Con người ý thức với pháp thân mầu nhiệm

Phật thân

Pháp thân (dharmakaya) là một trong ba thân: Phật thân (Buddhakaya), Pháp thân (dharmakaya) và Tăng thân (sanghakaya). Đức Thế Tôn có Phật thân, Pháp thân và Tăng thân. Nhưng không chỉ riêng gì Đức Thế Tôn, chúng ta ai cũng có thể có ba thân, mỗi người chúng ta đều có Phật thân, nhưng Phật thân của ta chưa biểu lộ được một cách toàn vẹn. Phật có nghĩa là sự tỉnh thức, là sự hiểu biết lớn và tình thương lớn. Chúng ta đã có hạt giống của tỉnh thức, của tình yêu và hiểu biết trong ta rồi. Nhưng trong đời sống hàng ngày có nhiều lo lắng, giận dữ, buồn khổ đã không cho phép Phật thân trong ta lớn lên và được biểu hiện toàn vẹn. Phật thân của chúng ta còn đang nằm dưới dạng hạt giống, chúng ta có khả năng thương yêu, có khả năng tỉnh thức chỉ vì chưa được chăm sóc đúng mức nên chúng chưa lớn mạnh được mà thôi.

 Trong Thiền có câu hỏi: “Con chó có Phật thân hay không?” Người ta thường phân biệt loài người với tất cả những loại động vật khác, nghĩ rằng chỉ có con người mới có Phật thân còn con chó thì không thể nào thành Phật. Nhưng trong ánh sáng của Tiến Hóa Luận, trong con chó cũng có khả năng hiểu và thương tuy không đến mức độ như của con người. Con chó, con ngựa, con khỉ,… đều có trí thông minh, có khả năng thương con của mình. Nó cũng có hạt giống của thương yêu, hiểu biết nhưng trên nấc thang tiến hóa thì loài vật phải đi tới mức con người khi ấy khả năng hiểu và thương mới có cơ hội phát triển toàn vẹn. Hơn nữa, khi nhìn lại mọi loài chúng ta thấy tuy là có chia ra từng loài rõ rệt nhưng tất cả mọi loài đều là chung. Là con người nhưng chúng ta cũng là con vật, trong chúng ta còn rất nhiều thú tính và trong loài thú cũng đã có tiềm tàng nhân tính. Nếu không thì con vượn làm sao trở thành con người? Chỉ cần 3 triệu năm là con vượn có thể trở thành con người. Vì vậy trong con người có thú tính và trong con thú có nhân tính. Chúng ta đừng nên phân biệt quá rạch ròi giữa người và vật .

 Chính những loài thảo mộc cũng có trí tuệ của nó. Trong hạt bắp rất nhỏ đã có cái biết, nó biết làm thế nào để nẩy mầm thành cây bắp, làm ra lá bắp và trái bắp. Chúng ta thấy có sự hiểu biết trong đó, nó không phải là những vật vô tri. Cả những lượng tử, những hạt bụi cũng có trí tuệ trong nó. Hiện nay các nhà khoa học thấy được các lượng tử cũng có sự thông minh của nó cho nên chúng ta không thể nói vật chất là vô tri. Trong đạo Phật có câu tụng:

 Tình dữ vô tình

Đồng viên chủng trí

 Mong cho các loài vô tình và hữu tình đều hoàn thành quả vị nhất thiết chủng trí (nghĩa tiếng Việt?). Loài có nhận thức và loài coi như không có nhận thức đều có thể thành Phật. Theo đạo Phật sự sống là một. Ta không thể chia sự sống ra thành từng ô, ô này có Phật tính, ô kia không có Phật tính hay ô này có trí tuệ, ô kia không có trí tuệ.

