(THỊ NGUYÊN)
Bác Gấm là người bác dâu bên vợ của tôi. Gia cảnh bác rất nghèo. Chồng mất sớm, nhà ở tận trong hóc núi Đình Cương. Bản thân bác mù chữ, nhưng lúc nào cũng mong con mình được đi học nên bươn chải tảo tần lo cho con được con chữ với người. Bác có hai người con trai, một anh đi tập kết ra Bắc, học đổ kỹ sư ngành Thủy Lợi. Người con cả làm thợ mộc giúp mẹ khi học hết bậc tiểu học. Mẹ từ con hiếu, gia đình rất hạnh phúc.
Cuộc chiến tranh hai miền Nam Bắc ngày một ác liệt. Vì có con đi tập kết nên bác chọn con đường theo cách mạng. Người con cả nghe lời mẹ nên bám trụ thôn làng dù bom đạn ngày đêm cày xới. Một ngày vào mùa hè năm 1965 cuộc giao tranh giữa hai bên tại Nghĩa Hành quá ác liệt, dân vùng giải phóng không chịu nổi bồng bế nhau chạy xuống suối. Máy bay trực thăng quân đội miền Nam quăng lưới tóm gọn nhiều người đem về trại định cư. Bà già vợ tôi chạy xuống trại định cư tìm người quen và gặp mẹ con bác Gấm nên đem về nhà cơm rau có nhau.
Tôi và người anh vợ là những Huynh trưởng trong tổ chức Gia đình Phật tử nên buổi tối trước khi đi ngủ thường tụng kinh. Bác Gấm rất thích điều nầy và luôn luôn đứng vào trong chiếu để hộ niệm. Bác bảo chúng tôi tụng chậm và rõ ràng để bác lẫm nhẫm tụng theo… qua năm mười hôm là bác đã thuộc lòng. Trong khi chúng tôi thì không thể nào thuộc được. Bác còn đọc lại từng câu và nhờ chúng tôi giải thích. Chúng tôi nhờ sách dịch và giải nên hiểu được phần nào cũng cố lại kiến thức của mình. Bác chăm chú lắng nghe và góp ý. Chúng tôi mới tá hỏa vì bác đã hiểu kinh một cách rất sâu xa. Rõ thật chúng tôi đọc tụng mà không hiểu được cốt lỏi các kinh điển bằng bác. Từ kinh ngạc đến than phục, càng cố gắng đọc tụng nhiều hơn để lắng nghe sự nhận xét của bác mà học hỏi. Một hôm nhân ngày kỵ nhạc gia tôi. Anh em chúng tôi thỉnh Hòa thượng ân sư và chư tăng thường trụ tại trú xứ chúng tôi đang sinh hoạt khai kinh Địa Tạng kỳ siêu. Nhằm lúc giải lao, nghe ngoài vườn có tiếng sung nổ và tiếng chân người chạy thình thịch, dường như có đám lính đánh lộn nhau hay rượt bắt gà vịt gì đó. Hòa thượng bảo quý thầy và gia đình đừng nhìn họ làm gì, cứ giữ thân tâm thanh tịnh để kỳ siêu thì tốt hơn. Một tỳ kheo trẻ than “Đời mạt pháp có khác, con người chỉ biết chạy theo thú tính chẳng nghĩ gì đến hậu quả việc mình làm”. Bác Gấm đứng dậy bạch:
– Thầy nói như thế không ổn đâu. Chúng sanh chỉ có một tánh đó là tánh Phật. Thật đáng thương vì tích tập tham sân si quên mất tánh linh Phật ấy mà điên đảo làm việc chẳng lành nên mãi trầm luân trong sanh tử phiền muộn và khổ đau.
Hòa thượng nghe như vậy tuyên Phật hiệu lắc khánh và bảo:
– Lành thay! Lành thay, quý thầy nên chỉnh trang y áo đãnh lễ nhục thân Bồ tát thể hiện vô sư trí chính giáo phàm phu tăng.
Bác Gấm lật đật chạy trốn xuống nhà bếp. Hòa thượng đích than lâm nghi trì tụng cho đến khi hoàn kinh cúng ngọ và tiến linh.
Vì nghĩa vụ và sinh kế tôi rời quê từ ngày ấy. Khi trở lại quê nhà, gia đình bác đã có cuộc sống khá hơn xưa. Ngày đất nước thống nhất gia đình bác đoàn tụ và từng bước cuộc sống được no đủ hạnh phúc trong không khí sum họp an vui.
Một ngày kia bác không bệnh nhưng bảo mệt, con dâu nên nấu nước lá xông, trước là xông sau là tắm. Khi tắm xong thay y phục mới sạch, bác lặng lẽ ra đi… Nhà chùa và đạo hữu quy tụ rất đông. Đám tang bác đơn giản nhưng ấm cúng. Mọi người nhất tâm hộ niệm để nguyện cầu chơn linh bác được siêu thăng nhàn cảnh.
Một đời người và một ngày đã qua./.