Người đoàn trưởng

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

(Khi giảng bài nầy, Giảng viên cần nắm lại bài “Người Huynh trưởng” và bài “Người Đoàn Phó” ở chương trình Lộc Uyển)

 

Ở trại Lộc Uyển chúng ta đã có dịp tìm hiểu người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử phải là người như thế nào ? Nhưng qua 2 năm sống với Gia Đình Phật Tử, 2 năm thực hiện nhiệm vụ của mình – của một người Đoàn Phó – chắc chắn Anh, Chị mới cảm nhận một cách cụ thể cái “sứ mạng” của người Huynh trưởng.

Để hoàn thành sứ mạng đó, chúng ta phải qua từng nấc thang. Qua bài “Người Đoàn phó” khi học ở trại Lộc Uyển và 2 năm ở nấc thang đầu tiên nầy, chúng ta đã thấy trách nhiệm khá nặng nề rồi đó, phải không ?

Giờ đây chúng ta đang chuẩn bị bước lên nấc thang thứ hai “Người Đoàn trưởng”. Chúng ta sẽ nhận lãnh nhiệm vụ trực tiếp giáo dục đàn em của mình, người Đoàn trưởng còn có trách nhiệm về sự thịnh suy của Đoàn mình. Chắc chắn nhiệm vụ của chúng ta càng nặng nề hơn, “Tấm gương” cho các em của chúng ta soi hằng ngày phải được sáng hơn.

I. TƯ CÁCH NGƯỜI ĐOÀN TRƯỞNG :

Tư cách người Đoàn trưởng cũng như tư cách người Đoàn phó (và rồi đến tư cách người Liên Đoàn trưởng cũng như thế), nói chung là tư cách của người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Nhưng đã là một người Đoàn trưởng, thì cần phải trau dồi tác phong, đức độ nhiều hơn nữa (cần ôn lại người Đoàn phó ở chương trình Lộc Uyển).

II. NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI ĐOÀN TRƯỞNG :

Cũng như Đoàn phó, người Đoàn trưởng cũng phải có những nhiệm vụ đối với Đạo pháp, đối với Gia Đình Phật Tử, đối với phụ huynh Đoàn sinh, đối với các em Đoàn sinh và đối với cấp lãnh đạo của mình.

1. Đối với Đạo pháp :

Càng phải hiểu rộng hơn về giáo lý để áp dụng vào đời sống hàng ngày một cách thiết thực, nhờ đó việc tu sửa bản thân tiến thêm một bước, do vậy tác phong đạo đức chúng ta được hoàn chỉnh thêm. Chính cái tác phong nầy, đạo đức nầy là yếu tố cụ thể để duy trì và xiển dương Đạo pháp (thân giáo). Nếu một Huynh trưởng nói chung, người Đoàn trưởng nói riêng mà tác phong không chỉnh mực và thiếu đạo đức thì người ngoài nhìn anh Đoàn trưởng nầy mà đánh giá về tổ chức Gia Đình Phật Tử, đánh giá về đạo Phật vì chính anh Đoàn trưởng nầy được lớn lên và được huấn luyện trên nền tảng của Đạo Phật.

Chúng ta phải nhìn rõ nhiệm vụ xiển dương chánh pháp của mình, chúng ta có nhiệm vụ xiển dương chánh pháp với mọi người chung quanh bằng tác phong và đạo đức của chính mình. Nhưng đối tượng chính là các em Đoàn sinh của chúng ta. Ngoài việc làm gương cho các em chúng ta phải xây dựng cho các em cũng như đã tự xây dựng cho chính mình, một đức tin sáng suốt. Ngoài ra, chúng ta không còn có mà “phải có” nhiệm vụ đóng góp xây dựng Giáo hội vững mạnh và trang nghiêm.

