ý Nghĩa Giới Học

I – Tổng Luận:
          Chúng ta khổ là do chúng ta không thọ trì học giới và vì không thọ trì học giới, nên chúng ta mãi trôi lăn trong khổ đau của sinh tử luân hồi.
          Vì vậy, chúng ta thọ trì học giới và sống đời sống có giới là để chúng ta có khả năng phòng hộ các ác nghiệp đạo của thân, ngữ và ý, khiến cho chúng ta có cơ hội thoát ly khổ đau của sinh tử luân hồi.
          Người Phật tử khác với người không phải Phật tử là từ nơi thọ trì hay không thọ trì giới pháp – Nếu không có thọ trì giới pháp, thì ta sẽ không có thước đo về phẩm chất đạo đức và nếu không có thọ trì giới pháp, thì hết thảy chúng sanh dù sang hay hèn, dù trí hay ngu đều phàm phu như nhau, nghĩa là cùng chung số phận trôi lăn trong biển cả sinh tử luân hồi, không biết đâu là ngằn mé!
          Giới tiếng Phạn là śīla. Pāli sīla. Hán phiên âm là Thi la và dịch là giới. Ấy là những điều răn dạy của đức Phật đối với những hàng xuất gia và tại gia đệ tử của Ngài, khiến họ vâng hành để không bị rơi vào các ác nghiệp đạo liên hệ đến sinh tử. Giới liên hệ đến Niết bàn, nghĩa là từ nơi bản thể tịch tịnh của Niết bàn, đức Phật vận khởi tâm đại bi để thiết định giới học, giúp chúng ta thọ trì, nhằm thoát ly sanh tử, chứng nhập Niết bàn. Nên tác dụng của giới là thúc đầy người thọ trì đi tới Niết bàn, mà không đi tới bất cứ phương hướng nào khác.
          Giới được truyền trao trực tiếp từ một vị Thầy hay từ tác pháp yết ma của Tăng, để giới thể thanh tịnh sinh khởi ở nơi thân tâm của người cầu thọ, giới ấy gọi là biệt giải thoát luật nghi. Biệt giải thoát luật nghi là giới thể do Tăng tác pháp yết ma mà sinh khởi ở nơi thân tâm của một người cầu thọ, giới thể ấy có năng lực che chở, phòng hộ và thúc đẩy, khiến cho người lãnh thọ giới luôn luôn sống với tâm ly nhiễm, đi tới và thể nhập với tự tánh Niết bàn.
          Nên, giữ gìn giới tướng là biểu hiện thực tế của đời sống an tịnh hay biểu hiện tự tánh Niết bàn ngay trong đời sống thực tế.
          Và trong một ý nghĩa khác, giới cũng được sinh khởi từ định học hay tuệ học
          Giới sinh khởi từ định học, từ ngữ chuyên môn của Luận học gọi là Tịnh lự sanh luật nghi hay định sanh luật nghi. Luật nghi, Hán dịch ý từ chữ saṃvara của Phạn ngữ. Saṃvara đi từ động từ căn là vṛ, có nghĩa là bao trùm hay phòng hộ.
          Nên, Tịnh lự sanh luật nghi, nghĩa là giới sinh khởi từ thiền định, có khả năng che chở và phòng hộ thân, ngữ và ý, khiến ba nghiệp đạo nầy thanh tịnh, không phạm vào các điều xấu ác, để không bị đọa vào các ác nghiệp đạo.
          Giới sinh khởi từ tuệ học, từ ngữ chuyên môn của Luận học gọi là Đạo sanh luật nghi hay là Đạo cộng giới. Nghĩa là do trí tuệ vô lậu duyên vào bốn hành tướng Đạo – Như – Hành – Xuất của đạo Thánh đế, mà đoạn trừ những sai lầm rỉ chảy từ nơi nhận thức và tư duy, khiến trí tuệ vô lậu sinh khởi và cũng do giới sinh khởi từ nơi trí tuệ nầy, nên giới cũng còn gọi là vô lậu sinh luật nghi, nghĩa là do tiến trình đoạn trừ các lậu hoặc ở nơi tâm, khiến luật nghi sinh khởi, có năng lực che chở và phòng hộ ba nghiệp, làm cho ba nghiệp hành hoạt trong sự thanh tịnh, không còn bị phiền não rỉ chảy rơi lọt để kết thành tác nhân sinh tử.
