Chùa Từ Đàm Xưa và Nay

BÀI I:  theo Võ Văn Tường 

Chùa tọa lạc ở số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt chùa hướng Đông Nam. Bên trái chùaTươ, có chùa Linh Quang và đền thờ cụ Phan Bội Châu.

Thiền thất được ngài Minh Hoằng – Tử Dung, vị Thiền sư Trung Hoa dựng vào cuối thế kỷ XVII (khoảng năm 1690) vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái, tại  Hoàng Long Sơn, đặt tên là Ấn Tôn với ý nghĩa lấy sự truyền tâm làm tông chỉ. Năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong cho chùa là Sắc tứ Ấn Tôn Tự. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị sắc chỉ đổi tên “Từ Đàm Tự” tức đám mây lành, tượng trưng cho đức Phật, cho ngôi chùa Việt Nam.

Năm 1699, ngài Liễu Quán đã đến cầu học tham thiền với Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung. Ngài đã trình kệ “Dục Phật” (tắm Phật) được Tổ ấn khả, truyền tâm ấn trong kỳ an cư kiết hạ năm Nhâm Thìn (1712).

Từ một ngôi chùa cổ kính của Thiền phái Lâm Tế, chùa Từ Đàm được xây dựng làm chùa Hội quán Tỉnh hội Phật giáo. Từ những năm 1920, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được phát triển ở cả ba miền. Tại Huế, An Nam Phật học hội thành lập vào năm 1932 do các vị cao tăng thạc đức, cư sĩ  lãnh đạo như các ngài Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cụ Nguyễn Khoa Tân, cụ Nguyễn Đình Hòa … Năm 1936, chư sơn môn đồng thuận giao chùa cho Hội để làm nơi thờ phụng và làm trụ sở của Hội. Ngày 18-12-1938, Tỉnh hội Phật học Thừa Thiên đã xây chùa Hội quán trên nền cũ chùa Từ Đàm, giảng đường, nhà tăng và một số căn nhà làm việc của Tỉnh hội.

Ngôi chùa cũ có nhà tiền đường, mái ngói, ba gian, rộng 7,4m, dài 18m. Gian trong cùng thờ tượng đức Phật Thích Ca ngự trên tòa sen, tay bắt ấn Tam muội. Tượng bằng đồng, cao khoảng 1,30m, do hai ông Nguyễn Khoa Toàn và Nguyễn Hữu Tuân thực hiện năm 1940. Hai bên tượng treo hai tràng phan, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Ta Bà, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Tịnh Độ. Trên vòng cung trước bàn thờ treo tấm hoành sơn son thếp vàng giữa có ba chữ Hán “Ấn Tôn Tự”, phía trái có mấy chữ Thiên Vận Quý Mùi (1703) Sơ Xuân Cát Đán. Đối diện bức hoành trên là một bức hoành giữa đề bốn chữ “Huệ Nhật Trung Thiên”.

Cổng tam quan chùa được xây dựng năm 1965, phía trong là cội Bồ đề.

Cây Bồ đề này có nguồn từ  cây Bồ đề chính tại Ấn Độ, nơi đức Phật Thích Ca thành đạo quả vô thượng giác, đã được nhà sư  Mahinda (nguyên thái tử, con vua A Dục) đem giống sang trồng tại Srilanca (Tích Lan) khi qua truyền đạo tại đây vào thế kỷ III trước Tây Lịch. Trưởng lão Narada, người Tích Lan, lấy giống từ cây Bồ đề ở Tích Lan cùng bà Karpelès trong phái đoàn Phật giáo Campuchia tặng Hội Phật học Trung phần và trồng tại đây trong dịp sang thăm Huế năm 1939.

Năm 1951, chùa là nơi tổ chức Hội nghị 51 đại biểu của 6 tập đoàn Tăng già và Cư sĩ ở 3 miền thành lập Hội Phật giáo Việt Nam và phê chuẩn việc Hòa thượng Tố Liên thay mặt Hội Phật giáo Việt Nam ký tên gia nhập Hội Phật giáo thế giới. Bài hát nổi tiếng “Từ Đàm quê hương tôi” của Nguyên Thông đã có nói đến sự kiện quan trọng này : “Ôi ! anh linh bóng chùa Từ Đàm, nơi Bắc Nam nối nguồn Đạo Vàng … Từ Đàm ơi !  “

Trong bài viết “Vai trò và vị trí chùa Từ Đàm đối với Phật giáo xứ Huế và miền Trung”, Tỳ kheo Thích Hải Ấn cho biết từ năm 1940 ở Huế đã có Ban Đồng Ấu rồi có Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục của bác sĩ Lê Đình Thám lập ra, tụ hôi được nhiều phần tử trí thức tân học thời đó để dạy Phật pháp cho họ. Năm 1943, Gia đình Phật Hóa Phổ ra đời, đến năm 1951, đổi thành Gia đình Phật tử, đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm và lan rộng tới cả miền Bắc và miền Nam.