2. Đối với Gia Đình Phật Tử :

Chúng ta không còn là tiếp sức cho Đoàn trưởng mà chính mình là Đoàn trưởng, nên mọi vấn đề của Đoàn, mình phải chủ động. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua vai trò của Đoàn phó. Khi chúng ta làm Đoàn phó chúng ta cũng đã hiểu rồi. Người Đoàn phó là một cánh tay đắc lực của Đoàn trưởng, chúng ta cần trao đổi, thảo luận hội ý với Đoàn phó để cùng chung sức giải quyết công việc của Đoàn. Chúng ta phải biết giữ cho thanh danh của Đoàn mình. Người Đoàn trưởng phải biết lèo lái để đưa Đoàn mình mạnh tiến đúng tôn chỉ và mục đích của Gia Đình Phật Tử.

3. Đối với phụ huynh Đoàn sinh :

Đương nhiên, khi đưa các em đến với Đoàn (với Gia Đình Phật Tử), phụ huynh đã nhìn ở người Đoàn trưởng trước tiên (Đoàn sinh tự nguyện đến với Đoàn qua sự giới thiệu của bạn bè mình thì cũng thế) vì đây là người chịu trách nhiệm trực tiếp điều khiển và giáo dục các em (Anh Chị Liên Đoàn trưởng coi cả một Liên đoàn nhưng không phải trực tiếp điều khiển các em, anh Đoàn phó thì chỉ  có trợ giúp cho Đoàn trưởng mà thôi). Phụ huynh đã đặt niềm tin vào các anh chị, đừng để đánh mất niềm tin quý giá ấy !

Các anh chị thường xuyên giao tiếp với phụ huynh, thông báo cho phụ huynh biết những tiến bộ của con em họ, đồng thời cũng qua phụ huynh mình mới biết được kết quả giáo dục của mình ( nhiều em đến Đoàn thì ngoan nhưng về gia đình thì còn kình cựa với anh em hay chưa thật sự vâng lời yêu mến của cha mẹ). Cũng qua việc giao tiếp nầy, chúng ta cũng thông tin cho phụ huynh biết những thói hư tật xấu các em còn mắc phải để cùng với phụ huynh uốn nắn, sửa chữa cho các em.

4. Đối với Đoàn sinh :

Ngoài việc yêu thương, trìu mến, chăm sóc che chở cho các em, người Đoàn trưởng phải bỏ nhiều công sức để đi sâu tìm hiểu tâm tính của từng em một, hoàn cảnh của từng Đoàn sinh một, để giáo dục uốn nắn một cách thấu đáo. Những Đoàn sinh tính tình chưa tốt, giáo dục nhiều lần mà vẫn chưa sửa đổi thì Đoàn trưởng phải hội ý với Đoàn phó để đưa ra một biện pháp giáo dục cho thống nhất chứ không thể mỗi người uốn nắn một cách (Tuy nhiên một đôi khi cùng một cách uốn nắn nhưng hai thái độ khác nhau mới có hiệu quả như trong một gia đình, khi ông cha nghiêm khắc trừng trị bằng biên pháp mạnh thì phải có người mẹ vỗ về khuyên bảo).

