THÔNG ĐIỆP THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT

Vậy là hai mươi sáu thế kỷ đã trôi qua, kể từ một đêm khu rừng hoang vắng bên bờ sông Ni-liên-thuyền (Nairanjama), ánh trăng chiếu lờ mờ bàng bạc trong không gian hoàn toàn im ắng, cô tịch. Khu rừng chìm trong màn đêm huyền ảo, thỉnh thoảng có âm vang những tiếng muông thú kêu trong đêm trường nghe rờn rợn, tiếng côn trùng nỉ non nghe như giai điệu của một bản nhạc buồn, tiếng lá kêu xào xạc dưới bước chân của những con thú đi ăn đêm. Tất cả những âm thanh  của núi rừng dó tạo nên một sự thâm u huyền bí, tất cả chỉ là minh họa cho sự tỉnh lặng của núi rừng đang chìm trong  ánh trăng huyền ảo. Dưới gốc cây tât-bat-la cổ thụ ánh trăng chiếu lờ mờ hình bóng một hành giả đang ngồi tham thiền nhập định. Khuôn mặt của ngài uy nghiêm trầm tỉnh, đôi mắt hé mở nhìn vào một khoảng không trước mặt, với vẻ trầm mặc, tỉnh lặng như thế không ai biết rằng hình ảnh một vị hành giả cô đơn trong đêm trường vắng lặng nơi rừng già thăm thẳm năm ấy đang có một sự chuyển động lớn từ trong tâm thức. Chỉ một thời khắc nữa thôi, khi những tiếng gáy của những con gà rừng báo hiệu sang canh là vị hành giả ấy đã chứng ngộ đạo quả sau bốn mươi chín ngày đêm chí tâm tham thiền nhập định.

Những  gì tiếp theo sau đó là những sự chứng ngộ tâm thức của ngài cho đến khi sao mai mọc ở cuối trời xa thì ngài hoàn toàn giác ngộ chứng tam minh, lục thông và chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hành giả đó không ai khác hơn là vị thái tử Tất-đạt-đa trước đây của nước Ca-tỳ-la-vệ  đã từ bỏ ngôi vị đông cung thái tử, từ bỏ tất cả mọi thứ tiện nghi vật chất, mọi thứ dục lạc thế gian  mà ngài đang có để dấn thân tìm chân lý giải thoát khổ đau cho vạn loại chúng sinh. Một thân một mình đi vào nơi rừng sâu núi cao, hai lần học đạo đã chứng thành nhưng ngài nhận ra đây chưa phải là con đường giác ngộ rốt ráo. Thế là ngài lại ra đi cùng với những hành giả khác suốt sáu năm ròng tu tập khổ hạnh, ép xác đến  nổi thân thể gầy còm chỉ còn da bọc xương thân tàn lực kiệt đến nỗi ngất lịm suýt chết. Sau khi tỉnh lại, ngài  thọ bát sữa do nàng Sujata dâng và nghiệm ra rằng lối tu khổ hạnh đày đọa thân xác đó cũng không đem laị lợi ích gì cho sự chứng ngộ. Vậy là từ bỏ lối tu khổ hạnh ép xác ngài đã tự chọn cho mình một lối tu hoàn toàn mới do ngài tự nghiệm ra là tham thiền nhập định, quán sát vũ trụ và nhân sinh, quán sát nỗi khổ của chúng sanh sinh tử trong vòng luân hồi để tìm ra chân lý vượt thoát. Cuối cùng sau bốn mươi ngày đêm tham điền nhập định ngài đã chứng đạo và lời đầu tiên của Đức Phật sau khi chứng ngộ là là: “Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.”

Sau khi thành đạo Đức Phật đã dùng thời gian còn lại của cuộc đời là bốn mươi lăm năm du hóa, hoằng truyền chánh pháp cho hàng triệu phật tử xuất gia cũng như tại gia. Quan trọng hơn hết là giáo pháp ấy đã góp phần đưa nhân loại ra khỏi những khổ đau chồng chất của kiếp nhân sinh và được lưu truyền cho đến hôm nay và mãi mãi về sau.

