Thái Hư Đại Sư giảng
HT Thích Trí Thủ dịch
________________________________________________
II. ỨNG DỤNG CỦA KHẾ CƠ
Đức Phật thuyết pháp, bao giờ cũng thích ứng với căn cơ chúng sanh. Nay giảng kinh Thập thiện nghiệp đạo này cũng chính là đem phương pháp ứng theo thời cơ mà đối trị, hầu mong cứu vãn sự khổ não thảm khốc của thế giới chúng sanh; vì rằng muốn đối trị thống khổ đau thương trở thành an vui hạnh phúc, ngoài thập thiện ra, không thể tìm phương pháp gì hơn nữa.
Đây cũng chia làm ba đoạn mà giảng.
- Đối trị bệnh dong ruổi theo bề ngoài mà bỏ quên nơi mình, để trở lại tu nơi mình.
Hiện tại thế giới đang ở trong bầu không khí ác liệt, thiên tai nhơn họa. Nhân loại đang quay cuồng trong vòng thống khổ, chưa biết đến đâu là bờ bến. Phương pháp cứu vãn không gì hơn là thiết thực tu hành theo mười thiện nghiệp. Ta không nên oán trời, trách người và cũng không nên dong ruổi kêu cầu đâu xa lạ; trách nhiệm chính ở nơi ta. Ta cũng không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc cho người nào, hoặc oán trách chế độ xã hội bất lương, hoặc bắt tội điều kiện vật chất không đầy đủ; không biết tự trách mình; cứ mong cầu ở bên ngoài. Nếu cả thế giới mọi người đều có tư tưởng như thế thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm? Nhưng dù có người chịu trách nhiệm đi nữa mà ta không chịu đảm nhận tự lập ở nơi ta, người nào mắc lấy bệnh này, thật không có thuốc gì chữa được.
Lại còn có những hạng người không mong cầu ở nơi người, không mong cầu ở nơi vật, mà chỉ cầu với Thượng đế hay Quỷ thần cho đến tin Phật mà cũng không ngoài mục đích cầu khẩn ấy; rốt cuộc chỉ là bắt bong bóng giữa hư không mà thôi. Chơn ý nghĩa của Phật pháp là dạy cho người ta hiểu biết chơn lý nhân quả, để trở lại cầu chính ở nơi mình. Như hồi tại thế, em Phật là A-nan, tưởng ỷ lại vào Phật là được thành Phật, có nói rằng: “Thế nào Phật cũng ban cho phép tam muội” (huệ nhãn tam muội). Không chịu tự mình tu tập, rốt cuộc không khỏi mắc nạn với nàng Ma-đăng-già. Trong hàng đệ tử Phật, ngài A-nan là đa văn đệ nhất, mà hoàn toàn không ỷ lại được nơi Phật. Vậy nên biết, Phật pháp hướng trách nhiệm về tự thân cả.
Nếu xa bỏ mình, cầu cứu với trời đất Quỷ thần, mà muốn cải tạo thế giới xã hội, thì quyết định không thể nào được. Trước hết, cần phải đem mười ác nghiệp ở trong tự tâm, đổi thành hành vi thiện, vậy sau cầu Phật mới có hiệu quả. Xưa Khổng tử bị bệnh, Tử Lộ xin cầu đảo, Khổng tử bảo: “Khưu này đảo đã lâu rồi vậy”. Chính Nho học cũng thừa nhận sự ngoại cầu là vô dụng; phương pháp cốt yếu chỉ là tự mình phát tâm chơn chánh thực hành, rồi lần lượt khuyên mọi người làm theo mười thiện nghiệp mới mong vãn hồi được nhân tâm thế đạo.
- Đối trị bệnh nói suông, chuyên trọng thực hành.
Hiện tại người ta cao đàm hoạt luận thuyết này thuyết nọ. Nào là nhân quyền, nhân đạo, việt thánh siêu phàm v.v. … Nhưng xét hành vi thực tế, không những không đem lại cho nhân quần một tia sáng gì gọi là siêu hiền việt thánh, trái lại càng nói lại càng làm cho nhân loại thống khổ thêm. Thậm chí con người không có giá trị là con người nữa là khác. Bịnh nói suông cao đàm hoạt luận này, đã thành một bịnh thông thường cùng khắp đây đó ở dưới vòm trời. Cũng vì thế, xã hội chẳng có gì đáng gọi là đẹp đẽ; càng hô hào, càng vang dội, sự thực hành lại càng vô lực, mà sự nguy hiểm lại càng gấp bội hơn lên. Ông Mạnh Tử bàn về việc ông Y Doản giam ông Thái Giáp, nói rằng: “Có chí như Y Doản thời được, không chí như Y Doản thời soán nghịch vậy” ở đây nên thêm vào một câu: “Có tài năng như Y Doản thời được, không có tài năng như Y Doản thời nguy vậy”.