          Như vậy, định và tuệ là chiều sâu của giới và giới là biểu hiện cụ thể của định và tuệ. Không có giới, chúng ta sẽ không có định, không có định thì không có tuệ.
          Vì vậy, giới là nền tảng cho chúng ta tu tập để đi sâu vào định và tuệ, nhằm hướng tới đời sống giải thoát giác ngộ hay đời sống an tịnh Niết bàn của bậc Toàn giác.
II – Tám ý nghĩa của giới:
          Giới có tám ý nghĩa như sau:
          1-Tránh xa :
          Khi người Phật tử chúng ta thọ trì giới pháp, thì cũng chính là lúc chúng ta bắt đầu tránh xa được các ác đạo. Nghĩa là tránh xa con đường xấu ác dẫn đến địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nếu không thọ trì giới pháp, thì cho dù chúng ta cầu xin thoát khổ, cũng không ai có thể giúp được chúng ta và trên trời, dưới đất cũng không ai có khả năng hay phép lạ thay thế khổ đau trong sanh tử cho chúng ta và cho phép chúng ta thoát ly khổ đau sanh tử.
          Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh là nơi đại cực khổ của những ai đã rơi vào đó. Ngoài ra giới pháp còn giúp chúng ta tránh xa hai cực đoan là ép xác khổ hạnh và buông lung trong các dục.
          a/ Ép xác khổ hạnh :
          Người phật tử biết tu tập có giới, họ không sống đời sống ép xác khổ hạnh, mà sống đời sống của thiểu dục tri túc, để nhiếp phục phiền não làm dẫn sinh sự an lạc cho thân tâm.
          b/ Buông lung trong các dục :
          – Người phật tử biết tu tập có giới, họ sống đời sống không buông lung trong các dục. Nghĩa là họ không chạy theo năm thứ tham muốn như: tiền tài, danh lợi, sắc ái, ăn uống và ngủ nghỉ.
          – Đời sống của con người khổ đau, vì con người sống buông lung theo năm chất liệu của tham dục.
          – Một người đối xử tệ với người khác là do lòng tham. Càng chạy theo lòng tham, ta càng đối xử tệ bạc với nhiều người và đối với tất cả.
          -Tham có mặt ở đâu, thì cái tệ có mặt ở đó, và sẽ dẫn dắt chúng ta vào con đường tội lỗi.
          Vì vậy, ý thức được những tệ hại do lòng tham gây ra, nên phật tử chúng ta phải thọ và trì giới để tránh xa hai cực đoan ép xác khổ hạnh và buông lung theo các dục thế gian, dẫn đời sống đến chỗ an toàn và hạnh phúc.
          2- Phòng hộ:
          Giới có nghĩa là phòng hộ ý, vì khiến cho những phiền não chưa sinh, thì không thể sinh khởi trên ý; và nếu đã khởi sinh trên ý, thì không thể khởi sinh ra nơi những hoạt động thân và ngữ hay các quan năng.
          Vì vậy, giới không những có ý nghĩa phòng hộ ý mà còn có nghĩa phòng hộ thân và ngữ hay các quan năng nhận thức, khiến chúng luôn luôn hoạt động trong sự thanh tịnh.
          3- Thân cận:
          Giới có nghĩa là thân cận với Định và Tuệ hay Niết Bàn.
Chúng ta thọ trì giới là có cơ hội sống đời sống đạo đức.
