Chào kính và kỷ luật trong Gia Đình Phật Tử

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp – Lộc Uyển

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

CHÀO KÍNH TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 I. MỞ ĐẦU :

Chào là một cách biểu lộ tình cảm, sự thân thiện vui mừng giữa những người quen biết, bạn hữu khi gặp nhau. Chào cũng là tượng trưng cho hình thức kỷ luật của một đoàn thể, của một số tổ chức, nên mỗi đoàn thể  hay tổ chức có một lối chào riêng biệt, như lối chào của quân đội, của hướng đạo…

Gia Đình Phật Tử là một đoàn thể có một lý tưởng cao đẹp, một hướng đi rõ ràng, có tổ chức quy củ, kỷ luật phân minh nên cũng có một lối chào riêng biệt, đặc thù.

II. CÁCH CHÀO KÍNH CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ :

1.  Hình thức:

Cách chào của Gia Đình Phật Tử là bắt ấn CÁT TƯỜNG, khi chào phải đứng thế nghiêm, thân người ngay thẳng , mắt hướng về đằng trước hay người đối diện, tay trái gập song song trước thân người, bàn tay phải, ngón đeo nhẫn gập lại, ngón cái đè lên, các  ngón tay khác khép sát nhau, duỗi thẳng. Cánh tay gập lại thẳng với hai vai, lòng bàn tay hướng về trước, mũi bàn tay ngang tầm vai, cùi chỏ sát vào thân người.

2.  Ý nghĩa cách chào :

Ấn Tam Muội ( ấn Cát Tường ) là ấn Chánh Định, làm cho lòng lắng dịu, chuyên chú, dập tắt lửa tham – sân. Chính Đức Phật ngày xưa đã dùng ấn này để phóng hào quang cứu độ chúng sanh. Gia Đình Phật Tử chào theo lối bắt ấn tam muội có nghĩa tôn trọng kỷ luật, kính trên nhường dưới và có mục đích luôn luôn tự nhắc nhở mình lắng lòng nghĩ về điều lành, giữ vững niềm tin theo Đức Phật và Chánh Pháp.

3.  Cách áp dụng :

–   Chào khi nào ? Lối chào GĐPTchỉ được áp dụng khi mặc đồng phục mà thôi.

–   Chào những ai ? Cá nhân : Đoàn sinh chào Huynh trưởng trước ( Huynh trưởng chào đáp lễ sau ), Huynh Trưởng cấp dưới chào Huynh trưởng cấp trên trước.

–   Người nhỏ tuổi chào người lớn tuổi.

–   Ai thấy trước chào trước.

–   Tập thể : Khi di chuyển trong Gia Đình Phật Tử  hàng, gặp cấp trên, người điều khiển đi ngoài hàng bắt ấn chào mà thôi.

–   Khi sắp hàng chào đón cấp lãnh đạo, tất cả đều chào sau tiếng hô khẩu hiệu.

–   Khi đang đi bộ thì dừng lại một bước, bắt ấn chào rồi bỏ tay xuống ngay và đi tiếp ( không vừa đi vừa bắt ấn ).

–   Chào khi mặc thường phục : chắp tay vái chào.

Chú ý :

Khi gặp quý Thầy, qui Ni cô ( dù mặc đồng phục hay thường phục ) thì chắp tay ( có thể cất mũ ) cúi đầu cung kính chào.

Khi làm lễ Đoàn thì hô khẩu hiệu, nghiêm trang, hát bài chính thức, không bắt ấn chào nếu không có lá cờ gia đình, khi có cờ gia đình thì bắt ấn chào cùng lúc hô khẩu hiệu rồi bỏ tay xuống ngay vàbắt bài ca chính thức.

III. KẾT LUẬN :

Lối chào của Gia Đình Phật Tử có ý nghĩa rất cao đẹp.Quí anh chị trửơng phải thấu hiểu rốt ráo , thực hành đúng và khuyến khích  chỉ bảo các em đoàn sinh áp dụng .

KỶ LUẬT TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 I. MỞ ĐẦU :

Kỷ luật là những phép tắc, điều lệ, qui luật của một tổ chức, Đoàn thể đặt ra buộc mọi phần tử của tổ chức đó phải tuân theo để duy trì trật tự, phát huy sức mạnh điều hành chỉ huy toàn bộ tập thể, tổ chức Quân đội có kỷ luật quân đội, Quốc gia có pháp luật quốc gia.

Trong ý niệm đó , đối với Gia Đình Phật Tử, kỷ luật là một vấn đề then chốt cần có .

