Tưởng nguyện húy nhật Cố Hòa thượng Thích Tâm Thanh

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế, Khai Kiến Vĩnh Minh Tự Viện, Húy Thượng TÂM Hạ THANH, Tự GIẢI TỊNH, Hiệu CHƠN NGHIÊM Giác Linh Hòa Thượng

Viện chủ VĨNH MINH tự viện. Ân sư Cố vấn Giáo hạnh BHD Trung ương GĐPT Việt Nam

Thu thần thị tịch ngày 13 tháng 2 nhuận năm Giáp Thân (2004)

TIỂU SỬ

CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM THANH

(1931-2004)

I. THÂN THẾ

Hòa Thượng Thích Tâm Thanh tự GIẢI TỊNH, hiệu CHƠN NGHIÊM. Thế danh Lê Thanh Hải, sinh năm Tân Mùi (1931) tại xứ Mã Châu, xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Thân phụ là Bồ tát giới Thị Tịnh Lê Nghiêm, tự Dương Cần, hiệu Viên Minh. Cụ xuất thân nơi cửa Khổng sân Trình, nguyên là một chánh Tổng tại địa phương. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Qua.

Do vậy, từ nhỏ Hòa Thượng đã làm quen và thâm nhập nền đạo học Đông Phương Khổng Mạnh lại học trường Tây, thông thạo Pháp ngữ từ thuở ấu thời, nên Ngài kết hợp và dung hoà được cả hai truyền thống văn hoá Đông – Tây. Hoà Thượng đã lớn lên với rất nhiều hoài bảo cùng tài năng bẩm sinh. Năm 1941, mới 10 tuổi đã được Đốc học địa phương chọn làm đại diện cho học sinh trong Tỉnh phát biểu cảm tưởng của học sinh trong lễ cung đón Hoàng đế Bảo Đại vào thăm Quảng Nam.

Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống Phật giáo nên được thân phụ cho đi sinh hoạt trong tổ chức Đồng Ấu Phật tử, Gia đình Phật Hóa Phổ, rồi Gia Đình Phật tử Việt Nam. Ở tuổi thanh niên Ngài là một Huynh trưởng đa năng. Là một nhà Thư pháp, một nhà hùng biện, một họa sĩ, đặc biệt là tài viết chữ, nội ngoại điển đều thâm sâu.

Là một thành viên nòng cốt của tổ chức Gia Đình Phật Tử Quảng Nam, Hoà Thượng đã cống hiến hết mình cho tổ chức và trong mùa Pháp nạn 1963, Hoà Thượng đã đồng cam cộng khổ cùng chư tôn đức cũng như GĐPT Quảng Nam đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo. Trong mùa Pháp nạn nầy, Hoà Thượng bị chính quyền Ngô Đình Diệm đánh đập dã man và vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần cũng chỉ vì bảo vệ Đạo pháp và sự tự do bình đẳng của Dân tộc.

Vốn thấm nhuần tư tưởng OÁN THÂN BÌNH ĐẲNG, TINH THẦN VÔ NGÃ VỊ THA, TINH THẦN TỰ DO VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI. Ngài đã quy y Tam bảo thọ trì 5 giới, bổn sư là Hòa Thượng Phổ Thiên, húy thượng Trừng hạ Kệ tự là Như Nhu, hiệu Tôn Thắng và được Hoà Thượng ban cho pháp danh là TÂM THANH.

Huynh Trưởng Tâm Thanh – Lê Thanh Hải
(Thời sinh tiền của Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh)

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Chính sự hăng say công tác và nhận thức đứng đắn đã thúc đẩy Hoà Thượng xuất gia tu học. Năm 1963, Hoà Thượng được Hoà Thượng thượng Chơn hạ Ngọc hiệu Long Trí thế phát trước sự chứng minh của chư Tôn đức tại Quảng Nam và sự tham dự của toàn thể Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Nam. Sau khi xuất gia được Hòa Thượng Long Trí cho theo học tại Phật học viện Phổ Đà – Đà Nẵng. Nhận thấy Ngài có tài năng xuất chúng, Hoà Thượng Phổ Thiên cùng Hoà Thượng Long Trí đã đưa Ngài vào SaiGòn tu học.

