Thiền sư Huyền Quang và con đường trầm lặng của mùa thu

Khi Huyền Quang được Pháp Loa chính thức trao truyền y bát, làm tổ thứ ba, kế thừa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1330), năm ấy, Huyền Quang đã 77 tuổi. Tuổi cao cùng với cá tính vốn thích sống trong cô độc của ông, nên ta có thể chắc rằng, Huyền Quang đã phải miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm nặng nề này.

Vì đối với Huyền Quang, dường như chỉ có một khát vọng thôi – đó là được rút lui trở về núi rừng, để tìm lại một non nước xa xôi mà chính ông (hay cả chúng ta nữa) đã đánh mất giữa cuộc đời này.

Đức bạc thường tàm kế tổ đăng,
Không giao Hàn Thập khởi oan tăng.
Tranh như trục bạn quy sơn khứ,
Điệp chướng trùng sơn vạn vạn tằng.

Nhân sự đề CứLan tự

Đc bạc thn mình nối tổ đăng,
Học theo Hàn, Thập dứt đa đoan
.
Hãy đi với bạn về non
ở,
Rừng núi bao quanh mấy vạn tầng
.

(Nguyễn Lang dịch)

Như vậy, tại sao Pháp Loa lại chọn Huyền Quang? Vì sự uyên bác của Huyền Quang chăng? Không còn hồ nghi gì nữa, chắc chắn Huyền Quang không những là nhà thơ lớn mà còn là nhà Phật học lỗi lạc, có thể nói là lỗi lạc nhất trong các học giả của núi Yên Tử thời bấy giờ. “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo rồi, thì không thể thêm hay bớt một chữ nào…” Trần Nhân Tông đã phải hạ bút phê một câu đầy xúc động như vậy khi duyệt lại bản thảo Thích khoa giáo mà chính Trần Nhân Tông đã giao cho Huyền Quang biên soạn.

Nhưng lãnh đạo một giáo hội không có nghĩa là chỉ lo thuần túy về chuyện giáo hội không thôi, mà ở vị trí ấy, dù muốn hay không, cũng phải giữ luôn cả vai trò quốc sư nữa, nghĩa là phải cố vấn cho vương triều Trần cả về chính sách đối nội cũng như đối ngoại, vì Phật giáo lúc bấy giờ đã hiển nhiên là một tôn giáo đang chi phối mọi sinh hoạt của quốc gia Đại Việt.

Như vậy, nếu người lãnh đạo chỉ có uyên bác không chưa đủ, mà còn cần nhiều đức tính khác nữa, như tinh thần nhập thế tích cực chẳng hạn. Nhưng tinh thần này Huyền Quang hoàn toàn không có, ông chỉ muốn rút lui ra khỏi cuộc đời. Nói một cách chính xác hơn, thì Huyền Quang muốn rút lui ra khỏi những trò chơi vô nghĩa của cuộc đời.

Theo Huyền Quang, sở dĩ con người chạy theo quyền lực, lợi danh và giàu sang không biết mệt mỏi, vì con người quên mất rằng mình chẳng là gì cả, mà thực ra chỉ là một sinh vật nhỏ bé đáng thương đang băng hoại một cách nhanh chóng giữa dòng thời gian vô tận.

 

Huyền Quang muốn đánh thức giấc ngủ mê của con người dậy, chỉ khi nào con người từ bỏ những trò chơi vô nghĩa và phù phiếm này, thì mới có một cái nhìn khác về cuộc đời:

Phú quý phù vân trì vị đáo,
Quang âm lưu thủy cấp tương thôi.
Hà như tiểu ẩn lâm tuyền hạ,
Nhất tháp tùng phong trà nhất bôi.

Tặng sĩ đồ tử đệ

Giàu sang đến chậm như mây nổi,
Năm tháng trôi vèo tựa nước sa.
Rừng suối chi bằng về ẩn quách,
Gió thông một sập, chén đầy trà.

(Huệ Chi dịch)

Có lẽ chính tinh thần có vẻ như tiêu cực triệt để ấy đã khiến Pháp Loa và các nhà lãnh đạo giáo hội Yên Tử phải chọn Huyền Quang chăng?

