ tốt đẹp giữa con người và xã hội; giữa con người với muôn vật và thiên nhiên.

Nên, ba điều luật nầy là căn bản đạo đức cho tổ chức GĐPT, bao gồm cả Đạo và Đời, có đầy đủ cả ba mặt bản thân, gia đình và xã hội.

Do đó, đối với tổ chức GĐPT, ta chỉ cần thực tập sâu và rộng ba điều luật nầy từ hình thức đến nội dung, từ tự thân đến tổ chức, thì tổ chức GĐPT sẽ tồn tại và phát  triển đúng hướng, đúng mục đích và nhất định kết quả sẽ cho ta hoa thơm và trái ngọt.

2. Năm Điều Luật Của Thanh Thiếu Niên:

a- Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện:

Phật tử hay không phải là Phật tử được xác định từ nơi điều luật nầy. Quy y Phật Pháp Tăng và thọ trì năm giới thì mới trở thành người Cận sự nam hay Cận sự nữ đối với ngôi Tam Bảo. Cận sự là gần gũi để học hỏi và phụng sự Phật Pháp Tăng, khiến Phật Pháp Tăng tồn tại giữa thế gian, làm nơi nương tựa phước đức và trí tuệ cho chư thiên và loài người.

Nếu quy y Tam Bảo thiết lập trên nền tảng của tâm bồ đề và từ nơi phát bồ đề tâm mà quy y Tam Bảo, thì ý nghĩa Phật tử mới thành tựu xuyên suốt mọi không gian và mọi thời gian. Phật tử là người con của Phật, người con của đấng giác ngộ, người con ấy sinh ra và lớn lên từ tâm bồ đề, được nuôi dưỡng từ giới pháp và đại nguyện bồ đề và họ sẽ dự phần ở trong đạo quả  bồ đề, để thành tựu chúng sanh trang nghiêm cõi Phật.

Vì vậy, đối với điều luật nầy, không những hàm chứa đầy đủ tín lý mà còn hàm chứa đầy đủ cả tín đức và tín hạnh của người Phật tử nữa; và nó không phải chỉ bao gồm cả trí đức, mà còn bao gồm cả đoạn đức và ân đức của người Phật tử.

Trí đức là đức sinh khởi từ trí tuệ; đoạn đức là đức sinh khởi do đoạn trừ các loại phiền não và các loại tà kiến chấp ngã, chấp pháp và ân đức là đức sinh khởi do phát khởi đại nguyện và đại hạnh, để duy trì phật pháp và hóa độ chúng sanh.

Như vậy, thực tập điều luật nầy viên mãn, người Phật tử sẽ thành tựu đầy đủ các tín, các hạnh, các nguyện và các đức.

b- Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống:

Thực tập tâm không tham lam, tâm không thù hận, tâm không si mê mù quáng, bằng cách mở rộng lòng thương. Lòng thương có mở rộng, thì lòng tham trong ta mới giảm trừ, lòng thù hận trong ta mới được chuyển hóa và tâm si mê mù quáng trong ta mới được rọi soi bằng tỉnh giác.

Mỗi khi tâm ta có tỉnh giác, ta mới có khả năng thấy rõ được giá trị chân thật và cao quý của sự sống, để tôn trọng và bảo vệ.

Nên, điều luật nầy đối với ác nghiệp đạo, nó có khả năng phòng hộ không những đối với tâm sát hại, mà còn có khả năng phòng hộ và chuyển hóa đối với tác nhân sát hại, điều kiện sát hại, phương pháp sát hại và hành động sát của người đệ tử phật. Và điều luật nầy đối với thiện nghiệp đạo, nó có khả năng thúc đẩy thực hành tâm từ bi, tâm cứu độ, tâm che chở, bảo vệ và tôn trong sự sống của muôn loài và thiên nhiên.

Vì vậy, thực tập điều luật nầy đến chỗ viên mãn, ta sẽ thành tựu đầy đủ cả ba đức là trí đức, đoạn đức và ân đức.

c- Phật tử trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật:

Không có trí tuệ, thì không thấy và không biết được sự thật để tôn trọng. Sự thật có giá trị vĩnh cửu trong đời sống con người. Muốn trau dồi trí tuệ, phải trau dồi qua giới và định. Giới có thanh tịnh, thì định mới phát sinh và định có thanh tịnh thì tuệ mới sinh khởi. Tuệ có sinh khởi, thì mới thấy và biết được giá trị của sự thật để tôn trọng.

Nên, điều luật nầy đối với ác nghiệp đạo, nó có khả năng phòng hộ không những đối với tâm hư vọng, mà còn có khả năng phòng hộ và chuyển hóa đối với các tác nhân, điều kiện, phương pháp và hành động của thân và ngữ hư vọng nơi người đệ tử Phật. Và điều luật nầy đối với thiện nghiệp đạo, nó có khả năng thúc đẩy người Phật tử thực hành để có sự thanh tịnh về ý, thanh tịnh về ngữ và thanh tịnh về thân, khiến trí tuệ sinh khởi, từ nơi sự lắng nghe, sự tư duy và từ nơi sự trau dồi ứng dụng.

