Cư Trần Lạc Đạo Phú

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

居 塵 樂 道 賦
( 竹 林 安 子 第 一 祖 陳 仁 宗 )
Trúc Lâm Yên Tử Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông
第 一 會
Đệ nhất hội
 
命 憹 城 市
Mình ngồi thành thị
涅 用 山 林
Nết dụng sơn lâm
怺 業 朗 安 閑體 性
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
姅 挧 耒 自 在身 心
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm
貪 愛 源 停 , 庄 群 汝 珠 腰 玉 貴
Tham ái nguồn dừng , chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý
是 非 曢 朗 , 特 油 牐 燕 說 鶯 吟
Thị phi tiếng lặng , được dầu nghe yến thốt oanh ngâm
制 搩 碧 隱 筃 籑 , 人 間 固 饒 勜 得 意
Chơi nước biếc ẩn non xanh , nhân gian có nhiều người đắc ý
別 桃 紅 処 柳 綠 , 天 下 能 某 主 知 音
Biết đào hồng hay liễu lục , thiên hạ năng mỗ chủ tri âm
月 白 暈 青 , 芁 每 祖 禪 河 淶 焔
Nguyệt bạc vừng xanh , soi mọi chỗ thiền hà lai láng
柳 綿 花 岹 ,屹 群 生 慧 日 森 林
Liễu mềm hoa tốt , ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm
慮 換 骨 約 飛 升 , 丹 神 買 服
Lo hoán cốt ước phi thăng , đan thần mới phục
咅 長 生 衛 上 界 , 徃 兔 群 耽
Nhắm trường sinh về thượng giới , thuốc thỏ còn đam
冊 易 娂 制 , 腰 性 瞆 腰 欣 珠 寶
Sách dễ xem chơi , yêu tính sáng yêu hơn châu báu
經 閒 讀 酉 ,重 峼 耒 重 女 黃 金
Kinh nhàn đọc dấu , trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim

Cư trần lạc đạo

của Trần Đình Hoành

Trần Nhân Tông (1258-1308) là vua Đại Việt thứ ba của nhà Trần. Trước đó là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.
Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của Tuệ Trung Thượng Sĩ, lên núi Yên Tử tu thiền, và tập hợp ba dòng thiền tại Việt Nam lúc đó là dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), dòng Vô Ngôn Thông, và dòng Thảo Đường, thành Thiền phái Trúc Lâm, còn tồn tại cho đến ngày nay với Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt do thiền sư Thích Thanh Từ chủ trì.

Hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu một bài thiền thi ngắn nhưng rất sâu sắc của vua Trần Nhân Tông, là bài Cư trần lạc đạo, vừa đăng gần đây trong slideshow Thiền Thi.

Cư trần lạc đạo

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu báo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

      Trần Nhân Tông
    (Trần Khâm 1258-1308)

Sống đời vui đạo

Sống đời vui đạo cứ tùy duyên
Đói thì ăn no mệt ngủ liền
Trong nhà có của, đừng tìm nữa
Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền

    TĐH dịch

 • Sống đời vui đạo cứ tùy duyên. Sống đời vui đạo. Không phải là “trốn đời vui đạo” theo kiểu “Lan và Điệp” như mọi người thường lầm tưởng. Đời và đạo là sống và vui.

“Đời đạo là sống vui. Đạo đời là vui sống.”

Có “sống đời” thì mới “vui đạo” được. Vì đời là đạo và đạo là đời. Ngoài đời không có đạo, ngoài đạo không có đời. Như thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói trong Chứng Đạo Ca :

Vô minh thực tính tức phật tính
Huyễn hóa không thân tức pháp thân

Giải thích:

Bản tính thực của vô minh (si mê) chính là tính phật
“Thân không thực” huyền ảo này chính là thân (thực) của tất cả mọi thứ

Đây cũng chính là “sắc bất dị không, không bất dị sắc” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc) của Bát Nhã Tâm Kinh.

• Muốn “sống đời vui đạo” thì phải “tùy duyên” Chữ “duyên” là chữ bao gồm toàn bộ tư tưởng Phật học.
“Duyên” là nhân quả. Những gì xảy ra bây giờ là kết quả của tất cả mọi nguyên nhân (mọi nhân duyên) trước đó—một tích tắc trước cũng như vô lượng kiếp trước—và là nguyên nhân của những gì sau đó—một tích tắc sau cũng như vô lượng kiếp sau.

