Về những minh họa từ
THIỀN UYỂN TẬP ANH
Tuệ Sỹ
Kể từ khi được Ông Trần văn Giáp tình cờ phát hiện từ đống giấy vụn của một gánh hàng vụn phế thải, sau đó được công bố bởi trường Viễn đông Bác cổ,[1] Thiền uyển tập anh trở thành tư liệu cơ sở cho các khảo cứu về lịch sử Phật giáo Việt nam từ khởi nguyên cho đến thế kỷ 13, cũng như các sinh hoạt chính trị, xã hội, tôn giáo nước ta trong suốt thời gian Bắc thuộc. Công trình của ông Trần Văn Giáp dựa trên tập sử Thiền này được thực hiện khá công phu, nhưng do thiếu nhiều tư liệu tham khảo, đối chiếu để xử lý văn bản, do đó ông đã không tránh khỏi một số sai lầm. Những sai lầm ấy được lặp lại trong hầu hết các quyển sử Phật giáo Việt nam tiếp theo sau ông.
Trong năm 1973, Lê Mạnh Thát trong khi đi sưu khảo các tự viện ở miền Nam đã phát hiện thêm các dị bản của Thiền uyển tập anh.[2] Y cứ trên các phát hiện mới, công tác xử lý văn bản được thực hiện với rất nhiều tư liệu liên hệ trong nền văn hiến đồ sộ của Phật giáo Trung quốc, cũng như trong kho tàng lịch sử Viêt nam, từ dã sử đến chính sử, những truyền kỳ. Một bản dịch tương đối hoàn chỉnh của Thiền uyển tập anh được công bố, cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng khả dĩ bổ sung, và đồng thời cải chính, những điều được ghi chép bởi các chính sử của Việt nam mà các tác giả của chúng phần lớn dựa trên những thông tin đầy thành kiến và xuyên tạc của sử liệu Trung quốc đối với sự hình thành ý thức dân tộc cũng như sự phát triển chính trị xã hội của nước ta. Bản dịch san định do Lê Mạnh Thát thực hiện này nhanh chóng trở thành văn bản cơ sở cho nhiều khảo cứu lịch sử theo sau nó. Một bản dịch Anh ngữ cũng đã được thực hiện bởi Cuong Tu Nguyên, Zen in Medieval Vietnam. A Study and translation of the Thiền Uyển Tập Anh, xuất bản năm 1997, bởi ban tu thư Viện Đại học Hawaii. Công trình nghiên cứu và dịch thuật này cũng thường xuyên tham chiếu bản dịch của Lê Mạnh Thát, như nhận xét của Giáo sư Philippe Langlet, trong phần thư mục của bản dịch Pháp mà chúng ta đang được giới thiệu hôm nay.[3]
Thiền uyển tập anh theo thể loại là một tác phẩm thiền sử. Về hình thức, nó tương tợ cách viết Cảnh đức Truyền đăng lụccủa Đạo Nguyên (Tống, 1004). Thế nhưng, Truyền đăng lục của Đạo Nguyên thuần túy là một thiền sử, ký tải sự phát triển của Thiền tông từ khởi thủy của Phật giáo; trong khi đó Thiền uyển tập anh ngoài sự ký tải các truyền thừa và phát triển các dòng thiền Việt nam, nó còn phản ánh khá rõ nét bối cảnh xã hội Việt nam mà trường độ thời gian kéo dài trên dưới mười thế kỷ. Bài kệ thị tịch của Khuông Việt (930-1011) sau đây có thể cho chúng ta thấy khá rõ nét về điều này. Trước khi chết, Sư truyền kệ lại cho Đa Bảo rằng:
Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Hữu hỏa hỏa hoàn sanh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do manh.[4]
Bản dịch Pháp của Philippe Langlet:
A l’origine, le feu est dans le bois,
Le feu originel renaît sans cesse.
S’il n’y a pas de feu dans le bois,
Comment pourrait-on en faire jaillir en le frottant?
