Anh Ba Hạnh

Thưở ấu thời tôi thường nghe mẹ kể: Anh Ba Hạnh là người con độc nhất của một cặp vợ chồng nông dân nghèo, chất phát hiền lành, nhà ở xã Nghĩa Thắng huyện Tư Nghĩa, là tá điền của ông ngoại tôi. Vào khoảng năm 1920, chẳng may một trận dịch đậu mùa xảy ra, cha mẹ anh đều mất cả. Ông tôi dẫn anh về nuôi lo việc quét tước dọn dẹp linh tinh trong nhà. Anh rất chăm ngoan và ngăn nắp nên gia đình ngoại tôi ai cũng thương. Năm má tôi lấy chồng ra ở riêng. Ông ngoại tôi cho anh Ba Hạnh đi theo làm quản gia, nhưng thật sự việc gì anh cũng làm không câu chấp gì cả. quê

Năm anh 25 tuổi, cha mẹ tôi cưới vợ cho anh, cho anh một mẫu ruộng gò, gần căn nhà cha mẹ anh, để gia đình anh có thể sống tương đối thoải mái. Hy vọng từ đó có thể vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Sau khi trở lại quê sửa sang nhà cửa, vườn tược đâu vào đấy, anh giao nhà cho vợ rồi xách áo quần vào xin cha mẹ tôi tiếp tục công việc như xưa.

Cha tôi là một nhà giáo tây học, thấy anh vào, tưởng rằng cuộc hôn nhân của anh có gì trục trặc không hạnh phúc nên an ủi hỏi thăm anh rất chơn tình. Anh nói rất hạnh phúc, nhưng càng yên ấm anh càng nhớ cha mẹ tôi và anh chị em chúng tôi. Anh cứ nghĩ thiếu anh gia đình tôi sẽ rất bề bộn, trước sau khó có người chu toàn. Ba mẹ tôi cảm động và khuyên anh cứ yên tâm trở về lo gia đình. Nhưng anh nằn nặc đòi ở lại làm việc không lấy công, năm mười ngày nửa tháng anh về nhà một lần cũng được. Cuối cùng ba mẹ tôi đành chấp nhận. Năm ba hôm vợ anh lại vào thăm. Gia đình tôi dành cho anh một gian nhà kho để vợ chồng anh có chổ ở tạm.

Tôi chào đời vào ngày 10 tháng 10 năm 1945. Cuộc Cách mạng mùa thu thành công. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Tuần lễ vàng được phát động. Ông ngoại và cậu tôi bị giết chết. Cha mẹ tôi sợ quá, của chìm của nổi đều đem nộp hết cho chính quyền Cách Mạng để được an thân. Cũng chính vì vậy mà không còn chút tài sản nào để bù đắp vào khoảng thuế nông nghiệp nhà nước trưng thu vào những năm sau. Gia đình tôi khánh tận. Người anh thứ tư và bà chị thứ ba thoát ly theo kháng chiến. Chị thứ hai và anh thứ năm đi dân công tiếp vận dài hạng. Ba tôi lâm trọng bịnh, mà lại là bệnh truyền nhiễm nên phải cách ly gia đình. Mẹ tôi ở tù vì thiếu thuế nông nghiệp. Trâu bò heo gà đều bán sạch để đóng thuế. Anh Ba Hạnh bị chánh quyền buộc phải về nhà với vợ con anh. Nhưng cứ năm mười hôm anh lại xuất hiện vào giửa khuya đánh thức tôi dậy và cho tôi ít củ khoai nấu chín, thêm một hủ mắm nhỏ và vài lon gạo dặn tôi khi đem về nên vào nhà nấu cháo mà ăn.

Năm 1952 mẹ tôi được ra tù để chuẩn bị cho một cuộc đấu tố địa chủ cường hào gian ác. Anh Ba Hạnh bị chánh quyền địa phương triệu hồi về để cung khai và học thuộc kịch bản đấu tố. Nhưng khi giờ G bắt đầu trên khán đài làm bằng tre, chẳng những anh không đấu tố cha mẹ tôi như kịch bản mà còn nói tốt cho cha mẹ tôi. Nhờ đó cha mẹ tôi không bị giết. Chỉ có khổ cho anh, nhưng rồi sau họ cũng cho anh về. Một hôm chị thứ ba của tôi về thăm nhà. Vườn không nhà trống. Chị ngồi trước sân gục đầu khóc. Tôi nằm ẫn mình trong một góc nhà kín, chứa toàn vỏ ui hủ chứa mật đường mía, nhìn qua khe cửa thấy đúng là chị ba, liền chạy ra. Chị ôm tôi vào lòng khóc nức nở. Sau đó chị dẫn tôi đi theo chị để tôi trông coi đứa con gái đầu lòng của chị nhỏ hơn tôi bảy tuổi. Chị lúc ấy làm kế toán cho công ty Mậu dịch liên khu năm. Hiện nay cô cháu nầy là giáo viên giảng dạy trường Đại học Kỹ thuật Thủ Đức.