 Ngày xưa có một vị thiền sinh lên hỏi thầy của mình: “Thưa thầy, con chó có Phật tính không ạ?”. Vị thầy trả lời: “Có! Con chó có Phật tính”. Người thầy trả lời như vậy để giúp vị thiền sinh có được cái thấy sâu sắc hơn, cái thấy không kỳ thị. Nhưng hôm sau, một thiền sinh khác lại lên hỏi câu ấy: “Thưa thầy, con chó có Phật tính không ạ?” Lần này vị thầy trả lời: “Không! Con chó không có Phật tính!” Người thiền sinh này hỏi chỉ để xác nhận lại một kiến thức mà anh ta mới vừa thu lượm được. Đối với người tu thì kiến thức không quan trọng, sự chứng ngộ mới là quan trọng. Nếu thầy trả lời: “Con chó có Phật tính!” thì anh thiền sinh lại có thêm một ý niệm, chồng thêm một kiến thức, không có ích lợi gì cho anh ta. Người thầy trả lời một câu hỏi bằng hai cách khác nhau để đối trị với cái tâm của người hành giả. Đó là một công án thiền. Trong mỗi người đều có Phật tính, đi sâu hơn thì không phải chỉ con người mà những loài động vật, thực vật, khoáng vật cũng có Phật tính.

 Pháp thân

Bụt được làm bằng Pháp, nhưng người thực tập theo Bụt cũng có Pháp thân. Pháp thân trước hết là cái hiểu và cái hành của ta về Phật pháp. Nếu Pháp thân của mình èo uột, yếu đuối là do chúng ta tu tập không thành công và ta không có hạnh phúc. Nếu Pháp thân ta ốm yếu thì ta không đủ sức để quản lý, hành xử trong những lúc có khó khăn của đời sống hàng ngày. Ta phải có Pháp thân khá vững, khi pháp thân vững mạnh thì ta đối phó và xử lý dễ dàng những khó khăn trong đời sống hàng ngày. Chúng ta ai cũng có Pháp thân nhưng vấn đề là Pháp thân đó đã đủ lớn mạnh chưa? Ta tu học để Pháp thân càng ngày càng vững chãi để chúng ta dễ dàng vượt thắng khổ đau và chuyển hóa phiền não.

 Chữ Pháp thân trước hết có nghĩa là cái hiểu biết và sự thực tập của ta về chánh pháp. Thứ hai, Pháp thân cũng có nghĩa là những điều Bụt dạy bằng lời và bằng cách sống hàng ngày của Ngài. Ngày xưa thầy Vachali rất mê Bụt, thầy thấy Bụt đẹp quá nên thầy cứ lò rò đi phía sau Bụt. Thầy thích ngồi ngắm Bụt mà không chịu nghe pháp thoại nên bị Bụt quở trách. Lúc đầu thầy được làm thị giả cho Bụt nhưng sau Bụt thấy thầy bị dính mắc quá nên không cho làm thị giả nữa. Thầy rất đau khổ, nhưng sau thầy chuyển hóa được và tu tập cũng khá. Ngày thầy Vachali bị bệnh sắp chết Bụt có tới thăm và hỏi:

 –  Thầy Vachali, trong người thầy có đau nhức không?

–  Dạ, Bạch Đức Thế Tôn con không khỏe, con đau nhức lắm, con sắp chết.

–  Thầy có thực tập không?

–  Dạ, con có thực tập.

– Thầy có tiếc nuối gì không?

–  Dạ, con không tiếc nuối gì, con chỉ tiếc một điều là mỗi ngày không được đi theo Ngài, không được trông thấy Ngài.

Bụt nói:

–  Này thầy Vachali, hình hài của tôi thế nào một ngày kia cũng sẽ tan hoại. Thầy đừng chấp vào hình hài này. Nếu đang thực tập thì thầy đã có Pháp thân của tôi rồi, chính cái đó sẽ trường tồn mãi mãi. Thầy nên nắm giữ Pháp thân chứ đừng nắm giữ nhục thân này.

 Câu nói của Bụt chứng tỏ ngoài hình hài vật chất này mình còn có một hình hài khác gọi là Pháp.

