Châm ngôn : BI – TRÍ – DŨNG

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )

I. VĂN :

1.  Nguồn gốc :

Trong Đại hội Huynh trưởng GĐPT năm 1951, BI – TRÍ – DŨNG là châm ngôn của Huynh trưởng và Đoàn sinh các ngành Thanh, Thiếu. Ngành Đồng có châm ngôn là : HOÀ – TIN – VUI.

Đến Đại hội Huynh trưởng GĐPT năm 1964, châm ngôn của tổ chức không còn phân chia theo ngành. Tất cả đều theo châm ngôn BI – TRÍ – DŨNG.

2.  Ý nghĩa:

BI là sự rung động trước nỗi khổ của người khác. Đức Phật là người đã thành tựu đầy đủ công đức, đem vui, cứu khổ cho chúng sanh. Ngài đã từ bỏ hạnh phúc thế gian để tìm ra đạo giải thoát. Ngài đã từng chịu đựng nhiều gian lao, khổ ải mà không bao giờ thoái thác, lùi bước. Như vậy trong BI phải có TRÍ, có DŨNG. Người Phật tử sống theo châm ngôn BI không thể thản nhiên trước nỗi khổ của người khác, kể cả loài vật.

TRÍ là sự sáng suốt, hiểu chính xác mọi nguyên lý trong vũ trụ, nhận rõ được chân lý và sự thật, biết cách và có thể dứt trừ mọi khổ não. Người Phật tử không cam tâm chịu ngu dốt, u mê mà phải tìm tòi học hỏi đúng chánh pháp và chân lý.

DŨNG là sự can đảm, tinh tấn, không yếu đuối, sợ sệt, không ngại khó, giải đải. Người Phật tử phải luôn kiên trì để thắng mọi thử thách, vượt qua bao chướng ngại để tiến đến giác ngộ.

Tóm lại, đem cả cuộc đời làm mọi việc lành cho chúng sanh là BI. Dốc lòng tu tập đạo giải thoát và giúp đỡ, khai sáng cho mọi người cùng học hỏi như mình, tuỳ thời cơ mà áp dụng phương pháp diệt khổ gọi là TRÍ. Nêu cao tinh thần thực hành các pháp đối trị dục lạc, vọng tưởng, vững bước trên đường tu tập giác ngộ chính là DŨNG.

II. TƯ :

  1. Châm ngôn là lời nói ngắn gọn, hay, có thể làm kim chỉ hướng cho hành động của mình trong cuộc sống để đạt đến  an vui, hạnh phúc.
  2. BI – TRÍ – DŨNG có sẵn trong tự tánh của mỗi chúng ta. Thực hành BI – TRÍ – DŨNG là lên đường về nguồn, là khởi điểm mà cũng là hành trang của đạo diệt khổ, không phân biệt sang hèn, tuổi tác, giới tính.
  3. Thực hành BI – TRÍ – DŨNG trên mọi lãnh vực trong cuộc sống là cải chuyển nghiệp quả, gây tạo nghiệp lành tức là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.
  4. Xem BI – TRÍ – DŨNG như ngọn đuốc soi đường, như kim chỉ hướng cho thuyền đời thì hành trình đến bờ giác ngộ sẽ được rút ngắn và chắc chắn sẽ đến đích.

 III. TU :

  1. Em yêu thương tất cả mọi người, mọi loài và sẵn sàng chia sẻ những khổ đau của người khác.
  2. Em cố gắng trau giồi kiến thức, học hỏi giáo lí Phật dạy, thực hành giữ giới để phát sáng trí tuệ.
  3. Tinh tấn tu tập, luôn hành thiện pháp, giữ vững ý chí để thực hành cho được chí nguyện phụng sự đạo pháp.

IV. CÂU HỎI :

  1. Châm ngôn là gì ? Trước 1964, Châm ngôn GĐPT như thế nào ? Từ năm 1964 đến nay, Châm ngôn của GĐPT gồm những gì ?
  2. Em hiểu thế nào là BI – TRÍ – DŨNG ?
  3. Hãy cho biết mối quan hệ giữa BI – TRÍ – DŨNG?

 

 

 

Bài khác nên xem

BHD.GĐPT Cam Ranh Tổ Chức Thi Kết Khoá Bậc Lực Năm 2012

phuocthanh

Khóa tu học bậc Lực kỳ I tại trung tâm tu học miền Liễu Quán

Huệ Quang GĐPTVN

Lễ Bố Tát lần thứ 2 năm 2015

phuocthanh