Rõ ràng đây là một bài thơ ngắn mang ẩn dụ siêu hình. Nhưng nếu chúng ta nhìn nó từ vị trí lịch sử của Khuông Việt trong liên hệ với các thế hệ đi trước kể từ Định Không trưởng lão (730-808); với các Thiền sư đồng thời như Pháp Thuận (925-990), cũng như thế hệ tiếp nối theo sau là Vạn Hạnh (?-1025), ngoài lớp vỏ tư duy siêu hình, bài thơ cho thấy sự tiếp nối dòng chảy liên tục và trưởng thành của ý thức dân tộc và một Nhà nước tự chủ.[5] Nó mang nội dung gần như đồng nhất với các dự ngôn hay sấm ký của Pháp Thuận và Vạn Hạnh về sự xuất hiện của một nhân vật mà, qua dự ngôn của Pháp Thuận,
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.[6]
Theo đó, một thời thịnh trị sẽ đến với đất nước sau nhiều thế kỷ bị đô hộ và nô dịch.
Trong phần tiểu sử tác giả, Philippe Langlet không bỏ sót một chi tiết trong cuộc đời của Khuông Việt, mặc dù theo một cách nhìn đó chỉ là một câu chuyện hoang đường có vẻ không giúp gì cho sự lãnh hội bài thơ được dẫn dịch của Giáo sư Philippe Langlet, cũng như minh họa của Dominique De Miscault. Thiền uyển tập anh chép, có lần Khuông Việt chiêm bao thấy Tỳ-sa-môn Thiên vương (Vaiśravaṇa) xuất hiện và tự giới thiệu sứ mạng của mình rằng được Thiên đế (Śakra devendra) sai đến để bảo vệ quốc giới ngõ hầu khiến cho Phật pháp được thịnh hành. Sáng hôm sau, do theo giấc mộng, Sư vào núi tìm và thấy một cây to.
Từ cây bông gạo mà Trưởng lão La Quý (852-936) trồng trước chùa Châu minh,[7] qua cây cổ thụ của Khuông Việt vừa đề cập, cho đến cây bông gạo của Sư Vạn Hạnh bị sét đánh,[8] nó là chuổi liên tục dự ngôn về sự xuất hiện của Lý Thái Tổ. Sự kiện đó hoặc là sự thật lịch sử, hay chỉ là hư cấu của ai đó muốn minh giải một biến cố xã hội hay một tín điều tôn giáo, thế nhưng ảnh hưởng quần chúng của nó vẫn có thể được tìm thấy rõ nét không chỉ trong Thiền uyển tập anh, mà còn trong các truyền kỳ và ký tải của các sử quan triều đình.
Chúng ta trở lại bài thơ của Khuông Việt với minh họa của De Miscault.
Mộc sinh hỏa, à l’origine, le feu est dans le bois, nguyên thủy, lửa vốn ẩn tàng trong gỗ. Ngọn lửa ấy vốn hiền hòa, hài hòa trong nguyên lý ngũ hành sanh khắc; nhưng khi nó bừng cháy để làm nên lịch sử văn minh nhân loại, thì nó cũng có cơ trở thành thảm họa. Qua ống kính của nghệ sĩ tạo hình, Dominique De Miscault, ngọn lửa ấy không bốc thẳng lên theo chiều thuận lý của Dịch lý phương Đông, mà nó quằn quại trong từng sớ gỗ dưới một góc nhìn minh họa; nó chợt được thấy như bùng cháy từ hỏa ngục, từ một mùa hỏa ngục của Rimbaud: Une Saison en Enfer. Nó bốc cháy từ tổ tiên người Gaulois, thiêu rụi những đồng cỏ, lột da dã thú, rồi lần bước lịch sử theo dấu chân của đoàn quân viễn chinh qua những ngã đường của châu Âu: J’ai de mes ancetres gaulois… Les Gaulois étaient les écorcheurs de bêtes, les brûleurs d’herbes les plus ineptes de leur temps… [9]