Ngày 04-7-2006, chùa đã tổ chức tái thiết ngôi chánh điện với chiều dài 42m, chiều ngang 35,9m gồm hai phần, dưới là tầng hầm dùng làm hội trường, trên là ngôi chánh điện, kiến trúc theo mô hình trùng thiềm điệp ốc, ba gian hai chái, kiểu kiến trúc truyền thống của chùa Huế. Đại lễ An vị Phật đã được tổ chức trọng thể vào ngày 24-12-2007 (ngày rằm tháng 11 năm Đinh Hợi).

Chùa Từ Đàm ngày nay là một ngôi già lam tráng lệ. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa thờ tượng đức Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Chùa có nhiều hoành phi và câu đối. Xin trích 3 cặp đối do Tỳ kheo trụ trì Thích Hải Ấn ghi lại và dịch nghĩa :

1. Trước hiên chùa, cặp đối do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám soạn :

            Phật chính biến tri, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức.

            Học chân thật nghĩa, như thị văn, như thị tư, như thị tu trì.

                       佛正遍知無量壽無量光無量功德

                         學真實義如是聞如是思如是修持

Nghĩa:

 Phật là bậc Chánh Biến tri, Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức.

 Học theo nghĩa chân thật, nghe như vậy, tư như vậy, tu trì như vậy.

 

2. Trước hiên chùa, cặp đối do cụ Phan Bội Châu tặng :

Bát-nhã bổn vô ngôn, ly tứ cú, tuyệt bách phi, ứng hóa tùy duyên thuyết vô lượng vô biên diệu pháp;

Bồ-đề tiên hữu nguyện, chứng tam minh, cụ ngũ nhãn, câu viên phước quả thành đại hùng đại lực từ tôn.

                             般若本無言¾£四句絕百非đ?化隨緣說無量無邊妙法

                             ì??有願證š?O明具?眼俱圓福??

Nghĩa: Bát-nhã vốn không lời, rời bốn vế, trừ trăm không, ứng hóa tùy duyên, giảng diệu pháp vô lượng, vô biên;

Bồ-đề cần có nguyện, chứng tam minh, đủ năm mắt, tựu thành quả phúc, thành từ tôn đại hùng, đại lực.   

    

3. Trong điện Phật, cặp đối của cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu soạn :

           Bát-nhã bổn vô ngôn, ly tứ cú, tuyệt bách phi, ứng hóa tùy duyên thuyết vô lượng vô biên diệu pháp;

Bồ-đề tiên hữu nguyện, chứng tam minh, cụ ngũ nhãn, câu viên phước quả thành đại hùng đại lực từ tôn.

般若本無言¾£四句絕百非đ?化隨緣說無量無邊妙法

ì??有願證š?O明具?眼俱圓福??

Nghĩa:

Bát-nhã vốn không lời, rời bốn vế, trừ trăm không, ứng hóa tùy duyên, giảng diệu pháp vô lượng, vô biên;

Bồ-đề cần có nguyện, chứng tam minh, đủ năm mắt, tựu thành quả phúc, thành từ tôn đại hùng, đại lực.

Chùa hiện đặt Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.  Những ngày đại lễ của Phật giáo hằng năm như kỷ niệm ngày Phật đản, lễ Vu Lan, lễ Phật Thành đạo … và nhiều hoạt động Phật sự khác ở Huế đều được tổ chức trọng thể tại chùa.

