Đạo Phật & giải pháp bảo vệ môi trường của Võ Văn Lân

Hơn lúc nào hết, nhân loại ngày càng đối mặt với nhiều sự đe dọa từ thiên tai động đất, sóng thần, bão lũ, sa mạc hóa, bão a-xít, nhiệt độ trái đất gia tăng, băng tan ở hai cực làm nhiều vùng trên năm châu chìm dần trong nước biển gây khốn đốn cho con người và muôn loài không còn đất sinh sống. Và nguy cơ diệt vong mọi sự sống trên địa cầu đang cận kề nếu con người không kịp thời tỉnh thức quay lại, thay đổi quan điểm và thái đội ứng xử trước thiên nhiên. Thật ra trong nhiều năm qua thế giới đã có nhiều nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng hệ quả tất yếu của thái độ vô minh tham sân si, biến đổi khí hậu có nguồn gốc từ chính con người mà sự tham lam vô đáy trong tiêu dùng và thụ hưởng vật chất đã đưa con người đến mù quáng tự thị trịch thượng. Tự cho mình là trung tâm vũ trụ, con người đã ra sức khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt. Mặt khác, tự do đổ vào môi trường bao rác rến phế thải từ hoạt động công nghệ, dịch vụ của những người tự cho là văn minh. Thiên tai bão lũ, động đất sóng thần ngày càng tăng và sức tàn phá càng hung hãn khốc liệt, hệ quả khó tránh khỏi là lời cảnh báo về thái độ tham lam ích kỷ của con người! Trận động đất sóng thần kép xảy ra ngày11-3-2011 tại Nhật là minh chứng. Đã đến lúc con người phải thức tỉnh, biết quay lại nếp sống quân bình vật chất và tinh thần, văn hóa đi đôi với tâm linh. Giảm nhiệt xu thế quá tôn sùng tiền bạc vật chất, đề cao sự tiêu dùng hưởng thụ xa hoa hiện nay để giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cùng kiệt.

Biến đổi khí hậu đã đến mức báo động, là vấn nạn không chỉ đặt ra cho các nhà chuyên môn và những nguyên thủ các quốc gia trên thế giới mà cả đối với mỗi người đang sống trên hành tinh. Vấn đề đã trở nên khẩn cấp! Tuy nhiên do áp lực của lợi nhuận kinh tế, các quốc gia chưa thể đạt đến sự thống nhất các biện pháp. Mỗi người con Phật chúng ta không thể chần chờ mà cần thể hiện một thái độ, hành động kịp thời từ cá nhân đến cộng đồng bằng cách tuân thủ giáo pháp của Đức Phật: Sống thiểu dục tri túc, tri túc thường lạc. Kỳ vĩ và khiêm hạ thay! Theo đó, nếp sống giản dị và thanh đạm theo đạo Phật không có nghĩa khắc khổ mà là an vui với thái độ thân thiện môi trường, biết tôn trọng mọi sinh vật và thế giới tự thiên, thay vì hành động tham lam, giết hại sinh mạng, hủy diệt điều kiện sống của con người và muôn loài.

Đạo Phật với tinh thần từ bi, trí tuệ xuất phát từ sự thấy biết về quy luật duyên khởi và trung đạo, đã đề xuất một lối sống thanh đạm, tôn trọng và gắn bó với thiên nhiên là cống hiến to lớn cho nhân loại hôm nay một giải pháp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ứng phó hữu hiệu với vấn nạn biến đổi khí hậu.

Cuộc đời đức Phật, bản hùng ca ca ngợi thiên nhiên

Đức Phật bậc đạo sư, nhà văn hóa lớn. Trong lịch sử nhân loại, Đức Phật là con người kỳ vĩ, bậc xuất chúng về nhiều lãnh vực nhưng nổi bật nhất phải nói đến cuộc sống gắn với thiên nhiên. Cuộc đời Ngài là bản hùng ca ca ngợi thiên nhiên và con người. Từ Đản sinh đến nhập Niết-bàn và 80 năm cuộc đời Đức Phật luôn diễn ra giữa giữa cỏ cây hoa lá mà thiên nhiên ban tặng. Phật đản sinh trong vườn Lâm Tỳ Ni dưới cội cây Vô ưu. Trên con đường tìm cầu chân lý, Ngài thực hành pháp tu khổ hạnh, một mình sống giữa rừng núi hoang vu, nhịn ăn, nằm đất, ngủ dưới gốc cây. Sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định, thành Phật dưới cội cây Bồ-đề. Rồi sau 45 năm ròng rã vân du hóa độ, đại nguyện viên thành, Ngài nhập Đại Niết-bàn dưới hai cây Sa-la. Tự nguyện sống giữa đất trời, thiên nhiên là gian nhà lớn che chở Phật và Tăng đoàn. Vì thế thiên nhiên luôn được Ngài và đệ tử tỏ thái độ tôn trọng và biết ơn.