Tuy dấu chân của Rimbaud tiếp nối tổ tiên Gaulois lần bước xuống tận châu Phi chứ không lần về phương Đông châu Á, nhưng người thưởng ngoạn ngôn ngữ và minh họa của các tác giả Pháp, từ di ngôn, mà cũng là dự ngôn, của Khuông Việt trước khi chết, muốn nhìn nó ngắm từ một dòng chảy thuần khiết trong nền văn học Pháp qua hình thái biểu hiện nhức nhối của ngôn ngữ đang nói lên nỗi niềm khổ lụy hiện sinh. Đó cũng là góc nhìn mà chúng tôi mượn tạm của nhà thơ Bùi Giáng trong một bức thư gởi Réné Char, những dòng chữ được viết từ bão tố chiến tranh đang tàn phá một đất nước, sát hại một dân tộc: Nous pensons … à vous, Monsieur René Char, et aussi à un courant discernable de pureté dans la litterature française … à travers l’expression déchirante du malheur, oui, nous pensons à tout cela, en un temps où l’ouragan s’abat sur notre pays et meurtrit notre peuple.[10]
Người thưởng ngoạn như vậy có thể đang cố ý chọn một điểm đứng và một thời điểm để nhìn không theo cùng một hướng của nhà nghệ sỹ tạo hình, nhưng trong không gian và từ thể tính của tồn tại thì ưu tư khắc khoải về lẽ sống nhân sinh và chiêm nghịêm những điều kỳ diệu trong sự vận hành của thế giới vẫn âm vang một sự đồng cảm, mà chúng ta đọc thấy trong phần giới thiệu bởi De Miscault: Le mélange d’angoisse et d’admiration devant le mystère du monde a été vécu par toutes les civilisations… Nous pensons en trouver un example dans les écrits des moines bouddhistes, notamment vietnamiens sous la dynastie des Lý. [11]
Các tác giả của Un livre des moines Bouddhistes đang tìm vào các thơ văn của các Thiền sư đời Lý; không phải bằng những tư biện triết học, không phải bằng những tư duy siêu hình, mà bằng ngôn ngữ hình ảnh, tìm kiếm và chìm lắng trong một thế giới tĩnh lặng, vô ngôn, ở đó thực tại tối hậu là khoảng chân không thăm thẳm: la vacuité fondamentale de toute chose et même de l’ultime réalité.[12]
Thực tại tối hậu là gì? Qu’est-ce que c’est? Đó là một câu hỏi rất thông thường trong giao tiếp hằng ngày; nhưng lại là câu hỏi muốn vén bức màn kỳ ảo của thời gian để nhìn sâu vào tính thể tồn tại. Vậy, yếu tính của tồn tại, của cái đang được ném ra đó, là cái gì? Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088) nói: Diệu tính hư vô bất khả phan. Yếu tính ấy, cái l’essence de l’être ấy, là cái trống không mà nhận thức không thể nắm bắt, mặc dù bản chất của ý thức là luôn luôn vươn đến nắm bắt đối tượng. Ở đây, Philippe Langlet không phiên giải diệu tính trong bài thơ của Ngộ Ấn như là yếu tính của tồn tại, mà hiểu nó là bản chất hay tự tính huyền nhiệm:
La mystérieuse nature du vide est inaccessible, …
La mystérieuse nature đó có thể một thiên nhiên kỳ diệu, được sáng tạo từ huyền nhiệm của Thượng đế; mà Thượng đế thì siêu việt mọi tạo vật: Dieu transcende toute créature (Catéchisme). Vậy, câu hỏi về thân phận con người được nêu lên từ tư duy chiêm nghiệm về bản tính huyền nhiệm này, như De Miscault đã dẫn từ Pascal: Qu’est-ce que l’homme dans la nature? Ta là ai, con người là cái gì, trong thể giới này, trong bản tính huyền nhiệm của tồn tại này? Câu hỏi xuất phát từ hai hướng Đông Tây bất đồng, như trong cảm hứng để thử trả lời, ta có thể tìm thấy sự đồng cảm giữa Ngộ Ấn và Pascal. Với Ngộ Ấn, con người không là gì cả, vì tự tính của nó không là gì cả. Hình ảnh của cái không là gì cả ấy là đóa hoa sen còn thắm đượm sương mai trong lò lửa đang rực cháy. Trống không, vô nghĩa, nhưng ngời sáng: tồn tại chỉ có thể chiêm nghiệm trong mối quan hệ biện chứng được kết cấu bằng những mâu thuẫn nội tại.