Trần Nhân Tông xuất gia năm 1299, nhưng trước đó ông đã là một ông vua anh hùng từng lãnh đạo toàn dân đánh tan hai cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông (1285-1288); và cũng là ông vua duy nhất trong các triều đại phong kiến của nước ta đã có một hành vi thiết thực biểu thị sự tôn trọng ý dân khi đất nước lâm nguy. Chẳng phải từ lâu rồi, hội nghị Diên Hồng đã trở thành một biểu tượng trong tâm thức dân tộc, một giấc mơ còn rọi sáng mãi đến nay đó hay sao?

 Một ông vua như vậy mà đi tu, rồi trở thành người đứng đầu giáo hội Trúc Lâm Yên Tử thì chắc chắn phải được sự hỗ trợ tích cực không những của vương triều Trần mà cả toàn thể dân tộc nữa. Nhưng sau hơn một phần tư thế kỷ Phật giáo liên hệ quá mật thiết với triều đình đã đến lúc Pháp Loa và các Thiền sư núi Yên Tử thấy cần phải đưa sinh hoạt của giáo hội mình tránh xa khỏi chốn triều đình chăng?

Dù sao thì việc các nhà sư thân cận với giới quý tộc, hoặc giới này thường lui tới chốn thiền môn, có được giải thích thế nào đi nữa, thì vẫn có hại nhiều hơn là có lợi. Nhất là với Phật giáo, mà mục đích tối hậu vẫn là làm một cuộc giải phóng toàn triệt, mà bước đầu là mỗi cá nhân phải tự mình chặt đứt những hệ lụy của mình với trần gian. Huyền Quang cũng đã từng làm quan, rồi lại xin từ chức mà đi tu, thì chắc chắn Huyền Quang phải xem thường những nơi quyền thế đó rồi. Ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm rằng, đó là lý do đã khiến các Thiền sư núi Yên Tử đưa Huyền Quang lên kế thừa.

Tất cả những người viết sử đều xem giai đoạn Huyền Quang lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm Yên Tử là khởi đầu sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam. Điều đó đúng, nếu ta nhìn trên hình thức tổ chức, vì dưới sự lãnh đạo của Huyền Quang, những hình thức để củng cố cơ sở của giáo hội như đắp tượng Phật, đúc chuông, xây chùa tháp, phát triển kinh tế tự túc cho các thiền viện, đều gần như ngưng trệ, nếu ta so sánh với thời gian trước, nghĩa là dưới thời Trần Nhân Tông và Pháp Loa lãnh đạo.

Nhưng chính sự phát triển hình thức quá mạnh trước đó buộc Huyền Quang phải gánh lấy tai tiếng trên hai vai gầy yếu của mình. Thực ra, những hình thức tổ chức thì không có gì hại cả, mà còn là một phương tiện cần thiết để truyền bá đạo pháp nữa. Nhưng thời nào cũng vậy, cũng đầy dẫy những con người có tâm địa xấu xa, chính những người này đã lợi dụng những hình thức tổ chức đó để mưu đồ bất chính cho bản thân mình.

Một số tu sĩ thời đó đã khoác áo tu chắc chắn vì thời thế nhiều hơn là vì lý tưởng giải thoát. Một nhà Nho đã viết: “… Vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa. Bọn áo thâm áo vàng tụ tập ở đấy không cày mà ăn, không dệt mà mặc; những người thất phu thất phụ thường bỏ nhà cửa, bỏ làng xóm lũ lượt đi theo…”. Những lời trên có thể đã phản ánh rất đúng về thực trạng của Phật giáo Việt Nam đang trong thời kỳ cực thịnh đó. Nhưng điều cần bàn ở đây là thái độ bài bác Phật giáo của Trương Hán Siêu,chắc chắn Trương Hán Siêu không phải lên tiếng trong tinh thần:

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dầu thấy bất bằng mà tha.

Mà lên tiếng chỉ vì lòng ganh tị hẹp hòi của một Nho sĩ đối với Phật giáo. Nhưng nói cho cùng, các nhà Nho ganh tị với Phật giáo cũng là một điều dễ hiểu, vì suốt cả đời họ, việc đeo đuổi đèn sách chỉ có mỗi một đích duy nhất: kiếm cho được một địa vị, trở thành ông quan để hưởng vinh hoa phú quý!

