Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo – Kỳ 3

Thái Hư Đại Sư giảng

HT Thích Trí Thủ dịch

ĐOẠN II: CHÁNH THUYẾT – THUỘC VỀ PHẦN CHÁNH VĂN

 CHƯƠNG I

NGHIỆP QUẢ THẾ GIAN VÀ XUẤT THẾ GIAN

 

  1. Từ nơi nhơn mà nói đến quả

 Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Long vương rằng: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do vậy có sự xoay vần trong các thú.”

BẤY GIỜ là chỉ thời gian thuyết pháp. THẾ TÔN là chỉ đức Phật, ở đời ai cũng tôn trọng nên gọi là Thế tôn. LONG VƯƠNG tức chỉ vị chúa tể ở Long cung, Phật kêu Long vương mà bảo. TÂM là tâm vương, TƯỞNG là 51 món tâm sở; Tâm vương, Tâm sở của chúng sanh ở trong tam giới cửu địa, năm thú, bốn loài sanh v.v… không đồng nhau, nên hành vi cũng không đồng, và chịu quả báo cũng không đồng. Cũng như vì nhân tâm không đồng nên bộ mặt chẳng ai giống ai; đây là hợp cả tâm vương và tâm sở, tóm tắt gọi là tâm; nếu phân biệt mà nói thì phải nói tâm và tưởng v.v. mới đủ. Ta nên biết: thân hành động, miệng nói phô, ý suy nghĩ, toàn là do tâm chủ động. Nên người ta nói: Có ở trong tức là hiện ra ở ngoài. Nếu hành động mà không có dụng công của tâm thời không thành thiện ác; các nhà luân lý học cũng thừa nhận như thế. Nhân vì tâm tưởng không đồng nên hành vi tạo tác không đồng, thành thử có nghiệp quả xoay vần trong năm thú.

Sao gọi là XOAY VẦN? Nghĩa là loài người tạo nghiệp lành thì sanh lên cõi trời; tạo nghiệp dữ thì đọa xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v… Nghiệp địa ngục súc sanh hết, nhờ tu thiện, trở lại sanh làm người, làm người nếu không tu thiện, trở lại đọa lạc; cứ thế xoay chuyển mãi, nên gọi là Xoay Vần. Theo từ ngữ của Phật tức là luân hồi. Đoạn này là từ nơi “nhơn” mà nói rõ “quả báo” vậy.

  1. Từ nơi “quả” mà nói rõ “nhơn”

 Này Long vương! Nhà ngươi có thấy trong hội này và các loài ở trong đại hải hình sắc chủng loại mỗi mỗi không đồng nhau không? Tất cả đều do tâm tạo thiện hay ác của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp mà gây nên cả.

Trước hết, Phật kêu Long vương khiến chăm chú nghe. Cac loài tôm cá ở trong biển hình sắc chủng loại không đồng, quả báo cũng không đồng, toàn do tâm tưởng và hành vi không đồng gây nên. Chỗ xuất hiện của hành vi là thân, khẩu và ý đều có thiện hay ác, nên thành sai biệt. Đoạn này là dẫn “quả” để nói về “nhân”.

  1. Nói rõ về tướng của nhân

 a.  Quán Tâm là vô sanh

 Tâm ấy không có hình sắc, không thể thấy được, chỉ là do các pháp nhóm họp hư huyễn không thật, rốt ráo không có chủ tể, không có ngã và ngã sở.

TÂM chỉ có danh từ mà không có hình sắc, mắt không thể nhìn được, tay không thể nắm được, chỉ vì vô thỉ đến nay gom góp các pháp hư huyển mà sanh khởi sự phân biệt, huân thành chủng tử, rồi khởi ra hiện hạnh. Ba cõi này đều là do phân biệt giả dối mà hiện khởi ra cả, rốt ráo không có chủ tể, không thể chỉ cái gì là “ngã” [ta] và “ngã sở” [vật của ta]. Nếu ai chấp tâm ấy có chủ tể tức thuộc về tà kiến đoạn thường của ngoại đạo.

 b.  Quán Pháp như huyễn

 Tuy đều theo nghiệp, hiện ra không đồng; mà thật trong ấy không có người tác giả, nên tất cả các pháp, tự tánh như huyễn, đều là bất khả tư nghì.