Trả lời của Pascal cũng âm vang đồng điệu. Ta không là gì cả. Tất cả mọi tạo vật đều từ hư vô mà ra, tồn tại bao la ngang tầm vô hạn: Toutes choses sont sorties du néant et portées jusqu’à l’infini. Con người là tồn tại vô thể, là hư vô nếu được nhìn từ vô hạn. Trong vô hạn, nó không là gì cả. Trong cái không là gì cả, nó là tất cả. Con người là một trung gian giữa không là gì cả và là tất cả: Un néant à l’égard de l’infini, un tout à l’égard du néant, un milieu entre rien et tout. Đồng điệu hay đồng cảm này cũng được chia sẻ bởi một Thiền sư khác: Từ Đạo Hạnh (?- 1117), được chuyển tải qua ngôn ngữ Pháp:
Existence. Le moindre grain de poussière existe.
Vide. Tout est vide.
Existence et vide, c’est comme la lune dans l’eau.
Ne vous attachez pas à l’existence ni à l’idée du vide.
Tồn tại và không tồn tại, có và không, hữu thể và hư vô, chứa vô biên trong hạt cát, nắm vô hạn giữa lòng tay; thể tính hư vô bừng sáng thành hoa sen trong biển lửa; đó là những tư duy và phát biểu mang tính phản lý; đồng thời đó cũng là sử tính của một dân tộc được hiện tượng hóa trong chuỗi mâu thuẫn biện chứng của hiện thực lịch sử.
Ở đây, sử gia và nhà nghệ sỹ tạo hình, bằng ngôn ngữ của mâu thuẫn biện chứng và bằng hình ảnh được thấy thường nhật để phản chiếu sinh hoạt tầm thường mà luôn luôn biến động của đời sống thường nhật. Những cảm hứng từ các hình ảnh này trong nhiều trường hợp dẫn người thưởng ngoạn đến những ý tưởng đầy bất ngờ, vừa thống nhất vừa xung đột giữa những cái nhìn mà ta quen nói là khác biệt Đông Tây, khác biệt thời đại. Một trường họp có thể dẫn ra ở đây là bài thơ của Không Lộ, và hình ảnh minh họa. Trong bài thơ này, ngôn ngữ Pháp đi rất gần với tiết nhịp của âm vận tiếng Việt, mặc dù dịch giả không cố diễn dịch nó theo tiết nhịp thơ của ngôn ngữ Pháp:
Sur dix mille lieues le fleuve limpide, sur dix mille lieues le ciel.
Un village avec des mûriers, un village avec des fumées.
Le vieux pêcheur s’est endormi, personne ne l’applelle.
Passé midi il se réveille, la neige a rempli sa barque.
Toàn thể bài dịch Pháp còn phảng phất phong vận bình dị của đồng quê Việt nam cũng như sinh hoạt của nó. Trong khi đó, trong nguyên văn Hán của bài thơ, do âm luật nghiêm túc của Đường thi, mọi thứ trở nên trang trọng. Ngư ông trong nguyên văn Hán mang phong thái tiêu dao của một ẩn sĩ. Ngư ông trong bản dịch Pháp là một người dân quê trong cảnh đồng quê bận rộn nhưng an nhàn. Ngư ông trong minh họa mang dáng vẻ của một con người sinh họat trong xã hội văn minh công nghiệp đến từ phương Tây, đang vẩy tay chào đón hoặc tiễn đưa, đứng giữa lòng sông trong lớp bụi mờ ẩn hiện hình ảnh được minh họa từ câu thơ của Ngộ Ấn: liên phát lô trung thấp vị can, La fleur de lotus eclose dans un four est éternellement fraîche. Minh họa như thế là nối liền quá khứ với hiện tại, một quá khứ lịch sử đầy bi kịch đã hay đang đi vào quên lãng, với hiện tại của một xã hội đang biến chuyển để chào đón hoàng hôn rực rỡ của trời Tây, La Crépuscule de l’Occident (Spengler).