Trong Kinh điển Phật giáo  Nguyên Thủy, sự kiện Đức Phật lịch sử thành đạo được mô tả một cách chi tiết và cụ thể, vào một thời điểm và địa điểm cụ thể. Thánh tích Bồ-đề Đạo Tràng nơi Đức Phật thảnh đạo cũng như các thánh tích khác như nơi Đức Phật đản sanh, Đức Phật chuyển pháp luân, Đức Phật nhập niết bàn hiện vẫn được tôn tạo gọi là Tứ Động Tâm cho tín đồ Phật giáo khắp nơi về hành hương, chiêm bái.  Điều này thuyết phục tất cả những ai có những hoài nghi về thân thế của đức giáo chủ đạo phật.

 Đức Phật đã tự mình tu tập chứng ngộ, một phát hiện chân lý hết sức bất ngờ  nên ngài đã thốt lên: “ Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có  đầy đủ đức tướng, trí tuệ của như lai, vì các thứ vọng tưởng chấp trước che mờ bèn thành lưu chuyển trong sanh tử”Vì thế suốt bốn mươi lăm năm hoằng hóa ngài đã mang đến cho nhân loại một thông điệp là:  TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH,và đức Phật đã kết luận: TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH CÒN CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH. Đức Phật  không có công năng cứu rỗi, ngài chỉ nhận mình là bậc đạo sư là người chỉ đường đi đến giải thoát, đi theo hay không là quyền của chúng sanh,  hoặc chỉ là một vị thầy thuốc tùy bệnh mà cho thuốc, uống hay không là tùy người bệnh..Vì thế bất kỳ ai nếu muốn được giác ngộ giải thoát khổ đau ra khỏi luân hồi lục đạo thì y cứ vào giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo mà tu tập sẽ được thành tựu như sở nguyện.

Đối với quan điểm Đại Thừa Phật Giáo phát triển thì sự kiện Đức Phật thành đạo là một sự thị hiện giữa cõi Ta-bà để tạo một dấu ấn thuyết phục cho chúng sanh, chứ thực ra Đức Phật bản thể vốn không sinh không diệt và ngài thành đạo từ vô lượng kiếp. Ngài quán sát thấy chúng sanh cứ ngụp lặn mãi trong vòng luân hồi lục đạo không có ngày thoát ra khỏi. Đức Phật đã chọn thác sanh tại Ấn Độ, một nơi được xem như có một nền văn minh cổ đại nhất hành tinh, đồng thời cũng là nơi mà sự phân chia giai cấp của con người, sự bất công của xã hội cũng  được xem là nghiêm trọng nhất hành tinh. Một xã hội đầy rẫy những mâu thuẫn và nghịch lý, một xã hội đầy bất công và sự đàn áp giữa những người ở giai cấp trên đối với người ở giai cấp thấp hèn là tàn bạo nhất. Đức Phật đã thị hiện  thác sanh vào dòng họ Thích-ca với vị thế của một đông cung thái tử sẽ là vua nước Ca-tỳ-la-vệ, bao nhiêu tiện nghi hưởng thụ ngài đều có hết, bao nhiêu dục lạc thế gian ngài đều không thiếu. Một địa vị mà hàng triệu người không dám mơ ước, thế nhưng ngài đã rũ bỏ tất cả không một chút tiếc nuối. Điều ngài cần cao thượng hơn nhiều là tìm ra con đường cứu chúng sanh vượt thoát khổ đau, thế là ngài đã vứt bỏ tất cả để tìm chân lý. Ngài đã bỏ tất cả những gì tầm thường nhất để rồi có tất cả những gì cao quý nhất!. Đức Phật thị hiện Ta-bà  chỉ với một đại nguyện: KHAI THỊ CHÚNG SANH NGỘ NHẬP PHẬT TRI KIẾN như ngài đã tuyên thuyết trong kinh Pháp Hoa. Chỉ cho chúng sanh thấy rõ được tri kiến Phật tức là khai mở cho chúng sanh thấy được phật tánh trong từng chúng sanh để mà tu tập và thực hành bồ-tát đạo, thực hành hạnh nguyện tự lợi và lợi tha, trong đó lợi tha được đưa lên trước. Vì lợi ích của chúng sanh được xem như là mục đích tôn chỉ của hành giả. Bồ-tát đạo là chí nguyện cốt tủy của Đại Thừa Phật giáo, mục đích thành tựu của hành giả là chứng Bồ-tát quả vị chứ không phải là A-la-hán như quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy.