Năm 1964, Ngài được Hòa Thượng Long Trí cho thọ giới Sa Di với Pháp tự là GIẢI TỊNH và được Ban Giám học gởi vào Cao Đẳng Phật học viện Huệ Nghiêm. Năm 1966, Ngài thọ Cụ Túc giới tại Đại Giới Đàn Quảng Đức do Hòa Thượng Thích Thanh Thạnh làm Đàn Đầu và Hòa Thượng Phổ Thiên cho Pháp hiệu là CHƠN NGHIÊM.

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Sau khi Tốt nghiệp Cao Đẳng Phật học Huệ Nghiêm khóa đầu tiên, Ngài đã trở thành vị giảng sư nổi tiếng của Giảng sư Đoàn Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, được Cố Hoà Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Thích Thiện Hoa mời về chùa Ấn Quang để điều phối đi thuyết giảng khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam. Đầu tiên, Ngài được Hoà Thượng Thích Trí Hữu – người khai sơn Tổ Đình An Quang mời về quê hương Quảng Nam Đà Nẵng thuyết pháp. Những pháp âm đầy đạo vị bắt đầu vang vọng từ quê hương lan đến khắp các Tỉnh thành từ Quảng Trị vào đến Cà Mau.

Năm 1969, Ngài về nhận chức Chánh đại diện GHPGVNTN khu Bảy Hiền, thuộc tỉnh Gia Định. Nơi mà đồng bào Quảng Nam vào lập nghiệp lánh nạn chiến tranh. Thầy đã bắt tay trùng tu chùa Phổ Hiền và thành lập GĐPT Đức Trung. Vận động cư dân mở con đường Hồ Tấn Đức – nay là đường Võ Thành Trang xây dựng trường Bồ Đề HẠNH ĐỨC (tức là trường Võ Văn Tần ngày nay) và giữ chức Giám đốc điều hành trường này. Tuy vậy, việc thuyết giảng do Ban Hoằng Pháp Viện Hóa Đạo điều động Thầy vẫn nghiêm túc chấp hành, Ngài còn đi giảng dạy tại các Phật Học Viện Dược Sư, Từ Nghiêm v.v.. tại Saigon. Thầy còn giữ quyền Giám đốc Ký nhi viện Quách Thị Trang khi Hòa Thượng Thích Nhật Thiện bận Phật sự ở xa.

Năm 1971, Thầy lên Đại Ninh thăm Hòa Thượng Thiền Tâm – giáo thọ trưởng Phật học viện Huệ Nghiêm, tác giả cuốn sách nổi tiếng NIỆM PHẬT THẬP YẾU, đang nhập thất tại trú xứ HƯƠNG NGHIÊM. Thầy được Hòa Thượng giới thiệu gặp Phật tử Mười nhận quả đồi ở phía trên tu viện Hương Nghiêm do Phật tử này hiến cúng. Thầy bắt tay xây dựng một thạch thất nhỏ nơi núi rừng hoang vắng nầy để về tịnh dưỡng sau những ngày đi thuyết pháp và làm Phật sự khắp nơi. Sau lễ Phật đản năm 1973 Ngài quyết định nhập thất chuyên tu thiền định với công án tử sanh.

Đầu năm 1975, tình hình chính sự đất nước có sự biến đổi, Thầy đã quyết định rời thất một thời gian về lại chùa Phổ Hiền cùng đồng bào Quảng Nam chạy nạn chiến tranh vào an trú nơi đây để họ an tâm vượt qua những đổi thay có tầm vóc lịch sử. Ngài chuẩn bị lương thực, y tế và đặc biệt cố vấn tinh thần cho đồng bào Phật tử khu Bảy Hiền trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng nầy.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, hoà bình lập lại, xã hội từng bước được bình ổn, Thầy trở lại núi rừng Đại Ninh với thạch thất nhỏ bé.

Tháng 10 năm 1975, Thầy lại trở về vận động trùng tu chùa Phổ Hiền thành ngôi chùa khang trang, tráng lệ, khánh thành vào tháng 7 năm 1976. Khi công việc trùng tu xong, Thầy quay về Đại Ninh tĩnh tu.

Năm 1978, Thầy về Quảng Nam trùng tu chùa Ba Phong và nhiều ngôi chùa khác tại quê hương Duy Xuyên – Quảng Nam.

Năm 1981, Ngài bắt đầu giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Linh Phong, thành phố Dalat. Đây là thời kỳ mà pháp âm của Ngài tuôn chảy như suối nguồn bất tuyệt.
Năm 1982, cụ thân sinh của Ngài an tịch sau 47 năm trường trai Bồ tát giới và hơn 10 năm được Ngài phụng dưỡng sớm hôm. Từ đó Ngài bớt đi giảng ở phương xa, thường xuyên ở nhà ra mộ Cụ thắp hương mỗi ngày 3 lần trước bữa ăn.

