CHIẾN THẮNG
CHÍNH MÌNH
Quảng Đức
Bùi Tấn Phúc
“Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình”. Đó là lời dạy từ ngàn xưa của Đấng Từ Phụ và đã trở thành một chân lý, một châm ngôn cơ bản trong hành trình huân tập sửa mình của mỗi con người.
Tại sao phải chiến thắng chính mình? Kẻ thù trong ta là ai? Đó chính là ma vương: tham, sân, si mà hằng ngày hằng giờ khiến cho tâm ta lầm than, đau khổ triền miên và bắt chính ta làm nô lệ cho chúng. Con người vì tham đắm ngũ dục thế gian (danh, tài, sắc, thực, thùy) mà đã gây ra biết bao khổ đau cho chính mình, người khác và chúng sanh. Vì tham lam tài sản, vật chất mà không ngừng thu vén thật nhiều những thứ đó về cho mình, kể cả làm những việc bất chính như trộm cắp, lừa gạt. Các nhà kinh tế đặt lợi nhuận lên cao hơn cả giá trị đạo đức mà không ngần ngại đấu đá, hãm hại lẫn nhau; các quan chức lãnh đạo quốc gia vì tham lợi riêng mà tham nhũng ngân sách nhà nước, chẳng khác nào ăn cắp của dân; Vì lòng tham không đáy mà dân tộc này xâm lược, thôn tín dân tộc khác, gây ra chiến tranh tàn khốc, sát hại chính đồng loại mình,… Những hành xử bất chính trên đều do ma tham, sân, si trong chính ta mà ra, ta đã trở thành nô lệ cho chúng. Vì vậy, phải dũng mãnh chiến thắng những con ma ấy. Có như vậy ta mới tìm được an lạc, hạnh phúc và khơi gợi Phật tánh nơi tự thân ta.
Cội nguồn hạnh phúc mà chúng ta tìm về là gì? Nếu biết tham đắm, sân hận, mê lầm là nguồn gốc của khổ đau, vậy đoạn tuyệt với chúng là cách để ta tìm được an lạc, hạnh phúc. “Cầu bất đắc khổ”, khi ham muốn mà không đạt được thì ta sẽ khổ. Con người thường mệt mỏi chạy theo danh lợi, vật chất, tiền bạc. Bằng cách biết buông bỏ, bằng lòng, an vui với những gì ta đang có, ta sẽ cảm thấy an lạc, hạnh phúc hơn, như người xưa có câu “tri túc, hữu túc” (biết đủ thì có đủ). Nói vậy không có nghĩa rằng ta cố ép mình sống không cần của cải vật chất, mà ta cần biết nhận thức, biết buông bỏ để không phải khổ đau. Ta vẫn có quyền làm cho cuộc sống mình phong phú thêm, nhưng trong đó, cần hiểu được rằng của cải vật chất chỉ là phương tiện để cuộc sống chúng ta tốt hơn. Mục đích lớn nhất sau cùng của chúng ta là có được một cuộc sống hạnh phúc, không phải là có thật nhiều tài sản, tiền bạc, vật chất. Nếu ta giàu tiền tài mà tâm thức luôn bất an, khổ đau thì sự giàu có ấy cũng trở nên vô nghĩa.
Con đường trở về. Trong giai thoại cuộc đời Đức Phật, có một câu chuyện về chàng thanh niên Angulimala (người ta thường gọi chàng là Vô Não). Người thầy tàn ác đã rắp tâm hãm hại chàng. Người thầy đó đã dụ dỗ chàng rằng, muốn thụ huấn bí pháp tuyệt diệu của môn phái, chàng phải giết chết một nghìn người. Trước những lời lẽ hùng biện của người thầy, chàng đã bị thuyết phục và kể từ đó, chàng bắt đầu chuỗi ngày tàn bạo của mình. Khi đã giết xong nạn nhân thứ 999, chàng đã gặp Đức Thế Tôn. Thế Tôn đã chuyển hóa chàng về với con đường lương thiện. Tuy nhiên, chàng thanh niên vẫn con day dứt khôn nguôi vì tội ác mà mình đã gây ra. Xin được trích dẫn một đoạn đối thoại giữa Angulimala và Đức Thế Tôn:
“…
– Bạch Sa môn! Hình bóng từ ái của người đã khiến con muốn trở về với con đường thuần lương sống yêu thương và giúp đỡ đồng loại như những ngày xa xưa, lúc con chưa điên loạn… Nhưng ai…ai có thể cho phép chở che và giúp đỡ một con người như con – người đã giết chết nghìn nhân mạng?
– Này thanh niên, trên thế gian này có hai hạng người được xem là thanh tịnh: Hạng thứ nhất là người không hề gây tội lỗi, hạng thứ hai là kẻ gây tội nhưng biết ăn năn và không bao giờ tái phạm. Nếu lòng con muốn tha thiết hoàn lương, Như Lai sẽ giúp con được toại nguyện.
– Bạch Sa môn! Con không dám nghi ngờ gì về lòng tư bi bao la của Ngài đối với con. Nhưng con đã gây tạo một ác nghiệp mà có lẽ không một ai trên thế gian này dám làm. Làm sao con có thể ước mơ làm đệ tử của Sa môn Cồ Đàm, một người mà suốt đời chưa hề làm xúc não bất cứ ai?
– Này thanh niên! Ví như có một gian phòng tăm tối suốt cả nghìn năm dài. Nếu muốn thắp sáng cho nó, con cần phải đốt bao nhiêu ngọn đèn và mất bao nhiêu lâu để dẹp cho nó tươm tất?