          Chúng ta thọ trì năm giới mà Đức Phật đã chế định để thành tựu phẩm chất đạo đức của một cư sĩ tại gia đệ tử của đức Thế Tôn. Và chính phẩm chất nầy làm nền tảng để bước tới gần với đời sống giải thoát giác ngộ của các bậc Thánh giả Thanh văn hay Phật. Năm giới ấy gồm:
          a) Không sát sanh :
          Không sát sanh, hẳn nhiên là đạo đức, vì có khả năng bảo vệ và tôn trọng sự sống. Sát sanh thì gây thiệt hại cho đạo đức cá nhân và cộng đồng.
          b) Không trộm cắp :
          Sống không trộm cắp là đời sống cao đẹp, đáng quý, vì có khả năng tôn trọng và bảo vệ tài sản cho cá nhân và cộng đồng, khiến cho cá nhân và cộng đồng sống trong sự yên ổn. Nên, sống không trộm cắp là đời sống có đạo đức.
          c) Không tà hạnh :
          Sống đoan chính là đời sống đạo đức đáng kính, vì có khả năng giữ gìn sự đoan chính cá nhân và tiết hạnh cho cộng đồng. Nên, sống không tà hạnh là đời sống có đạo đức.
          d) Không nói dối :
          Sống biết tôn trọng sự thật và nói lời chân thật không hư dối với mọi người là sống đời sống cao đẹp, có lợi ích cho cá nhân và cộng đồng. Nên, sống không nói láo là sống đời sống có đạo đức.
          e) Không uống rượu :
          Sống biết trau dồi và tôn trọng trí tuệ, bằng cách không uống rượu say sưa là nếp sống cao quý và đạo đức. Nên, sống không uống rượu say sưa là nếp sống cao quý đạo đức, đem lại an ổn cho bản thân, gia đình và xã hội.      Như vậy, không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu là nếp sống đạo đức, gần gũi với Niết Bàn, nên giới có nghĩa thân cận với Niết bàn.
          4/ Giải thoát :
          – Giới cũng có nghĩa là giải thoát hay giải phóng. Giới giúp ta giải phóng phiền não ra khỏi tâm ta, ra khỏi mọi suy nghĩ và hành động của ta, đưa ta thoát ly sanh tử, chứng nhập Niết bàn.
          – Ác nghiệp đạo đã trói ta ở trong sanh tử, buộc ràng ta ở trong lục đạo chúng sanh, giới có khả năng giúp ta giải thoát ác nghiệp đạo. Nên, giới có nghĩa là giải thoát.
          – Giới không những giúp ta khỏi ác nghiệp đạo ở trong thế gian, mà còn giúp ta thoát khỏi thiện nghiệp đạo của thế gian, đưa ta thành tựu các thiện pháp vô lậu giải thoát.
          Vì vậy, giới có nghĩa là giải thoát.
          5. Thận trọng:
          – Giới sẽ giúp cho ta thận trọng từng lỗi nhỏ, chín chắn từng việc nhỏ, khiến cho những sai lầm nhỏ không thể xảy ra.
          Kinh Đại bát niết bàn có dạy:
          “Mạc khinh tiểu tội
            dĩ vi vô ương
            thủy đích tuy vi
            tiệm dinh đại khí”.
          Nghĩa là:
          – Đừng khinh tội nhỏ mà cho rằng, không làm cho mình ương lụy, giọt nước tuy nhỏ, nhưng chảy hoài dần dần cũng đầy chum lớn.
          – Chúng ta phần nhiều chết bởi lỗi nhỏ, nguy hiểm nhỏ, chứ không phải lỗi lớn, nguy hiểm lớn, vì lỗi lớn và nguy hiểm lớn dễ thấy, dễ tránh hơn lỗi nhỏ, nguy hiểm nhỏ. Và nhiều nguy hiểm nhỏ tạo thành nguy hiểm lớn. Nếu không có những cái sai lầm nhỏ, thì làm gì có cái sai lầm lớn; không có cái nguy hiểm nhỏ, thì làm gì có cái nguy hiểm lớn?!
          Nên, giới có nghĩa là thận trọng đối với những oai nghi tế hạnh, khiến những sai lầm lớn không có điều kiện để xảy ra.
          6/ Chế ngự:
          – Giới có nghĩa là khống chế và điều khiển thân ngữ ý không rơi vào ác nghiệp đạo.
