Sự tích Nữ Đại Hộ Pháp VISÀKHÀ

Vài lời thưa đầu.

 

Ðức Phật khi sinh tiền, có hai Ðại Đệ Tử Tại Gia, hộ trì Tăng Già (Sangha) nòng cốt, đắc lực nhất, là đại thiện nam Sudattanàthapindika (Tu Ðà Cấp Cô Ðộc) và đại tín nữ Visàkhà (Nguyệt Trang Đài). Câu chuyện ông bá hộ Tu Đà Cấp Cô Ðộc đã được soạn giả dịch xong, ấn tống vào mùa Vu Lan 1993. Bây giờ đến lượt sự tích bà Visàkhà, để hoàn tất công tác dịch soạn ra Việt ngữ cuộc đời đôi nam nữ đại ân nhân của đạo Phật.

Ðối với các hàng thiện tín “Phật Giáo Nguyên Thủy”, cái tên «Visàkhà» không phải là một nhân vật xa lạ gì, nhưng đối với chư Phật tử các môn phái khác, nhất là «Phật Giáo Bắc Tông», thì cái «tên Pàlì» này chưa được nhắc đến cho lắm!

Và để tập sách được phổ biến rộng rãi hơn, chúng tôi đã cố ý làm cho soạn phẩm ít vẻ “kinh sách Nguyên Thủy”. Ðặc biệt là cách dùng từ ngữ, và chuyển hóa một số tên ra tiếng Việt. Các Phật tử “Bắc tông”, khi nhìn danh từ riêng Pàlì “Visàkhà”, có lẽ sẽ do dự trong việc phát âm. Vì vậy, soạn giả mạo muội dịch tên “Visàkhà” ra là “Nguyệt Trang Ðài” (hay gọi tắt: “Nguyệt Trang”).

Lý do chọn các chữ “Nguyệt Trang Ðài” xin được trình bày như sau:

Từ ngữ “Visàkhà”, tuy nghĩa thật là “Nét đẹp tháng Năm”, nhưng khi nó được dùng để đặt tên người, thì nó có thể trùng nghĩa với chữ “Vesàkhà”, một đơn vị thời gian, nằm giữa hai tháng là tháng 4 và tháng 5 Dương lịch. Các quốc gia theo hệ thống Phật giáo Nam Truyền, như Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan, Miến Ðiện, Népal, Ấn Ðộ, Tích Lan v.v… thường gọi khoảng thời gian ấy (nhằm tháng Tư Âm lịch) là tháng “Vesak”.

Vầng trăng rằm của tháng “Vesak” tuyệt đẹp. Vì trong khoảng thời gian này, bầu trời rất trong, khí hậu ấm áp. Vả lại, 3 ngày lễ lớn của Phật giáo là lễ “Bồ Tát Ðản Sanh”, “Bồ Tát Thành Ðạo”, và “Phật Nhập Niết Bàn” cũng trùng vào ngày rằm “Vesak” (hay Tháng Tư Âm lịch), nên Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam còn gọi ngày rằm tháng Tư là «Lễ Tam Hợp» (Ba lễ hợp lại).

Vì các ý nghĩa trên, soạn giả thiết nghĩ, từ ngữ “Visàkhà” có thể “Việt hóa” thành “Nguyệt Trang Ðài”, để diễn tả “đức hạnh của vị nữ Đại Hộ Pháp thời đức Phật còn tại tiền, như một tòa lâu đài chứa đầy ánh sáng dịu hiền, chẳng khác nào ánh sáng tươi mát vô tận, của một đêm trăng rằm không mây”.

Chúng tôi hy vọng sự “chuyển ngữ” này sẽ không lấy gì làm quá đáng! Ngoài ra, trong lần «xem lại và bổ túc» kỳ nầy, soạn giả cũng xin chép lại đoạn tra cứu phần “Ngữ căn” và “Văn phạm” của danh từ Pàlì “Visàkhà”, đã được in nơi trang chót của cuốn “Sự tích Tu Ðà Cấp Cô Ðộc” ấn bản năm 1993, như sau :

«Vi» là một tiếp đầu ngữ, ám chỉ «tiềm lực có nữa», «tái mọc ra lại», «tái phân phối», hay «tái phân thân», -nghĩa là còn sinh sôi tiếp tục..v.v…

«Sàkhà» là một ngữ căn nữ tính, có nghĩa là «vật nhiều chi nhánh», hay «cành lá sum suê». «Sàkhà» cũng ám chỉ người đàn bà có mái tóc đẹp, người đàn bà sinh con nhiều, hay người đàn bà mang nhiều nữ trang. -Còn đối với động vật, hay thực vật, chữ «Sàkhà» nghĩa là có khả năng thay vỏ, lột da, thay lá, để làm trẻ trở lại. (Soạn giả xin cống hiến, để quí vị rộng đường sưu tầm).

Sau hết, chúng tôi xin hồi hướng quả phước soạn dịch này, đến toàn thể dân tộc Việt Nam, nhất là các bậc hữu ân, và thầy tổ của soạn giả. Chúng tôi cũng không quên chia đều công quả nầy, đến tất cả những ai đã tiếp tay trong việc sưu tầm tài liệu, và góp phần đánh máy, vận động tài chánh ấn tống.

Nguyện cho toàn thể nhân loại, chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, cùng mỗi ngày một tiến dần đến ánh sáng giác ngộ, giải thoát.

Nguyễn Điều

–ooOoo–

GIA TỘC

Tám tháng sau khi Bồ Tát Thái tử Sĩ Ðạt Ta đắc đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Sammàsambuddha), thành Phật dưới tàng cây Bồ Ðề, gần dòng sông Ni Liên (Nerañjana) và Ngài bắt đầu lăn bánh xe Pháp, hay Chuyển Pháp Luân (Cakkapavattanadhamma) tại vườn Lộc Giả (Isipatana Migadàya), thành Ba La Nại….

Phật bèn dời chân đến Vương Xá thành (Ràjagaha), để tiếp độ vua Bình Sa (Bimbisàraràja), và nhận ngôi vườn trúc của Vương gia, để thành lập tu viện đầu tiên, Trúc Lâm Tịnh Xá (Veluvana Vihàra), thì tại miền “Anga”, thuộc châu thổ sông Hằng (Ganga), có một gia đình đại bá hộ tên Mendaka…

Mendaka là một phú nhân hiền đức, đời này giàu sang tuyệt bực, là nhờ trong vòng luân hồi tiền kiếp gặp nạn đói, ông đã một lần cúng dường phần thực phẩm sau cùng của gia đình ông, đến một vị Phật Ðộc Giác (Paccekabuddha). Do quả lành của sự hy sinh cao quí ấy (tức chiến thắng dễ dàng lòng ích kỷ của mình) mà khi được tái sinh vào phú tộc, Mendaka đã hưởng thụ lắm phước báu phi thường. Một trong những phước báu phi thường ấy là tiền bạc của ông dồi dào như mạch nước, múc hoài không hết. Hễ ông chi dùng một, thì lợi tức từ động sản hay bất động sản sắp đến, lại thu vô gấp mười, không bao giờ hao hụt!

Một hôm, bá hộ Mendaka đến nghe đức Phật thuyết pháp tại Kỳ Viên tịnh xá, do Đại Mạnh Thường Quân Tu Đà Cấp Cô Ðộc (Sudatta Anàthapindika) dâng cúng, gần thành Xá Vệ (Sàvatthi), thì một niềm hoan hỷ “thấy được quả phước hiện tiền“, bỗng tràn ngập tâm hồn ông. Mendaka có một đứa con trai cũng giàu lòng thương người như ông.