Giáo lý duyên sinh, bài học vô giá về bảo vệ môi trường

Với phát hiện quy luật duyên sinh, Đức Phật khẳng định bản chất sinh diệt theo nhân duyên của các pháp: “Cái này có vì cái kia có. Cái này không vì cái kia không. Cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này diệt vì cái kia diệt”. Theo đó mọi hiện tượng, sự vật bất cứ lớn nhỏ, hữu hình vô hình đều có mối tương hệ với nhau một cách mật thiết. “Một trong tất cả và tất cả trong một” (Kinh Hoa nghiêm). Qua đó khẳng định vai trò làm chủ vận mệnh của con người, mặt khác cũng nhấn mạnh trách nhiệm con người đối với cộng đồng và với thiên nhiên. Đạo Phật quan niệm vạn hữu do duyên sanh nên vô thường vô ngã, và trên cơ sở nhận thức về Phật tính sẵn có nơi con người và muôn loài đạo Phật đề cao sự bình đẳng giữa con người và muôn loài. Đạo đức Phật giáo đề cập thái độ tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ chính mình. Do đó ý thức bảo vệ thiên nhiên là tất yếu và là đóng góp tích cực về bảo vệ môi trường. Trước thực trạng thiên nhiên và cuộc sống con người hiện đang bị ô nhiễm thực phẩm, đất, nước, không khí và cả tâm thức thì giáo lý từ bi và trí tuệ đạo Phật là giải pháp phù hợp, tích cực và sinh động về bảo vệ môi trường.

Nếp sống thanh đạm đạo Phật, giải pháp tối ưu ứng phó biến đổi khí hậu

Thời tại thế, Đức Phật thực hiện nếp sống giản dị thanh đạm, hài hòa với thiên nhiên và mọi người không phân biệt đẳng cấp. Thọ dụng những gì gia chủ phát tâm cúng dường; lấy thiên nhiên muôn loài kể cả đất đá cỏ cây làm bài học sinh động giáo hóa đệ tử, bình đẳng đối xử với tất cả xem đây như là bài học không thể bỏ qua trên con đường tu học đạt mục tiêu giác ngộ giải thoát. Điều này có một ý nghĩa sâu sắc khi mà lâu nay nhiều người cho rằng khí thải công nghiệp các nhà máy, thiết bị điện, xăng dầu, các phương tiện vận chuyển xe tàu…, tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu. Thật ra chúng chỉ chiếm 40% lượng khí thải vào môi trường. Trong khi khí thải từ công nghệ chăn nuôi, giết mổ và chế biến gia súc gia cầm chiếm đến 60%, là tác nhân quan trọng gây biến đổi khí hậu.

 Phát hiện này khiến ai nấy đều sửng sốt! Từ đó các nhà bác học đi đến kết luận: Giải pháp hữu hiệu ứng phó biến đổi khí hậu không phải tìm kiếm đâu xa mà ngay trên bàn ăn hàng ngày mỗi gia đình. Từ đó bài học Năm giới Phật dạy cho người đệ tử xuất gia và tại gia tự nguyện thực hiện có tầm quan trọng mang ý nghĩa tích cực bảo hộ con người và thiên nhiên. Trong đó giới thứ nhất không giết hay làm tổn hại sinh mạng con người và muông thú, thể hiện tâm từ bi và đối xử bình đẳng trước muôn loài, thể hiện ý thức bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên là bài học hữu hiệu trong mọi thời đại. Vì vậy để cứu trái đất khỏi bị hủy diệt và muốn có hạnh phúc an lạc, con người phải tỉnh thức từ mỗi cá nhân đến cộng đồng. Trong khi chờ quyết định từ nguyên thủ các quốc gia, một giải pháp đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện là nếp sống thiểu dục tri túc. Sống biết đủ, giảm tiêu thụ, tránh lãng phí là một cách tích cực hạn chế tác động từ công nghệ sản xuất tiêu dùng, chăn nuôi giết mổ là nguyên nhân trực tiếp góp phần hữu hiệu ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời chung tay cứu sống nhiều triệu người và trẻ em các nước châu Phi đang chết đói mỗi ngày do thiếu lương thực.

Làm sao thế giới có thể hòa bình và nhân loại sống an lạc khi vô minh, tà kiến tham lam còn ngự trị? Làm sao con người có thể xây dựng cuộc sống phồn vinh hạnh phúc khi còn nhân danh tôn giáo, nhân danh thần linh để tiến hành bạo động, khủng bố? Hơn 2.500 năm trước, thời Phật tại thế, khái niệm biến đổi khí hậu… rõ ràng chưa có và giải pháp tất nhiên chưa đặt ra. Tuy nhiên, với tuệ giác nhận thức bản chất duyên sinh của vạn hữu và tinh thần tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên trên cơ sở nhận định về mối tương hệ giữa muôn loài thực sự là giải pháp tích cực ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu hiện nay.

Là Phật tử, cách thiết thực tỏ lòng tôn kính và biết ơn sâu xa đối với Đức Thế Tôn, kỷ niệm Phật đản sanh, chúng ta thực hiện lời Phật dạy, đơn giản mỗi người sống giản dị, giảm tiêu thụ, tránh lãng phí… là trực tiếp góp phần bảo vệ hành tinh, cái nôi sự sống tức góp phần khả dĩ đem lại cuộc sống an vui, hạnh phúc cho con người và muôn loài.

Võ Văn Lân

Bài khác nên xem

Ý nghĩa của nghi lễ tắm Phật

phuocthanh

Lễ Húy Nhật của Sư Bà Diệu Không

phuocthanh

Duy Tuệ Thị Nghiệp

phuocthanh