Đức Phật và Tứ chúng

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

A. GIỚI THIỆU :

I. HÌNH ẢNH ĐỨC PHẬT VỚI TỨ CHÚNG :

Suốt 45 năm giáo hóa, Thế Tôn đi chân không với một bình bát và 3 y giống như các đệ tử Tỳ Kheo của Ngài. Hằng ngày, Ngài đi khất thực, ngồi thiền và thuyết Pháp. Ngài thường đi hoằng hóa một mình hay có chúng Tỳ Kheo đi theo. Khi nghỉ ngơi lại một gốc cây, Ngài tự đi nhặt lá khô lót ngồi … cho đến khi lớn tuổi mới có Thị Giả ( là Ngài A Nan ).

Thế Tôn đã thọ trai với chúng Tỳ Kheo bất cứ nơi nào có thí chủ thỉnh mời. Sau mỗi lần thọ trai, Ngài nói lên một bài Pháp ngắn để tuỳ hỷ hay chúc lành.

Đệ tử của Ngài thuộc đủ mọi giai cấp trong xã hội, Ngài không phân biệt, dù xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ là một xã hội nặng tính giai cấp, thậm chí Ngài thu nhận một người ở giai cấp bần cùng, như ta đã biết trong câu chuyện “ Phật độ người gánh phân ”. Đệ tử của Ngài có nhiều vị xuất sắc như các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp … Đại biểu thành phần học giả, tri thức, các Tôn giả A Nan, Nan Đà, A Nậu Lâu Đà… Đại biểu cho thành phần hoàng tộc vua chúa… Tôn giả Angulilama, nguyên là một tướng cướp, nữ tôn giả Patacara trước là một cô gái bị điên loạn vì quá đau khổ, ni cô Addhakasi vốn trước kia là một kỹ nữ… Thế Tôn đã bằng tinh thần khế cơ, bằng thiện xảo phương tiện, đã giáo hoá tất cả với tinh thần bình đẳng tuyệt đối, thu nhận đệ tử đủ mọi giai cấp, thành phần xã hội và mọi lứa tuổi (1) ( Giáo hội Ni ra đời vào năm thứ 5 sau ngày Thế Tôn thành đạo ).

II. TỨ CHÚNG CỦA ĐỨC PHẬT :

Hàng đệ tử của đức Phật gồm có 4 chúng : Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ( Nam Cư  Sĩ và Nữ  Cư  Sĩ  )

Sau đây là những đệ tử nổi bật của Ngài, được nhắc nhở trong kinh Tăng Chi Bộ kinh I, phẩm Tối Thắng :

1.  Chư tăng :

Với những đệ tử tiêu biểu sau đây :

–   Tôn giả Kiều Trần Như : Vị xuất gia đầu tiên ( Pháp Lạp số 1).

–   Tôn giả Xá Lợi Phất : Trí Tuệ đệ nhất .

–   Tôn giả Mục Kiền Liên : Thần Thông đệ nhất.

–   Tôn giả Ca Diếp : Đầu Đà đệ nhất.

–   Tôn giả Phú Lâu Na : Thuyết Pháp đệ nhất.

–   Tôn giả Ưu Ba Li : Trì Giới đệ nhất.

–   Tôn giả A Nậu Lâu Đà : Thiên Nhãn đệ nhất.

–   Tôn giả Bà Đề : Âm thanh vi diệu bậc nhất  ( Quý tộc số1 ).

–   Tôn giả Ca Chiên Diên : Thuyết giảng rộng rãi đệ nhất.

–   Tôn giả La Hầu La : ( Tinh Tấn học tập đệ nhất ).

–   Tôn giả Ràdaha : Biện tài đệ nhất.

–   Tôn giả Revata : Độc cư thiền định đệ nhất.

–   v.v …

2.  Chư ni :

Với những đệ tử tiêu biểu sau  đây :

–   Nữ Tôn giả Ma Ha Ba Xà Ba Đề : Trưởng lão Ni đệ nhất (Pháp Lạp số 1).

–   Nữ Tôn giả Kế Ma ( Khemà ): Trí Tuệ đệ nhất.

–   Nữ Tôn giả Liên Hoa Sắc ( Uppalavannà ): Thần thông đệ nhất.

–   Nữ Tôn giả Pháp Dữ ( Dhammadinnà ) : Thuyết Pháp đệ nhất.

–   Nữ Tôn giả Nan Đà ( Kandà ) : Tu thiền đệ nhất.