 Thầy mình có Pháp thân và nếu mình đã có Pháp thân của thầy thì mình không còn lo ngày mà nhục thân của thầy tan hoại. Tiếp nối được Pháp thân của thầy là có thầy hoài mãi

 Trong bài hô canh sáng có câu: “Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai”. Buổi sáng thức dậy sau một giấc ngủ dài nên cơ thể của mình khỏe khoắn, tỉnh táo nhờ đó sự thực tập của mình được dễ dàng. Mình phải sống đời sống hàng ngày như thế nào, mình phải tu như thế nào để Pháp thân của mình càng ngày càng vững chãi, càng tỏa sáng. Đừng để một ngày đi qua mà Pháp thân không lớn lên, Pháp thân lớn lên thì Phật thân trong mình cũng lớn lên.

 Tăng thân

Thân thứ ba của mình là Tăng thân. Theo truyền thống thì mình phải nương tựa Tăng. Ngày xưa ở Việt Nam có một vị cư sĩ học Phật pháp rất giỏi, ông nói: “Tôi chỉ quy y hai bảo là Phật bảo và Pháp bảo thôi, còn các thầy, các sư cô thì tôi không phục lắm!” Ông không biết rằng nếu không có Tăng thân thì lấy gì để chuyên chở Phật thân và Pháp thân? Chính Tăng thân là cỗ xe chuyên chở Phật thân và Pháp thân. Nếu không quy y Tăng thì làm sao quy y Phật và Pháp được?  Quy y Tăng rất quan trọng, quan trọng hơn cả quy y Phật tại vì quy y Tăng thì trong Tăng đã có Phật và Pháp. Đánh mất và xa lìa Tăng thân là một tai nạn rất lớn cho đời một người tu. Danh từ Tăng thân chưa được dùng trong Phật giáo, nhưng Làng Mai dùng rất nhiều danh từ này. Tăng thân có ngoài mình nhưng cũng có trong mình. Sống trong Tăng thân mà mình liên hệ tốt với các anh chị em trong đạo của mình thì đi đâu mình cũng có Tăng thân trong mình.

 Đôi khi vì hoàn cảnh khó khăn mình phải xa lìa Tăng thân, nhưng một khi đã có Tăng thân trong trái tim thì không sao. Nếu không có Tăng thân trong trái tim thì rất nguy, đời sống tu tập của mình sẽ rất bấp bênh. Là người tu mình phải để thì giờ và tâm lực mà xây dựng Tăng thân tại vì Tăng thân là chỗ nương tựa của mình. Dù cho mình là thầy, mình đã thành đạo, mình cũng cần có Tăng thân, đó là trường hợp của Đức Thích Ca. Ngài đã thành Phật mà Ngài cũng cần nương tựa Tăng thân. Vì vậy trong đời sống hàng ngày mình phải sống như thế nào để có thể liên hệ tốt với các thành phần khác trong Tăng thân. Trong Tăng thân có những thành phần rất dễ liên hệ, nhưng cũng có những thành phần khó liên hệ hơn. Mình phải thực tập như thế nào để có liên hệ tốt với tất cả thành phần trong Tăng thân. Lúc đó sự thực tập của mình mới vững và Phật thân, Pháp thân trong mình mới có cơ hội ngày một lớn mạnh.

 Những mầu nhiệm của vũ trụ là sự biểu hiện của Pháp thân

Trong đạo Bụt đại thừa, chữ “Pháp thân” dần dần mang tính chất bản thể học. Ban đầu Pháp thân có nghĩa là giáo lý của Bụt dạy và sự thực tập của mình. Nhưng về sau, Phật giáo đại thừa diễn tả Pháp thân như những mầu nhiệm của thiên nhiên mà nếu sống có ý thức thì chúng ta sẽ nhìn thấy được. Ví như trúc tím, hoa vàng, trăng trong, mây bạc đều là biểu hiện của Pháp thân. Như vậy chúng ta có thêm một cách hiểu thứ ba. Pháp thân là nền tảng bản thể cho tất cả mầu nhiệm của vũ trụ.