Năm 1983, nhận thấy duyên hoá độ có nhiều thuận lợi, Thầy quyết định xây chùa ngay phía trên tịnh thất Chơn Nghiêm lấy hiệu là VĨNH MINH Tự Viện – với ý xiển dương PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ của Ngài VĨNH MINH DIÊN THỌ – tổ thứ 6 của TỊNH ĐỘ TÔNG. Lại có ý ghép tên Tổ VĨNH GIA – một vị Tổ sư cận đại tại Quảng Nam và tổ MINH HẢI – Tổ sư khai sơn môn phái Chúc Thánh. Ngôi chùa nhỏ nhắn nơi núi đồi Đại Ninh thơ mộng đã trở thành điểm tựa tinh thần cho dân chúng khắp các làng quê Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng. Pháp âm Tịnh độ được vang vọng mỗi chiều cho Tăng Ni và Phật tử tại trú xứ về nghe, giới hạnh và lòng vị tha của Ngài cứ mãi lan tỏa từ địa phương đến các tỉnh thành và hải ngoại.

Năm 1993, Ngài lại vận động đại trùng tu Vĩnh Minh Tự Viện, từ đó về sau cứ mỗi năm Ngài lại khánh thành một công trình nhân ngày kỵ Tổ Phổ Thiên, từ Giảng đường, Khách đường, Tăng xá, Pháp bảo, các tượng đài, Bảo tháp v.v…, khiến Vĩnh Minh tự viện trở thành một Tòng lâm nổi tiếng với cảnh trí hài hoà u nhã. Ngài còn xây dựng Ni viện Diệu Nhân để hoá độ Ni chúng. Đồng thời Ngài cũng vận động tráng nhựa hương lộ Phú An, làm cầu treo qua sông Thiện Chí, đóng góp hạ lưới điện từ đường quốc lộ vào chùa cùng rất nhiều hoạt động từ thiện phúc lợi nhân sinh. Ngoài ra Ngài còn thỉnh Đại Tạng và Tục Tạng kinh về tôn trí tại ngôi Pháp bảo của chùa, tổ chức cho Tăng chúng soạn thảo mục lục Đại tạng.
Từ đó, pháp âm từ núi rừng Đại Ninh vang vọng nên chư Tăng Ni và Phật tử khắp mọi nơi về thọ giáo quy y.

Cũng trong năm 1993 khi đang dạy tại trường Cơ Bản Phật học Lâm Đồng, được tin anh Nguyễn Khắc Từ mất, sau khi dạy xong, từ trường Thầy về thẳng Saigon đến chùa Vạn Phước, nơi đang cử hành Tang lễ Anh Từ vào lúc 9 giờ đêm, đúng lúc đang làm lễ Tịch Điện. Trước linh đài Thầy đã nói chuyện cùng Anh Từ và toàn thể anh chị em Huynh trưởng các nơi về dự lễ. Với tất cả lòng chân thành,Thầy nhắc lại : “Ngày xưa, nhờ sự dẫn dắt của Anh Từ, chị Cúc, tôi đã trở thành một đoàn sinh, rồi một huynh trưởng GĐPT và hôm nay trở thành một Tăng sĩ. Tôi đã làm Phật sự trong suốt bao nhiêu năm qua, nhưng trong tâm tư tôi vẫn còn mang hình ảnh của một HT, bất cứ nơi nào có màu Lam, nơi nào có sinh hoạt GĐPT, tôi vẫn tưởng rằng tôi còn là một đoàn sinh, còn là một HT của năm xưa. Thầy đã phát biểu: “Đời sống của Huynh trưởng chúng ta giống như một con tằm, con tằm chỉ ăn một thứ lá dâu xanh mà thôi, còn những thứ lá khác dẫu có ngon ngọt đến bao nhiêu cũng không trêu nhử được nó. Tằm ăn lá dâu xanh để nhả cho đời những sợi tơ vàng óng ánh!” Lời phát biểu trên đã được anh em huynh trưởng khắc ghi trong tâm làm hành trang cho mình trong suốt cuộc đời làm huynh trưởng, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay với muôn vàn chướng duyên đang bủa vây. Và cho đến hôm nay lời phát biểu trên đã trở thành Lời Di huấn thiêng liêng mà mỗi huynh trưởng GĐPT chúng ta luôn tâm niệm.

