Gần đây có nhiều tờ bướm nói về việc chữa bệnh bằng cách nuốt nguyên hạt đậu đen (xanh lòng) còn sống. Xin cho hỏi cách chữa bệnh như trên thực tế có tác dụng chữa bệnh không? Việc nuốt nguyên hạt đậu sống có ảnh hưởng gì đến bộ phận tiêu hóa?
Đậu đen tên khoa học là Vigna cylindrica, thuộc họ đậu, đông y hay gọi với tên ô đậu, hắc đại đậu… thường được dân gian sử dụng như một loại thức ăn ngon, bổ, rẻ, dưới nhiều dạng chế biến đơn giản như chè, kem, cháo, bánh tét, xôi, nhân bánh in, bánh trung thu, các loại bánh ngọt, bột dinh dưỡng cho trẻ, làm giá, hoặc hầm chung trong các món xúp đuôi bò, đuôi heo… Ngoài ra đậu đen còn được chế biến ở dạng tương hoặc dạng đậu sị và món này đặc biệt cho người Trung Hoa thường dùng để ăn với cháo trắng mỗi buổi sáng.
Theo y học cổ truyền, đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận, có tác dụng trừ thấp giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể. Nhiều sách cổ viết rằng ăn đậu đen chữa được chứng thủy thũng, tê thấp, bổ thận, giải độc cơ thể, phụ nữ dùng lâu ngày thì làm đẹp.
Theo tài liệu, trong đậu đen có chứa nhiều sinh tố A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng acid amin cần thiết trong đậu đen rất cao gồm: lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin… do đó đậu đen được xem như một loại thuốc bổ. Ngoài ra, còn một nhóm chất rất quan trọng tạo màu sắc đỏ tím cho lớp vỏ ngoài của đậu đen được gọi là anthocyanidin, khi nấu chín đậu thì thấy nước có màu hơi tím nhạt, chính đây là nhóm chất có tác dụng kháng oxy hóa tế bào rất cao, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đề kháng ung thư, kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa tế bào, vì vậy đậu đen dùng tốt cho người già, trẻ em và phụ nữ, nam giới sử dụng sẽ tăng cường chức năng của thận, bổ tinh, ích huyết, chữa liệt dương, tai ù, huyết áp cao. Đậu đen thường được dùng như sau:
– Chè đậu đen hoặc nấu nước uống để thanh lọc cơ thể: mỗi ngày 20 – 40 g.
– Chè đậu đen, đại táo chữa suy nhược, mỗi loại 30 g, nấu chung ăn liên tục trong 3 – 4 ngày.
– Đậu đen chế hà thủ ô chữa di tinh, liệt dương, tay chân mỏi yếu, râu tóc bạc sớm: 50 g đậu đen nấu nước rồi lấy nước đậu chưng cách thủy với 300 g hà thủ ô đỏ trong 2 – 3 giờ, vớt ra để ráo phơi khô để dành dùng lâu, dạng nước sắc mỗi ngày 15 – 20 g hoặc 5 g dạng bột.
– Canh đậu đen 30 g, cúc hoa 10 g, chữa nhức đầu, hoa mắt, say nắng, mắt kém, người già hay bị chảy nước mắt, quáng gà, thị lực yếu, nấu chung lấy nước uống mỗi ngày. Uống khoảng 5 – 10 ngày là đủ.
Chú ý khi chế biến cần đun lâu và kỹ vì như vậy hoạt chất trong vỏ mới thoát ra ngoài và dịch chiết có màu đỏ tím đó chính là màu của anthocyanidin, chất này giúp tăng cường tác dụng tốt của đậu đen cho cơ thể, ngoài ra nấu cho đậu chín nhừ sẽ dễ tiêu hóa và dễ hấp thu. Nếu ăn sống bằng cách nhai thì cũng không lấy được hết hoạt chất. Còn nếu nuốt sống thì càng không có tác dụng gì, vì càng gây khó khăn cho bộ máy tiêu hóa phải hoạt động nhiều hơn để xay nhuyễn nó trước khi hấp thu, làm suy yếu bộ máy, người không có kiến thức cũng tự biết rõ điều này. Hiện nay vẫn còn nhiều bạn tin rằng mỗi sáng sớm nuốt 49 hạt đậu đen sẽ giúp chữa được nhiều bệnh và trẻ đẹp thì các bạn cần chú ý một điều quan trọng là đậu đen sống rất khó hấp thu và tính rất lạnh có thể gây thêm chứng rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy, mà thật ra cũng chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh phải dùng đúng 49 hạt, coi chừng chưa chữa được bệnh thì lại vướng thêm bệnh thì khổ!