Mổi tối về nhà sau một ngày làm việc, chị Ba còn dạy tôi học A.B.C, chị bảo đất nước ta đang nổ lực đánh giặc ngoại xâm, người người đều phải hy sinh cho cuộc chiến giữ nước, tất cả để vì độc lập tự do mai sau, tuổi trẻ phải gắng học từ trong nhà đến ngoài xã hội. Lúc con chị ngủ yên, chị thường ôm tôi vào lòng kể cho tôi nghe, nào là chuyện chú thỏ con nhờ biết lắng nghe và chăm học nên tai thỏ dài hơn, tâm hồn thỏ luôn luôn trong sạch nhờ biết vâng lời bỏ lỗi mà lòng thỏ mình thỏ sạch đẹp. Còn chú ếch cứ ngoát mồm ăn nói bi bô nên miệng rộng ra đến mang tai, cũng tại cái miệng mà ở đâu người ta cũng phát hiện bắt ăn thịt, nếu không nhờ sinh nhiều thì đã đến họa diệt chủng. Không biết lắng nghe, nên không biết lỗi, bỏ lỗi ngày qua ngày tâm ý đầu óc bụng dạ xấu xí da dẻ sần sùi nhớp nhúa.

Ngày nay chị đã già, gió bụi cuộc đời đã phủ lên đầu chị, quang vinh thì ít, đắng cay thì nhiều, nhưng lúc nào chị cũng cao cả dễ tha thứ cho mọi người. Chị lo cho anh chị em nhiều hơn bản thân. Chắc có lẽ chị không còn nhớ ngày xưa chị đã dạy em chị như thế nào, có điều lúc nào em cũng vâng lời chị và nhớ mãi lời chị dạy năm xưa. Mãi mãi chị là chị yêu kính nhất của em.

Mùa xuân năm 1954 cha tôi qua đời. Chị dẫn tôi về thọ tang cha. Trong tộc họ duy nhất chỉ có hai người, một là ông Chín Liệu, cha của cậu Quang giáo viên môn văn trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi và cậu Minh, giờ nầy đang sinh sống tại Mỹ Ca, Cam Ranh. Người thứ hai là cậu Chín Lăng, em ruột mẹ tôi. Ông Chín Liệu lo việc khâm liệm, nói cho rườm rà vậy thôi chứ thật ra chỉ thay một bộ đồ, để ngay thẳng trên một chiếc chiếu cuốn chặt lại cột vào một khúc cây cau, hai người khiêng hai đầu không có quan tài gì cả. Cha tôi được an táng cách nhà khoảng ba trăm mét, đó là khu nghĩa trang dòng họ ngoại của tôi. Đám ma không kèn không trống không thầy bà, không thân bằng quyến thuộc, lác đác mấy người đưa. Người cầm đuốc soi đường đưa ba tôi về thế giới bên kia là anh Ba Hạnh. Anh không khóc không cười chỉ chép miệng: “Khổ thân cho cậu tôi, trời ơi là trời, thôi cậu đi bình yên”. Những năm về sau nầy đến ngày kỵ cha tôi, anh đều đưa vợ con anh về tham dự. Lễ vật của anh là nải chuối, là nồi xôi, là trái mít trái thơm nhưng nếu có sự cảm ứng giữa hai cõi âm dương hẳn cha tôi cũng rất cảm ơn đời là đã có một lão bộc trọn đời tận tụy và trung thành./.

 (Thị Nguyên)

Bài khác nên xem

Nhạc: Xuân Ly Hương – Đức Quảng

ducquang

Nhạc: Vang Mãi Diệu Âm – Đức Quảng

ducquang

Tiễn Biệt Anh Trưởng

phuocthanh