Cậu công tử này tên “Dhanañjaya” -nghĩa là người biết làm vinh quang của cải, bằng cách đem ra chia sớt cho dân nghèo, để thấy xung quanh bớt khổ, thì dạ mình vui. Còn bà bá hộ Mendaka là Sumana Devì, một giai nhân tuyệt sắc, chẳng những rất đẹp về thân thể, mà tâm hồn cũng cao thượng như “Nữ thần bác ái”. Nên người đương thời truyền tụng thuở bấy giờ, là có năm điều đáng ao ước : 1.Làm vua, 2.Giàu sang, 3.Vợ đẹp, 4.Con ngoan, 5.Cả gia đình đều khoẻ mạnh…., thì ông bá hộ Mendaka đã có đến bốn điều hạnh phúc vậy.

Khi Quốc vương Pasenadi (Ba Tư Nặc) của xứ Kosala, nghe lân bang Magadha có nhiều hiền nhân quân tử, vương gia liền yêu cầu vua láng giềng, gửi qua thủ đô mình, vài nhân vật đầy đủ phúc hạnh, để cho toàn dân nước ông noi gương, thì Mendaka, cùng con trai Dhanañjaya, với cả gia đình đã được chọn, để di cư sang làm công dân danh dự nước Kosala. Và họ đã bỏ tiền của xây dựng toàn thể cư xá cho dân cư nguyên một vùng lấy tên là Sàketa, gần thành Xá Vệ (Sàvatthì).

Giống như thân phụ, thanh niên Dhanañjaya nhân nghe một bài pháp, được Phật thuyết sau khi thọ trai tại nhà, cậu đã đắc quả Tu Ðà Huờn, hay quả nhập Thánh Lưu (Sotàpanna). -Quả Tu Ðà Huờn là Thánh quả diệt tận được ba xiềng xích đầu trong cuộc luân hồi, là 1/Thân kiến (hay Ngã chấp), 2/Hoài nghi, và 3/Mê tín.

Bà bá hộ thế hệ tiếp theo, vợ Dhanañjaya sau đó sinh một ái nữ, đặt tên là Visàkhà (“Nguyệt Trang Đài”, nét “Đẹp Tháng Năm”). Cô tiểu thư bá hộ đời thứ ba này, về phương diện phạm hạnh Phật giáo, lại được thấm nhuần nhiều hơn thân phụ và nội tổ nữa. Nghĩa là cô đã may mắn nhìn thấy, và chiêm ngưỡng hình ảnh đức Phật cùng Thánh chúng, ngay từ lúc còn nằm trong nôi.

Rồi thời niên thiếu và tuổi thọ của Visàkhà, cũng được tô điểm hằng ngày bằng thiện nghiệp, do cô bắt chước thân phụ, thân mẫu, và ông nội thực hành. Ðồng thời cô còn thường xuyên nghe pháp và lễ bái, cúng dường đến đức Phật và chư Thánh Hiền Tăng. Ðây chính là lý do, mà Visàkhà (Nguyệt Trang) đã đạt đến Thánh tâm Tu Ðà Huờn (Sotàpanna) ngay từ lúc còn nhỏ. (Có sách viết Visàkhà đắc quả Sotàpanna hồi 7 tuổi, nhưng soạn giả chưa tìm đủ dữ kiện hùng hồn, trong kinh điển chánh thống xác nhận, nên không dám nói chắc).

-ooOoo-

II 

THANH NIÊN VÀ LẤY CHỒNG

Khi Visàkhà (Nguyệt Trang) khôn lớn, trở thành một giai nhân tuyệt sắc, thì nhằm lúc vị đại điền chủ số một của kinh đô Sàvatthì (Xá Vệ), ông Migàra, muốn tìm một thiếu nữ dung hạnh vẹn toàn, để cưới vợ cho con trai tên Paññavaddhana (tạm dịch là Tuệ Phát).

Ngày kia, Visàkhà cùng nhiều tỳ nữ, trong một cuộc giải trí ngắm cảnh dọc bờ sông, bỗng gặp cơn mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội. Tất cả các giai nhân đều hoảng sợ, chạy tán loạn tứ phía, tìm cách tránh mưa. Nhưng Visàkhà cứ bình thản, thong thả bước đi, dường như nàng chẳng quan tâm gì, đến khung cảnh mưa sét xung quanh, hay chẳng ngại ướt quần áo…

Một người thân tín của đại điền chủ Migàra thấy vậy, liền đến gần hỏi Visàkhà rằng: “Tại sao cô không nhanh chân chạy trốn mưa, như những thiếu nữ khác, mà lại thủng thẳng bước đi?” thì được nàng trả lời: “Là một cô gái chưa có gia đình, tôi phải điềm đạm đoan trang từng tiếng nói, bước đi. Bị mưa ướt không mòn dung hạnh, nhưng chạy tán loạn, sỗ sàng, sẽ mất hết sự thanh nhã, kiều diễm của một tiểu thư. Tôi không muốn tự làm cho mình bị thiệt hại vô ích như thế”.

Nghe câu nói ấy, người hỏi lấy làm kính phục. Y vốn là một trong những “sứ giả” của đại điền chủ Migàra, gửi đi khắp nơi để tìm dâu hiền. Y lập tức quay về báo cho chủ nhân biết, là vừa tìm ra một thiếu nữ “mẫu mực”, xứng đáng làm dâu nhà Migàra. Sau đó, đại điền chủ Migàra vội nhờ một người quý tộc đứng ra làm mai, và được phụ thân của Visàkhà, ông bá hộ Dhanañjaya hoan hỷ chấp thuận.

Một «đại lễ cầu hôn» trọng thể, của hai gia đình Dhanañjaya và Migàra còn được vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) chủ tọa, và được tất cả các quan trong triều tham dự, nên dĩ nhiên dân chúng trong thành cũng nghênh đón, như lễ đính hôn của một đương kim Công chúa.

Kết quả, một thời gian chuẩn bị đám cưới đã cần thiết, rồi hôn lễ kéo dài đến ba tháng. Thân phụ cô dâu, tức bá hộ Dhanañjaya, ở địa vị là “Thị trưởng” của thành phố Sàketa (do ông xây cất tặng dân chúng), đã xuất tiền chi phí, để cả thành phố được trang trí liên hoan. Toàn dân vui chơi theo tiệc tùng, âm nhạc, biểu diễn thể thao, ngoạn cảnh, ca kịch, và lễ bái các bậc Thánh nhân.

Mặt khác, nhiều thợ kim hoàn nổi tiếng cũng trổ hết tài nghệ, để chế tạo những đồ trang sức thượng hạng cho cô dâu, chú rể. Các thợ may sáng tạo nhất, thì tình nguyện “ăn vận” thật quí phái cho đôi vợ chồng trưởng giả sắp cưới. Còn những đầu bếp khéo léo đã không ngừng nấu những món ăn tuyệt vị, để thết đãi chẳng những các giới vua chúa, quí tộc, nhân sĩ, mà còn dịp để làm khoái khẩu toàn dân. Chưa kể các tay chuyên môn chế tạo nước hoa, mỹ phẩm, các thợ hóa trang, và những tiều phu biết tìm ra gỗ tốt, củi thơm, cũng tình nguyện làm việc, để cho cuộc lễ được mười phần như ý.

