Minh Thạnh
Truyền thông là một hoạt động gắn liền với cuộc sống con người. Nói chuyện với nhau để chia sẻ tâm tư, tình cảm, hiểu biết, đó chính là một dạng truyền thông cơ bản, cốt lõi. Tất cả mọi phương thức phát triển truyền thông đều được xây dựng quanh cái trục cốt lõi đó.
Tất cả các hướng phát triển của truyền thông đều nhằm mục tiêu người với người nói với nhau được nhiều hơn, nhanh hơn, vượt qua khoảng cách không gian, thời gian. Những phương tiện truyền thông vượt không gian sơ khai như đốt lửa tạo khói, thả chim bồ câu đưa thư, phất cờ hiệu… đều là những phương thức nói với nhau bằng những ký hiệu, nhằm giải quyết vấn đề trở ngại của khoảng cách.
Trở về với đạo Phật, ta thấy đạo Phật chính là đạo của truyền thông. Đức Phật hành đạo chủ yếu qua hoạt động thuyết pháp. Ngài không thi triển thần thông, biểu diễn các phép lạ, mà xuyên suốt 49 năm hành đạo của ngài là nói và nói. Có khi Đức Phật chỉ nói với một vài người. Có khi Ngài nói trước một pháp hội hàng vạn thính chúng (mà ngày nay, để làm được điều đó chắc hẳn chúng ta phải cần đến những thiết bị hỗ trợ truyền thông điện tử như ampli, loa…). Ngài luôn luôn di chuyển, đi hóa độ các nơi chính là thực hiện việc vượt khoảng cách không gian của truyền thông, mở rộng đối tượng truyền thông.
Do vậy, nói đạo Phật gắn liền với truyền thông là một cách nói nghiêm túc.
“Cách mạng” truyền thông
Con người luôn luôn tìm cách phát triển hoạt động truyền thông tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra các phương thức truyền thông mới, để như đã nói, giúp cho việc truyền thông nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua hai giới hạn chính yếu là không gian và thời gian.
Nhưng quá trình phát triển truyền thông không diễn ra đều đặn, từ từ. Nó có những bước phát triển đột biến, nhảy vọt. Có người gọi đó là những cuộc “cách mạng” truyền thông. Một số tài liệu nghiên cứu về truyền thông đã nói đến 4 cuộc cách mạng như vậy. Dưới đây, chúng ta sẽ khảo sát mối quan hệ giữa Phật giáo với 4 cuộc cách mạng về truyền thông đó.
Cuộc “cách mạng” truyền thông lần thứ nhất diễn ra khi chữ viết được phổ biến rộng rãi. Thời điểm diễn ra cuộc cách mạng truyền thông lần thứ nhất này ở mỗi nơi trên thế giới mỗi khác. Nhưng tính chất và ý nghĩa của chúng thì như nhau, trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng truyền thông lần thứ nhất này đã được Phật giáo khai thác một cách hiệu quả và triệt để. Những bản chép cổ xưa nhất trên thế giới là những bản kinh Phật. Các vị đệ tử của Đức Phật từ hàng ngàn năm trước đã là những người đi tiên phong trong việc khai thác kết quả cuộc cách mạng truyền thông lần thứ nhất này. Lời Phật dạy không chỉ được chép lên lá, lên giấy, mà còn được khắc lên đá, lên đồng. Từ “kinh” có lẽ gắn liền với cuộc cách mạng truyền thông này, với ý nghĩa một tác phẩm được biên chép.
Đạo Phật truyền sang Trung Hoa một cách thành công cũng chủ yếu trên cơ sở truyền thông bằng văn tự (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt). Các bản dịch kinh văn đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xác lập vị thế của Phật giáo tại Trung Quốc. Việc truyền bá Phật giáo không dựa trên một số tín điều tôn giáo ngắn gọn, cô đọng, mà cơ bản dựa trên sự thông hiểu, trí tuệ thâm sâu. Do đó, mà chữ viết – cuộc cách mạng truyền thông lần thứ nhất, có ý nghĩa cực kỳ lớn lao đối với Phật giáo và việc đạo Phật khai thác hiệu quả truyền thông bằng chữ viết cũng là một việc làm tất yếu, khôn ngoan. Chữ viết giúp giải quyết hai vấn đề lớn của truyền thông là vượt qua không gian và thời gian. Đặc biệt, hiệu quả vượt thời gian là điều mà ngay nay Phật tử chúng ta vẫn còn thừa hưởng.
