Ăn Chay – Niệm Phật

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )

A.   ĂN CHAY

I.  VĂN :

1.  Ý nghĩa :

          Ăn chay là ăn những thức ăn tịnh lạt, chế biến bằng các loại rau, quả, củ, sữa…, tránh sự sát sanh,  ăn những món không  có mạng sống, không ăn 5 món tân thái( hành, hẹ, kiệu, tỏi, nén).

2.  Lợi ích của việc ăn chay :

a.  Thân thể được khoẻ mạnh, tránh được bệnh tật.

–   Rau trái là những thức ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu. Trái lại, thịt cá là những món khó tiêu, nặng bụng, nhiều vi khuẩn (các trường hợp ngộ độc, trúng thực thường xảy ra do các bữa tiệc, đình đám dùng nhiều thịt).

–   Rau trái, hoa quả để lâu ít hư, dễ cất trữ, dễ kho nấu.

–   Cá thịt thì mau ươn thối.

–   Người ít ăn thịt thì ít bệnh (nông dân ăn nhiều rau trái thường khoẻ mạnh)

b.    Trí được sáng suốt, tánh tình thuần hậu, phát triển được đức từ bi, dứt dần tính sát hại.

c.     Cách sống giản dị, được mọi người thương yêu.

          Trong Kinh Thập Thiện, Phật dạy: “ Nếu xa lìa sát sanh thì thì thành tựu được mười pháp, không còn bức não ” (Bức bách khổ não)

  1. Đối với các loài sinh vật bố thí đức “không sợ hãi”.
  2. Thường khởi lòng đại từ bi đối với các loài sinh vật.
  3. Dứt sạch tất cả chủng tử giận hờn.
  4. Thân thường không bệnh.
  5. Mạng sống lâu dài.
  6. Thường được mọi người hỗ trợ.
  7. Thường không ác mộng, giấc ngủ an vui.
  8. Diệt trừ oán nghiệp, oán thù tự giải.
  9. Không sợ sa đường dữ.

10. Khi về già, mạng chung được sinh lên cõi trời.

CÁC NGÀY CHAY GỒM CÓ: ( Trai kỳ )

–   Nhị trai: hai ngày mỗi tháng: rằm, mồng một (tính theo âm lịch).

–   Tứ trai: bốn ngày / tháng( 30, 01, 14, 15 ).

–   Lục trai: sáu ngày / tháng( 01, 08, 14, 15, 23 và 30 ).

–   Thập trai: mười ngày / tháng( 01, 08, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 ).

–   Nguyệt trai: một tháng liền( tháng giêng hay tháng bảy ).

–   Tam nguyệt trai: ba tháng( tháng giêng, tháng bảy và tháng mười ).

–   Trường trai: ăn chay trọn đời.

Khi chưa thể giữ trường trai, ta nên ăn theo những ngày qui định trên vì những ngày này có chư thiên tuần thú, nguyện giúp đỡ, hỗ trợ cho những người có tâm lành, hành thiện.

 II. TƯ :

          Đạo Phật là đạo “Từ bi”, tôn trọng sự sống nên theo đạo Phật, ta không ăn thịt cá.

Loài vật cũng ham sống sợ chết, biết đau đớn nên không vì một chút ngon miệng, ham thích theo thói quen mà ta nỡ giết hại sinh vật.

Các vị Tăng, Ni ăn chay trường, tính tình thuần hậu, điềm đạm, phong thái uy nghi, không giận hờn, mọi người kính mến.

Các loài vật ăn thịt, con nào cũng hung dữ chuyên giết mồi. Trái lại các loài ăn cỏ thì thường hiền lành, siêng năng.

Ăn thịt, uống rượu, kích thích dục vọng khiến con người dễ sa ngã vào hành động tầm thường. Người Phật tử  ăn chay là vâng lời Phật dạy, là tưởng nhớ đến hạnh từ bi cao cả của Đức Phật.

Các bữa cơm tại trại, đoàn… GĐPT, với mùi vị đạm bạc, không khêu gợi sự thèm muốn. Em ăn chay là em tập sống giản dị, gần gũi với Đức Phật.

Hơn nữa, theo thuyết luân hồi, các loài chúng sanh trong nhiều đời, kiếp trước có thể đã từng là cha mẹ, anh em… của mình. An các loài vật có khác nào ăn thịt ông bà, cha mẹ mình.

III. TU :

          Ăn chay để đoạn dứt điều ác, tăng trưởng việc lành, làm lợi lạc cho muôn loài.

Ăn chay là việc tuỳ nguyện, tuỳ sức, tuỳ hoàn cảnh.

Là Phật tử, mỗi tháng nên ăn chay ít nhất hai ngày: rằm và mồng một. Ngoài ra, các ngày vía Phật và Bồ Tát càng nên ăn chay để tưởng niệm.