Đầu năm 1995 Thầy khánh thành VĨNH MINH tự viện. GĐPTVN nhân Phật sự đặc biệt nầy, tất cả đại diện BHD GĐPT toàn quốc gồm 46 phái đoàn nhân đây tiến hành Đại Hội bỏ túi, bổ sung toàn bộ cơ cấu tổ chức nhân sự dưới chân Đài Lục Hoà, xây dựng cấp tốc đề án sinh hoạt, phát động phong trào về nguồn rầm rộ. Đồng phục, huy/phù/cấp hiệu các cấp đều được công khai tổ chức và Huynh trưởng các cấp phát tâm lập nguyện nhất hướng tu hành. Đây là một thành công sau đúng 20 năm nước nhà được hoà bình thống nhất.

Hàng năm nhân về dự Hiệp Kỵ GĐPT tại Dalat, anh chị em Huynh Trưởng từ các nơi về đều ghé Đại Ninh thăm chùa, thăm Thầy, được nghe những bài thuyết pháp thật sâu sắc, những lời chỉ giáo ân cần, thiết thực cho tổ chức – nhất là trong hoàn cảnh hiện nay GĐPT còn phải chịu đựng quá nhiều chướng duyên, nghịch cảnh. Thầy đã đến với chúng con, đã tiếp thêm sức cho chúng con vững tin vào Đạo pháp và lý tưởng GĐPT. Thầy đã dạy: “Lời phát nguyện của HT chúng ta phải như phiến đá trên đường rừng, ý chí của chúng ta phải như cành thông không hề khô héo khi mùa đông, như lá thông không hề rơi rụng khi gió thổi, tâm thành của chúng ta phải như liễu xanh soi bóng bên bờ sông, dù đường sá có gập ghềnh, ngày tháng có dài lâu cũng không sờn lòng, không nản chí. Chúng ta chỉ nguyện như thế, tâm thành của chúng ta như thế, còn thừa nhận hay không thừa nhận, điều đó chúng ta đừng quan tâm. Chúng ta chỉ biết rằng chúng ta có tôn trọng màu Lam hay không? Chúng ta có giữ vững ý chí hay không? Chúng ta có làm tròn trách nhiệm của một Huynh Trưởng lo cho đàn em hay không? Có phẩm đức nào bằng chiếc áo Lam của chúng ta, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh cho lý tưởng GĐPT. Ôi! Những lời dạy thật thắm thía và chân tình đã khắc ghi vào tâm khảm anh chị em Huynh Trưởng.

Rồi những bài ca được bắt lên, hòa với lời ca của anh chị em, Thầy cũng hát những bản nhạc do Thầy sáng tác, những bài ca đầy đạo vị, thắm đượm đạo tình là những giây phút cho Thầy gợi nhớ lại thời thanh niên còn sinh hoạt với GĐPT.
Các đơn vị GĐPT tổ chức trại hè hàng năm lần nào cũng về thăm Vĩnh Minh. Tuy trong thời gian nhập thất, nhưng nghe tiếng ca hát của các em vang vọng ngoài sân chùa, biết là có GĐPT đến, Thầy bảo thị giả cho anh em vào thăm Thầy, rồi những bửa cơm chay đạm bạc, những trái bắp tươi, những ly chè bắp nóng hổi Thầy đã bồi dưỡng cho anh chị em. Ôi! Những tình cảm thân thương Thầy dành cho GĐPT kể sao cho xiết!

Thầy là vị giáo thọ đầy lòng bao dung đối với GĐPT. Anh chị em HT bậc Lực các nơi tìm về Vĩnh Minh thỉnh Thầy giảng các bộ kinh Đại thừa nằm trong chương trình tu học, được Thầy giảng dạy rất tận tâm. Cho đến lần cuối cùng trước ngày Phật Đản PL 2547 vừa qua, BHDƯ về thăm Thầy trước khi Thầy nhập thất tĩnh tu, cũng đã được nghe Thầy giảng tóm tắt tinh yếu kinh Hoa Nghiêm, không ngờ lần giảng nầy lại là lần cuối cùng, anh chị em Huynh Trưởng sẽ không bao giờ được nghe pháp âm vi diệu với giọng nói hiền hoà, lời giảng vui tươi pha chút dí dỏm không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm anh em HT chúng ta.