(Chỉ cần hiểu hết được lý‎ lẽ của chữ duyên—thập nhị nhân duyên, mười hai bước nhân duyên của cuộc đời—là đã có thể giác ngộ thành Bích Chi Phật)

“Tùy duyên” là “theo duyên”. Nghĩa là chuyện gì xảy đến cũng có l‎ý do của nó, cứ thuận theo đó mà sống–không cần phải chống lại nó, không cần phải phàn nàn về nó, không cần phải lo âu về nó, không cần phải stress về nó, như là:

• Đói thì ăn no, mệt ngủ liền.

Chẳng ai phàn nàn tại sao đói. Chẳng ai thắc mắc tại sao mệt. Chẳng ai đau khổ mỗi khi đói bụng hay buồn ngủ.Vậy thì, bệnh thì tìm thuốc chữa, cần tiền thì đi làm kiếm tiền, cần thi đậu thì học, cần hết stress thì giải stress…Việc gì phải làm thì làm, chẳng lý do gì phải stress, phải phàn nàn, phải trách móc, phải giận dữ, phải đau khổ, phải than thân trách phận, phải tiêu cực.

Trong nhà có của, đừng tìm nữa.

Cái gì là báu vật vậy? USD? Hột xoàn mười mấy cara?

Không. Báu vật đó là cái tất cả mọi người trong thiên hạ đi tìm: Hạnh phúc.

Hạnh phúc: Nhà Phật gọi là Niết Bàn—hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn an lạc, thành người tĩnh thức, thành Phật.

Nhưng Niết Bàn không nằm ngoài ta—Niết Bàn đã có sẵn trong tâm ta. Phật cũng không nằm ngoài ta, Phật đã nằm sẵn trong tâm. Mỗi người chúng ta là Phật đang thành, là Niết Bàn sắp hiện.

Đừng tìm Phật bên ngoài, đừng tìm Niết Bàn bên ngoài. Trong nhà có của, đừng tìm nữa.

• Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền.


Nhìn cảnh thì thấy cảnh, đừng “chú giải” thêm vào cảnh đó. Như là nhìn“mưa rơi trên mái hiên” thì thấy “mưa rơi trên mái hiên”, chứ đừng chú giải thêm là “mưa rơi trên mái hiên buồn tênh” hay “mưa rơi trên mái hiên như những bước nhảy nhót của người yêu.”

Phụ chú tình cảm chủ quan vào “cảnh” ta thấy, là có tâm ý.

Chỉ nhìn cảnh, thấy cảnh, nhưng không phụ chú, không tam quốc diễn nghĩa thêm vào, gọi là “không tâm ý”, tức là “vô tâm.”

“Nhìn cảnh vô tâm” tức là nhìn người chửi mình mà không nổi giận; nhìn bệnh tật đến với mình mà không sợ hãi; nhìn nguy hiểm trước mắt mà không kinh khiếp; nhìn đống vàng mà không hoa mắt; nhìn danh vị mà không ham hố; nhìn quyền lực mà không say mê; nhìn túi quần không một xu teng mà không mặc cảm; nhìn thân thể tật nguyền mà không tủi thân, nhìn thế lực địa vị trong tay mà không kiêu mạn…

Điều gì đến thì đến, điều gì phải làm thì làm. Đến thì đến, nhìn thì nhìn, làm thì làm, nhưng tâm luôn bình lặng, luôn thoải mái, luôn an lạc.

Đó là vô tâm.

Và đó là Hạnh phúc, là Niết Bàn, là Phật tính.

Đối cảnh vô tâm. Nhìn cuộc đời với con tim hoàn toàn tĩnh lặng.

Như thế thì không còn tham lan, sân hận, si mê, kiêu mạn, sợ hãi, làm cho tâm bị mù lòa nữa.

Lúc đó tự nhiên ta thấy được của báu đã có sẵn trong nhà—cái tâm tĩnh lặng của mình, Phật tính của mình, Niết Bàn của mình.

“Đối cảnh vô tâm” là Phật, là Niết Bàn, là an lạc, là Hạnh phúc.

Thế thì đâu cần phải hỏi chi đến thiền, hay tu, hay pháp?

Bài khác nên xem

NHỚ NGÀY PHẬT ĐẢN NĂM XƯA

Linh Nguyên

Hình Ảnh Quê Hương

phuocthanh

Hoàng Thị Kim Cúc – Người chị của chúng ta

ducquang