Vì vậy, thực tập điều luật nầy đến chỗ viên mãn ta cũng thành tựu được cả ba đức là trí đức, đoạn đức, và ân đức.

d- Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm:

Tinh thần của người Phật tử phải được thanh lọc và tôi luyện bằng các chất liệu tín, tấn, niệm, định và tuệ để sinh khởi các chất liệu của Thánh đạo giải thoát như Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Chính những chất liệu nầy, tạo thành đời sống trong sạch của người Phật tử từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.

Không thực tập Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, người Phật tử không thể nào có sự trong sạch về thể chất và tinh thần; không thực tập Chánh kiến và Chánh tư duy, thì người Phật tử không thể nào có sự trong sạch về sự hiểu biết và không có sự thực tập Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, thì người Phật tử không thể nào có sự sống trong sạch từ lời nói đến việc làm.

Vì vậy, điều luật nầy được thiết lập từ bản thể của Thánh đạo vô lậu giải thoát, và chính chất liệu Thánh đạo giải thoát nầy, lại có khả năng dẫn đạo cho đời sống của người Phật tử tịnh hóa thân tâm, tịnh hóa đời sống, để trang nghiêm cõi phật, ngay giữa cuộc đời đầy ô nhiễm, bụi bặm nầy.

e- Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo:

Khởi điểm của người Phật tử là từ nhân đạo, nghĩa là từ nơi đạo lý và phước báo làm người, người Phật tử không dừng lại để hưởng thụ phước báo ấy, mà phát nguyện tu học, sống với tâm có hỷ và xả để tiến lên con đường thoát ly sanh tử, trang nghiêm cõi phật, lợi ích muôn loài như các bậc Thánh hiền, Bồ tát và Phật đã đi và đang đi.

Con đường của các bậc Thánh hiền đi, gọi là Thánh đạo. Thánh đạo hay Thanh văn đạo lấy ly dục làm bản thể. Do đi trên con đường ly dục của Thánh đạo nầy, khiến tâm của người Phật tử sinh khởi hỷ lạc và họ buông bỏ hỷ lạc ấy, để tâm an trú vững chãi sâu ở trong thiền định, nhằm có khả năng chặt đứt những buộc ràng của phiền não để xả ly sanh tử, nên điều luật nầy gọi là Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

Con đường của các vị Bồ tát đi, gọi là Bồ tát đạo. Con đường nầy lấy bồ đề tâm làm bản thể, lấy lợi tha làm hỷ lạc để hoạt dụng nhằm xả ly ngã chấp và pháp chấp, và lấy đời sống toàn giác làm mục đích, nên Phật tử thực tập điều luật nầy là buông xả ngã chấp và pháp chấp để dũng tiến trên đường đạo.

Con đường của chư Phật đi, gọi là Phật đạo. Con đường nầy là con đường viên mãn bồ đề tâm, viên mãn bồ đề nguyện và viên mãn bồ đề hạnh. Viên mãn bồ đề tâm, nghĩa là các loại vô minh, phiền não làm chướng ngại và che khuất tâm bồ đề đã hoàn toàn bị bị diệt tận; viên mãn bồ đề nguyện, nghĩa là trong thệ nguyện tu học chuyển tải đầy đủ cả hai chất liệu trí tuệ và từ bi. Đầy đủ trí tuệ về mặt hướng thượng và đầy đủ mọi phương tiện thiện xảo của từ bi về mặt hướng hạ; và viên mãn bồ đề hạnh, nghĩa là hạnh giác ngộ đã viên, quả giác ngộ đã mãn. Đây là con đường mà Phật tử tu tập cần vượt qua các địa vị giác ngộ của Thánh đạo, Bồ tát đạo để dũng mãnh bước tới dự vào Phật đạo. Nên, Phật đạo là đích điểm mà mọi sự tu tập của người Phật tử phải tiến tới để hội nhập và thành tựu.

Pháp Lý Tồn Tại

Như vậy, sự thịnh suy của Phật giáo hay của tổ chức GĐPT không phải ở nơi giáo pháp mà ở nơi con người học hiểu và thực hành giáo pháp. Học hiểu và thực hành sai giáo pháp đức Phật dạy, thì cho dù suốt ngày ta cầu nguyện cho chánh pháp hưng thịnh, trường tồn cũng không có hiệu quả gì, cho sự cầu nguyện của ta và chẳng có lợi ích gì cho đời sống của ta và xã hội. Và nếu ta học hiểu và thực hành đúng mục đích đức Phật đã dạy, thì dù cho thiên ma ngoại đạo tìm đủ mọi cách để hủy diệt Phật giáo, thì chánh pháp cũng chẳng hề bị tổn giảm một mảy may. Và chánh pháp không những không bị tổn giảm mảy may, mà còn sáng rỡ lên trong đời sống của ta và bản thân ta là ánh sáng, bóng đêm tự tan đi, ma quân nhiếp phục, pháp lý tồn tại của Phật giáo là ở đó, pháp lý của các tổ chức Phật giáo là ở đó và cũng từ ở đó mà chúng ta tồn tại để làm đẹp cuộc đời.

Hòa thượngThích Thái Hòa.

Nguồn: https://thuvienphatviet.com

Bài khác nên xem

KHẤP BÁO

phuocthanh

Lễ kỳ siêu Ngũ thất trai tuần nhị vị cố Huynh trưởng cấp Dũng và Tiểu tường cố HTr cấp Dũng Thiện Pháp

Huệ Quang GĐPTVN

Khấp Báo

phuocthanh