Người Đòan trưởng cần phải biết rèn luyện thêm cho Đội, Chúng, Đàn trưởng, để những em nầy có thể khá hơn các Đội, Chúng, Đàn sinh. Một mặt tạo thêm uy tín cho các Đội, Chúng, Đàn trưởng, một mặt nhờ đó Đội, Chúng, Đàn trưởng có thể giúp cho Đoàn trưởng trong việc giáo dục và luyện tập Đoàn sinh (Ví dụ : Một cái gút vừa học, Đội, Chúng, Đàn trưởng thắt được thành thạo, Đội, Chúng , Đàn trưởng bày vẽ lại cho Đội, Chúng, Đàn sinh, đở mất thì giờ cho anh, chị Đoàn trưởng). Trong việc bố trí công tác cho Đội, Chúng, Đàn cũng phù hợp với khả năng, tinh thần của từng Đội, Chúng, Đàn. Như vậy người Đoàn trưởng phải nắm chắc khả năng của từng Đội, Chúng, Đàn và tinh thần của mỗi Đội, Chúng, Đàn trưởng, tinh thần của mỗi cá nhân Đội, Chúng, Đàn trưởng ảnh hưởng đến tinh thần chung của Đội, Chúng, Đàn rất nhiều. Em Đội, Chúng, Đàn trưởng hăng say tích cực thì kéo theo cả Đội, Chúng, Đàn đó nhiệt tình làm việc hết mình. Em Đội, Chúng, Đàn trưởng nào chểnh mảng thì chắc chắn Đội, Chúng, Đàn đó cũng giải đãi. Em Đội, Chúng, Đàn trưởng biết tháo vát nhanh nhẹn thì cả Đội, Chúng, Đàn đó trở thành năng động.

5. Đối với cấp Lãnh đạo :

Trong khi là Đoàn Phó, chúng ta đã phải thành tâm cọng tác với cấp trên trong mọi công tác, nhất là các Phật sự được giao phó, phải thi hành chu đáo. Bây giờ là Đoàn trưởng, không những phải có tinh thần trách nhiệm như thế mà phải tự nguyện nhận lãnh công tác hợp với khả năng cá nhân cũng như tập thể Đoàn mình, không đợi phải được phân công, không những phản ảnh được tinh thần tự giác mà còn phải nêu cao tinh thần tự giác. Tuân hành chỉ thị cấp trên (Liên Đoàn trưởng, Gia trưởng), nếu chỉ thị đó xét thấy có gì sai trái với Nội Quy Gia Đình Phật Tử thì có quyền đề đạt ý kiến của mình. Nếu chỉ thị đó là điều động một công tác Phật sự ngoài khả năng của Đoàn mình thì cũng phải cố gắng hết mình để thực hiện cho kỳ được nhưng cũng trình lại cho cấp trên biết khả năng hiện có của Đoàn mình. Nếu cấp trên chuyển đổi được công tác khác thì tốt, còn vì một lý do nào đó, không thể giao trách nhiệm đó cho Đoàn khác thì chúng ta phải thi hành trong tinh thần vui vẻ thông cảm. Xong công tác chúng ta sẽ nêu ý kiến cho cấp trên rút kinh nghiệm lần sau.

III. KẾT LUẬN .

Nhiệm vụ người Đoàn phó ta đã thấy lớn lao, nhưng nhiệm vụ của người Đoàn trưởng lại càng lớn lao hơn, nặng nề hơn. Để chu toàn nhiệm vụ ấy, ngoài việc ý thức trách nhiệm, chúng ta còn phải luôn luôn học hỏi nghiên cứu giáo lý, dựa vào giáo lý để trau dồi tác phong đạo đức của mình và cần nhất phải biết hy sinh, phải có tinh thần vị tha.

Ngoài đời, nhiệm vụ thường gắn liền với quyền lợi, ở Gia Đình Phật Tử nhiệm vụ thì có mà quyền lợi thì không, mà lại còn phải hy sinh cho các em, hy sinh công sức, hy sinh thì giờ lắm lúc hy sinh cả tiền của nữa !

Tìm đâu ra những con người như thế các Anh, Chị nhỉ ? Chỉ có ở Gia Đình Phật Tử mới có. Chỉ có người Đoàn trưởng (nói riêng, người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử nói chung) mới là những con người giàu tinh thần vị tha đến thế !

Bài khác nên xem

Lễ Khai mạc Trại HL Lộc Uyển 15 – BHD Bà Rịa Vũng Tàu

datthinh

Cần nhất phải bền chí

datthinh

Đoạn đức, Ân đức và Trí đức – Quyền lực của nhà lãnh đạo (trích Quyền Lực Đích Thực – Thích Nhất Hạnh)

phuocthanh