–   Nữ Tôn giả Già Lam Đa ( Sigàlàkamàyà ): Tín giải đệ nhất.

–   Nữ Tôn giả Tô Ma ( Sônà ) : Tinh cần đệ nhất.

3.  Ưu bà tắc ( nam cư sĩ ) :

 Với những vị tiêu biểu sau :

–   Cư sĩ Cấp Cô Độc : Bố Thí Đệ Nhất.

–   Chất Đa ( Citta ) : thuyết Pháp đệ nhất.

–   Hatthaka Àlavaka : nhiếp phục hội chúng đệ nhất.

–   Úc ca ( Uggala ) : Hộ trì chư tăng đệ nhất.

–   Tu La Am Bà Da ( Ambattha ) : Tịnh tín đệ nhất.

–   NaKuLaPità : thâm mật đệ nhất.

4.  Ưu bà di ( nữ cư sĩ ) :

Với những vị tiêu biểu sau :

–   Tu Xà Đề ( Sujàtà ) : Quy y đầu tiên.

–   Tỳ Xá Khư ( Visàkahà ) : bố thí đệ nhất ( nguyên là vợ của Cấp Cô Độc).

–   Uất Đa La ( Khujjutàrà ) : Đa Văn đệ nhất.

–   Uttra : Tu thiền đệ nhất.

–   Nakulamàtà : thâm mật đệ nhất .v.v…

B. SUY NGHIỆM VỀ TINH THẦN BÌNH ĐẲNG MÀ ĐỨC PHẬT ĐÃ GIÁO HOÁ TỨ CHÚNG :

Dù chỉ biết sơ lược về sự liên hệ của Đức Phật với hàng đệ tử của mình, cũng như cách thu nhận và giáo hóa các đệ tử của Ngài, mà em cũng đã thấy vô cùng ngưỡng mộ tinh thần bình đẳng tuyệt đối của Ngài. Em nghĩ rằng Tăng đoàn của Đức Phật hồi Ngài còn tại thế quả đã đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh, và nhất là Tăng đoàn không cách biệt với mọi tầng lớp dân chúng, vì trong giáo đoàn của Ngài không thiếu một thành phần nào từ vua chúa đến thứ dân… thật là một đoàn thể tuyệt vời. Em mong sẽ được biết thêm về tiểu sử, tính cách riêng của các vị Đại đệ tử Phật mà phạm vi bài này không thể kể hết ra được.

Em nghĩ rằng Phật không chỉ có những đệ tử ở Ấn Đôn mà cả ở Việt Nam, vào các thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Ngài cũng đã có nhiều vị Đại đệ tử xuất sắc như thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Trần Nhân Tôn, Lý Công Uẩn, những vị Lạt Ma ở Tây Tạng, những vị Tổ và Thiền sư Trung Hoa, nghĩa là ở khắp mọi nơi.

C. TU TẬP VÀ THỰC HÀNH THEO LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT :

Dù không được mọi người biết đến, em luôn luôn tâm niệm mình cũng là một đệ tử Phật, do đó em luôn luôn giữ gìn thân khẩu ý được thanh tịnh trong khả năng của mình. Em luân tìm hiểu về các vị đệ tử thời đức Phật cũng như các vị Tổ cùng chư Tôn Hoà Thượng … Xem đó như là những gương sáng cho mình noi theo … từng bước em luyện tập cho mình những hạt giống thiện lành, bỏ dần những chủng tử xấu ác hằng ngày, hằng giờ để được xứng đáng với danh hiệu là Phật Tử, người con, người học trò của đức Phật.

 Câu hỏi :

1-    Em có muốn biết thêm về Phật và Tứ chúng không ? ( Nếu có, hãy tìm đọc thêm trong Tăng Chi bộ Kinh I và “ Phật và Thánh Chúng ” của Thích Minh Tuệ ).

2-    Trong các vị đệ tử Phật kể trong bài, em ngưỡng mộ những vị nào nhất ? Hãy tìm hiểu rõ hơn về lịch sử và đạo nghiệp của quý vị ấy ?

3-    Em cho biết mối liên hệ giữa Mục Kiền Liên và Uppalavana ( Liên Hoa Sắc ), hai vị thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử Phật ( Một bên Tăng và một bên Ni ).

 

Bài khác nên xem

GĐPT Cam Ranh: Khóa tu Bát Quan Trai lần 1 – năm 2016

Huệ Quang GĐPTVN

Thường thức : Vệ sinh nhà cửa

datthinh

Kể chuyện : Tập kể chuyện

datthinh