Các pháp giả dối tức là chỉ cho các pháp tạo thành thân căn và khí giới như năm uẩn, bốn đại v.v. Các pháp ấy nhứt định không ai tạo thành, chỉ do nghiệp lực hiển hiện mà thôi; nghiệp lại do tâm tạo, tâm lại do các pháp mà sanh khởi, lần lữa nương nhau như huyễn, như hóa, sanh diệt vô thường, không có gì là chắc chắn trường tồn; vì không thể dùng tư tưởng nghị luận mà suy cứu, nên gọi là bất tư nghì. Ngày xưa có ngoại đạo chấp rằng: Vạn vật do vị Đại tự tại thiên tạo thành, ngày nay thì Gia giáo cũng cho rằng: Tất cả đều do Thượng đế tạo thành và làm chúa tể. Đối với Phật giáo, nói như thế là vọng chấp sai lầm. Đạo Phật nói rằng: Tất cả quả báo khổ hay vui đều do sự sai khác của mười nghiệp thiện hay không thiện mà thôi, nhưng phải biết tự tánh của nghiệp quả là như huyễn, vì do nhân duyên cấu hợp sanh diệt vô thường. Tức như kinh Bát-nhã nói về Chơn Không, Pháp tướng duy thức nói về Giả Hữu, thật là bao trùm không sót vậy.

 c.  Khuyên nên tu học

 Kẻ trí giả biết thế rồi, nên tu thiện nghiệp; nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới v.v. đều được đoan chánh, trông thấy không nhàm chán.

Nghiệp tánh không phải nhất định, thế giới cũng không phải là vật chết hẳn một bề; các pháp đều là như huyễn, không chủ tể, Cho nên, cần phải chuyên tu thiện nghiệp, dứt trừ ác nghiệp để tạo nên thế giới và thân thể trang nghiêm đoan chánh, khiến cho tất cả chúng sanh trông thấy, thì sanh lòng hoan hỷ hâm mộ.

UẨN tức là năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. XỨ tức là thập nhị xứ: sáu căn và sáu trần. GIỚI tức là thập bát giới: sáu căn sáu trần và sáu thức vậy. Ba món trên là nguyên liệu tạo thành thân căn và thế giới.

  1. Đem tướng của nghiệp quả làm chứng

 a.  Dùng Phật quả làm chứng

 Này Long vương! Ngươi xem thân của Phật do trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra, các tướng trang nghiêm, quang minh chói rạng, phủ tất cả đại chúng. Dù vô lượng ức các vị Tự tại Phạm vương đều không thể hiển hiện được. Những ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai, không ai là chẳng chóa mắt.

Thân Phật là do trăm ngàn muôn ức phước đức trí huệ sanh ra; Cho nên, có 32 tướng tốt, trăm phước trang nghiêm, hào quang chói rạng; dù cho hàng chư thiên, long vương, tuy đều có quang minh, một khi trông thấy hào quang của Phật, không thể gì mà hiện ra được. Ở trong các cảnh trời quang minh, lớn nhứt là cảnh Đại tự tại thiên và Phạm vương, nhưng đều không sánh kịp với quang minh của đức Phật.

 b.  Dùng Bồ Tát làm chứng

 Ngươi lại xem đây, các vị Bồ tát diệu sắc trang nghiêm, tất cả đều do tu tập phước đức thiện nghiệp mà sinh ra.

Sắc tướng tốt đẹp, hào quang sáng ngời của các hàng Bồ tát cũng đều do tu tập thiện-nghiệp-phước-đức mà có cả.

c.  Đem hàng Thiên Long làm chứng

Lại nữa, các hàng thiên long bát bộ, thấy có oai thế lớn lao, cũng nhơn phước đức của thiện nghiệp mà sanh.