Đó là kết quả tất nhiên của cái học từ chương, cái học cứng nhắc, quá lắm cũng chỉ tạo ra được một Tô Hiến Thành hay một Chu Văn An, tức là những ông quan liêm chính, mẫu mực của triều đình. Nhưng khi những nhà Nho ganh tị với Phật giáo mà họ lại quên mất điều quan trọng này, rằng những con người ngoại lệ, những kẻ khai sơn phá thạch đều xuất thân từ những nền văn hóa từ chối giáo điều, có nghĩa là nền văn hóa đó phải khuyến khích tự do sáng tạo, tự do tư tưởng, và nhất là không chấp nhận những công thức đã có sẵn từ trước.

Bởi vậy, chính Vạn Hạnh Thiền sư đã chỉ đạo Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (thủ đô Hà Nội hiện nay). Phải từ kinh đô mới này mà ý thức tự chủ và tự cường của dân tộc mới phát triển đến cao độ. Chính cái ý thức này đã làm cho đất nước hùng mạnh trong gần năm thế kỷ, và ý thức đó chỉ tàn lụi vào cuối đời Trần, nghĩa là khi Phật giáo đã mất dần ảnh hưởng, để nhường chỗ lại cho ý thức hệ Nho giáo.

Nhưng dù sao, thì việc Trương Hán Siêu và các Nho sĩ đời Trần lên tiếng bài bác Phật giáo cũng đã để lại cho ta một bài học vô cùng giá trị. Bài học đó, theo thiển ý người viết, giản dị như thế này: Phật giáo nên rút lui sau khi đã hoàn thành sứ mạng cứu giúp cuộc đời, và không nên tìm một chỗ đứng trong chính sự để củng cố và phát triển tôn giáo của mình.

Huyền Quang dù bấy giờ đã là người đứng đầu giáo hội Trúc Lâm Yên Tử vẫn không đến ở và làm việc tại chùa Quỳnh Lâm và Báo Ân, như Pháp Loa trước đó đã làm. Trái lại, Huyền Quang về ẩn cư luôn ở núi Thanh Mai và Côn Sơn cho đến khi mất, bởi lẽ khi đọc lại các sử liệu, ta thấy Quỳnh Lâm và Báo Ân là những chùa quá giàu có, vì được sự hỗ trợ tích cực của vương triều Trần. Có phải Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua? Đồng thời ông muốn vạch một hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng? Vì với những con người đang đeo đuổi giấc mộng giải thoát thì núi rừng và những con đường mịt mù đầy cát bụi ở những nơi chốn xa xôi kia mới chính là chỗ tới lui đích thực của đời mình.

Khi đã về với núi rừng rồi. Huyền Quang đã tự bày tỏ:

Bào chuyết vô dư sách

Giữ thói vụng về, không có mưu chước gì

Câu thơ ấy, Huyền Quang làm khi đã về ở trên núi Yên Tử, và bộc lộ rõ trong bài Yên Tử sơn am cư.

Am bức thanh tiêu lãnh,
Môn khai vân thượng tằng.
Dĩ can Long Động nhật,
Do xích Hổ Khê băng.
Bão chuyết vô dư sách,
Phù suy hữu sấu đằng
Trúc lâm đa túc điểu,
Quá bán bạn nhàn tăng.

Yên Tử sơn am cư 

Am sát trời xanh lạnh
Cửa mở trên t
ng mây,
Động rồng trời sáng bạch
Khe hổ lớp băng dày
.
Vụng dại mưu nào có
Già nua gậy một cây
,
Rừng tre chim chóc lắm
Quá nửa bạn cùng thầy
.

(Đỗ Văn Hỷ dịch)

Những ai đã từng sống trên núi cao, hay nói một cách khác đang nuôi dưỡng ngọn núi cao ngất ngưởng trong hồn mình, thì niềm vui đến với họ cũng rất giản dị. Bởi vì niềm vui đó được trào vọt ra từ chính đời sống nội tâm tràn đầy của họ. Sở dĩ đời sống của chúng ta trở thành rối rắm và phức tạp, kể cả việc tranh giành và sát phạt lẫn nhau, cũng chỉ vì chúng ta cứ đuổi bắt hoài những niềm vui đến từ bên ngoài đó thôi.

Đối với những kẻ chỉ biết thú vui vật dục tầm thường thì ngồi nhìn cuộn khói tỏa ra từ bếp lửa trong đêm sắp tàn, thấy có gì vui đâu? Vậy mà Huyền Quang cùng với chú tiểu đồng dường như bắt gặp được niềm vui chứa chan trong lòng.