          – Giới có nghĩa là chế ngự đối với năm trường hợp:
          a/ Thuận theo căn bản giới:
           Do thuận theo căn bản giới, mà chế ngự được đối với ác pháp. Căn bản giới thuộc về Nhiếp luật nghi giới. Căn bản của giới Nhiếp luật nghi là không làm ác, nghĩa là hành trì thuận theo căn bản giới, nên suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu…
          Do thực hành căn bản giới này mà mình chế ngự được ác pháp.
          b/ Do chánh niệm:
          – Chúng ta có chánh niệm, thì nhờ đó mà chế ngự được các lậu hoặc và chế ngự được các tạp niệm dấy khởi lên trong tâm.
          – Lậu hoặc là những mê lầm do phiền não rỉ chảy ra trong đời sống, làm cho ta không ra khỏi sinh tử luân hồi. Tạp niệm cũng vậy, làm cho tâm chúng ta rối loạn, mất bình tỉnh, không có khả năng để giải quyết các vấn đề bất ổn xảy đến với ta.
          Vì vậy, chúng ta cần phải thực tập chánh niệm để nhìn vào tâm mình, mà gạn lọc tâm mình bằng giới, gạt bỏ những tạp niệm và lậu hoặc. Vì vậy, chánh niệm là chiều sâu của giới và giới là những hình thái biểu hiện cụ thể của chánh niệm.
          Do đó, mỗi khi thiền tập, tạp niệm khởi lên, ta không để ý thức bị cuốn hút theo tạp niệm, mà bằng ý thức tỉnh giác, ta theo dõi hơi thở, đếm từ 01 đến 10 và cứ như vậy mà thực tập cho đến khi chấm dứt tạp niệm gọi là pháp môn tùy tức. Pháp môn tùy tức là pháp môn bám lấy theo dõi hơi thở một cách đơn thuần không phản ứng, không phán xét.
          Nhờ vậy, ta chế ngự được các tạp niệm ở nơi tâm.
          c/ Do chánh kiến:
          Do có cái thấy đúng, nên vô minh, hành, ái, thủ và hữu đều được chế ngự.
          Vô minh và hành là nhân quá khứ của 12 chi duyên khởi, muốn loại trừ vô minh và hành để thoát ly sinh tử là phải có chánh kiến. Chánh kiến do đâu mà có ? Do tu tập giới định tuệ mà có. Không có chánh kiến thì không có khả năng chế ngự được vô minh và hành, để chấm dứt sanh tử. Nên, nhờ có chánh kiến mà nhiếp phục được vô minh và chấm dứt sanh tử.
          d/ Do kham nhẫn :
          – Nhờ kham nhẫn, chúng ta chế ngự được thèm muốn các dục vọng, chế ngự được sự nóng lạnh của thời tiết, sự khát khao của ăn uống v.v…
          – Đối với tài, sắc, danh, thực, thụy là năm thứ đối với người đời thường ao ước, chúng ta cũng đang sống trong dòng chảy đó, nhưng phật tử chúng ta nhờ có giới, nên đã chế ngự được sự thèm khát đối với tiền tài, sắc  dục, danh lợi, ăn uống và ngủ nghỉ.
          Ví dụ: Đối với tiền bạc, nhờ kham nhẫn, chúng ta có thể khắc phục được ăn tiêu, khiến ta có thì giờ để tu học và có cơ hội để nâng cao cuộc sống tâm linh, đạo đức, nhằm bước tới con đường thoát ly sinh tử.
          Kham nhẫn là đức tính không thể thiếu được mỗi khi ta lạy Phật, ngồi thiền, tụng kinh, vào những lúc thời tiết nóng bức hay lạnh buốt, hay những trở ngại do nghiệp duyên. Vì vậy, ta phải biết kham nhẫn để chế ngự những khó khăn nói trên.
          Nên, do kham nhẫn mà chế ngự được các ác pháp.
          e/ Do tinh tấn :
          Tinh tấn sẽ giúp ta chế ngự được các điều ác chưa sinh. Nếu điều ác nào chưa sinh, thì mình đừng tạo điều kiện cho nó sinh. Nếu điều ác nào đã sinh, thì mình đừng tạo điều kiện cho nó sinh thêm.