Khi xét về ý nghĩa của ngày Đức Phật thành đạo chúng ta cần phải soi xét cả hai phương diện, là sự thành đạo của Đức Phật lịch sử và sự thị hiện của Đức Phật bản thể. Với sự thành đạo của Đức Phật lịch sử thì chúng ta đã được thấy một cách cụ thể qua lịch sử và kinh điển ghi lại, các thánh tích còn ghi dấu tích của ngài đã quá rõ ràng. Hành trình hoằng pháp của ngài suốt bốn mươi lăm năm trên lưu vực sông Hằng, Ấn Độ, đã có vô số chúng sanh có thiện duyên được ngài giáo hóa trở thành đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Đức Phật. Trước khi thuyết giáo ngài đã dùng thân giáo để hóa độ chúng sanh, suốt cuộc đời ngài luôn là  những bài học hữu ích và sống động cho hàng đệ tử noi theo tu tập. Những năm tháng ngài du hóa khắp nơi hầu hết những người đến quy y làm đệ tử Phật trước hết là họ ngưỡng mộ thân tướng và hành vi của Đức Phật trước khi được nghe giáo thuyết của ngài. Trong khi đó giáo lý Đại Thừa  đã mở ra cho cho đạo Phật một con đường mới rộng rãi, thênh thang và thoáng đạt với sự dấn thân phụng sự chúng sanh, không đợi khi chứng quả mới bắt đầu hành trình hoằng hóa mà vừa tu tập vừa hóa độ cho tha nhân,  đó là hạnh nguyện  bồ-tát.  Bồ-tát đạo lấy Bồ-đề tâm làm nguyện, lấy Lục Độ Ba-la-mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ làm phương tiện thực hành, lấy Tứ Nhiếp Pháp gồm pháp bố-thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự làm phương pháp  thâu nhiếp, thu phục chúng sanh, lấy Tứ Vô Lượng Tâm làm nền tảng căn bản tiếp cận chúng sanh.  Điều đáng chú ý là dù thực hành Lục Độ Ba-la-mật hay Tứ Nhiếp Pháp thì bồ-tát luôn đặt sự bố thí lên hàng đầu. Bố thí của bồ-tát hạnh thì dù đó là tái thí, pháp thí hay vô úy thí cũng không đơn thuần là sự cho đi, mà là bố thí trên tinh thần “tam luân không tịch” tức là không bố thí mà không thấy có người cho, không thấy có người thọ nhận, không thấy có của cho và nhận. Tinh thần ấy được Đức Phật nói trong Kinh Kim Cang là bố thì không trụ tướng, không có tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả: “Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ở nơi pháp hãy không chỗ trụ mà hành bố thí. Nghĩa là chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp mà bố thí.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên như vậy mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao thế? Nếu Bồ- tát không trụ nơi tướng mà bố thí, thì phước đức đó chẳng thể nghĩ lường”.

Bồ-tát đạo cũng được Đức Phật tuyên thuyết trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới qua hình ảnh  Bồ-tát Văn Thù tượng trưng cho trí huệ bát nhã khuyên Thiện Tài đồng tử tham vấn 53 vị thiện tri thức để tìm cầu học đạo, hành trình của Thiện Tài đồng tử là quá trình cầu đạo và tu chứng. Biểu hiện cho các giai đoạn chứng ngộ và đi vào Pháp giới từ quả vị Bồ-tát thập tín, cho đến thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa.

Thông điệp thành đạo của Đức Phật bản thể là những sứ giả như lai, những hành giả trên hành trình tu tập và hoằng hóa cần khởi phát bồ-dề tâm và hành bồ-tát đạo, đó là tâm nguyện và pháp hành. Tư tưởng Đại Thừa Phật Giáo rất cởi mở và thoáng đạt, đồng thời với tâm nguyện  đặt nặng tinh thần phụng sự chúng sanh lên trên hết đã đưa Phật giáo ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng nhân loại…

Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật

(bài đã đăng trên trang thuvienhoasen.org)

(Cây bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo)

 

 

 

 

 

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Đồng Nai tổ chức thọ cấp Tín, Tập và khai khóa các bậc học Huynh Trưởng

phuocthanh

BHD Trung ương GĐPT Việt Nam chúc mừng Xuân Vạn Hạnh – năm Nhâm Dần (2022)-PL.2566

Huệ Quang GĐPTVN

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo – Kỳ Cuối

datthinh