Và cũng chính nương nơi giới đức hành quả của Thầy, cùng sự hộ trì của Thiên Long Bát Bộ, Hộ pháp tôn thần, mỗi năm Thầy lại khánh thành một công trình nhân ngày kỵ Tổ Phổ Thiên, khiến tự viện đã trở thành TÒNG LÂM nổi tiếng. Thầy cũng vận động trải bê tông nhựa nóng hương lộ Phú An, làm cầu treo qua sông Thiện Chí v.v…

GĐPTVN cũng theo bước chân Thầy mà từng bước hoàn thiện các công trình thăng tiến tổ chức. Nào là:

– Khai khoá bậc Lực 5 năm toàn quốc, nay đã đến khoá 8.
– Kiện toàn tài liệu tu học bậc KIÊN, TRÌ, ĐỊNH, LỰC.
– Tục bản và phát hành nội bộ trên 50 đề sách giáo khoa tham khảo dành cho Huynh Trưởng, Đoàn sinh GĐPTVN.
– Tiến hành Đại hội 1998, bầu Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, phổ biến đề án sinh hoạt 1998-2002
– Mở trại đào tạo chuyên năng Phú Lâu Na.
– Mở trại Vạn Hạnh 3,4,5
– Cải cách chương trình tu học và đào tạo từ đoàn sinh đến Huynh Trưởng.

Thầy đã tùy duyên giữ các chức vụ để thân cận dạy dỗ dắt dìu Tăng Ni sinh hậu tấn kế thừa.

Năm 2003, nhân ngày kỵ Tổ Phổ Thiên, Thầy khánh thành bảo tháp Xá Lợi MINH TÍCH ẤN, công trình cuối cùng của đời mình. Trước sự chứng minh của Đại lão Hoà Thượng Thích Từ Mãn và chư tôn đức trong môn phái. Ngài phó chúc cho Đại Đức Thích Nguyên Hiền kế vị trụ trì VĨNH MINH Tự Viện và phát nguyện nhập thất tĩnh tu quyết liễu sanh thoát tử.

Ngày 20/4 Quí Mùi lễ nhập thất của Ngài được long trọng tổ chức dưới sự chứng minh của Hoà Thượng Pháp Chiếu cùng đông đảo Phật tử gần xa và đặc biệt với Huynh Trưởng GĐPTVN kết thúc khoá hội Hoa Nghiêm. Anh chị em đã làm lễ đơn sơ nhưng vô cùng trân trọng, trang nghiêm và đầy đạo tình. BHDTƯ dâng lên Thầy bức tranh để lưu niệm và tiễn Thầy vào thất.

IV. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Tịnh thất CHƠN NGHIÊM tọa lạc sau khu Pháp bảo yên tĩnh. Hoà thượng bắt đầu hạ thủ công phu. Thứ lớp ngày nọ nối ngày kia, tháng nầy qua tháng nọ tuyên tụng hết Nikaya đến kinh điển đại thừa và ghi chú những tinh yếu rốt ráo mà Thầy nghĩ kẻ hậu học sơ cơ khi tụng đọc tham khảo nghiên cứu khó có thể liễu ngộ, thành tác phẩm“NHỮNG ĐỀ MỤC QUAN YẾU TRONG KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA” và “NHỮNG ĐỀ MỤC THIẾT CẬN TRONG CÁC KINH NIKAYA” (bao gồm : Tăng Nhất A Hàm, Trung A Hàm. Tạp A Hàm, Trường A Hàm và Tương Ưng bộ).
Suốt gần một năm trời, hoàn tất hai tạng kinh Đại thừa và Nikaya, Ngài lại gia hạnh công phu niệm Phật.

Tiếng Thầy tụng kinh từ tịnh thất vang vọng ra suốt cả ngày đêm đến sau lễ kỵ Tổ rằm tháng hai, năm Giáp Thân, Thầy họp môn đồ và kể lại cho đệ tử nghe về cảnh mộng thấy Chư Thiên thỉnh Thầy lên Đao Lợi thuyết pháp và chư vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền phó chúc Phật sự độ sanh.