Hình ảnh ngư ông trong minh họa tình cờ khiến chúng ta nhớ lại bóng dáng của Bùi Giáng đang đi giữa phố phường hoa lệ Saigon mà như đi giữa hoang tàn sa mạc, điên loạn trong cơn điên loạn siêu hình của Nietzsche. Thế rồi, trong phút tỉnh táo, nhà thơ của chúng ta bất chợt thốt lên những lời trầm thống, vang vọng ưu tư khoắc khoải lan dài trong lịch sử. Đó là những lời mà Bùi Giáng đã viết cho René Char: Voici la réponse que vous en donne le Viet nam: Weil (Simone Weil), c’est une de ces âmes assez rares qui sont venues en ce monde pour un temps bien bref, qui s’en sont allées brusquement, laissant derrière elles de regrets; des âmes qui se sont penchées sur la souffrance de siècles, qui nous ont apporté des promesses de fontaines sonores, qui nous ont parlé des peuples lointaines et de leur pulsation blessée, qui ont posé le problème des déshérités de l’Asie.
Hình ảnh một Simone Weil nhỏ thó, gầy mòn, một tâm hồn nhạy bén trước khốn cùng của những con người khốn khổ, một ý chí ngoan cường, bướng bỉnh của một cô giáo trẻ; hình ảnh ấy không chỉ là biểu tượng cho sự trổi dậy của tầng lớp yếu ớt trong bối cảnh xã hội hùng cường, phú thịnh của phương Tây; hình ảnh ấy một thời đã làm xao xuyến tuổi trẻ Viêt nam lớn lên giữa khói lửa, đang lắng nghe âm vang từ nhịp đập của trái tim mang chứng tích đầy thương tích của lịch sử văn minh, âm vang từ những suối nguồn xa xôi mang những ước nguyện nhân bản đến cho các dân tộc, đặt vấn đề cho những con người đang bị bứt lìa truyền thống.
Khi một tâm hồn bị bứt lìa truyền thống, nó như một con thuyền lơ lửng trôi xuôi theo định hướng mù khơi ngoài phương trời vô định; trôi ngang qua bà mẹ đang đứng sững quay lưng hờ hững với con thuyền, đang dõi mắt tìm vào bến bờ của quá khứ, của cây đa bến cũ, con đò năm xưa mà nay đã vắng, đã mất. Thế nhưng, trong thể tính uyên nguyên của dòng sông lịch sử, mảnh trăng treo từ trên đỉnh Lăng-già đang tỏa ánh sáng trầm tịch trong khoảng không vô tận, cho con thuyền định hướng ra biển khơi:…
Dans le grand calme du clair de lune sur la montagne de Lanka,
Devant le vide pour un bateau qui s’avance en pleine mer,…
Minh họa này từ bài thơ của Tăng thống Huệ Sinh (?- 1076), thế hệ tiếp nối Thiền sư Vạn Hạnh, vốn là minh giải triết học cho vua Lý Thái Tông, ngẫu nhiên phản chiếu tâm tình lịch sử trải dài suốt gần mười thế kỷ, qua những minh họa mà chúng ta biết được cảm hứng một phần từ tín điều Catéchisme như được nói rõ trong bài giới thiệu do Dominique De Miscault.