Ăn chay thì phải thành thật, nguyện theo đúng, nên đạm bạc, không cầu kỳ, không khích bác người không ăn chay.

“ Ăn chay sáng đức từ bi,

Tinh thần minh mẫn, thân thì ít đau.

Phước đức để lại đời sau,

Ít nhiều chẳng kể, miễn giàu thành tâm”.

IV. CÂU HỎI :

  1. Ăn chay là gì ?
  2. Tại sao phải ăn chay ?
  3. Ăn chay có đầy đủ chất bổ không ? Vì sao chỉ nên ăn đạm bạc ?
  4. Ăn chay có ích lợi gì ?
  5. Thế nào là ăn chay trường ? Ăn chay kỳ ? Kể các ngày thập trai ?
  6. Khi ăn chay có nên làm giả mặn không ? Tại sao ?

 B.   NIỆM PHẬT

I. VĂN:

1. Ý nghĩa :

* NIỆM PHẬT: Niệm là tưởng nhớ. Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, dồn hết tâm trí, ý nghĩ hướng về Phật, hình dung tướng tốt và công hạnh của Phật để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài.

2. Lợi ích :

          Con người thường khi mê mờ hôn ám, niệm Phật để được sáng suốt, minh mẫn.

Niệm Phật để suy tưởng đến tướng tốt trang nghiêm, đến hạnh lành của chư Phật mà noi gương, tu tập, tự nhủ sửa đổi tâm tính cho ngày càng tốt hơn.

Niệm Phật tâm hồn sẽ được lắng dịu, được gần Phật sẽ bỏ dần tính ác, phát triển hạnh lành; quên được đau buồn, sợ hãi, đời sống sẽ được an vui, tự tại, đem lại thiện nghiệp cho mình và người.

3. Các cách niệm Phật :

          Niệm Phật có nhiều cách, tuỳ theo trường hợp và hoàn cảnh. Trong chương trình ngành  đồng, oanh vũ phân biệt niệm Phật theo 5 cách:

a.  TỤNG NIỆM

b.  MẬT NIỆM

c.  KHẨN NIỆM

d.  QUÁN NIỆM

e.  CHUYÊN NIỆM

          Tựu trung, ta có thể niệm Phật theo 2 phương pháp: Trì danh và quán niệm.

II.  TƯ :

          Tùy lúc, tùy hoàn cảnh, niệm Phật theo cách nào cũng được. Điều cần ghi nhớ là luôn luôn nghĩ đến Phật, tuân lời Ngài dạy và noi theo gương sáng, hạnh lành của Ngài trong mọi ý nghĩ, việc làm để cải thiện đời sống của mình ngày càng tinh khiết, đem lại lợi ích cho mình và cho người xung quanh.

III. TU :

          Lúc làm lễ, phải thành tâm, kính cẩn để tụng kinh,niệm Phật.

Đứng trước bàn Phật,  em tụng kinh theo nhịp chuông, mõ. Em có thể tụng một mình hay tụng chung với nhiều người.

Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, hãy niệm Phật để xét lại ý nghĩ, việc làm trong ngày có gì sai sót thì tự hứa ngày mai phải sửa đổi, không hề tái phạm. Mỗi buổi sáng, khi thức dậy, niệm Phật và tự nguyện trong ngày làm việc lành, tránh thật nhiều điều ác.

Khi biếng nhác, chán nản, em niêm hạnh tinh tấn của Đức Phật Thích Ca.

Khi giận buồn, em niệm hạnh hỉ xả của Đức Phật Di Lặc.

Khi tham muốn nhiều, em niệm hạnh thanh tịnh của Đức A Di Đà.

Khi không hiểu hay si mê, em niệm hạnh trí tuệ của Đức Văn Thù.

Khi có ý xấu với người , em niệm hạnh từ bi của Đức Quán Thế  Âm.

IV. CÂU HỎI :

  1. Niệm Phật là gì? Tại sao phải niệm Phật ?
  2. Có những cách niệm Phật thế nào ?
  3. Có thể niệm danh hiệu Phật nào ?
  4. Phân biệt khẩn niệm và tụng niệm ?
  5. Em thường niệm danh hiệu đức Phật nào? Vào lúc nào ?

 

 

Bài khác nên xem

Dây Thân Ái – Lời Việt Lê Lừng

ducquang

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức lớp Bồi Dưỡng Kỹ Năng Hướng Dẫn HĐTN – Cắm Hoa Cho HTr Nữ Phật Tử Và Thiếu Nữ.

Tâm Lễ

BHD Lâm Đồng Tu bát Quan Trai lần thứ 2 năm 2017

phuocthanh