Chùa Một Cột, Giai Thoại và Triết Học

Chùa Một Cột, Giai Thoại và Triết Học

 

GIỚI THIỆU CHÙA MỘT CỘT

Chùa Một Cột hay Chùa Mật còn có tên khác là Diên Hựu tự hoặc Liên Hoa Đài là một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ViệtNam.

Chùa Một Cột hay Chùa Mật (gọi theo Hán-Việtlà Nhất Trụ tháp 一柱塔), còn có tên khác là Diên Hựu tự (延祐寺) hoặc Liên Hoa Đài (蓮花臺, “đài hoa sen”), là một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ViệtNam. Chùa được khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười âm lịch năm 1049.

Chùa chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông(1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âmngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.

Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 Âm lịch, vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.

Đến năm 1105, vua Lý Nhân Tôngcho sửa ngôi chùa và cho dựng trước sân hai tháp lợp sứ trắng. Năm 1108, Nguyên phi Ỷ Lan sai bày tôi đúc một cái chuông rất to, nặng den một vạn hai nghìn cân, đặt tên là “Giác thế chung” (Quả chuông thức tỉnh người đời). Đây được xem là một trong tứ đại khí – bốn công trình lớn của ViệtNamthời đó – là: tháp Báo Thiên, chuông Qui Điền, vạc Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm. “Giác thế chung” đúc xong nặng quá không treo lên được, để dưới mặt đất thì đánh không kêu. Người ta đành bỏ chuông xuống một thửa ruộng sâu bên chùa Nhất Trụ, ruộng này có nhiều rùa, do đó có tên la Quy Điền chuông (chuông ruộng rùa). Đến thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược, chiếm thành Đông Quan(Hà Nội). Năm 1426 Lê Lợi đem nghĩa quân Lam Sơn ra đánh, vây thành rất gấp. Quân Minh thiếu thốn vũ khí đạn dược, tướng Minh là Vương Thông bèn sai người đem phá chuông Quy Điền lấy đồng. Quân Minh thua trận, nhưng chuông Quy Điền thì không còn nữa.

Văn bia tháp Sùng thiện diên linh (chùa Đọi, Hà Nam), năm 1121viết: “Do lòng sùng kính đức Phật và dốc lòng mộ đạo nhân quả (đạo Phật) nên hướng về vườn Tây Cấm nổi danh (Ngôi vườn ở phía tây cấm thành Thăng Long đời Lý) mà xây ngôi chùa sáng Diên Hựu theo dấu vết chế độ cũ, cùng với ý mưu mới của nhà vua (ý nói: theo dấu vết lề lối xây dựng chùa đời Lý Thánh Tông, có thêm ý mới của Lý Nhân Tông mà chữa lại chùa đẹp hơn trước)”.Đến thời nhà Trần, chùa đã không phải là ngôi chùa nhà Lý nữa vì sách cũ đã ghi: Năm 1249, “…mùa xuân, tháng giêng, sửa lại chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ…”.

Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 và vào năm 1922. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955 do kiến-trúc-sư Nguyễn Bá Lăng đảm-nhiệm.

CHÙA MỘT CỘT, GIAI THOẠI VÀ TRIẾT HỌC

Chùa Một Cột là một thể loại kiến trúc độc đáo giữa lòng kinh đô Thăng Long. Theo truyền thuyết vào năm 1049, một hôm nhà vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm dắt vua lên tòa sen. Tỉnh giấc, vua thấy lòng mình bàng hoàn như là chuyện thật, nên vào buổi thiết triều vua đem việc ấy hỏi các quần thần, trong đó có các thiền sư đạo cao đức trọng tham dự. Nghe rõ sự việc, Thiền sư Thiền Tuệ khuyên vua xây chùa để báo ơn Phật, theo đúng mô hình như giấc chiêm bao đã thấy. Do đó, chùa có mô hình như một tòa sen, được dựng trên cột đá giữa ao, như đã thấy trong chiêm bao. Khi chùa được khánh thành, các Thiền sư chay đàn, tụng kinh cầu cho quốc thái dân an và lấy tên là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc). Vì có mô hình “một cột” nổi trên hồ sen, nên nó còn có tên là chùa Một Cột.

Qua thời gian, chúng ta thấy chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 và vào năm 1922. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được làm lại năm 1955. Đài hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột cao 4m, đường kính 1,20m gồm 2 trụ đá ghép chồng lên nhau liền thành một khối. Tầng trên là một khung gỗ kiên cố đỡ ngôi đài với mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có lưỡng long triều nguyệt. Hình dáng ngôi chùa như một đóa hoa sen vươn thẳng lên khu ao hình vuông được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Đi qua ao theo lối nhỏ lát bằng gạch, ta sẽ đến một cầu thang dẫn lên Phật đài có một tấm biển bằng chữ Hán đề trước cửa: Liên Hoa Đài. Đó chính là vài nét mô phỏng về kiến trúc ngôi chùa. Ngày nay, chùa Một Cột chính là biểu tượng văn hóa thể hiện được bề dày của một nền văn hóa dân tộc ViệtNam.

Nếu đứng trên bình diện triết học để bàn về kiến trúc đặc sắc này thì chúng ta thấy chùa chỉ có một gian còn gọi là Liên Hoa đài (đài hoa sen) nằm trên một cột đá (nhất trụ – nên chùa còn có tên là chuøa Moät Coät) nằm giữa hồ Linh Chiểu (Linh Chiểu tỉnh) chính là lối kiến trúc thể hiện tinh thần bất nhiễm, tinh thần “nhất trụ kình thiên” của lịch sử giữ nước của dân tộc. Ngoài hồ Linh Chiểu còn có hồ Liên Trì hình tròn, có bốn cầu cong bắt qua. Theo bia ký ở chùa Long Đọi (Nam Hà) ghi lại sự tích này như sau: “Đào hồ Linh Chiểu, giữa hồ vươn lên một cột đá, đỉnh cột nở đóa hoa sen nghìn cánh, trên sen dựng tòa điện màu xanh. Trong điện đặt pho tượng Quan Âm. Vòng quanh hồ là dãy hành lang. Lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đều bắc cầu vồng để đi qua. Phía sân cầu đằng trước, hai bên tả hữu xây tháp lưu ly”.