Ổi dư cốt đột tuyệt phần hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả suy thương hòa thái thác
Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang

Địa lô tức sự 

Củi hết, lò còn vương khói nh,
Sơn
đồng hỏi nghĩa một chương kinh.
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo,
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.

(Nguyễn Lang dịch)

Nhưng khi một người đã can đảm vứt bỏ hết tất cả những hệ lụy của cuộc đời, thì người ấy sẽ sống bằng cách nào? Sống bằng chính sức mạnh nội tâm của họ. Chính sức mạnh kỳ lạ này, mà đã biết bao nhiêu bậc hiền nhân trác việt tự bao đời, đã lên đường để đến những nơi thâm sơn cùng cốc, tìm kiếm cho được sự thanh bình trong chính họ.

 

Huyền Quang đã lên đường, và chắc là ông đã bước vào được cõi ấy rồi? Vì tiếng thơ của ông như tỏa ra một niềm bình an vô hạn.

Tổ phụ điền viên nhậm tự sừ
Thiên thanh bàn khuất nhiễu ngô lư
Mộc tê song ngoại thiên cưu tịch
Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư

Trú miên 

Vườn tược cha ông mặc sức cày,
Quanh nhà xanh nượp mấy hàng cây.
Ngoài song, cành quế chim cưu vắng,
Gió mát, triền miên giấc ngủ ngày

(Kiều Thu Hoạch dịch)

Phản quan trần thế giới,
Khai nhãn túy mang mang.

Ngoảnh nhìn lại cõi đời bụi bặm,
Mở mắt, mà dường như say choáng váng

Hai câu thơ trên được xem như sự bày tỏ quan niệm của Huyền Quang về cuộc đời. Theo ông cuộc đời dù đau khổ, nhưng cuộc đời vẫn đứp, đó chính là sức quyến rũ kỳ lạ của nó. Dù có đau khổ, nhưng chẳng phải mỗi năm bông cúc vàng vẫn cứ nở để báo mùa thu mênh mông đang trở về cùng với sương mù và giá lạnh:

Niên niên hòa lộ hướng thu khai,
Nguyệtđạm phong quang thiếp thốn hoài.

Cúc hoa 

Thu về, móc nhẹ cúc đơm bông,
Gió mát trăng thanh dịu nỗi lòng
.

(Băng Thanh dịch)

 Và trên những nẻo đường của trần gian, dù vẫn đầy cát bụi nhưng những nàng con gái đôi tám xinh đẹp vẫn cứ ngồi dệt mộng yêu đương, khi mùa xuân chợt đến.

Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.

Xuân nhật tức sự 

Người đp tuổi vừa đôi tám ngồi thêu gấm chậm rãi,
Dưới lùm hoa tử kinh đang nở, líu lo tiếng chim oanh vàng
.
Thương biết bao nhiêu cái ý thương xuân của nàng,
Cùng dồn lại ở một giây phút dừng kim và im phắc
.

Dù đó là bài thơ Thiền thuộc đời Tống của Trung Quốc, như một bài báo gần đây nhất đã tìm được xuất xứ, nhưng bài thơ vẫn là bài thơ của thế giới Thiền. Như vậy ta có thể đoán rằng, khi Huyền Quang ghi lại bài thơ này vào trong tập thơ của mình, Huyền Quang chỉ muốn dùng bài thơ đó để phát biểu một điều mà ngôn ngữ bình thường không thể diễn đạt được.

Huyền Quang muốn nói lên điều gì qua bài thơ đó? Sự chuyển hóa nội tâm chăng? Có thể xem đó như là một biến cố quan trọng, mà bất cứ một Thiền sư nào cũng đều phải trải qua. Khi cái giây phút mầu nhiệm ấy đến rồi, thì một thế giới mới sẽ hiện ra; và kể từ đây cuộc đời các thiền sư sẽ không còn tù túng, chật hẹp, không còn cũ kỹ, nhàm chán và vô vị nữa. Một đời sống mới vừa bắt đầu.

Phải chăng, các Thiền sư muốn tạm ví cái giây phút đó giống như cái giây phút mà người con gái lần đầu chợt biết rung động, cái giây phút mà trong bài thơ đã gọi là Tận tại đình châm bất ngữ thì (Cùng dồn lại ở một giây phút dừng kim và im phắc).