BÀI II : (Tạp chí Văn hóa Phật giáo 20)

Chùa tọa lạc ở phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa do Hòa thượng Minh Hoằng – Tử Dung dựng vào khoảng năm 1695. Năm 1703, Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển “Sắc Tứ Ân Tôn Tự”. Đến năm 1841, Vua Thiệu Trị đổi tên chùa là Từ Đàm. Cấu trúc chung của chùa gọi là “kiểu chùa Hội”. Sau cổng tam quan, có cây Bồ-đề do bà Karpeles, Tổng thư ký Viện Phật học Phnom-pênh (Campuchia) thỉnh từ Ấn Độ qua Việt Nam tặng, được trồng vào năm 1939. Vào năm 1936, chùa là trụ sở của hội An Nam Phật học. Năm 1951 chùa là nơi họp 51 đại biểu Phật giáo toàn quốc chuẩn bị thống nhất Giáo hội Phật giáo. Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế.

 Từ Đàm là ngôi chùa cổ mà không cổ. Chùa cổ, nếu tính theo năm khai sinh, khoảng 1690. Khi chùa khai sinh, Trịnh Nguyễn hãy còn phân tranh, mỗi mái chùa dựng lên ở phương Nam là mỗi bước chân mở đường Nam tiến sống chết của dân tộc. Lúc đó, chùa chỉ là tranh và nứa với tên gọi là Ấn Tôn. Đến thời Thiệu Trị, năm 1841, chùa được trùng tu và đổi tên là Từ Đàm.

 Khang trang hẳn, nhưng chùa vẫn phải xây thêm lần nữa, mở rộng ra, cùng với phong trào chấn hưng Phật giáo năm 1935. Bởi vậy chùa không cổ, kiến trúc 1935 không phải là kiến trúc cổ, nhưng hợp với nhu cầu của một chùa hội trong thời thế mới, một ngôi chùa để làm trụ sở cho Hội Phật giáo của cả xứ Trung kỳ trong vận hội chấn hưng Phật giáo Bắc – Trung – Nam. Từ đó đến nay, chức năng của chùa Từ Đàm vẫn thế, vẫn là chùa hội, vẫn là nơi hội họp của đông đảo quần chúng, nhưng không gian kiến trúc của thuở chấn hưng đã trở thành chật chội với lượng Phật tử ngày càng đông của thời phát triển. Nhân dịp tu sửa vì dột nát, năm nay chùa mở rộng tầm vóc thêm lần nữa, nhưng vẫn giữ duyên xưa trong khung cảnh cũ.

 Từ Đàm là mây lành. Đức Phật như mây lành, đem bóng mát đến cho thế gian. Trên bước đường Nam tiến của dân tộc, hãy tưởng tượng đến những người đầu tiên chọn đất xây dựng chùa. Trước mắt là đất mới, trên đầu là trời xanh. Có lẽ người đặt tên chùa đã tưởng tượng như vậy. Trên bầu trời xanh của nắng mới phương Nam, có đám mây lành tỏa bóng im xuống mặt đất. Đây rồi, nơi bóng im này, tiếng lành của Đức Phật sẽ âm vang trên đất mới. Từ Đàm là nghe được tiếng lành của mây, mây chọn đất cho người dựng chùa. Hãy tưởng tượng nỗi vui của người vừa chọn được đất: người đó chắp tay nhìn chỗ bóng mây in dấu khi nãy, thầm cám ơn, bỗng thấy bóng của hai bàn tay mình chắp lại như hai tháp chuông của một ngôi chùa sẽ dựng. Từ Đàm mai đây sẽ có hai tháp chuông như thế. Ai nghe tiếng chuông Từ Đàm sẽ thấy trong tiếng chuông có mây, mây bay theo tiếng chuông, ngân nga trong không trung tiếng lành từ thuở dựng chùa.