Ðáng đề cao hơn hết là nhân dịp cưới của Visàkhà này, Thị trưởng Dhanañjaya đã ra lệnh đập bỏ tất cả những nhà cũ của cư dân xung quanh thành phố Sàketa, để ông xây tặng lại nhà mới hết.

Nói về của hồi môn, thì bá hộ Dhanañjaya đã tặng cho con gái mang về nhà chồng, nhiều trăm cỗ xe chứa đầy tơ lụa, vàng bạc, châu báu, và cả nô bộc. Ông cũng chia của “động sản” cho ái nữ với hơn chục ngàn trâu bò, dê cừu, thậm chí đến đám mục đồng chăn giữ gia súc, ông cũng gởi đi luôn…

Và đoàn người đưa dâu, là tất cả các cô «dâu cũ» trẻ đẹp trong mười bốn ngôi làng thuộc thành phố Sàketa, cộng thêm quan quân của triều đình, cùng với nhân sự phía nhà rể. Thật là một đám cưới vô tiền khoáng hậu…

(Theo Túc Sinh truyện thì Visàkhà kiếp này được sinh ra trong nhung lụa, của cải dồi dào, và kẻ ăn người ở đông đảo như thế, là nhờ xuyên qua vô lượng kiếp quá khứ, tiền thân nàng đã làm nhiều thiện nghiệp. Nhất là một kiếp nọ, dưới thời giáo lý đức Phật Padumuttara «Tối Thượng Ðức», tiền thân Visàkhà đã trọn đời hộ độ vị Chánh đẳng Chánh giác này).

Hôn lễ tại nhà gái vừa chấm dứt, và trước khi đưa con lên xe hoa về phía chồng, bá hộ Dhanañjaya còn dặn dò Visàkhà mười điều tâm niệm (Thập thiện) và khuyên nàng phải luôn luôn gìn giữ giới đức cùng tâm hồn quang minh rộng lượng. Ông cũng chỉ định tám giáo thụ tâm phúc đưa dâu, và sau đó bí mật theo dõi hạnh kiểm của Visàkhà, hầu cứu xét những “phàn nàn” (khiếu nại) của nhà chồng, nhắm vào Visàkhà (nếu có), để ông kịp thời giải quyết.

Còn Visàkhà, tuy chịu cảnh tách rời cha mẹ, nàng rất buồn lòng. Nhưng với nét trầm tĩnh, kiều diễm, nàng đứng trên xe hoa, diễn hành qua các đường phố, trong kinh đô Xá Vệ (Sàvatthì) như một Công chúa đăng quang. Rồi khi đến trước cổng nhà chồng, nàng lấy nhiều tiền bạc và đồ vật giá trị trao tặng cho toàn thể dân chúng nghênh đón và chia vui trong ngày lễ vu qui.

-ooOoo

Mise à jour le Jeudi, 26 Mai 2011 10:24

III


VẪN CÓ NGHỊCH CẢNH

 

Tuy nhiên, sống trên cõi trần, nếu hạnh phúc vật chất chẳng thường xuyên tuyệt đối, thì Visàkhà vẫn không sao tránh khỏi bất hạnh, do ít nhiều va chạm với gia đình bên chồng. Số là cha chồng Visàkhà, đại điền chủ Migàra là một tín đồ nhiệt thành của đạo khổ hạnh lõa thể. Bản thân ông chẳng những hết lòng tôn thờ ba huynh đệ giáo chủ đạo nầy, mà ông còn bắt buộc cả nàng dâu cũng phải hầu hạ mấy vị tôn sư khổ hạnh không mặc quần áo ấy, khiến cho Visàkhà phản ứng mạnh mẽ và công khai từ chối.

Kết quả, ba vị giáo chủ đạo lõa thể mất mặt, bèn dạy lão đệ tử trả Visàkhà về cho cha mẹ. Thoạt đầu đại điền chủ Migàra thầm nghĩ: “Dâu ta là một người con gái chưa đủ tuổi đời, chưa hiểu thấy giá trị khổ hạnh (không cắt tóc, không cạo râu, và không mặc quần áo) như thế nào, nên chưa tôn kính ba giáo chủ. Bởi tâm nó còn dính chặt với vẻ đẹp thế gian. Thôi, dần dần rồi ta sẽ thuyết”.

Ngày kia, một Sa môn Phật giáo ngẫu nhiên đứng khất thực trước nhà đại điền chủ Migàra, nhằm lúc Visàkhà vừa dọn cơm cho cha chồng ăn. Nàng liền nghiêng mình đứng sang một bên, để ông Migàra trông thấy vị khất sĩ mà bố thí thực phẩm. Nhưng lão điền chủ chẳng những không thèm chú ý, mà còn tỏ vẻ khinh thường… hạng tu sĩ đứng trước mặt, thuộc loại cạo râu, cạo tóc, ăn mặc thô sơ.

Visàkhà thấy vậy bực mình, bèn thưa với vị Sa môn khất sĩ rằng: “Mời Ngài tiến bước sang khất thực nhà khác, vì cha chồng tiện nữ hôm nay, có lẽ ăn hết thực phẩm, chẳng còn gì để chia sớt cho ai cả”. Nghe câu ấy, đại điền chủ Migàra lập tức nổi giận. Ông ra lệnh cho gia nhân tống cổ nàng dâu ra khỏi nhà. Nhưng các tôi tớ tuy hằng ngày rất khiếp sợ chủ nhân, chẳng hiểu sao trước mặt Visàkhà (Nguyệt Trang), tất cả liền đồng thanh từ chối, không tuân lệnh ông Migàra.

Lời qua tiếng lại sau đó lan rộng ra tất cả mọi người. Và tám giáo thụ tâm phúc, được Dhanaĩjaya chỉ định theo dõi hạnh kiểm của Visàkhà, cũng như điều tra những “phàn nàn” của đại điền chủ Migàra, phải đứng ra dàn xếp. Sau khi cân nhắc, tám vị giáo thụ kết luận là Visàkhà không đáng trách, không có lỗi gì cả.

Từ ngày ấy, Visàkhà thấy cha chồng càng ngày càng trở nên tăm tối, vì bị bao vây bởi những tu sĩ đạo lõa thể. Họ đã làm cho ông ăn không ngon, ngủ không yên. Tâm hồn Migàra gần như điên loạn, căng thẳng, dằn vật giữa hai đàng, một bên là “hăm dọa tâm linh” của ba vị giáo chủ, và bên kia là cần có thái độ hòa thuận với nàng dâu, cùng kẻ ăn người ở trong nhà. Ông bơ phờ, ngơ ngáo, bất lực và suýt đã muốn quyên sinh.

Trước thảm kịch như thế, Visàkhà giữ tâm thật bình tĩnh. Nàng dịu dàng báo cho cha mẹ chồng và phu quân hay rằng: “Nếu ông đại điền chủ Migàra cứ tiếp tục cố chấp, thì nàng bắt buộc phải quay về nương náu với cha mẹ mình. Ngược lại, nếu cha chồng muốn nàng cộng tác, để đưa ông cùng gia đình ra khỏi cảnh tà kiến và chia rẽ, thì nàng sẽ ở lại và khuyên ông nên tự kiểm thảo, và mời đức Phật cùng chúng Tăng đến nhà lễ bái cúng dường, nghe pháp”.

