Di Lặc Hạ Sanh

DI LẶC HẠ SANH

HT. Thích Huyền-Vi dịch từ Đại Tạng Kinh

 Ngài Xá Lợi Phất là đệ tử thượng túc của đức Thích Ca Thế Tôn, một hôm phát khởi lòng từ nghĩ đến việc lợi lạc chung của thiên hạ, Tôn giả đi đến chỗ đức Phật đang ngự, quỳ gối chấp tay thưa Phật : Thế Tôn thường nói sau khi Ngài diệt độ lâu xa, sẽ có Bồ Tát Di Lặc giáng sanh, chúng con cùng tất cả chúng sanh, muốn nghe việc quan trọng ấy, cúi xin Thế Tôn từ bi giảng nói cho.

Đức Phật hoan hỷ hứa khả, Ngài nói :

Đến thời kỳ Bồ Tát Di Lặc giáng sinh, trong châu Nam Diêm Phù Đề đất đá, cây cối, rừng rú đều được như nhiên. Mỗi khu vực thạnh mậu, giáp khắp 60 muôn dặm, khi Di Lặc ra đời, tại châu Diêm Phù Đề, đông tây bề dài 40 muôn dặm, nam bắc bề rộng có 32 muôn dặm, đất đai đều sinh trưởng năm thứ hoa quả, khắp trong bốn biển không có núi non, hầm hố, mặt đất bằng phẳng, cây cối đều sinh trưởng xanh tươi.

Nhân dân trong thời ấy ít có tham lam, dâm dục, giận tức và ngu si ; rất đông dân chúng cư trú nơi thành ấp tụ lạc, tương trợ lẫn nhau. Mỗi người dân sống lâu 84.000 tuổi. Người phụ nữ đến 500 tuổi mới lập gia đình. Nhân dân khó mà đau ốm bịnh hoạn. Khắp cõi nước có ba việc đáng lo : một là ý ham muốn nhiều khó đặng ; hai là đôi khi bị đói khát và ba là tuổi già lụm cụm ; sắc mặt của mỗi người dân giống như hoa đào, họ đối xử với nhau rất là kính trọng. Cõi nước ấy có một thành trì tên là Kê Đâu Mạt, thành này là nơi của vị quốc-vương đang trị vì, chu vi thành trì có 480 dặm, xây toàn chất đá cứng, có nhiều cây danh mộc chống đỡ, tô điểm nội thành toàn bằng vàng, bạc, ngọc lưu ly, thủy tinh và các loài trân bửu khác. Bốn phía mỗi bên có 12 gian cửa lớn, chạm trổ rất tinh vi, cũng toàn bằng các thứ vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh để mà trang trí. Vị quốc vương nước ấy tên là Tăn-La, bốn biển đều có bà con quyến thuộc của Ngài. Nhà vua đi đến đâu đều được tiếp đón nồng hậu. Nhân dân cùng quỉ thần thảy đều kính phục.

Ngôi thành vua có bốn món báu : một là vàng ròng, có thần gìn giữ, thần ấy tên là Nghê Phùng. Hai là bạc nén, cũng có người thủ hộ. Ba là ngọc châu minh nguyệt, chỗ sản xuất ngọc châu này gọi là Tu-Tiệm, vị đứng ra gìn giữ ngọc châu này tên là Tân-Kiệt. Bốn là ngọc lưu ly, thứ này chiếu sáng khắp soi và quí giá nhất trong thiên hạ. Có một vị tu hành rất là phạm hạnh tên là Tu-Phàm sẽ vì Bồ Tát Di Lặc làm cha, mẹ của Ngài tên là Ma Ha Việt Đề. Di Lặc có một thân tướng kỳ diệu đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thân hình cao lớn 16 trượng. Di Lặc sẽ giáng sinh trong thành đã nói trên, mắt của Bồ Tát thấu triệt trong muôn dặm, trong đầu của Di Lặc có nhiều tia sáng nhiệm mầu, chiếu soi 4000 dặm. Khi Bồ Tát Di Lặc đắc đạo thành Phật, sẽ ngồi dưới gốc cây Long Hoa. Cây ấy bề cao 40 dặm, bề rộng cũng 40 dặm. Thời gian Bồ Tát Di Lặc thành Phật có 84.000 vị Bà Là Môn, thành tâm đi đến chỗ Ngài, xin thế phát xuất gia, tu hạnh Sa Môn. Di Lặc an tọa dưới gốc cây, đến ngày 8 tháng 4, khi sao mai lố mọc sẽ ngộ đạo thành Phật, hiệu là Maitreya Bouddha. Vị quốc vương tên là Tăng-La nghe tin Bồ-Tát Di Lặc thành Phật, liền hướng dẫn 84 người bạn thân bỏ nhà thế gian cầu đạo giải thoát, trong số đó có các vị quốc-vương, trao ngôi vị lại cho con cháu, đồng đến chỗ Phật Di Lặc xin xuất gia, cạo bỏ râu tóc làm thầy Sa Môn. Lại có 1800 vị Bà La Môn đều đến chỗ Phật Di Lạc xin làm Sa Di, cha mẹ Di Lặc cũng ở trong số đó. Ngoài ra còn có các vị Bà Là Môn chứng thánh, gồm 1084 người, cũng đều đến chỗ Phật Di Lặc xin xuất gia thọ giới. Trong nước có ông đại hào phú tên là Tu-Đàn mà người đời thường kêu là Tu-Đạt, cũng có tên khác là Nhân Dân, ông thành tâm mang vàng bạc cúng dường Phật Di Lặc cùng các vị Sa Môn để làm phương tiện hoằng hóa đạo mầu, tiếng tốt này bủa khắp bốn phương. Sau đó trưởng giả Tu-Đàn lại đem 14.000 người đến chỗ Phật Di Lặc, cầu xin học đạo xuất thế.