 Ở xóm Thượng khi đi thiền hành tôi đạp lên rất nhiều lá sồi. Ở Nội Viện khi đi thiền hành tôi đạp lên vừa lá sồi, vừa lá tre, vừa lá phong. Ở Việt Nam chúng ta có nhiều lá tre, đi thiền hành trên lá tre cũng rất mềm. Buổi chiều ở làng quê Việt Nam, những bà mẹ thường quét lá tre gom thành từng đống rồi đốt lên, khói tỏa ra trông rất đẹp. Khi bước lên lá sồi ta có thể tiếp xúc được với Pháp thân tại vì lá sồi cũng là biểu hiện của Pháp thân mầu nhiệm. Ví dụ như bỗng nhiên trên mặt trăng có một chiếc lá sồi hay có một cọng cỏ mọc lên, khi ấy chắc chắn trên trái đất các nhà báo sẽ nói rất nhiều về sự kiện đó tại vì nó rất lạ kỳ. Và lúc bấy giờ các thương gia sẽ bắt đầu nghĩ tới chuyện lên mặt trăng để làm ăn, xây cất nhà cửa cho thuê và làm giàu trên ấy.

 Nhưng trên mặt trăng hiện chưa có những mầu nhiệm đó, chưa có lá tre, lá sồi, lá phong, chưa có một cọng cỏ, chưa có một đám mây. Trong khi đó trên trái đất của mình có tất cả những mầu nhiệm đó. Mỗi khi thực tập thiền đi quí vị có thể dẫm lên lá sồi, lá tre, nghe nước róc rách chảy, thấy một đám mây bay qua biến thành mưa rất kỳ diệu. Chỉ cần so sánh trái đất với mặt trăng thì mình thấy cho tới nay trong hệ mặt trời của mình và những hệ mặt trời mà hiện giờ mình biết đến chưa tìm thấy một hành tinh nào có sự sống như trái đất xinh đẹp của chúng ta. Trong khi đó mình được sinh ra trên cõi này, được hít thở không khí, được ngắm nhìn bầu trời và những mầu nhiệm xung quanh mà mình không thấy hạnh phúc, mình vẫn đau buồn, vẫn là hét, giận dữ, tủi thân thì rất uổng.

 Con người ý thức

Những loài khác như con chó, con vượn, con nai, con sư tử, cũng sống trong những mầu nhiệm này. Nhưng không biết chúng nó có thấy được sự quí giá đó hay không? Con cá có biết là nó đang bơi lượn trong không gian như bích ngọc, con chim có biết là nó đang bay trong Niết bàn và con nai có biết là nó đang chạy chơi trong cõi tịnh độ hay không? Khi đang còn là con vượn, con người đi khom khom bằng hai chân và hai tay. Tới một lúc nào đó thì con người đứng thẳng dậy, hai tay được giải phóng để cầm, để đan kết. Vì sử dụng mười ngón tay nên bộ óc lớn lên rất mau. Lúc con người vừa mới đứng dậy thì khối óc của họ chỉ bằng 1/3 khối óc của mình bây giờ. Nhờ biết sử dụng hai bàn tay và dụng cụ nên tự nhiên những tế bào trong não được sinh trưởng và trở thành con người khôn ngoan.

 Con người sống trong vũ trụ đầy những mầu nhiệm: trăng trong, mây bạc, trúc tím, hoa vàng. Con người có khả năng thấy được đó là những mầu nhiệm nhưng chưa chắc con chó, con khỉ, con vượn đã thấy được như vậy. Cầm một bông hoa trên tay con người biết màu sắc của bông hoa tươi đẹp, hương của bông hoa thơm ngát, cắt một trái cam ra con người biết trái cam ngọt ngon chín mọng. Nhưng chưa chắc loài vật đã biết được điều ấy. Nhìn những thứ này chúng nghĩ ngay tới việc cái đó có ăn được hay không?