Khi đại điền chủ Migàra không còn giải pháp nào khác, định cầu hòa với Visàkhà, và làm theo những điều nàng khuyên, thì ba giáo chủ đạo lõa thể lại hiện đến. Họ dạy ông điền chủ đừng đích thân cúng dường “Phật Cồ Ðàm” và chư đệ tử, mà hãy để cho gia nhân làm chuyện ấy. Còn ông thì chỉ đến chào hỏi lấy lệ mà thôi. Nhưng lành thay, lúc đại điền chủ bước ra gặp Phật, thì đức Thế Tôn bắt đầu thuyết pháp.

Bài pháp của đức Phật đã làm cho ông Migàra tỉnh ngộ, và chỉ trong chốc lát, ông đã cảm thấy một niềm vui sướng, kinh cảm sâu xa. Tâm tư của ông lúc bấy giờ, tự nhiên biến đổi, như một người vừa bước từ ngục tối ra giữa vùng ánh sáng. Ông chợt thấy rõ giá trị hiếm có của kiếp làm người được giàu sang, cũng như con đường luân hồi không thể tránh khỏi trước mặt.

Niềm hoan hỷ đột ngột tràn ngập quả tim ông, ví như làn hơi nước mát lướt qua, thoa dịu trên da thịt rát nóng, của kẻ lữ hành giữa sa mạc. Mọi tuyệt vọng và tối tăm trong linh hồn ông tức khắc được cởi bỏ, nên trong một phút quá sung sướng, ông đại điền chủ Migàra buộc miệng gọi nàng dâu Visàkhà là “Nữ thần Migàra”.

(Nguyên văn chữ Pàli là “Migàra Màtà” phải dịch là “Hiền mẫu Migàra”. Nhưng soạn giả mạn phép chuyển hai chữ “Hiền mẫu” thành “Nữ thần” cho có tôn ti trật tự gia đình. Vì thuở bấy giờ từ ngữ “Màtà” được dùng ám chỉ các nữ thần, hay «Thánh Mẫu». Ngay cả ngày hôm nay, toàn thể dân chúng theo Ấn Ðộ giáo đều xem “bò cái” là một “linh vật”, và gọi tượng bò cái là “Màtàji” tức “Ðức Mẹ”. Chúng tôi xin ghi vào đây, để quý vị tùy nghi tra cứu).

IV 

NGƯỜI ĐÀN BÀ MẪU MỰC

HỘ TRÌ TAM BẢO

 

Sau đó, đời sống của tín nữ Visàkhà và nhà chồng liền trở lại hòa thuận bình thường. Visàkhà sinh đến 10 đứa con trai và 10 đứa con gái. (Có sách chép nhiều hơn mười nam mười nữ, nhưng không xác định con số bao nhiêu). Và tất cả con trai lẫn con gái của Visàkhà, về sau cũng sinh mỗi người không dưới 20 quí tử như mẹ.

Rồi dòng giống sai con ấy đã kéo dài đến mười bốn đời mới chấm dứt. Ðặc biệt là Visàkhà đã sống trên 120 tuổi, với một sức khỏe và sắc đẹp phi thường. Suốt các thời thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên, và đại trường thọ, người đàn bà đại phúc ấy đã luôn luôn có một sắc diện và thân thể như cô gái mười sáu tuổi xuân (Theo Jàtakas).

Túc Sinh truyện (Jàtakas) còn ghi rõ: Quả lành này đã do tiền thân Visàkhà tạo ra trong vô lượng kiếp quá khứ, nhất là kiếp nào tiền thân nàng gặp Phật, hay gặp chư Bồ Tát Thánh Hiền Tăng, nàng cũng luôn luôn làm phước và nghe thuyết pháp. Ngày nào tiền thân nàng có dịp nghe được đạo lý, từ kim khẩu của một bậc Giác Ngộ, thì cả ngày ấy và những ngày hôm sau, tâm hồn nàng tràn ngập vui tươi, phỉ lạc.

Theo Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara Nikàya I. 26), thì thuở sinh thời Visàkhà khỏe mạnh như một con voi. Nàng có thể làm việc liền tay cả ngày, mà không biết mệt. Trong chương trình sinh hoạt thường nhật của nàng không có mục ngơi nghỉ. Nàng sắp xếp công tác gia đình một cách quân bình và thứ tự, phối hợp với những thì giờ đi chùa cúng dường, nghe kinh và tu tịnh. Khi cha mẹ chồng già yếu, Visàkhà, tuy là nhân vật thứ hai (sau chồng nàng), điều khiển một gia tài khổng lồ. Nhưng trên thực tế, nàng đã đảm đương tất cả, thay chồng chỉ huy toàn diện.

Tuy nhiên, gánh nặng quản đốc gia đình ấy, vẫn không làm Visàkhà sơ xuất, trong việc cúng dường đức Phật, và hộ độ Tăng Ni, một cách thường xuyên đầy đủ, bằng bốn món vật dụng, là thực phẩm, y phục, thuốc men, và chỗ ở tươm tất. Nàng quán xuyến việc nhà khéo léo đến độ, hễ khi Phật thuyết pháp là nàng có thể đến nghe, mà không ngưng trệ sinh hoạt gia đình.

Cũng trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya), chính đức Phật đã tán dương: “Tín nữ Visàkhà là một trong hai người đứng đầu, trong thiện nghiệp hộ trì Tam Bảo vậy”. (- Người kia ám chỉ Ðại thiện nam Tu Ðà Cấp Cô Ðộc!).

Còn trong Tạng luật (Vinaya Pitaka), quyển IV, 161 cũng có một đoạn thuật sự đặc biệt như sau: Một hôm Visàkhà bỏ quên xâu chuỗi ngọc (là nữ trang vu qui của nàng) tại chùa Kỳ Viên, sau khi nghe pháp ra về. Tôn giả A Nan Ða là người đã tìm thấy vật quí, và cẩn thận cất giữ, chờ trao lại cho chủ nhân.

Visàkhà nhân cơ hội này, liền làm một việc thiện độc đáo: Thay vì khi A Nan Ða trao lại nữ trang, nàng nhận đem về nhà, thì nàng lại công bố bán đấu giá của quí, để lấy tiền cúng dường Tam Bảo. Nhưng điều đáng tiếc là toàn thể kinh đô Xá Vệ (Sàvatthì) chẳng có phú gia nào muốn đấu giá với nàng. Rốt cuộc Visàkhà phải tự mình mua lấy xâu chuỗi ngọc với giá cao nhất, rồi dùng tài chánh ấy xây cất một tu viện, nằm phía Ðông chùa Kỳ Viên (Jeta-vanavihàra), đặt tên là “Ðông Viên tự” (Pubbàràma).

Vì ngôi chùa mới này có một sảnh đường rất lớn, và nằm trước cổng vào kinh thành Xá Vệ (Sàvatthì), nên người đương thời còn gọi là “Sảnh Ðường Nữ Thần Migàra” (Migàramàtu Pàsàda). Và nhiều đoạn mở đầu của một số kinh nói rằng: “Ðức Phật đã thường lui tới sảnh đường này, nhất là trong khoảng 20 năm trước khi nhập Niết bàn. Giống như Phật đã có mặt thường xuyên ở Kỳ Viên tịnh xá, do hai ông bá hộ Cấp Cô Ðộc và Thái tử Kỳ Ðà (Jeta) hiến dâng

-ooOoo-

V 

VÌ VISÀKHÀ

ĐỨC PHẬT NÓI PHÁP 

Nhiều chỗ trong Tam Tạng kinh điển, cũng thuật lại lắm giai thoại liên quan đến đại tín nữ Visàkhà, dưới cái tên là “Mẹ Hiền Migàra” (Migàra Màtà). Một câu chuyện đã chép lại rằng: Lần nọ, một số hương chức yêu cầu Visàkhà (Nguyệt Trang) đưa các phu nhân của họ đến thăm đức Phật. Dĩ nhiên Visàkhà rất vui vẻ làm chuyện này. Nhưng có vài “mệnh phụ” vì mới uống rượu ngà ngà, nên đã có những cử chỉ thiếu đoan trang trước Tăng chúng. Visàkhà nhân cơ hội ấy hỏi đức Bổn Sư một câu rất khéo léo.