II. KỶ LUẬT TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ :

1.  Tính chất của kỷ luật Gia Đình Phật Tử :

* Kỷ luật của Gia Đình Phật Tử có những đặc tính sau :

Tôn trọng nhân vị :

Tất cả hình thức áp dụng không nhằm triệt hạ tinh thần tự do , bình đẳng , nhất là không bao giờ áp dụng vũ lực .

Kỷ luật tự giác :

Gia Đình Phật Tử luôn nêu cao tinh thần tự giác.

Đặt nặng giáo dục chứ không phải trừng phạt.

Nếu có vài hình thức phạt nào đó, thì những hình phạt đó cũng chỉ nằm trong mục đích giáo dục.

Linh động và nềm dẽo :

Biện pháp đối với Huynh trưởng không thể áp dụng cho đoàn sinh, hình phạt với ngành Thiếu không dùng được với Oanh Vũ … hay biện pháp này thích hợp với hôm nay nhưng không thích hợp với ngày mai ….

Đặt trên căn bản tình thương :

Phạt Đoàn sinh như người anh, chị, cha mẹ phạt người em, người con .

2.   Các hình thức áp dụng :

a.  Đối với đoàn sinh phạm lỗi :

Tùy trường hợp nặng nhẹ : Các hình thức có thể áp dụng như phạt chạy một vòng, lạy Phật, quỳ hương, cảnh cáo, tạm đình chỉ sinh hoạt, khai trừ vĩnh viễn. ( Trường hợp đình chỉ sinh hoạt hay khai trừ một em Ban Huynh trưởng phải họp Hội Đồng Kỷ Luật và phải trình nội vụ cho Ban Hướng Dẫn ).

b.  Đối với huynh trưởng phạm lỗi :

Nếu lỗi nhẹ Ban Hướng Dẫn họp hội đồng kiểm thảo, phê bình trong tinh thần xây dựng thương yêu trịêt để.

Trường hợp lỗi nặng, Ban Huynh trưởng không thể giải quyết, trình nội vụ ( đầy đủ chi tiết ) lên Ban Hướng Dẫn xét xử. ( Dĩ nhiên sẽ được áp dụng theo qui chế Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử ViệtNam).

3.  Thái độ yêu cầu của Huynh trưởng  khi Đoàn sinh phạm lỗi :

Vì tinh thần kỷ luật của Gia Đình Phật Tử là tôn trọng nhân vị, nặng tính chất giáo dục, căn cứ trên tình thương … như đã nêu trên. Vì thế người Huynh trưởng phải có những thái độ tương xứng, biểu lộ đặc tính đó, mỗi khi các em phạm lỗi lầm :

–   Bình tĩnh, lòng cởi mỡ, hoan hỷ ( gương mặt vẫn từ ái nghiêm trang )

–   Dùng lời lẽ dịu dàng, khả ái ( tránh nạt nộ, mắng nhiếc )

–   Khuyên bảo trước khi dùng hình phạt.

–   Biết tha thứ bao dung đối với các em biết tội mà hối hận, hối cải.

–   Tuyệt đối tránh dùng sức mạnh, gieo sân hận uất ức cho các em.

–   Xét xử công minh.

–   Hình phạt vừa phải, thích hợp với tâm lý, sức khỏe.

III. KẾT LUẬN :   

Kỷ luật rất cần thiết. Kỷ luật của Gia Đình Phật Tử hết sức đặt thù bởi tính chất đượm tình thương và xây dựng, nên hơn ai hết, người Huynh trưởng phải làm gương cho các em khi mình thi hành công tác cũng như khi phạm lỗi ( nghĩa là mình phải biết tự giác, biết ăn năn hối cải, biết tôn trọng … nếu mình muốn dạy các em những điều đó ). Sau nữa người huynh trưởng phải luôn luôn đối với các em bằng tấm lòng bao dung, phải quan niện rằng; áp dụng kỷ luật với các em như một vị lương y cho thuốc con bệnh, phải khéo léo, tế nhị, kiên nhẫn để hướng dẫn các em trở về CHÂN – THIỆN – MỸ. Được như vậy đã đạt được mục đích tốt đẹp của kỷ luật Gia Đình Phật Tử  rồi vậy.

Tự do không có nghĩa là muốn làm gì cũng được

Mà chính là tự lựa chọn một kỷ luật cho mình.

Bài khác nên xem

Văn nghệ trong Gia Đình Phật Tử

datthinh

Tiểu Sử Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu

phuocthanh

Tiểu sử Cố Huynh Trưởng Cấp Dũng Thị Đề Nguyễn Khắc Thọ

datthinh