 Trong đời sống bình dị như thế của Từ Đàm, bống nhiên lịch sử chọn nơi này làm khởi điểm cho một phong trào quật khởi, chống kỳ thị tôn giáo. 1963! Lịch sử thế giới bùng lên ngọn đuốc Việt Nam, và Từ Đàm là đốm lửa xuất phát. 1963 để lại cho Phật tử một bài học lớn: khi uất ức của Phật giáo cũng là uất ức của quần chúng, khi tiếng nói của Phật giáo vang lên tiếng nói từ mọi trái tim, khi đó Phật giáo mới thật là xứng đáng với lịch sử. Ba trăm năm trước, mây Từ Đàm để lại bóng im; ba trăm năm sau, trăng tròn Phật đản hiện ra trên mái chùa. Trăng nói gì? Hãy hành động, hãy dũng cảm, nhưng đừng quên dũng cảm là một với từ bi, cho nên bất bạo động là thái độ duy nhất đúng. Bởi vậy, hãy đọc lại những biểu ngữ trương ra trên sân chùa năm ấy, hãy nghe lại lời hiệu triệu rắn rỏi của người chỉ huy: trong quắc thước của quyết tâm, lời nói vẫn là lời nói lành, vì phương châm vẫn là bất bạo động. Cho nên “lửa từ bi” đã đi vào văn thơ Việt Nam, đã làm thế giới bàng hoàng sực tỉnh. Suốt mùa tranh đấu, Từ Đàm nằm trong dây kẽm gai, nhưng tuyệt thực trong chùa vẫn làm xôn xao bát cơm của người dân trong thành phố. Trong tiếng chuông Từ Đàm hôm nay, có mây bay qua, có trăng hiện ra, cả mây và trăng đều nói lên lời lành, trong bình thường của cuộc sống cũng như trong bất thường của biến động. Nơi đây vẫn lưu dấu hai vầng nhật nguyệt của sử sách Từ Đàm: Hòa thượng Thiện Siêu và Hòa thượng Trí Quang.

 Chùa không phải là cổ tự, kiến trúc không phải là nét độc đáo của Từ Đàm so với các ngôi của lớn khác ở Huế. Đặc điểm của Từ Đàm, lạ thay, chính là cái sân chùa và cây bồ đề giữa sân. Sân chùa là nơi hàng ngàn quần chúng đã tụ họp trong ngày Phật đảm 1963 để bắt đầu viết lên một trang sử lớn. Cây bồ đề cổ thụ, to bằng cả bốn, năm vòng tay, tỏa bóng mát xuống sân, vững hơn cột đồng Mã Viện, tượng trưng cho sức sống Phật giáo giữa lòng dân tộc. Hai biểu tượng đó của chùa Từ Đàm phải giữ, để kỷ niệm 1963 không phai với thời gian. Cùng với hai biểu tượng đó, một phòng lưu niệm phải được thiết kế trong kiến trúc mới, có chức năng như một viện bảo tàng, để gìn giữ và trưng bày tất cả những kỷ vật, dù lớn dù nhỏ, dù chỉ là một bài báo, một tranh ảnh, một băng ghi âm, một bài nhạc, một trái lựu đạn, một băng tang, tất cả những gì có liên quan đến một thời đứng dậy. Từ Đàm là như vậy, là tinh thần 1963 phải giữ, không phải chỉ là tường vách ngày xưa.

 Từ Đàm là như vậy. Du khách đến viếng Từ Đàm sẽ thấy Huế của 1963, nhỏ nhắn, hiền lành, nhưng khi quật khởi thì cả cái đèo Hải Vân cũng chỉ là chiếc cầu rửa chân cho một cô công chúa. Ai nghe trong tiếng chuông Từ Đàm sẽ thấy mây bay ba trăm năm trước, trăng tròn Phật đản ba trăm năm sau, và tiếng gió đong đưa trong lá cây bồ đề trước sân, như gieo tiếng an vui vào lòng mọi người. Từ Đàm thay đổi để Từ Đàm còn mãi.

tudam-1.gif

Cổng tam quan

tudam-2.gif

Chùa Từ Đàm (xưa) trước khi xây mới

tudam-3.gif

Mặt tiền chùa Từ Đàm xưa

tudam-4.gif

              Điện Phật chùa Từ Đàm xưa

tudam-5.gif

             Chùa Từ Đàm (xây dựng vào năm 2007)

tudam-6.gif

Mặt tiền chùa

tudam-7.gif

Điện Phật

tudam-8.gif

tudam-9.gif

Phù điêu Bồ tát Văn Thù

tudam-9.gif

Phù điêu Bồ tát Phổ Hiền

tudam-11.gif

Tổ đường

tudam-12.gif

 Đại hồng chung

tuadam-13.gif

 Trang trí nóc chùa

tudam-14.gif

 Lễ đài Phật đản

tudam-15.gif

Tượng bán thân cố bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

tudam-16.gif

 Ảnh cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu

tudam-17.gif

Cây Bồ đề

 Bài và ảnh: Võ Văn Tường

Bài khác nên xem

Nhạc Karaoke: Tuệ Giác Phật Đà – TN. Nhuận Hải

ducquang

Chùa Việt Nam

phuocthanh

PHÓNG SANH HAY SÁT SANH

nhuanphap