Bởi thế, chỉ có lớn lời khoe khoang không nhắm đích thực hành mà bảo rằng, trị đời thì càng trị lại càng loạn thêm. Ví như trên đầu đội tảng đá ngàn cân mà nhảy múa, kết quả không nguy hiểm đến tánh mạng là ít lắm. Không những trị đời như thế mà người học Phật cũng vậy. Như một hạng người cuồng vọng đầu miệng khoe khoang cao đại, không kiêng kỵ gì, tự bảo mình là Phật rồi không sợ hãi gì nữa, tha hồ đàm huyền, thuyết diệu, mà cử chỉ thì không hiệp đạo một chút nào. Muốn dẹp trừ bịnh điên cuồng ấy, cần phải thực hành theo mười thiện nghiệp; trái lại, dù cho có tự xưng là đại-kỹ-thuật, đại-học-vấn cũng chẳng qua ma lực làm trợ duyên dắt dẫn làm sa rớt vào tam đồ ác đạo mà thôi, không thể nào thành được hạnh bồ-tát chân chánh Phật tử.
- Đối trị với hạng người hy vọng cao xa mà phước đức bạc bẽo để tô bồi nên phước đức.
Hiện tại người ta lòng đã muốn so sánh với trời cao, mà phước mạng khác nào như giấy mỏng; không chịu tự tu phước đức, khi nào cũng muốn đàn áp người khác để nâng cao giá trị của mình. Nếu không biết thay đổi cõi lòng, vâng theo pháp thập thiện để trau dồi đức hạnh thì hy vọng cao xa chừng nào lại càng hạ thấp mình xuống chừng ấy. Không biết nương dựa vào đâu để cứu vớt, lòng hy vọng cao xa không phải là xấu, nhưng cốt yếu là phải tô bồi đức hạnh cho xứng mà thôi. Vô lượng công đức Phật quả, oai thần tự tại của hàng thiên long v.v… đều do phước đức tu thập thiện mà thành tựu cả.
Nếu chỉ có hy vọng cao xa mà không tu thiện nghiệp, vun trồng cội đức, thì trọn ngày chỉ ra vào trong phiền não, quyết không thể nào kết quả tốt được mà còn đào thêm hầm thống khổ nữa là khác. Ai là kẻ muốn cứu đời giúp người, càng nên lấy phước đức làm căn bản. Xưa có một vị pháp sư giảng kinh rất giỏi, mà rất ít người nghe, sau gặp một vị thánh tăng bảo rằng: “Nhà ngươi chỉ thiếu phước đức, từ nay nên siêng tu đức hạnh, làm nhiều việc lợi ích cho người”. Pháp sư y theo lời dạy mà làm, về sau thuyết pháp quả như lời thánh tăng dạy, rất được nhiều người nghe theo. Vì thế, thiết tưởng ở đời muốn lập đại công, kiến đại nghiệp, quyết phải tô bồi phước đức tu tập theo pháp thập thiện, để làm kim chỉ nam, lợi mình và lợi người, mới hoàn toàn thỏa mãn ý muốn.
A. GIẢI THÍCH ĐỀ MỤC
Phật thuyết kinh Thập thiện nghiệp đạo. Đời nhà Đường ngài Thiệt-xoa Nan-đà nước Vu Điền dịch Phạn văn ra văn Trung Hoa.
Đại khái giáo điển đạo Phật chia làm ba tạng: Kinh, Luật, Luận. Đây thuộc về Kinh tạng.
Như trên đã nói, KINH là KHẾ KINH, nghĩa là những lời giáo huấn đúng chân lý, hợp lẽ phải, thuận căn cơ, một khuôn khổ bất di bất dịch. Kinh này do Phật dạy nên gọi là PHẬT THUYẾT. Phật đây chính là ứng thân Phật Thích Ca Mâu Ni giáng sanh cõi Trung An Độ, đầy đủ vô lượng phước đức trí huệ, cứu cánh viên mãn đồng như hư không, khắp cả pháp giới, ai cũng tôn kính. Thích-ca là họ của ngài, Tàu dịch là Năng nhơn, Mâu-ni là tên của ngài, Tàu dịch là Tịch mặc. Y theo bản nguyện, thuận theo căn cơ chúng sanh mà khai thị tiếp dẫn mới nói kinh này lấy tên là THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH, mười điều thiện sẽ giảng rõ ở sau kinh văn. Chữ NGHIỆP tức là hành vi, là những hành vi về đạo đức học, về luân lý học; theo Phật pháp có thể gọi là thiện hạnh học.