Ngày 30 tháng 2 Giáp Thân, Hoà thượng biết cơ duyên hoá độ của mình đã mãn, nên cho gọi các môn đồ ở xa về. Đến ngày 5 tháng 2 nhuận năm Giáp Thân Ngài cho gọi Đại Đức Nguyên Hiền cùng tất cả môn đồ vào tịnh thất để dặn dò mọi việc, khuyến tấn tu trì. Nghe tin nầy Anh Nguyễn Châu Huynh Trưởng cấp Dũng, Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương, cùng một số HT cao cấp cao niên đến thăm Thầy, Thầy chấp tay xá hỏi từng anh, sách tấn nên như Pháp sinh hoạt tu trì. Khi tiễn các anh đi, Thầy cũng tuyên pháp ngữ A Di Đà Phật một cách mạnh mẽ dứt khoát.

Thầy bảo ngày 13 tháng 2 nhuận, mặt trời soi chiếu núi đồi Thầy sẽ ra đi. Môn đồ khẩn thiết xin Thầy trụ thế thêm ít lâu để chúng con được tài bồi. Nhưng Thầy bảo, mọi việc làm muốn được kết quả nhất nhất phải hợp thế đúng thời. Quả vậy, đúng 6 giờ 15 phút ngày 13 tháng 2 nhuận năm Giáp Thân, Ngài đã thu thần thị tịch nhằm ngày 02 tháng 4 năm 2004. Thọ 74 thế tuế và trải qua 40 mùa An cư kiết hạ.

Với hơn 40 năm tu học và hoằng dương đạo pháp, Hoà thượng đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp. Thầy luôn là Yết Ma nghiêm mật. Thầy là vị Giáo thọ chơn tình, đôn hậu, thấu lý đạt tình, luôn lưu lại trong tâm khảm Tăng Ni sinh và Phật tử mười phương những thời Pháp nhủ chuyển hoá tâm địa thính chúng một cách ngọt ngào. Thầy không có chủ trương viết sách, nhưng với những kinh nghiệm tu học, hoằng pháp cũng như khảo cứu của mình Thầy đã để lại những tác phẩm như:

– Danh từ Phật học
– Nghệ thuật diễn giảng
– Những Đề mục quan yếu trong kinh điển đại thừa
– Những phẩm mục thiết cận trong các kinh Nikaya
– Duy Thức dị giảng

Và rất nhiều bài viết khắp các báo chí, tập san, đặc san, kỷ yếu của nhiều đơn vị Phật giáo trong năm thập kỷ qua.

Xuất thân từ tổ chức Gia Đình Phật Tử, Thầy là một Huynh Trưởng cấp Tín trong tổ chức GĐPTVN. Nhận thấy đây là một tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên rất lợi lạc cho đạo đức và văn hoá Phật giáo cũng như Dân tộc nên Ngài luôn quan tâm và gắn bó với GĐPT. Như một tấm gương sáng về giới hạnh và đức độ, như một bóng cây đại thọ ấp ủ, che chở cho tổ chức GĐPT. Ngài đã được suy tôn là Cố Vấn Giáo Hạnh BHDTƯ/GĐPTVN từ năm 1995 cho đến ngày viên tịch.

Và ngay giờ phút Hoà Thượng thị tịch cũng là lúc cửa tùng thứ hai mở cửa để anh chị em có cơ hội hoàn thành một Phật sự quan trọng. Rõ là:

Chốn huyễn hoá – tám vạn khói sương
Ly hợp sắc danh, chiếc áo nâu sòng, cửa Không hương điếm hạnh
Cõi hồng trần – ba nghìn bóng bọt
Tụ tan thân thế – một Đài Sen Trắng
Cõi Tịnh nguyệt cài thơ.

Vẫn biết ngôn ngữ trần phù làm sao mô tả công đức nguyện lực của bậc Thượng trí đại nhân, nên chỉ thành tâm cung kính lưu ghi đôi dòng sử lược như một nén nhang thắp lên đãnh lễ thâm ân của một bậc lương đống trong ngôi nhà Phật pháp.

Ngưỡng nguyện Giác Linh Hoà Thượng Cao đăng Phật quốc và hồi nhập Ta Bà tiếp tục sứ mệnh cao cả thiêng liêng: hoằng hóa độ sanh đồng về bến Giác.

Chấp bút: MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN

Bài khác nên xem

KHÁNH HÒA: BAN HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC TU BÁT QUAN TRAI GIỚI LẦN 2 và LỄ KỲ AN- KỲ SIÊU NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT NEPAL

BHD Gia Định tổ chức Trai đàn chẩn tế – Kỳ siêu Hiệp kỵ PL. 2563

nhuanphap

Nhạc Karaoke: Bé Thơ Đi Lễ Chùa – Giác An

ducquang