Lại có hai anh em một nhà, người anh tên là Cổ-Đạt, em là Phò-Lan. Anh em đồng thảo luận con đường tu tiến, họ tự đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta cứ chạy theo giòng đời biến chuyển, mà không chịu phát tâm đến chỗ Phật Đà, cầu đạo xin xuất gia ? Hai anh em nghỉ xong lập tức đến chỗ Phật Di Lặc, xin thọ giáo để xuất gia hành đạo.

Lại nữa, có một số đông thiếu nữ độ chừng 84.000 người, thân tướng xinh đẹp, trang sức các đồ y phục lộng lẫy, kể cả vàng ngọc, chuổi anh lạc v.v… đồng phát thiện-tâm, kéo đến chỗ Phật Di Lặc, tự đem các đồ quí giá để trên mặt đất, rồi đồng thanh bạch với Phật rằng : Chúng con xin hoan hỷ dâng các thứ này lên đức Phật cùng các vị Sa-môn để hộ trì ngôi Tam Bảo ; chúng con muốn theo Phật xuất gia, thọ giới Tỳ kheo ni. Phật Di Lặc nhận lời cầu xin ấy và truyền trao giới pháp cho các vị phụ nữ kia, trở thành Sa di ni rồi Tỳ kheo ni.

Một hôm Phật Di Lặc vân tập lại các hàng Tỳ kheo Tăng cũng như Tỳ kheo ni, và long trọng tuyên bố như vầy : Các vị hiện diện nơi đây đều là những người lo chuyên tâm tu-tiến trong thời kỳ Phật Thích Ca Mâu Ni. Những người đã tụng kinh ; những người đã phát từ tâm ; những người đã bố thí ; những người đã tu hạnh nhẫn nhục ; những người đã cất chùa và xây tháp ; những người đã thỉnh cốt Phật vào thờ trong các Tự Viện ; những người đốt hương, thắp đèn ; những người đã treo tràng phang, bảo cái ; những người rải hoa, dâng quả. Trong số các Tỳ kheo Tăng và Tỳ kheo Ni hiện diện, đều là những vị đã tu tập trong thời kỳ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những ai giữ giới, những ai chí thành lúc trước, giờ đây đều câu hội chỗ này để nghe pháp tiến tu. Các vị Tỳ kheo Tăng cũng như Tỳ kheo ni đã nghe pháp trước kia đều được đắc đạo ở dưới cây Long Hoa, ba hội :

-  Phật Di Lặc thuyết pháp trong hội thứ nhất sẽ có 96 ức người đều đặng đạo A La Hán.
-  Thuyết pháp hội thứ hai sẽ có 94 ức Tỳ kheo đều chứng đặng quả A La Hán.
-  Thuyết pháp hội thứ ba sẽ có 92 ức Sa Môn đều đặng quả A La Hán.

Chư thiên các cõi trời đều sẽ mang hoa thơm mà rải trên thân hình Di Lặc cúng dường. Phật Di Lặc sẽ hướng dẫn các vị A La Hán đến thành vua Kê Đầu Mạt, nơi mà quốc vương đang trị vì ; vua cùng toàn thể ở trong cung ăn uống, khắp hoàng thành yến sáng chiếu soi, đêm cũng như ngày, Phật Di Lặc sẽ được thỉnh ngồi trong cung thuyết kinh giảng đạo, có đoạn như vầy : lời nói không thể không làm ; đạo lý không thể không học ; cũng như kinh điển không thể không đọc tụng v.v…

Đức Phật đã cho biết Bồ Tát Di Lặc sẽ hạ sanh hơn muôn năm, sau khi giáo pháp Ngài bị đình trệ không lưu chuyển…

Ngài Xá Lợi Phất, các Tỳ kheo, quốc vương cùng với trăm quan nghe đức Phật giảng nói rồi đều rất hoan hỷ, tỏ ngộ phần nào rồi phụng hành lời Phật giảng nói rồi đều rất hoan hỷ, tỏ ngộ phần nào rồi phụng hành lời Phật dạy và đem hết khả năng giúp đời cứu thế ở hiện tại cũng như tương lai.

Bài khác nên xem

Pháp Dạy Người của Lục Tổ Đại Sư

phuocthanh

Đức Phật và con người

Áo Lam

Tiểu Sử Sư Trưởng thượng Như hạ Thanh Viện Chủ Tổ Đình Huê Lâm và Từ Nghiêm

phuocthanh