Thiên long bát bộ thuộc về loài A-tu-la. Loài ấy sở dĩ có oai thế cũng đều do nhơn tu tập một ít phước đức thiện nghiệp. Cho nên, muốn được hưởng cảnh giới an vui tốt đẹp, trọng yếu nhứt là vun trồng phước đức thiện nghiệp.

Ba đoạn trên đây căn cứ vào quả báo thiện nghiệp mà nói. Dưới đây sẽ nói đến quả báo các nghiệp dữ để chứng minh.

d.  Đem các loài ở biển làm chứng

 Này đây, các chúng sanh ở trong đại hải, hình sắc thô xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ đều do hết thảy tưởng niệm của tự tâm gây ra bởi thân, ý các nghiệp bất thiện, vậy nên tùy theo chỗ gây nghiệp mà tự thọ báo.

Đem các loài cá, trạnh, tôm, hến ở bể, lớn hoặc nhỏ, hình sắc thô xấu tanh hôi, đều bởi tưởng niệm không đồng của tự tâm, phát ra nơi thân, khẩu, ý những nghiệp không lành, Cho nên, phải chịu báo thân xấu xa như vậy.

 e.  Kết khuyên tu học

 Người nay thường nên tu học như vậy, cũng khiến chúng sanh rõ thấu nhơn quả, tu tập thiện nghiệp. Ngươi nên ở đây, chánh kiến bất động, chớ đọa vào trong tà kiến đoạn thường, đối với các phước điền, hoan hỷ kính nhường. Vậy nên các ngươi cũng được nhơn thiên tôn kính cúng dường.

Cốt yếu là dùng chánh kiến – rõ thấu luật nhơn quả mà tu tập thiện nghiệp, không bị tà kiến rối loạn; tà kiến tức là chấp đoạn, chấp thường. Chấp đoạn tức là chấp rằng ở đời, chẳng qua may rủi chớ không có gì cả, chết là hết, không chịu tin nhơn quả Cho nên, buông lung làm ác, chẳng sợ quả báo về sau. Chấp thường tức là chấp ở đời tất cả sự vật đều là thường còn nhất định, như nói rằng: người thì đời đời kiếp kiếp cũng là người, trâu ngựa thì đời đời kiếp kiếp vẫn là trâu ngựa; gây nghiệp lành dữ chẳng quan hệ gì với sự khổ vui của thân này. Vì tà kiến ấy mà không tin nhân quả. Cho nên, cuộc đời cứ xáo trộn hoài, chẳng bao giờ được như ý muốn. Nay muốn không lạc vào tà kiến, cần phải quan sát thân này là vô thường, tâm không chủ tể, tất cả các pháp là như huyễn, tùy tâm tạo nghiệp gì, tùy nghiệp ấy mà chịu quả báo. Có thế mới là hiểu rõ chân tướng nhân quả, không gì lay động được.

PHƯỚC ĐIỀN nghĩa là những đám ruộng để vun trồng phước đức (lời thí dụ). Có ba thứ: KỈNH ĐIỀN,đối với Phật, Bồ tát, cung kính cúng dường thì sẽ được phước. ÂN ĐIỀN,cha mẹ thầy bạn rất có ân với mình, hiếu thuận cúng dường thời được phước lớn. BI ĐIỀN đối với chúng sanh khổ não thương xót cứu giúp thì sẽ được phước đức. Trong ba thứ phước điền này, nếu hoan hỷ cúng dường, thế nào cũng được hưởng quả an vui, nhơn thiên tôn kính cúng dường vậy.