Suy nghĩ từ những dòng ngôn ngữ Pháp chuyển tải những tư duy uẩn khúc của tư tưởng, như những mặt gương khi mờ khi tỏ, phản chiếu mấy đoạn đường quanh co khi thăng khi trầm của lịch sử; chiêm quan những hình ảnh minh họa cấu hình bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại mà thể tính là những nguyên lý, những công thức cứng đọng, khô cằn của lý trí hướng ngoại và chinh phục; người đọc và người xem để cho tâm hồn mình di động bất thường giữa những cảm hứng ngẫu nhiên, hoặc trần thuật tiên cảm; từ đó quay nhìn lại những đoạn lịch sử đã qua, trải dài suốt trên hoặc dưởi mười thế kỷ; những lộ trình riêng biệt, với những định hướng và định mệnh khác biệt, ở hai phương trời cách biệt; những con đường lịch sử ấy có khi được thấy song song, có khi đối nghịch dẫn đến sông núi ngửa nghiêng, đảo lộn, áp bức, đọa đày, chiến tranh, giết chóc; có khi hòa quyện trong nỗi đau thương chung của thân phận con người. Nhưng dù ở bên này hải đảo, hay bên kia đại dương, mà trong cõi tịch mặc vô ngôn, trong thế giới mặc nhiên vô hạn, với những điều nói được và không nói được, những hình ảnh ký họa được hay không ký họa được, giữa người và người, giữa các dân tộc dị biệt, trong các truyền thống và văn minh tương phản, vẫn còn ẩn tàng trong tận đáy sâu, trong rung cảm đồng điệu của những trái tim nhân hậu. Chúng tôi muốn nói, từ những chuyển tải bằng ngôn ngữ Pháp thực hiện bởi Giáo sư Philippe Langlet, từ những minh họa bằng kỹ xảo của lý trí tư biện phương Tây bởi nghệ sĩ tạo hình Dominique De Miscault, chúng ta thử tìm lại dấu vết tâm tư của tiền nhân, thử nhìn lại chính mình từ đôi mắt của những người khác, để tự khẳng định chính mình trong những cơn lóc thời đại.
Xin cảm ơn các tác giả đã đến với chúng ta trong đồng cảm nhân loại, cùng chia sẻ những giá trị phổ quát giữa những truyền thống dị biệt.
T.S.
[1] Trần Văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam, dès origines jusqu’au XIIIe siècle. BEFEO XXXII, 1932. Bản dịch Việt, Tuệ Sỹ: Phật giáo Việt nam, từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, Tu thư Viện Đại học Van Hạnh, Saigon, 1968.
[2] Lê Mạnh Thát, Tổng tập Văn học Phật giáo Việt nam, tập 3, NXB TP Hồ Chí Minh, 2002.
[3] Philippe Langlet, Un livre des moines Bouddhistes; Les Editions Aquilon, Paris, 2005.
[4] Lê Mạnh Thát, Tổng tập 3, tr. 203: Trong cây vốn có lửa/ Có lửa, lửa mới bừng/ Nếu bảo cây không lửa/ Cọ xát do đâu bùng.
[5] Tuệ Sỹ, Những cuộc vận đông của Phật giáo Việt nam dưới triều đại nhà Đường, Tạp chí Tư tưởng, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1972.
[6] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt nam, tập 2, tr. 498. NXB TP Hồ Chí Minh, 2001.
[7] Lê Mạnh Thát, Tổng tập 3, tr. 284: “(La Quý di chúc) Ở chùa Châu minh ta có trồng cây bông gạo để trấn chỗ, biết đời sau ắt có kẻ hưng vương ra đời…”
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, tờ 31a7: sét đánh cây bông gạo làng Diên uẩn, Cổ pháp, để lại hàng chữ: Thọ căn niểu niểu, mộc biểu thanh thanh, hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành. Theo chiết tự, bài thơ tiên đoán nhà Lê mất, họ Lý lên thay.
[9] Arthur Rimbaud, Oeuvres, p. 196: Mauvais sang (Une Saison en Enfer). Pocket, Paris 2005.
[10] Bùi Giáng, Lettre à René Char, Dialogue, Lá bối, Saigon, 1965.
[11] Un livre des moines Bouddhistes: Introduction.
[12] Ibid.
Thiền Uyển Tập Anh, bản (tuyển) dịch Pháp, Un Livre Des Moines Bouddhistes Dans Le Vietnam D’autrefois, của Giáo sư Philippe LANGLET, minh họa Dominique De MISCAULT, nhà xb Aquilon, Paris, 2005. Lễ giới thiệu tác phẩm và trưng bày ảnh minh họa tại Tp. HCM, ngày 20/1/2006, tại Viện NCPH Việt Nam, 750 Nguyễn Kiệm, Q. Phú nhuận. – BBT.