 Nhìn những con cá bơi lượn trong hồ nhẹ nhàng mình thấy rất đẹp nhưng con cá mập thì không nghĩ như vậy, nó chỉ nghĩ phải đớp như thế nào để ăn được nhiều cá. Người con trai nhìn một người con gái thấy cô gái đẹp quá, hai mắt trong như nước hồ thu, có đêm u huyền ngủ trên mái tóc và làm thơ ca ngợi. Nhưng con khỉ không khen “mắt em đẹp như nước hồ thu”, nó chỉ nghĩ nó có thể giao hợp với con kia mà không bị những con khỉ khác tới đánh hay không. Khi mình thành một con người khôn ngoan, tự nhiên khả năng nhận diện những mầu nhiệm của vũ trụ trong mình phát hiện. Mình ý thức được mình đang có mặt trên thế gian này. Những con vật kia có biết là nó đang có mặt trên thế gian này hay không?  Là con người mình đang ngồi đây, thở vào và mình biết mình đang thở vào trong giờ phút hiện tại. Đó gọi là chánh niệm. Con người khôn ngoan trở thành con người ý thức (homo conscius). Ý thức mình đang có mặt, “tôi đang có mặt trong trời đất”, là chánh niệm. Người đại diện xứng đáng cho giống homo conscius là Phật Thích Ca và chúng ta là con cháu của loại người đó.

 Ý thức giúp cho mình thấy được tất cả những gì trong tự thân và những gì bao quanh mình, có nghĩa là ý thức giúp mình tiếp xúc được với Pháp thân tại vì Pháp thân là bản chất của hiện hữu, là nền tảng bản thể (base ontologique) của tất cả mầu mhiệm. Trong đạo Phật thường dùng hình ảnh của trăng trong, mây bạc, hoa vàng, trúc tím để chỉ những mầu nhiệm của cuộc đời. Chúng ta nhận diện được là nhờ có ý thức. Hạnh phúc của con người rất lớn, con người thấy được cái đẹp, thấy được cái mầu nhiệm của sự sống mà các loài vật chưa thấy được.

 Mỗi khi đi thiền, bước từng bước chân mình tiếp xúc được tất cả những mầu nhiệm, nó nuôi dưỡng và trị liệu cho mình. Mỗi khi ngồi thiền mình có cơ hội thấy được mình đang có mặt, đã mang tiếng là được ở trong trời đất mình phải thấy được mình đã từng có đó. Có những người sống được 100 năm rồi chết đi mà không chứng tỏ được cho con cháu biết là họ đã có mặt tại vì họ không tu tập chánh niệm. Một trăm năm đi qua rất mau. mỗi ngày chúng ta thực tập chánh niệm để thấy mình đang có mặt, chúng ta có thể nói với con cháu sau này là “ta đã có mặt, ta đã từng sống trên trái đất này”.

 Mối ưu tư của muôn đời

Hạnh phúc của con người có thể rất lớn, lớn hơn của các loài khác. Nhưng ý thức đó cũng làm cho con người đau khổ tại vì con người biết rằng thế nào mình cũng phải chết. Những con vật không nghĩ về cái chết, nó không có những câu hỏi về siêu hình như: “Mình từ đâu sinh ra? Mình từ đâu tới đây? Tại sao mình chỉ ở lại chừng 100 năm rồi cuối cùng mình tan thành tro bụi?” Con người hỏi những câu vớ vẩn như vậy cũng là do ý thức mà ra. Tôi yêu em nhưng tôi biết thế nào em cũng phải chết, đó là niềm đau của tôi. Làm con người thì phải trả một giá rất đắt, đó là cái ưu tư thế nào mình cũng phải chết. Con người không thể quên được mối ưu tư đó, nó là nguyên do của những ý tưởng siêu hình và những chứng bệnh tâm thần.

 Những con vật không suy nghĩ như vậy. Cây thông đứng reo ngoài kia, hình như nó không suy nghĩ về chuyện sống chết. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ có viết:

 Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

 Tại sao mình sinh ra để rồi mình phải chết đi?