 CHƯƠNG II

THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

  1. Công dụng của thiện pháp

 Long vương nên biết, Bồ tát có một pháp dứt tất cả các khổ của đường dữ. Pháp ấy là gì? Nghĩa là ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ quán sát pháp lành, làm cho các pháp lành mỗi niệm mỗi tăng trưởng; không cho một hào li bất thiện xen lẫn vào; tức là hay khiến cho các pháp hằng dứt, thiện pháp viên mãn; thường được thân cận các đức Phật, Bồ tát và các Thánh chúng.

Thường thường nhớ nghĩ quán sát thiện pháp thì tâm được thiện. Tâm thiện thì ác nghiệp không sanh. Không gây ác nghiệp tức không chịu quả báo. Như thế, chuyên tâm quán sát, chớ để cho một hào ly ác nghiệp xen lẫn vào, lần lần thiện pháp viên mãn. Thiện pháp viên mãn thời được thân cận các hàng đại Bồ tát, bầu bạn với Thánh hiền, sẽ cùng nhau ở cảnh giới trang nghiêm cực lạc. Toàn nhờ công dụng của thiện pháp cả.

  1. Giải thích tên của thiện pháp

 Thiện pháp là gì? Nghĩa là thân của nhơn thiên, đạo bồ-đề của Thanh văn, đạo bồ-đề của Độc giác và Vô thượng bồ-đề đều y pháp ấy làm căn bản và thành tựu. Cho nên, gọi là thiện pháp.

Vì sao gọi là thiện pháp? Là vì thân của nhơn đạo, thân của chư thiên, năm phần pháp thân của Thanh văn tiểu thừa (giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến), pháp thân bồ-đề của hàng trung thừa độc giác và pháp thân vô thượng bồ-đề của đại thừa. Tất cả quả báo tốt đẹp an vui của thế gian hay xuất thế gian được hiển hiện đều do mười pháp này làm căn bản, Cho nên, gọi là thiện pháp.

  1. Tướng của mười điều thiện

 Thiện pháp đây tức là mười nghiệp đạo thiện. Những gì là mười? Xa lìa: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.

Căn bản thiện pháp của thế gian và xuất thế gian tức là mười nghiệp đạo thiện. Mười nghiệp đạo thiện này chính ở nơi thân mình, không phải cầu đâu xa. Do con đường lớn quang minh chính đại của mười nghiệp thiện này mà đi đến cảnh giới an vui tốt đẹp của thế gian và xuất thế gian. Từ sự giết hại sinh linh cho đến tà kiến là mười ác nghiệp; sở dĩ nói thiện, là căn cứ ở chỗ xa lìa. Xa lìa được ác nghiệp không phải dễ dàng. Nếu thời gian này xa lìa được sự giết hại mà về sau lại giết hại, hoặc đời này cố gắng giữ được giới sát sanh mà đời sau không giữ được thì cũng chưa gọi là hoàn toàn xa lìa. Phải làm thế nào cho lòng của mình luôn luôn tự đời này qua đời khác, cho đến tận vị lai kiếp không còn móng ác nghiệp giết hại sanh linh nữa, mới được bảo là hằng “xa lìa”.

 Thứ nhất là sát sanh

 Thế nào gọi là sát sanh? Nghĩa là dứt ngang mạng sống của kẻ khác, hoặc loài khác. Tự thân mình cầm khí giới, hoặc miệng mình sai bảo hay thấy sự giết hại mà ý mình sanh hoan hỷ, đều là nghiệp sát sanh cả. Mười ác nghiệp này, căn cứ vào nội tâm, ngoại cảnh và thời gian mà phân biệt nặng nhẹ khác nhau. Nay đem một nghiệp sát sanh làm thí dụ. Ở nội tâm chia làm ba thứ: Một là vì tâm sân hận, biết trái luật mà vẫn cố ý giết hại là tội nặng nhất. Hai là tuy có hận kích động, nhưng nội tâm không rõ ràng hoặc trong tâm tuy rõ ràng mà không sân hận là bực trung. Ba là không sân hận, không hiểu biết, giết lầm là nhẹ. Đối với ngoại cảnh cũng có ba bậc tội nặng nhẹ không đồng. Như phá hủy thân Phật, giết hại các bậc thánh nhân, a-la-hán, giết hại cha mẹ và các người ân nhân là tội nặng nhất. Giết các người ngang hàng là bậc trung. Giết hại các loài chúng sanh khác là tội nhẹ. Lại đối với trong thời gian móng tâm giết hại cũng có tội nặng nhẹ ba bực không đồng. Như trước khi chưa giết hại mà có ý ưa vui giết hại, đến khi đương giết và sau khi giết rồi, vui vẻ không có lòng hối hận là nặng nhất. Nếu trước khi chưa giết không móng ý gì, hoặc giết rồi sanh lòng hối hận là bậc trung. Còn không có lòng sân hận mà giết lầm và sau khi giết rồi, sanh lòng hối hận là tội nhẹ.