Khi nói về “đài hoa sen” thì quan niệm biểu trưng tinh thần bất nhiễm của Phật giáo được bộc lộ rõ nét. Chùa như một đóa sen tinh thần vĩ đại mọc lên giữa hồ Linh Chiểu và được một hồ sen tạo hóa bao trùm lấy nó, tôn lên một vẻ đẹp triết lý sâu xa về bản chất giác ngộ ẩn tàng trong mỗi cuộc đời chúng sanh. Tuy rằng giữa cuộc đời, chúng ta thấy có tính cá biệt của người này người nọ; cũng như tính sai biệt trong một rừng cây, có cây cao cây thấp, nhưng tinh thần Pháp vũ vô phân biệt của Phật giáo như một đóa sen bất nhiễm, luôn tỏa hương thơm ngát, mang đến sự giải thoát cho chúng sanh và cứu vớt chúng sanh bằng tấm lòng bao dung, độ lượng không phân biệt sang hèn.

Kiến trúc chùa Một Cột còn mang tính triết lý âm dương trong triết học Trung Hoa. Quan niệm âm dương là một quan niệm đặc biệt của người Trung Hoa mà chúng ta không thấy trong tư tưởng của các dân tộc khác. Riêng quan niệm positif négatif ở châu Âu thì cũng chỉ là một phần nhỏ của quan niệm âm dương mà thôi.

Ngoài ra, tinh thần tùy duyên của Phật giáo rất là uyển chuyển, nhưng không vì thế mà mất đi chân lý giải thoát của mình. Theo Robert e.fisher cho rằng: “trong số bí quyết dẫn tới sự thành công của Phật giáo là khả năng thích nghi và nó chuyển hóa bên trong các nền văn hóa khác nhau…, cả những thần linh nông nghiệp mang tính chất phồn thực (khả năng sinh sản và sự màu mở đất đai)”. Riêng nghệ thuật kiến trúc chùa Một Cột, sự ảnh hưởng này ở chỗ vòng ngoài hình vuông (tượng trưng cho âm – dấu trừ) và cột hình tròn (tượng trưng cho dương – dấu cộng), công tác hoán chuyển cho nhau mà Kinh Dịch gọi “dịch là giao dịch”, bao gồm các tính chất: “trong dương có âm, trong âm có dương; âm thịnh dương suy, dương thịnh thì âm suy”, đó chính là quy luật tuần hoàn tương khắc, tương sinh của vũ trụ.

Về phương diện mỹ học, chúng ta thấy tên khoa học của hoa sen là Nelumbo nucifeca Gaertn, thuộc chủng loại Nymphaeaceae thường được thấy trong các ao hồ khắp vùng châu Á. Màu sắc và hình dáng tươi đẹp của hoa sen đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp của cảnh quan. Nhưng đó chỉ là cái đẹp về hình thức, còn cái đẹp về nội dung thì sao? Có thể nói rằng: sự chấm dứt khổ, đó là cái Đẹp theo thẩm mỹ Phật học. Cho nên kinh Pháp Hoa có đoạn: “Hoa sen được dùng làm biểu tượng để diễn đạt nội dung cái Đẹp. Đó là cái Đẹp của một cuộc sống biết vận dụng tất cả những gì cho là ô trọc biến thành hương thơm ngát diệu tỏa khắp muôn phương, là một nhân cách sống trong chốn bùn dơ nhưng không bị cấu nhiễm bởi bùn dơ. Không những thế, nó còn đủ khả năng biến cấu uế thành thanh tịnh. Một điều lý thú, nếu không có cái gọi bùn dơ ấy thì chắc chắn không có giá trị của cái hương thơm. Sen làm nên bùn; bùn làm nên sen; sen với bùn không hai không khác, để rồi sen và bùn thong dong đi vào cõi bất cấu bất tịnh; bất tăng bất giảm. Đây là cái lý của sinh tử tức Niết-bàn.”

Về phương diện đạo đức học thì dân tộc ViệtNamđã tiếp biến một phần giáo lý căn bản của Phật giáo thành nét tư duy đặc thù của mình. Do vậy, hình ảnh hoa sen lúc mới nở đã có “quả”- có “nhân” (nhân quả đồng thời) vốn là giáo lý nhân quả Phật giáo mà cũng là kiến thức dân gian của mọi người con Việt. Và hoa sen cũng là loài hoa tinh khiết, biểu trưng tinh thần cao đẹp về đạo lý truyền thống rằng, làm con người sống giữa trần gian, sống trong lao khó nhưng hãy luôn giữ tâm hồn mình trong sạch như hoa sen chẳng nhuốm mùi tục lụy.

Để kết lời, người viết xin mượn lời thơ của Thiền sư Huyền Quang đã “Vịnh chùa Diên Hựu” để nói lên giá trị tinh thần vĩ đại của chùa mà chúng ta phải trân trọng giữ gìn:

“Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn

Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt tan

In ngược hình chim, gương nước lạnh

Sẫm đô bóng tháp, ngón tiêu hàn”.

(Huệ Chi dịch)

Bài khác nên xem

Vu Lan Thắng Hội

nhuanphap

Triết lý cây tre

nhuanphap

Phù Hiệu Lễ Hiệp Kỵ GĐPT Quảng Đức

ducquang