Muốn định nghĩa chữ THIỆN NGHIỆP cần phải căn cứ vào những hành vi đối với không gian, có lợi ích cả mình lẫn người, và đối với thời gian hiện tại vị lai đều có lợi ích. Nếu trái lại biết lợi mình, không biết nghĩ đến kẻ khác, hoặc là tham lợi chỉ trước mắt, không nghĩ đến thiệt hại về sau, đều thuộc về ác nghiệp cả. Lấy mục đích lợi tha thiện nghiệp làm lợi ích chung của đại chúng, kết quả cả mình và người đều lợi; lấy mục đích hại tha ác nghiệp làm tổn hại cho đại chúng, kết quả người và mình đều hại. Nội dung của thiện ác, đại khái như thế. ĐẠO tức là con đường đi, THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO tức là con đường quang minh chính đại đi đến cảnh giới an vui, không tối tăm hiểm trở như con đường thập ác. Đi trên con đường thập thiện nghiệp, chắc chắn sẽ đến quả an vui của cõi trời, cõi người, hơn nữa có thể đạt đến Tam thừa Thánh quả. Cho nên, gọi là “thập thiện nghiệp đạo”.
Người dịch : (Ghi chú của Hòa thượng)
Kinh này Phật thuyết dưới Long cung chép bằng Phạn văn. Đời nhà Đường, ngài Thiệt-xoa Nan-đà nước Vu Điền dịch qua văn Trung Hoa. Nước Vu Điền tức là tỉnh Tân Cương bây giờ, về đời Đường chưa thuộc bản đồ Trung Quốc. Ngài thông cả tam tạng, đã từng dịch kinh “Bát thập Hoa nghiêm” đồng thời có ngài Nghĩa Tịnh Tam tạng cũng dịch kinh này đặt tên là “Phật thuyết Hải long cung Đại tạng kinh”. Do đó, ta có thể tin chắc chắn kinh này, đối với lịch sử đúng sự thật do Phạn văn dịch lại.
B. GIẢI THÍCH KINH VĂN
ĐOẠN I: CHỨNG TÍN – THUỘC VỀ TỰ PHẦN
Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở tại Long cung Ta-kiệt-la, cùng tám ngàn chúng Đại tỳ kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ-tát Ma-ha-tát đông đủ.
Đoạn văn này là lời tín sử bằng chứng cho kinh này là ai nói, nói tại chỗ nào, về thời kỳ nào, và vì ai mà nói; do ngài A-nan sau khi kiết tập kinh điển đã ghi chép lại.
TÔI NGHE tức là ngài A-nan tự xưng, nghĩa là tự Ngài thân hành trực tiếp trước Phật mà nghe, chứ không phải nghe người khác nói lại. NHƯ VẦY chính là chỉ cho kinh này. MỘT THỜI tức là thời gian thích hợp Phật cần phải dạy kinh này, người nói và người nghe đều được hiệp ý. Ở đây không ghi lại năm, tháng, ngày giờ, là vì tứ phương quốc độ niên lịch bất đồng, nên giảm mà không nói. LONG CUNG chính chỗ Phật nói kinh này. PHẬT là chỉ cho đức Thích-ca Mâu-ni. Ngài là giáo chủ đời hiện tại, chính ngài nói kinh này. TA-KIỆT-LA Tàu dịch là Hàm hải, ở dưới bể nước mặn, có cung điện Long vương, chúa của loài rồng ở đó. Trong kinh Phật thường nói đến loài long, khác với loài long thông thường người ta nói, có thể làm mây làm mưa được. Ở trong kinh Phật, loài long có nhiều loài: loài ở trên không, loài ở trên cạn, loài ở dưới biển v.v… Long cung ở đây tức là loài long ở dưới biển vậy.Thông thường người ta cho rằng: long là một loài động vật có đủ thần thông biến hóa; các nhà sinh vật học khảo cứu các loài động vật ở trên lục địa về cổ thời, cũng thừa nhận là có loài long; cũng có thời đại người ta cho loài long là chủ-nhân-ông của nhân loại.
Hiện nay ở châu Phi, thỉnh thoảng người ta còn trông thấy một vài di tích của loài long ở trên cạn, Cho nên, ta tin chắc thế nào cũng có loài long. Nhưng chỉ vì loài long phần nhiều hoặc ở giữa hư không, hoặc ở dưới đáy biển, toàn là những chỗ mà năng lực người ta chưa đi đến, Cho nên, không thể nào trực tiếp biết được. Đức Phật ngày xưa và chúng Thanh văn đại đệ tử, có năng lực tùy loại thuyết pháp, Cho nên, chỗ thuyết pháp của Phật, thường thường hoặc là Thiên cung, hoặc Long cung, hoặc Nhân gian, hoặc trong Thiền định v.v… Nếu gặp trường hợp tương ưng, đức Phật đều có thể thuyết pháp được cả. Chính như kinh này, Phật thuyết tại long cung của Ta-kiệt-la, đồng thời có tám ngàn đại chúng tỷ kheo và ba vạn hai ngàn các vị đại bồ-tát ở khắp cả mười phương đều đến dự thính. Có chúng thính pháp đông đúc như vậy, đó là chứng cứ cần phải tin.