Điều cần được chú ý là trong hầu hết các bộ theo hệ Bắc truyền đều nhấn mạnh khuyến khích đến yêu cầu biên chép kinh như một yếu tố quan trọng đóng góp vào việc lưu hành kinh, tạo công đức và cũng là một việc tu tập. Đề cập đến việc biên chép kinh song song với việc giảng nói kinh, rõ ràng là nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong việc tu tập và hoằng dương chánh pháp.
Cuộc cách mạng truyền thông lần thứ hai được ghi nhận ở châu Âu từ thế kỷ XVI, sau sự kiện phát minh ra máy in, dẫn đến việc phổ biến sách. Nếu như có thể tóm gọn cuộc cách mạng truyền thông lần thứ nhất trong một từ “chữ”, thì cuộc cách mạng truyền thông lần thứ 2 có thể gói gọn trong một từ: “sách”.
Đạo Phật trước đây chỉ mới truyền bá ở châu Á, nên về thời điểm, cuộc cách mạng truyền thông sách không có ảnh hưởng lên việc truyền bá đạo Phật như đối với đạo Thiên Chúa ở châu Âu (với bản sách được in nhiều nhất) trong thời kỳ đó là Kinh Thánh nhưng “sách” cũng đã để một dấu ấn quan trọng trong việc phát triển Phật giáo ở Trung Hoa và cả ở Việt Nam. Nhà chùa, trong một thời gian dài, đã là các trung tâm in và phát hành sách. Sách ở đây là Kinh Phật, Pháp bảo, một trong ba ngôi tôn quý của Phật giáo, được biểu trưng qua “sách” (tức hình thức thể hiện của Kinh Phật).
Nhìn vào bàn thờ Phật ở một số ngôi chùa, nơi Pháp bảo được phụng thờ qua hình thức một số bộ kinh tượng trưng đóng bìa trang trọng, chúng ta có thể hình dung ra mối quan hệ của cuộc cách mạng truyền thông “sách” với đạo Phật. Cho đến nay, sách vẫn còn đóng vai trò là một phương tiện quan trọng để hoằng pháp. Rất nhiều vị cao tăng đã hoằng pháp độ sinh qua việc viết sách, xuất bản sách.
Cũng cần nhắc lại rằng, trước đây, một trong những nhà in sách lớn ở Sài Gòn là nhà in Sen Vàng, đặt ngay trong chùa Ấn Quang.
Cuộc cách mạng truyền thông lần thứ 3 là cách mạng “báo”. Ở phương Tây nó diễn ra vào thế kỷ XIX và kéo dài đến sang thế kỷ XX, giai đoạn mà báo chí bùng nổ.
Nửa đầu thế kỷ XX, tại Việt Nam, đã có báo chí Phật giáo. Báo chí là một phương tiện đắc lực trong việc chấn hưng Phật giáo. Chúng ta có được một Phật giáo Việt Nam phát triển như hôm nay một phần cũng nhờ vào chư tổ sư và liệt vị tiền bối hữu công ở nước ta đã sớm thấy báo là một công cụ đắc lực phục vụ cho công việc vận động lịch sử này.
Phật giáo đã không bỏ lỡ thời cơ với 2 cuộc cách mạng truyền thông “sách” và “báo”.
Cuộc cách mạng truyền thông lần thứ tư là cách mạng điện tử, với sự ra đời của phát thanh, truyền hình và internet. Nó bắt đầu từ thế kỷ XX và diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy Phật giáo có khai thác các phương tiện truyền thông điện tử chậm hơn một chút so với các tôn giáo khác, nhưng mọi việc đang trong quá trình phát triển.
Ngay từ khi radio được phát minh, các Giáo hoàng người Ý đã nhanh chóng yêu cầu nhà phát minh ra công nghệ phát thanh, G. Marconi, cũng người Ý, xây dựng ngay cho Vatican một đài phát thanh riêng, với lời nhận định của Giáo hoàng, rằng radio sẽ đưa loài người đến gần với chúa hơn. Đài phát thanh Thiên Chúa giáo nói tiếng Việt đã có gần nửa thế kỷ hoạt động.
Cuộc cách mạng truyền thông lần thứ 4, truyền thông điện tử đang đi vào đỉnh cao. Bước tiến của Phật giáo Việt Nam kịp lúc với cuộc cách mạng truyền thông này là các chương trình truyền thông nghe nhìn. Tuy nhiên, nhiều lãnh vực khác vẫn còn bỏ ngõ đối với Phật giáo Việt Nam, đòi hỏi Phật giáo Việt Nam có những nỗ lực lớn lao hơn nữa.