Hơn 200 năm trước Công nguyên tại Trung Quốc, bại tướng Chương Hàm đem theo 20 vạn quân đầu hàng Sở bá vương Hạng Võ, Hạng Võ lại ra lệnh bắt và chôn sống hơn 20 vạn lính Tần ở phía nam thành Tân An. 200.000 binh bị chôn sống khi đã buông vũ khí đầu hàng, tiếng oán than trăm ngàn năm sau chưa dứt.
Chính xác là năm 1937 khi quân phiệt Nhật tiến vào Nam Kinh, Trung Quốc mặc dù không gặp sự kháng cự nào đáng kể nhưng người Nhật đã “bày ra một trận chiến tưởng tượng” để chôn sống hơn 200.000 người Trung Quốc tại Nam Kinh. Lịch sử đã lập lại, hay “oan oan tương báo” 2000 năm sau chưa dứt!
Cũng hơn 2000 năm trước Tần Thỉ Hoàng Đế đã ra lệnh đốt sách chôn học trò, vừ giết, vừa đày ra quan ải xây Vạn Lý trường thành, oán khí ngất trời thì cũng hơn 2000 năm sau từ năm 1966 – 1976 tại Trung Quốc cũng diễn ra một hành động tương tự trong cuộc Đại cách mạng Văn hóa, số người chết cũng tương đương. Lịch sử đã lập lại, hay “oan oan tương báo” 2000 năm sau chưa dứt!
Thuở tiểu học, thập niên 1960. Lũ học trò chúng tôi đều thuộc lòng bài thơ Hận Sông Gianh, chia đôi bờ Nam Bắc Việt Nam của Đằng Phương:
Hận Sông Gianh
Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ
Đây sa trường đây nấm mộ dân nam
Đây giòng sông, giòng máu Việt còn loang
Đây cổ độ xương tàn xưa chất đống
Và còn đấy hận phân chia nòi giống
Và còn đây cơn ác mộng tương tàn
Và còn đây hồn dân việt thác oan
Bao thế kỷ chưa tan niềm uất hận
Ôi Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn
Muôn đời sau để hận cho giòng sông
Mộng bá vương Trịnh Nguyễn có còn không
Nhục nội chiến non sông còn in vết
Đây sông Gianh nơi nồi da xáo thịt
Nơi sông Hồng tàn phá giống Lạc Hồng
Nơi máu hồng nhuộm đỏ sóng giòng sông
Máu nhơ bẩn muôn đời không rửa sạch
Đằng Phương
Sông Gianh là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672). Chiến trường chính là miền Bố Chính (Quảng Bình). Núi xương, sông máu hờn căm chưa dứt thì hơn 200 năm sau lịch sử đã lập lại với cầu Hiền Lương bên dòng sông Bến Hải, Quảng Trị với cuộc chiến dai dẵng hơn 20 năm cũng với núi xương, sông máu khốc liệt hơn thời mưa tên, gươm giáo đơn sơ.
Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ nêu những sự kiện rõ nhất để chúng ta thấy những món nợ tiền khiên trước vay rồi sau phải trả lại bởi tâm oán hờn, cừu thù không dứt nên khi đủ duyên ác hội tập thì lại gây khổ đau cho nhau và thù oán cứ chồng chất mãi như vậy.
Trong Pháp Hội Thù Ân do Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Khẩn thỉnh Hội Đồng Tăng Già – Cố Vấn Giáo Hạnh từ Bản Thệ Tăng Già dũ lòng từ mẫn quang lâm Kiến lập Trai Đàn Chẩn Tế trượng thừa Phật Pháp bạt độ oan khiên, chuyển hóa tâm tính, hóa giải cừu thù hầu dẹp tan oán khí. Cho âm siêu dương thạnh nghiệp chướng tiêu trừ lay động lương tri tình người bao dung hơn, vị tha hơn để tạo nên cuộc sống chung an hòa hạnh phúc.
Muốn chuyển hóa được hoàn cảnh gia đình, xã hội trước tiên phải chuyển hóa con người; muốn chuyển hóa được con người phải chuyển hóa được Tâm thức, bởi loạn tâm mới là nổi lo muôn đời cố kết oán với nhau để hận thù chồng chất. Thế nên trong bài Sám hối có câu: “ Tội từ tâm khởi đem tâm sám – Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu..” Những người sống có khả năng mở lương bao dung như hải hà mà hoan hỷ tha thứ. hóa giải những sự ganh tỵ, bất bình từ khi mới phát khởi cho đến những hố sâu ngăn cách tình người theo chánh pháp; còn những người đã chết thì phải nương vào công đức của 10 phương tăng hội để tế độ hàm thức hóa giải oan khiên oán đối cho âm dương giới khai thông âm siêu dương thới hay dương thới âm siêu.
Làm một Pháp hội lớn lao như vậy cần phải mở ra sự phát tâm của những tấm lòng, từ những đoàn sinh đến huynh trưởng trong và ngoài nước tham gia cúng dường Pháp hội. Các đoàn sinh theo sức hoặc 5000$, hoặc 10.000$ mỗi ngày- quý huynh trưởng nhịn phần ăn sáng hoặc 10.000$, hoặc 20.000$ mỗi ngày gởi về góp phần công đức. Chúng ta ngàn người một lòng, chục ngàn người một lòng lo gì Pháp hội Thù Ân không thành tựu.
Lời đơn sơ, ý chân thành, xin quý anh chị em áo Lam suy nghĩ.
Đức Quảng
Tiểu Ban Truyền Thông Pháp Hội Thù Ân