– Bạch Đức Thế Tôn! Chất say từ đâu đến?

Ðức Phật bèn thuật lại câu chuyện Kumbha (Ghi trong Túc Sinh truyện số 512 (Kumbha Jàtaka No. 512), nói về nguồn gốc chất say, như sau:

“Trong ngôi rừng nọ, có một «bộng cây» to (thân cây cổ thụ nằm trên mặt đất có lỗ lớn lõm sâu) chứa nước mưa quanh năm. Và các loài chim chóc ăn hoa trái, ngũ cốc, (nhất là lúa thóc) hằng ngày đến uống nước. Khi uống, chúng đã nhả ra các vụn trái cây, những hạt thóc, hay những hạt đậu v.v… Dần dần bộng cây không phải chỉ chứa nước mưa, mà còn chứa những vụn hoa quả, trộn với nhiều hạt ngũ cốc nữa.

Ngũ cốc và hoa quả vốn có chất tinh bột, khi tan trong nước, phơi dưới ánh mặt trời, thì tự nhiên lên men. Nước men ấy mỗi ngày mỗi được chim chóc nhả “vật liệu” thêm vào, nên cường độ lên men tự nhiên tăng dần, tăng mãi đến một lúc nào đó hóa thành rượu.

Ngày kia, một tiều phu sau bữa cơm trưa khát nước, y ngẫu nhiên tìm thấy một bộng cây to có chứa nước «bốc mùi thơm». Y nếm thử thì cảm thấy vừa cay vừa ấm toàn cổ họng, rồi y uống thêm cho đến đã khát. Chợt y cảm thấy kích thích, cao hứng, đê mê lạ thường. Sau đó, đầu óc choáng váng, đứng không vững, hai con mắt y tự nhiên nặng chình chịch, và y buông mình xuống đất, ngủ một giấc dài…

Khi tỉnh dậy y «khám phá» ra rằng : Đây là một chất nước «uống vào làm say sưa, hứng chí vô cùng», nên y lẳng lặng quay lại uống lần thứ hai, rồi lần thứ ba…Sau nhiều lần “thưởng thức” như thế, y bắt đầu mang nước ấy về nhà, khoe với bà con hàng xóm, rồi mời họ dùng thử. Kết quả nhiều người đều rất thích, và y đã thu được nhiều món lợi nhờ thứ nước «lạ lùng»…

Từ đó dân làng bắt đầu thèm thứ «nước đê mê» ấy, rồi nó dần dần trở nên «phổ thông». Và những tay đầu cơ trục lợi bắt đầu tìm cách chế biến theo khẩu vị nầy, hay khẩu vị kia, để lôi kéo dân chúng tiêu thụ, tạo thành một thói quen nhậu nhẹt. Khi con người đã uống nhiều, trở nên say sưa hứng chi, thì việc gì cũng dám làm, nhất là đương sự cảm thấy không còn e ngại, trước các nguy hiểm nữa, khiến cho những võ sĩ hay chiến binh, trước khi lâm trận, thường đem thứ nước ấy ra uống, để hết sợ hãi. Thói quen nầy kéo dài từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, làm cho về sau cả nước Ấn Ðộ, đa số dân biết uống rượu.

Số nạn nhân nghiền rượu càng lúc càng đông, thì những con buôn, ngoài sự chế tạo họ còn nghĩ cách tích trử nữa. Cứ như thế, rượu dần dần được bán ra những xứ khác, đẩy xã hội loài người vào «lạc thú» say sưa, mất sáng suốt, hung hăng, bất phân biệt thiện ác, khiến cho xã hội trở thành mất an ninh, vì khi kẻ ghiền rượu không có tiền, mà cơn ghiền nổi lên, thì họ có thể trở thành phường trộm cắp, kẻ sát nhân v.v…

Sự nguy hiểm do chất say gây ra sẽ chẳng đo lường được. Và bậc đại Giác Ngộ, trước bất hạnh ấy của loài người, chỉ còn biết phân tách, nói rõ hậu quả nguy hiểm của sự tiêu thụ, rồi gây ác nghiệp mà thôi….»

Một chuyện khác liên quan đến Visàkhà là: Khi ấy “Hiền mẫu Migàra” nhân vụ gởi một ít quà cho bà con ở Anga, bị quan quân biên giới đóng thuế rất nặng. Nàng bất mãn thưa lên nhà vua, nhưng vương gia vì bận rộn, chưa phân xử hợp lý. Visàkhà vì bực bội, nên đến gặp Phật, xin lời khuyên dạy. Ðức Thế Tôn bèn ngâm mấy câu kệ sau đây, đã làm cho “Hiền mẫu Migàra” tiêu tan hết nóng giận, phiền muộn.

“Lòng bất mãn là nguyên nhân thống khổ,
Muốn an vui, phải làm chủ con tâm!
Tranh chấp là duyên khởi các hoang mang,
Càng tranh chấp càng vô vòng phiền toái!”.
(NÐ phỏng dịch theo kinh Udàna số 18).

Giai thoại đáng kể tiếp theo, thuộc về khả năng «hiểu pháp» của đại tín nữ Visàkhà (Nguyệt Trang). Số là ngày kia trời rất nóng (nhằm mùa hè). Ít người giàu sang quyền quí chịu ra đường. Nhưng Visàkhà một mình đã đến thăm Phật vào lúc mặt trời đứng bóng.

Ðức Phật liền hỏi “Hiền mẫu Migàra” đến chùa vì “bận tâm” điều gì, thì được biết đứa cháu nội của Visàkhà bất thần qua đời. Cậu này khi còn sống là người sốt sắng nhất trong việc tiếp tay Visàkhà hằng ngày phân phát thực phẩm, cúng dường đến chư Tăng. Visàkhà tuy là Phật tử rất thấm nhuần Phật giáo, nhưng không vì vậy mà tình thương cháu đã tắt hẳn trong lòng. Ðức Phật liền giải khổ cho Visàkhà (Nguyệt Trang) bằng những câu đối đáp sau đây:

– Này Visàkhà! Ðệ tử có thể tưởng tượng như mình nhiều con cháu, bằng toàn thể dân chúng trong thành Xá Vệ (Sàvatthì) này không?

– Bạch đức Thế Tôn! Ðệ tử có thể tưởng tượng như thế.

– Này Visàkhà! Nhưng trong kinh đô Xá Vệ, ngày nào cũng có kẻ qua đời, ít nhất là vài ba người phải không ?

– Dạ, phải !

– Này Visàkhà! Như vậy, nếu đệ tử có đông con cháu, như đám dân cư ngụ trong thành Xá Vệ (Sàvatthì) nầy, thì đệ tử mỗi ngày phải chịu, ít nhất là vài ba cái tang, chứ không phải một cái. -Nghĩa là, đệ tử đã bị tử thần làm khổ từng giây từng phút từ lâu rồi, chẳng phải đợi đến ngày hôm nay.