– Bạch Sa môn, bóng tối dù đã ngự trị căn phòng suốt nghìn năm nhưng chỉ cần mỗi một ngọn đèn được thắp lên thì bóng tối sẽ tan ngay, và thời gian để dọn dẹp căn phòng thì tùy thuộc vào khả năng siêng hay nhác của từng người.
– Cũng vậy, này thanh niên, dù con đã sát hại cả nghìn đồng loại, nhưng nếu con thành tâm cải hối, thắp lên ngọn đèn bằng ánh sáng trí huệ của con thì bóng tối ác nghiệp u mê sẽ tan biến ngay. Con vẫn có cơ hội hội ngộ đạo như bao nhiêu người khác. Đó là điều mà Như Lai xác quyết với con.
Và trưa hôm ấy, Đức Thế Tôn đi khất thực về với Angulimala làm thị giả, chàng đã vứt bỏ chuỗi ngón tay, xuất gia làm tỳ kheo”
Một gian phòng dù đã tăm tối nghìn năm, khi đã thắp lên một ngọn đèn, không cần chờ đến nghìn năm sau bóng tối mới tan biến, mà ánh sáng từ ngọn đèn sẽ tràn ngập gian phòng ngay lập tức. Cũng giống như vậy, sau bao năm ta vô minh, chỉ cần ta thắp lên trong mình một ngọn lửa của từ bi và trí tuệ, vô minh sẽ tan biến, con đường thiện nghiệp bắt đầu từ đó, và thành quả tu tập đến đâu, nhanh hay chậm phụ thuộc vào sự tinh tấn của mỗi chúng ta.
Tu tập. Tu là sửa mình, để ngày một thiện nghiệp ta nhiều hơn, lớn hơn, để tình thương ta bao la, trải rộng hơn, để trí tuệ ta sáng hơn, cốt để chúng ta sống một cuộc đời thật ý nghĩa với lý tưởng phụng sự chúng sanh, mang lại niềm an lạc, hạnh phúc cho chúng sanh và cho bản thân ta. Tu tập bao gồm giới – định – tuệ. Biết gìn giữ các nguyên tắc, giới luật đúng đắn sẽ giúp tâm ta định, không vọng niệm, phiền não. Khi tâm được định thì trí tuệ khởi phát, khi trí tuệ khơi sáng, thông suốt để thấy rõ, hiểu rõ thì ấy là giác ngộ. “Lánh xa các việc dữ, năng làm các việc thiện, là lời chư Phật dạy”. Lời dạy của chư Phật rất dễ hiểu, nhưng không dễ thực hiện. Chúng ta cần tinh tấn, dũng mãnh để phụng hành lời dạy ấy cho trọn vẹn. Một khả năng tuyệt diệu mà tạo hóa ban cho con người là khả năng ta có thể đứng ngoài bản thân mình và quan sát, nhận thức được các ý niệm khởi lên từ tâm mình, rồi ta có thể tự do chọn lựa phản ứng, cách ứng xử đối với những tâm niệm khởi lên đó. Ứng với mỗi hành xử của mình, ta sẽ gieo một chủng tử thiện hay ác. Nếu biết mình đang khởi tâm nóng nảy, sân hận và nhận thức được sân hận là không tốt, ta hãy dừng nó lại, không để niệm ấy khởi lên thì ta đã gieo được một chủng tử thiện. Nếu ta nhận thức được từ tâm đang khởi lên, hãy để tâm ấy lớn lên và biến nó thành một việc thiện, ta đã gieo được một chủng tử thiện,… Tuy nhiên, không dễ để lúc nào ta cũng nhận thức rõ được tâm mình. Vì tác động bộn bề từ cuộc sống, ta dễ dàng sao lãng đi nhiệm vụ “quan sát” này. Do vậy, ta phải luôn chánh niệm (tỉnh thức), phải luôn nhận thức rõ thân, khẩu, ý của mình trong từng phút giây và thực hành thiện nghiệp với thân, khẩu, ý, ta sẽ có được sự thanh tịnh, an lạc, hạnh phúc.
Thân giáo.Trong tổ chức áo lam, người anh, chị, huynh trưởng mang cho mình sứ mệnh đào luyện, huân tập cho các em ngày một tốt hơn về nhân phẩm, đạo đức và kỹ năng. Để thực hiện sứ mệnh giáo dục thiêng liêng ấy, các anh chị phải là người làm gương, phải thân giáo. Các anh chị phải thực hiện được những điều mình dạy các em thì lời dạy ấy mới có tác động giúp các em thay đổi, tiến bộ. Vì khi tu tập tinh tấn, chuyên cần và làm gương cho các em, hơn ai hết, các anh chị là những người trải nghiệm qua và hiểu rõ quá trình tu tập của mình. Khi đó, lời dạy của các anh chị sẽ có một sức mạnh vô hình và thật sự mang lại hiệu quả trong sự tiếp thu và huân tập theo của các em.
“Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình”. Chiến thắng này là cội nguồn để thoát khỏi khổ đau và đạt được an lạc, hạnh phúc cho bản thân ta cũng như những người xung quanh. Cầu chúc cho tất cả anh chị em dưới mái nhà lam thân thương được chân cứng, đá mềm, tinh tấn, dũng mãnh để thành công trên con đường tu tập của mình và giúp cho những đàn em chúng ta ngày một tiến bộ hơn, ngoan giỏi hơn, xứng đáng là một người Phật tử chân chính.