Muốn tránh xa nghiệp sát sanh cần phải y theo ba món giới, định, huệ thứ lớp tu tập. Trước nương theo giới mà ly nghiệp sát sanh thô trọng, ở nơi thân không hành động giết hại. Thứ hai, tu tập thiền định, làm cho tâm không móng lên giết hại; nhưng cũng còn chưa dứt hẳn, Lại còn cần tu tập theo định huệ, dứt sạch chủng tử thói quen từ vô thỉ đến nay. Bao giờ chứng đến quả Phật mới hoàn toàn dứt hẳn, mà thân tâm được thanh tịnh. Xưa đức Phật còn tại thế, cùng ngài Xá-lợi-phất đứng xem một đàn chim. Bầy chim thấy Phật thì không sợ hãi mà thấy ngài Xá-lợi-phất thì cuống cuồng. Ngài Xá-lợi-phất hỏi Phật vì lẽ gì? Phật dạy: “Ngươi dù đã chứng đến a-la-hán, tuy không còn tâm sát hại nhưng vì thói quen chủng tử sát hại từ vô thỉ chưa dứt hẳn, Cho nên, loài chim lại gần sanh lòng sợ hãi.”

Thứ hai là trộm cắp

 Lấy sức mạnh cướp bóc của người, hoặc trộm lén lấy của người, hoặc bày phương kế xảo trá lừa gạt mà lấy của người, cho đến vô công ngồi hưởng, đều thuộc về trọm cắp cả. Nghiệp trộm cắp, tội nặng nhẹ cũng như nghiệp sát sanh trên kia. Tám nghiệp dưới đây cũng thế, căn cứ vào lý mà phân phán nặng nhẹ.

Thứ ba là tà hạnh

Tà hạnh tức là chỉ cho sự dâm dục; thế gian lấy sự vợ chồng chính thức phối hiệp gọi là chánh hạnh, ngoài ra gọi là tà. Đó là nói về thô cạn. Nói sâu hơn thì tất cả chúng sanh ở trong dục giới đều vì dâm dục mà có tánh mạng, Cho nên, đối với cảnh ngũ dục mà sanh lòng say đắm đều thuộc tà hạnh cả; tu hành thoát ly dục giới mới hàng phục được dâm dục. Bao giờ chứng quả a-la-hán mới là cứu cánh ly dục.

Ba nghiệp trên này thuộc về thân.

 Thứ tư là vọng ngữ

 Tức là nói lời dối trá, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy, biết nói không biết, không biết nói biết, xấu nói tốt, tốt nói xấu, cho đến có nói không, phải nói quấy v.v… dối trá không thật. Ở trong Phật pháp rất kỵ là đại vọng ngữ nghĩa là tu hành chưa được mà tự xưng đã được, chưa chứng mà tự gọi đã chứng. Nếu vi phạm đại vọng ngữ này, quyết định sa về đường ma, đọa lạc tam đồ ác đạo, rất là nguy hiểm.

Bồ tát tu hạnh lợi tha gặp trường hợp đặc biệt có thể phương tiện nói dối như trong kinh Bồ tát giới đã dạy rõ. Xa tánh vọng ngữ tức là phải tu chơn thật ngữ vậy.