Có một số ngươì từ lâu vẫn ngạc nhiên không ít về nội dung của bài thơ ấy. Sự thắc mắc này chỉ đúng đối với chúng ta, những người còn đang muốn chinh phục và chiếm hữu cái đẹp về riêng cho mình. Bởi vì còn muốn chiếm hữu nên ta mới phân biệt cái đẹp này tốt và cái đẹp kia xấu, nên chọn cái này và không nên chọn cái kia.

Các thiền sư thì đã vượt qua được giới hạn ấy, vì họ trực nhận được rằng, tất cả cái đẹp bên ngoài chỉ là sự phóng hiện cái đẹp từ bên trong. Nếu trong ta có vạn đóa hoa và vạn cánh bướm đang bay chập chờn, thì vũ trụ lúc ấy cũng tràn ngập hoa và bướm. Vậy thì, có ích không nếu ta cứ tiếp tục đi tìm hoa và bướm ở bên ngoài?

Một bữa nọ, chắc là Huyền Quang vừa rời am Thiền để đi dạo, chợt gặp mấy cô gái đang hái hoa cúc và cài lên mái tóc của mình, Huyền Quang như muốn trách nhẹ với họ:

Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai.

Thật đáng cười kẻ không hiểu về huyền diệu của hoa,
Đến đâu là hái hoa dắt đầy đầu mà về

Khi ta không còn phân chia giữa ta và thế giới nữa thì mọi sự chung quanh ta không phải là cái gì đối nghịch, hay xa lạ với chính ta, thực ra là bạn bè đã cùng rong chơi từ muôn thuở trước.

Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh

Người và vật hồn nhiên không tranh cạnh

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà có được cái đẹp trọn vứn như vậy, mà phải trải qua biết bao là khổ luyện mới thành tựu được:

Vương thân vương thế dĩ đô vương,
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.

Cúc hoa, bài III 

Quên mình, quên đời, đã quên tất cả,
Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường
Cuối năm ở trong núi không có lịch,
Thấy cúc nở biết rằng đã tiết trùng dương

Khi một nhà hiền triết lánh đời để sống ẩn dật trong rừng sâu, một lãnh tụ xuất chúng hy sinh quên mình để cải tạo xã hội, một nhà thơ miệt mài làm thơ để ca tụng vẻ đẹp của cuộc đời, hay một thiền sư tịch cốc để đối mặt với khoảng vắng lặng mênh mông. Tất cả những việc làm đó của họ, không ngoài mục đích nào khác hơn là khai phá cho được một con đường để tự cứu mình và từ đó, giải phóng luôn những thống khổ muôn đời của kiếp người.

Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha,
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la.
Dĩ hĩ thành thiền tâm nhất phiến,
Cùng thanh tức tức vị thùy đa,

Sơn vũ 

Gió thu khuya khoắt thoảng hiên ngoài,
Quạch qu
ẽ nhà non lấp ruổi gai.
Thôi đã theo
thiền lòng lặng tắt,
Nỉ non tiếng dễ vẫn vì ai?

(Huệ Chi dịch)

Khi tấm lòng họ đã hiến dâng trọn vẹn cho sự thống khổ của con người, thì bất cứ tiếng rên la kêu cứu nào, họ cũng đều lắng nghe.

Khóa huyết thư thành dục ký âm
Cô phi hàn nhạn tái vân thâm
Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt
Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm

Ai phù lỗ 

Chích máu thành thư gửi mấy dòng,
Lẻ loi nhạn lạnh, ải mù khơi.
Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ ?
Xa cách nhưng lòng chỉ một thôi.

(Huệ Chi dịch)

Bởi vậy, lý thuyết nào không giải quyết được sự đau khổ của con người thì nhất định lý thuyết đó sẽ bị con người loại bỏ, và đương nhiên cũng sẽ trở thành lỗi thời.

Dường như cuối cùng chỉ còn có tình thương, vì sự thống khổ của con người (chứ không phải lý thuyết) mới không bao giờ lỗi thời mà thôi.

Thích Phước An

* Trích trong Đường về núi cũ chùa xưa, Thích Phước An, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008.

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Quảng Đức Sài Gòn tổ chức đêm Văn nghệ cúng dường Phật Đản

phuocthanh

Lễ tấn phong cấp Dũng năm 2017 – PL 2560

nhuanphap

GDPT Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức giai đoạn 2 Liên trại HLHT A Dục 12-Lộc Uyển 18

Tâm Lễ