Ðoạn đức Phật kết luận:

– Kẻ nào có trăm, ngàn người để yêu thương, thì sẽ có trăm, nghìn lần khổ não. Ai chỉ có một người để yêu thương, thì chỉ có một lần chịu khổ não. Duy bậc Giác Ngộ thì không có người nào để yêu thương, thành ra sẽ không có lần nào nhận khổ não cả. Và này Visàkhà! Như Lai xác nhận với đệ tử rằng : “Khổ não và tuyệt vọng chỉ bắt nguồn từ yêu thương và ôm giữ, chứ không bắt nguồn từ nguyên nhân nào khác”. (Theo kinh «cảm Hứng» số 91 : Udàna n. 91).

-ooOoo-

VI

 

TÊN HIỀN MẪU “MIGÀRA”

TRONG VÀI BÀI PHÁP DÀI

 

Một cuốn pháp “tám chi” thuộc bộ Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) có ghi ba bài pháp do đức Phật tự thuyết, dựa trên lời yêu cầu trực tiếp (hay gián tiếp) của Đại tín nữ Visàkhà (Nguyệt Trang).

Sách chép như sau : Vào một ngày trăng tròn, “Hiền mẫu Migàra” đến giảng đường “Ðông Viên Tự” (Pubbaràma), để lễ bái đức Phật. Ðức Thế Tôn hỏi bà, ngoài lý do thăm viếng Bổn Sư và Tăng chúng, có ý nghĩa nào khác không, thì được Visàkhà trả lời:

– Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay là ngày “tịnh hạnh” (ám chỉ ngày thọ Bát quan trai, Uposatha), nên đệ tử phải vào chùa để trì giới, tịnh tâm và nghe pháp. Nhân đó, đức Phật liền thuyết một bài pháp dài (nằm trong số những bài pháp khá dài trong Tam tạng), nói về 2 cách sai lầm, và 1 cách đúng đắn, để một người có thể đón ngày “Tịnh hạnh”.

Ðức Phật đầu tiên ví cách sai lầm thứ nhất, để “đón” ngày Tịnh hạnh, như những kẻ chăn bò, hay đám nông dân chờ ngày “nghỉ lễ”. Ðối với họ (chăn bò hay nông dân), ngày nghỉ lễ không ám chỉ gì khác hơn là ngưng làm việc, và tùy khả năng hưởng thụ (ăn nhậu), hay mơ tưởng những lạc thú trần gian tương lai.

Cách sai lầm thứ hai để đón ngày “Tịnh hạnh”, là làm như các đạo sĩ cực đoan, nhất là đạo lõa thể. Họ chờ ngày ấy để biểu dương một số hành động kiên nhẫn ép xác giả tạo, rồi khoe khoang rằng mình đã giải thoát được những dục căn, tham vọng.

Sau cùng, đức Phật chỉ rõ cách đúng đắn để đón ngày “Tịnh hạnh”, là thực hiện Trung Đạo,nghiêm giữ tám giới, và niệm tưởng đến các ân đức, như ân đức Tam Bảo, ân đức chư Thiên, và ân đức của sự trì giới.

Tiếp theo, đức Phật còn thuyết một bài pháp dài khác, nói về đời sống của các hàng Phạm Thiên (Brahma). Tuổi thọ của các tầng trời ấy, so với trần gian, dài vô tận. Và hạnh phúc của các hàng thiên chúng cũng thanh khiết hơn cõi người muôn triệu lần. Câu cuối cùng của bài pháp, đức Phật đã kết luận một cách so sánh:

“Cái mà thế gian cho là «cực lạc», chỉ có thể xem là nỗi khổ của cõi trời mà thôi. Nhưng vì vô minh và dục vọng thúc đẩy, mà loài người lấy cái khổ của cõi trời, làm cảnh lý tưởng, rồi họ tưởng tượng ra muôn ngàn thõa mãn, muôn ngàn sắc thái hưởng thụ, hay quyền phép siêu nhiên, có thể «giải thoát phiền não»…

Còn phẩm cách vô sanh bất diệt thì phàm nhân không bao giờ thấy được”.

Một đề tài khác, cũng được “Hiền mẫu Migàra” (Hay Visàkhà) nêu lên hỏi đức Phật là : “Nhờ đức hạnh gì, một nữ nhân sẽ được thoát sinh vào các hàng thiên chúng, có sắc đẹp nhất cõi trời?”.Ðức Thế Tôn trả lời, nêu ra 9 pháp lành là:

1. Luôn luôn hòa nhã, trung thành với chồng, và thân nhân nhà chồng, cũng như thường xuyên xét hạnh kiểm của chính mình.

2. Luôn luôn kính trọng và chăm sóc những người xung quanh, nhất là chồng con, cha mẹ, và những Thánh nhân được mọi người tôn thờ.

3. Luôn luôn vui vẻ sắp đặt tất cả việc nhà, một cách khoa học và cẩn thận.

4. Ðối xử với kẻ ăn người ở (hay đồng nghiệp, cộng sự) một cách công bằng và thân thiện, đặc biệt là quan tâm đến sức khoẻ và thực phẩm của họ.

5. Luôn luôn bảo vệ của cải cho chồng.

6. Tự mình không uống rượu, và tránh xa những người cổ võ rượu, hay ghiền rượu.

7. Phải quy y Phật, Pháp, Tăng và luôn luôn tin tưởng vào đức lành của ba ngôi Tam Bảo.

8. Nghiêm chỉnh thọ trì ngũ giới.

9. Hoan hỷ khi hay tin có người xuất gia tu hành.

(Theo Tăng Chi Bộ Kinh IV.255f: Anguttara Nikàya. IV. 255f).

Ðề tài thứ ba mà Visàkhà (hay “Hiền mẫu Migàra”) hỏi Phật là : “Nhờ phẩm cách gì, mà một nữ nhân có thể thành công trong kiếp này, và các kiếp về sau?” Ðức Phật đã trả lời vắn tắt:

– Nếu một người đàn bà biết giữ gìn đức hạnh, và có óc tổ chức, biết làm cho những người hợp tác (như nhân viên hay tôi tớ) kính phục, thương mến, biết giữ của cho chồng, đồng thời tâm tánh thường xuyên bình tĩnh, tự tin, để có sáng kiến về nghệ thuật sản xuất lẫn quản trị, thì người đàn bà ấy sẽ thành công trong kiếp này.

– Còn các kiếp về sau, nếu muốn tiến hóa, thì một nữ nhân phải có đầy đủ bốn thiện pháp trong đời sống hiện tại, là chánh tín, trì giới, xuất gia, và trí tuệ. (Theo Tăng Chi Bộ Kinh IV.269: Anguttara Kik àya. IV. 269)

 

-ooOoo-

VII 

TÊN VISÀKHÀ

TÌM THẤY TRONG TẠNG LUẬT

 

Ngoài ra, trong Chú Giải Tỳ khưu (thuộc Tạng Luật), cũng có một số điểm nhắc tên “Visàkhà”, liên hệ đến nguyên nhân vì sao đức Phật chế điều răn.