 Thứ năm là hai lưỡi

 Tức là nói lời chia rẽ phản gián, đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này, xui dục bà con bất hòa, thân tình thù oán; xưa nay các nhà đi thuyết khách phần nhiều thuộc về loại này cả. Sự tai hại không phải là nhỏ. Xa tánh hai lưỡi tức là tu “nói lời hòa hiệp”.

 Thứ sáu là ác khẩu

 Tức là nói lời thô ác, mắng chửi nộp rủa v.v…do chửi mắng mà đi đến đánh đập giết hại; nhỏ từ cá nhân, rộng đến gia đình xã hội, cho đến quốc tế chiến tranh. Sự tai hại cũng không phải nhỏ. Xa lìa lời nói thô ác tức là được sự “nhu hòa”.

 Thứ bảy là ỷ ngữ

 Tức là nói lời vô nghĩa lý, nghĩa là trau chuốt thêu dệt lời nói cho đẹp đẽ, khiến tăng hành vi tội lỗi, nói không chơn thật, không đúng lẽ phải, mà nghe rất êm tai; khiến cho người nghe không còn giữ được tâm trí, mất hẳn nhơn luân, rất dễ dẫn dắt người ta đi đến hầm tội lỗi. Xa lánh ỷ ngữ tức là nói lời đúng nghĩa lý.

Bốn nghiệp trên đây thuộc về lời nói “ngữ nghiệp”. Thông thường bảo là khẩu nghiệp, nhưng khẩu nghiệp không hết nghĩa vì rằng miệng chỉ là một khí cụ của lời nói mà thôi, Cho nên, phải nói ngữ nghiệp mới hết ý.

 Thứ tám là tham dục

“Dục” tức là những cảnh dục lạc trong thế gian. Đối cảnh sanh lòng tham, cho nên, gọi là tham dục. Tham dục là nhơn cốt yếu của đường sống chết, Cho nên, cần phải đoạn tuyệt; nhưng lòng tham dục không phải hoàn toàn xấu xa tội lỗi, nếu đối với thiện pháp mà sanh lòng tham muốn làm theo cho đến kỳ cùng thì lại là phước đức đáng quý.

Thứ chín là sân hận

Đối với cảnh vừa lòng thì sanh tham muốn, với cảnh trái ý thì sanh sân hận; lỗi của lòng sân không phải nhỏ. Kinh dạy: Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai, nghĩa là tâm sân khởi lên thì trăm vạn cửa nghiệp chướng đều mở. Tuy vậy, nghiệp sân này chỉ ở cõi dục giới. Nếu tu tập Thiền định và bốn Vô lượng tâm từ bi hỷ xả thì sẽ tiêu tan. Nên cõi sắc và vô sắc giới không còn sân hận.

Thứ mười là tà kiến

 Thông thường gọi là ngu si. Nhưng chữ ngu si nó không hết nghĩa. Vì rằng ngu si là không hiểu lý lẽ. Còn đây là hiểu biết không hợp chân lý, không đúng với lẽ phải của Trung đạo, thiên kiến một bên, mà cố chấp cho là phải, Cho nên, nói là tà kiến mới hết nghĩa. Như chấp đoạn diệt hay chấp thường còn, thành điên đảo tà kiến không hợp với chơn lý trung đạo, nhưng vẫn ở trong phạm vi của ngu si. Nay muốn xa lìa sự nhận thức sai lầm của phạm vi ngu si tà kiến, cần phải tu thiền định, nhờ đó mà phát sanh trí huệ, tăng trưởng chánh kiến đi đến quả thiện pháp viên mãn.

Ba nghiệp trên đây thuộc về ý nghiệp.

 

Bài khác nên xem

Công đức chép kinh

phuocthanh

Lịch sử Đức Phật Thích Ca – Kỳ 3

datthinh

NHẤT TÂM QUY Y TAM BẢO

nhuanphap