Hoa thiều lá nó xanh xanh
Thân ta biết thế đừng sanh ra đời

 Sinh ra đời làm chi để rồi chết? Không có ý nghĩa gì cả! Con người bị bấn loạn bởi những ý niệm có và không, hữu thể và vô thể. Tại sao mình trở thành có và từ có mình lại trở thành không? Muốn được sống sót con người phải tìm ra đường hướng để trị cái bệnh ưu tư của mình. Do đó mới sinh ra tôn giáo. Con người nghĩ rằng thế giới này do một đấng tạo hóa tạo dựng ra. Đấng tạo hóa luôn luôn có đó, không sinh cũng không diệt. Đấng tạo hóa tạo dựng ra con người và thế giới, và khi chết mình được trở về ngồi dưới chân Thượng đế lúc ấy linh hồn mình trở thành bất diệt. Đó là phương thuốc mình đặt ra để đối trị với mối ưu tư của mình, phương thuốc này là tôn giáo. Đấng tạo hóa không sinh không diệt tạo dựng ra thế giới có sinh có diệt và mình là vật được tạo dựng, sau khi chết mình sẽ trở về sống đời đời với Thượng đế. Đó là một loại thuốc an thần để trị chứng bệnh ưu tư của mình.

 Sự nghiệp trí tuệ của người tu

Đức Thích Ca không bằng lòng với lối trị bệnh này. Ngài muốn sử dụng tận lực trí tuệ của con người, dùng niệm-định-tuệ để khám phá ra bản chất thật của sự sống. Cuối cùng Ngài đã tìm ra Niết bàn, Niết bàn là bản chất không sinh không diệt. Những cái mình thấy có sinh có diệt chỉ là biểu tượng bên ngoài mà thôi. Quán chiếu một đám mây mình thấy nó không có sinh cũng không có diệt. Trước khi có đám mây thì đám mây đã có dưới hình thức của ánh sáng mặt trời, của sông hồ. Sau khi đám mây không có nữa thì nó vẫn còn dưới hình thức của cơn mưa, của ruộng đồng, của ngàn dâu xanh tốt. Dùng niệm-định- tuệ để quán chiếu, để đi sâu vào, mình khám phá ra được thế giới vô sinh bất diệt và mối ưu tư đó tan biến không còn nữa. Đó là cái mà đạo Bụt cống hiến cho con người để đối trị với ưu tư kia.

 Là người tu, là con người có ý thức, mình tin vào Phật thân, tin vào khả năng có thể với tới cái thấy, cái hiểu của mình. Nhờ Tăng thân và Pháp thân mình đạt tới Phật thân, đạt tới cái thấy giải phóng cho mình ra khỏi những ưu tư, lo sợ tại vì bản chất của mình là vô sinh bất diệt. Như một đợt sóng rất sợ sinh diệt, lên xuống, nó tự hỏi: “Bây giờ tôi ở đây nhưng một lát nữa thì tôi không có!” Nó lo lắng, đau khổ. Nhưng khi khám phá ra mình đã là nước rồi thì nó không còn lo lắng, đau khổ nữa. Có hay không có không còn là vấn đề, lên hay xuống cũng là vui. Vì vậy, Niết bàn là chỗ mát mẻ, vững chãi, không còn ưu tư. Mục đích của sự tu học là tiếp xúc được với Niết bàn. Niết bàn trong giây phút hiện tại mà không phải là một sự hứa hẹn trong tương lai ở một cõi khác.

 Ba triệu năm không có ý nghĩa gì, con người còn rất trẻ trên trái đất này. Thời gian từ khi mình đứng dậy và sử dụng hai tay cho đến bây giờ chỉ có ba triệu năm mà chúng ta đã sản xuất được những vị Bụt, những vị Bồ tát. Đó là một sự mầu nhiệm rất lớn, mình phải tiếp nối sự nghiệp này, sự nghiệp của trí tuệ. Trong đạo Bụt nói: Sự nghiệp lớn nhất đáng để chúng ta theo đuổi là sự nghiệp trí tuệ. Duy tuệ thị nghiệp 惟 慧 是 業, đó là bốn chữ trong kinh Bát Đại Nhân Giác: Chỉ có trí tuệ mới xứng đáng là sự nghiệp của mình mà thôi.

 Nhất Hạnh

Bài khác nên xem

Sự tích Nữ Đại Hộ Pháp VISÀKHÀ

phuocthanh

Phật an cư không tiếp khách

phuocthanh

Lịch sử Đức Phật Thích Ca – Kỳ 2

datthinh