Số là một người cháu kêu Visàkhà bằng cô, khi phát nguyện xuất gia, sống đời sống phạm hạnh, thì nhằm vào mùa mưa, nên các trụ trì các tu viện thành Xá Vệ (Sàvatthì) đã nói với ông rằng :“Chư Tăng vừa đồng ý cùng nhau không truyền giới Sa di (mới tu) cho bất kỳ ai, trong mùa an cư kiết hạ. Vậy tín hữu hãy ráng chờ đến khi mãn hạ”. Nhưng lúc an cư kiết hạ chấm dứt thì người kia thối chí, không muốn xuất gia tu hành nữa. Hay tin này, đại tín nữ Visàkhà liền đến yết kiến đức Phật, và thưa rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Pháp giải thoát không thể bị giới hạn bởi thời gian và hoàn cảnh. Người có tâm muốn xuất gia, thì phải được Tam Bảo tiếp độ bất cứ lúc nào.

Ðức Phật liền chấp thuận, và nhân đó chế điều luật : – Như Lai phê chuẩn cho chư Tỳ kheo Tăng, từ nay về sau không được từ chối lễ xuất gia cho một giới tử, viện cớ thời gian, hay hoàn cảnh(Theo Luật Phần Tỳ Kheo: Vinaya I. 290f).

Một lần nọ, khi đức Thế Tôn cùng chúng Tăng, được “Hiền mẫu Migàra” (tức Visàkhà) mời đến nhà thọ trai. Vị đại tín nữ này sau đó yêu cầu Phật ban cho tám điều ước. Ðức Phật liền dạy: “Ước muốn thế gian nhiều khi đáng xem xét, vì ước muốn hằng dẫn con người rơi vào vòng dính mắc. Như Lai là bậc Giác Ngộ, có thể ban cho đệ tử những pháp lành cao thượng hơn, để được giải thoát”.

Nhưng Visàkhà vội xác nhận rằng nàng chẳng cầu xin những điều đáng chê trách. Trái lại, nàng chỉ yêu cầu đức Phật và Tăng chúng, chấp thuận nàng thực hiện tám loại bố thí cao thượng như sau:

1. Ðược dâng y tắm mưa đến chư Tăng.

2. Ðược cúng dường thực phẩm cho Tăng Ni từ xa đến.

3. Ðược cúng dường thực phẩm đến chư Sa môn sắp đi xa. (Như lên đường truyền bá chánh pháp, hay vào rừng thanh tịnh tu tập).

4. Ðược cúng dường thuốc cho chư Tăng bệnh hoạn.

5. Ðược dâng thực phẩm cho chư Sa môn đau ốm.

6. Ðược bảo trợ cho Sa môn nào tình nguyện nuôi bệnh.

7. Ðược dùng nếp nấu cơm dâng đến chư Tăng. (Mà không ngại tập cho chư Tăng ăn vật ngon, khoái vị).

8. Ðược dâng y “làm màn tắm” cho Tỳ khưu Ni không ở gần giếng (có nhà tắm), mà phải tắm rửa dưới suối, dưới ao, hay dưới sông.

Ðức Phật liền hỏi Visàkhà, lý do nào nàng yêu cầu tám điều ấy, thì Ngài được trả lời chi tiết:

1/Vì chư Tỳ khưu Tăng chỉ có tam y, nên khi mưa đổ và sợ ướt y phục, họ phải di chuyển thân trần ngoài đường, khiến dân chúng hiểu lầm họ là những tu sĩ đạo lõa thể. Ðệ tử xin dâng y tắm mưa đến chư Tăng là tránh chuyện đó. (Tam y là : Y Tăng Già lê, Y Uất Ðà La Tăng, và Y An Ðà Hội).

2. Khách Tăng mới đến, thường không biết đường đi, lối bước trong thành Xá Vệ (Sàvatthì), do đó khó khất thực đúng chỗ, để những kẻ hảo tâm cúng dường. Và cuộc hành trình cũng làm cho quý Ngài mệt mỏi. Ðệ tử yêu cầu họ mang bình bát đến thẳng nhà Migàra, để đệ tử cúng dường.

3. Tương tự như thế, chư Tăng sắp lên đường đi xa, dù chưa đến giờ khất thực, cũng cho phép đệ tử dâng thức ăn để mang theo. Ðến giờ ngọ thực (12 giờ trưa), các Ngài ở nơi nào thì có sẵn thức ăn trong bình bát, khỏi phải dò đường khất thực tại địa phương lạ.

4-5. Khi một Sa môn bị bệnh, thì sự đau đớn thân xác không cho phép họ đi khất thực dễ dàng. Và nếu các bệnh tăng không được ai tặng thuốc và thực phẩm thích hợp, thì sẽ chết, gián đoạn sự tu hành. Vì vậy đệ tử nên cúng dường c ả 2 thứ.

6. Sa môn nuôi bệnh phải túc trực, không có thì giờ khất thực cho chính mình và đồng đạo. Sự túc trực bên bệnh nhân không cho phép vị ấy vừa đi tìm thuốc, vừa khất thực cho hai người, để dùng bữa đúng luật. Ðệ tử yêu cầu sa môn nào nuôi bệnh cứ đến thẳng nhà, để đệ tử cúng dường.

7. Ðệ tử tuy không phải là y sĩ chuyên nghiệp, nhưng nhờ nghe nhiều người học thức nói về khả năng làm dịu đau bao tử của cơm nếp, nên muốn dâng thực phẩm ấy, để duy trì sức khỏe của chư Tăng hành đạo. (Theo Tăng Chi Bộ Kinh: Anguttara Nik àya III. 248).

8. Chư Ni cũng có tam y. Nhưng khi mưa, chư Tăng có thể tắm ngoài trời được, còn chư Ni thì không được phép. Họ phải tắm rửa chỗ kín đáo cho thân thể, như dưới sông, dưới ao, hay dưới hồ. Nếu họ không có y che khi tắm sông, bắt buộc phải chịu lõa thể trong giây lát, là một điều kém nhã. Do đó, đệ tử muốn dâng y “tắm sông” đến họ.

Sau khi nghe Visàkhà trình bày cặn kẽ, lý do nàng mong ước thực hiện các điều trên, đức Phật liền hỏi người đại tín nữ rằng: “Do thiện nghiệp ấy, đệ tử muốn hưởng phúc lành, đạt tiến hóa nội tâm như thế nào?”.

Một lần nữa, Visàkhà lại diễn tả Pháp Bảo bằng những lời lẽ giản dị dễ hiểu như sau:

– Bạch đức Thế Tôn! Sự liên quan giữa thiện nghiệp bên ngoài, do thân và khẩu tùy theo vật chất tạo ra, với sự phát triển nội tâm bên trong do hướng dẫn tư tưởng theo chánh đạo, con đã từng nghe đức Thế Tôn chỉ dạy một số pháp thực tiễn, khi Ngài được chư Tỳ khưu hỏi về “Sa môn quả” rằng : “Trong nội tâm có hai cảnh giới là cảnh giới thanh tịnh, sáng suốt, và cảnh giới ô nhiễm, buồn bực. Người làm được việc lành, thì những suy nghĩ cột chặt trong cảnh giới sáng suốt, thanh tịnh. Còn người làm điều ác, thì những suy nghĩ chìm sâu trong cảnh tăm tối”.

– Ví như kẻ đến viếng thành phố Xá Vệ này. Nếu họ biết thân cận với người lành, hướng dẫn tìm cảnh đẹp để xem, thì thân tâm sẽ vui tươi, thư thái. Ngược lại, họ sẽ buồn bực, nhìn thấy những đống rác, hay chỗ bỏ hoang. Cảnh đẹp hay cảnh lành đó, do chính ai từng hướng dẫn con tâm duyên theo thiện nghiệp, thì người ấy phải thấy, rồi họ sẽ tự tin và hoan hỷ. Hiện tượng này từng hiện rõ trên khuôn mặt của các Sa môn, đã an định trong Thiền pháp, lúc chư vị ấy nhắm mắt.

