( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục
do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )
I. ĐỊNH NGHĨA :
Văn nghệ là văn chương và nghệ thuật, chỉ một số hình thức sinh hoạt tinh thần của con người. Những sinh hoạt tinh thần nầy có mục đích phô diễn tình cảm hay trình bày một tư tưởng dưới các hình thức như văn tự, âm thanh, đường nét, ngôn ngữ. . .
II. VĂN NGHỆ VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI :
1. Đối với người sáng tác :
Văn nghệ là một nguồn hoan lạc, một sự cởi mở cho tâm hồn, một phương tiện giải trí và cũng là một phương tiện giáo dục.
2. Đối với người thưởng ngoạn :
Văn nghệ, là một cơ hội giải trí, một niềm thông cảm, giúp đời sống thêm nhiều ý nghĩa.
3. Tính chất phổ cập của văn nghệ :
Ngày nay, văn nghệ phổ cập trong đại chúng là một món ăn tinh thần cần thiết cho con người.
III. CÁC BỘ MÔN VĂN NGHỆ :
Gồm 2 loại chính :
1. Văn nghệ tĩnh :
– Văn xuôi, thơ
– Hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh.
– Báo chí.
2. Văn nghệ động :
– Âm nhạc – ca vũ.
– Hùng biện hay kể chuyện
– Kịch và điện ảnh.
IV. VĂN NGHỆ VÀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ :
1. Vị trí văn nghệ trong Gia Đình Phật Tử :
Văn nghệ đứng sau Giáo lý và đi song song với Hoạt động thanh niên, Xã hội.
– Về hình thức : Văn nghệ là một phương tiện giải trí thanh nhã cho đoàn viên, mang lại nguồn vui, điểm thêm tươi trẻ cho Gia Đình Phật Tử.
– Về tinh thần : Văn nghệ là một lợi khí giáo dục, dẫn đắt thanh niên đến với giáo lý Phật đà, bảo vệ và cũng cố đức tin, đề cao lý tưởng phong trào, đào tạo thành con người chân chính.
2. Đặc tính văn nghệ trong Gia Đình Phật Tử :
Văn nghệ trong Gia Đình Phật Tử phải nhằm đạt đến các đặc tính căn bản sau đây :
– Dựa trên nguyên tắc căn bản cố hữu của Gia Đình Phật Tử gồm :
+ Mục đích Gia Đình Phật Tử : “ Đào luyện Thanh Thiếu, Đồng niên thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo ”.
+ Châm ngôn Bi – Trí – Dũng : Phát huy tinh thần Bi Trí Dũng.
– Tôn trọng và thể hiện Chân Thiện Mỹ : Loại trừ các thứ văn nghệ trữ tình,ly khai văn chương dâm uế, ủy mị, khêu gợi dục vọng, căm thù . . .
– Phát huy dân tộc tính : Làm sống lại lễ nhạc Phật giáo và tinh thần bất khuất của dân tộc, ly khai các ca nhạc vong quốc, các loại khích động ngoại lai làm mất bản sắc dân tộc.
– Nghiêng về hiện thực xã hội : Cố gắng thực hiện sự thật trong cuộc sống đau khổ của cá nhân và xã hội, của dân tộc, không thoát ly ra ngoài niềm đau khổ của nhân sinh.
– Nhắm tới cứu cánh siêu thoát : Văn gnhệ Gia Đình Phật Tử xuất phát từ thực tại nhân sinh, nhưng phải vượt khỏi cái giả ảnh, như huyển của cuộc đời mà hướng thiện, hướng thượng, theo cưú cánh giải thoát, đem vui cứu khổ.
V. ĐỀ TÀI VĂN NGHỆ TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ :
1. Rút từ giáo lý Phật đà, từ đời sống cao đẹp của chư Phật và Bồ tát, Thánh tử đạo. . .
2. Rút từ châm ngôn, mục đích, luật Gia Đình Phật tử, từ tình thương. Đây là địa hạt quan trọng nhất và là chính yếu.
3. Rút từ đề tài trong lịch sử dân tộc, trong cuộc sống gia đình, trường học, xã hội, trong niềm yêu thương xứ sở.
VI . KẾT LUẬN :
Văn nghệ trong Gia Đình Phật Tử có một tác dụng lớn lao, một phương tiện thực hành giáo lý, một phương tiện giáo dục Đoàn sinh và đưa quần chúng hiểu biết tổ chức, cho nên chúng ta phải đặt nó đúng tâm quan trọng, đứng sau giáo lý, trợ giúp cho sự tu học Phật pháp của Đoàn sinh thêm hiệu quả. Việc thực hiện văn nghệ được kết quả hay không còn đòi hỏi ở Huynh trưởng nhiều thiện chí và cố gắng đạt các mục đích trên.