Thuở họ còn sống thì thiện nghiệp là pháp nuôi dưỡng cả thân lẫn tâm. Nhưng khi hết tuổi thọ, thì thiện nghiệp là ánh sáng soi đường trên nẻo luân hồi vậy. Nói cách khác, những pháp hộ trì Tăng chúng, mà đệ tử muốn thực hiện nêu trên, là những yếu tố để nuôi dưỡng tâm từ bi, duy trì gương phạm hạnh, cùng củng cố đức tin, để khi đệ tử đủ trợ duyên bước vào thiền định, thì Ngũ căn, Ngũ lực, và Thất giác chi cũng theo đó phát triển.

Phần thêm của dịch giả :

-Ngũ căn (Pañcindriya), gồm 1/Tín căn (Saddhindriya), 2/Tấn căn (Viriyindriya), 3/Niệm căn (Satindriya), 4/Ðịnh căn (Samàdhindriya), 5/Tuệ căn (Paññindriya).

-Ngũ lực (Chabala), là 1/Tín lực (Saddhà Bàla), 2/Tấn lực (Viriya Bàla), 3/Niệm lực (Sati Bàla), 4/Ðịnh lực (Samàdhi Bàla), v à 5/Huệ lực (Pañña Bàla).

– Thất giác chi (Satta Bojjhanga), gồm 1/Niệm giác chi (Sati Bojjhanga), 2/Trạch pháp giác chi (Dhamma Vicaya Bojjhanga), 3/Tấn giác chi (Viriya Bojjhanga), 4/Phỉ lạc giác chi (Pìti Bojjhanga), 5/Tịnh thể giác chi hay Khinh an giác chi (Passadhi Bojjhanga), 6/Ðịnh giác chi (Samàdhi Bojjhanga), 7/Xả giác chi hay Vô ký giác chi (Upekkhà Bojjhanga).

Nghĩa là, Visàkhà kiếp chót gặp Phật, trường thọ 120 tuổi, nàng đã thực hiện tròn đủ thiện nghiệp, để khi nhập vào Thánh Lưu, những động lực giải thoát, vượt mọi mắc dính ái dục, hay vi tế phiền não luân hồi, sẽ thúc đẩy tâm linh nàng hướng tới Niết bàn tịch tịnh, chứ không còn phiêu lưu sa đọa, dù cho là sa đọa trong các cõi trời.

Sự nhắm mắt của vị nữ đại Hộ pháp này, trong Tam Tạng (Tipitaka) không thấy chỗ nào nói đến. Tuy nhiên, căn cứ trên thọ mạng, thì Visàkhà đã qua đời lúc 120 tuổi, tức khoảng 60 năm sau đức Phật nhập Niết bàn.

Theo sử sách Phật giáo, thì từ cuộc Kết Tập Tam Tạng Lần Thứ I (do đệ nhất Ðại Thánh Tăng Ca-Diếp chủ tọa, gần Ràjagaha, Vương Xá thành) đến Lần Kiết Tập Tam Tạng Lần II ở Vesàlì, Tỳ Xá Li (dưới thời đệ nhất A Dục Vương), khoảng cách là một trăm năm. Thời hậu Phật này đã có nhiều cải cách trong giới hạnh tăng lữ.

Chư Sa môn nào chăm lo tu hành thì ẩn dật, ít xuất hiện giữa quần chúng. Còn Tăng đoàn nào muốn chu du thuyết pháp, lại đề nghị sửa đổi một ít luật lệ Tỳ khưu cho hợp với hoàn cảnh. Và các chi phái Phật giáo cũng nẩy mầm xuất hiện từ đó.

Khi Phật giáo bắt đầu có nhiều chi phái, thì đại tín nữ Visàkhà đã quá già. Có lẽ bà cũng không hưởng ứng mấy những canh cải lời Phật dạy, nên khép thân tịnh tu tại gia, không thiết đến việc đi nghe giảng đạo nữa. Và ấy chắc chắn là lý do hơn 100 sau (kể từ khi Phật nhập Niết bàn), những vị chép lại Tam tạng đã không có sử liệu để nói về bà.

Chúng tôi, lược ghi đoạn này với tất cả sự dè dặt. Học giả nào có «di chứng» xác thực, về sự từ trần của đại tín nữ Visàkhà (Nguyệt Tang), thì chúng tôi xin được bổ túc. Ðến đây, câu chuyện của vị Nữ Đại Hộ Pháp, thời đức Phật còn tại thế, xin được chấm dứt.

Nguyễn Ðiều
(Soạn xong ngày 17-12-1994)

Bài thơ tưởng niệm Đại Tín Nữ


VISÀKHÀ

(NGUYỆT TRANG).

Đâu đó, chuông chùa dưới ánh trăng,

Thoáng thơm làn gió thoảng hương trầm.

Nhớ gương đại hạnh ngày xưa ấy…

Giờ có còn chăng với tháng năm ?!

***

Thuở trước một hiền nhân hộ pháp,

«Nguyệt Trang» tín nữ, mạnh thường quân.

Tăng Ni tứ sự, tâm từ cấp.

Tạo tự «Đông Viên», hội pháp âm.

***

Bà đã trọn đời, trang tuyệt sắc.

Giàu sang, thân thể khỏe muôn phần.

Tuổi thọ khi tròn trăm hai chục.

Vẫn đẹp như thời chớm tuổi xuân.

***

Thiện pháp hằng ngày chăm chỉ học.

Thuần tâm, tịnh ý, hảo tinh thần.

Chọn «chuỗi Bồ Đề», thay chuỗi ngọc.

Cho kiếp làm người đủ «Thánh Ấn».

***

Bà đã đi vào trong giáo tích.

Truyện ghi «Từ Mẫu», mẹ hiền Tăng.

Phật tử ngàn sau, ai cảm kích,

Thì xin noi dấu, gắng tu hành !

Nguyễn Điều cẩn đề.

______________

Tài liệu tham khảo:

“The Mother of Migàra, a female lay Disciple of Lord Buddha”. (Bản tiếng Ðức của Dr. Hellmuth Hecker, bản tiếng Anh của Fried Lottermoser)

Anguttara Nikàya (T ăng Chi Bộ Kinh) : Các số A. I. 26 (bản dịch 24), A. I 203-214 (bản dịch 185. 195), A. IV. 255f (bản dịch 174), A. IV. 267 (bản dịch 178), A. I. V 269 (bản dịch 178-180)

Udàna (Cảm Hứng=Thi Hứng) : Các số Ud. 18 (bản dịch 22), Ud. 91 (bản dịch 111f)

Jàtakas (Túc Sanh Truy ện) các số 489, 512.

Vinaya (Luật Phần) : Các số Vin. I. 289 -295 (bd. 413- 421), Vin I. 152 (bản dịch 202f), Vin II. 129 (bản dịch 179f), Vin. IV. 161 (bản dịch III. 78f).

Dhammapada (Pháp Cú) : Các số Dhp. A. I. 384-420 (bd II. 59-84).

-ooOoo-

Bài khác nên xem

Lược sử lá cờ Phật giáo

phuocthanh

Thờ Phật – Lạy Phật – Cúng Phật

datthinh

Di Lặc Hạ Sanh

phuocthanh