          Tâm ta là nơi đã tích chứa lâu đời những điều bất thiện, nên nếu không tinh tấn, thì ta không tài nào chế ngự được các ác pháp ấy. Vì vậy, ta cần phải tinh tấn để chế ngự điều xấu có thể xảy ra trong đời sống của ta.
          Thực tập năm chất liệu này, giúp ta chế ngự được ác pháp trong đời sống, khiến cho các thiện pháp trong ta có điều kiện sinh khởi lớn lên.
          7/ Không nên vượt qua:
           Giới ví như bờ đê, ngăn nước mặn không cho chảy tràn qua hay rỉ giọt vào ruộng lúa.
          Cũng vậy, giới là bờ đê ngăn chặn không để cho ác pháp từ bên ngoài xâm nhập vào tâm ý, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
          Nếu ác pháp xâm nhập vào tâm, thông qua sáu căn, mắt tai mũi lưỡi thân và ý, thì những hạt giống hạt giống tốt nơi tâm như tín, tàm quý, vô tham, vô sân, vô si, bất phóng dật…. đều bị khô héo và tiêu dần.
          Vì vậy, giới được xem như bờ đê, muốn thành tựu các thiện pháp, thì đừng để cho các sóng mòi của dục vọng, của nhận thức sai lầm vượt qua bờ đê ấy.
          8/ Giới có nghĩa là kết hợp:
          Giới có nghĩa là kết hợp giữa thiện nghiệp đạo với thân ngữ ý; giới kết hợp giữa hành động con người với đạo đức; giới kết hợp giữa mọi hành vi của con người với thiện pháp.
          Vì vậy, giới có nghĩa là kết hợp.
          Hành vi của thân, ngữ và ý được giới gắn chặt với thiện pháp và thiện nghiệp đạo. Nhờ sự kết hợp nầy của giới, khiến các hành vi làm dẫn sanh các hoa trái an lạc, giải thoát.
          Cũng vậy, ta muốn trồng cây ăn trái, ta phải biết kết hợp giữa hạt giống với thời tiết, chất đất, phân nước… Nếu không biết kết nhiều yếu tố trong việc trồng cây, ta sẽ không bao giờ thành công trong công việc nầy.  Cũng vậy, muốn có đời sống giải thoát và giác ngộ, ta phải biết kết hợp hành động của ta với giới, với định và tuệ hay đối với hết thảy thiện pháp, thì đời sống giải thoát, giác ngộ mới thật sự xảy ra cho ta.
          Vì vậy, giới có nghĩa là kết hợp.
          Theo Luật và Luận, giới có nhiều ý nghĩa, nhưng ở đây, ta chỉ nêu lên tám ý nghĩa cần thiết để thực tập đối với giới mà thôi.
III – Bản chất của giới:
        Tránh xa ác pháp là bản chất của Thanh văn giới. Bản chất của Thanh văn giới là tránh xa sát sanh và do tránh xa sát sanh, nên tự tánh thiện không bị thương tổn; tránh xa trộm cắp và do tránh xa trộm cắp, nên tự tánh thiện không bị thương tổn; tránh xa tà hạnh hay tránh xa dâm dục và do tránh xa hạnh nầy, nên tự tánh thiện không bị thương tổn; tránh xa nói dối và do tránh xa nói dối, nên tự tánh thiện không bị thương tổn. Thiện ấy là thiện ngay nơi bản chất. Thiện ấy là tự tánh Niết bàn. Giữ được bốn giới nầy là thành tựu bản chất của thiện pháp. Phạm vào bốn giới nầy là làm cho bản chất của thiện pháp bị thương tổn và ẩn mất, khiến bản chất của ác pháp sinh khởi.
Nên, trong Luật học, bốn giới nầy được các Luật sư xếp vào tánh giới. Nghĩa là giới pháp ngăn ngừa, không để phạm vào bản chất của tội lỗi.
Giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối là rơi vào bản chất của tội lỗi, dù là phật tử hay không phải là phật tử, dù là người có tôn giáo hay không có tôn giáo đều bị rơi vào các ác nghiệp đạo và đều bị nhận lấy hậu quả của một đời sống xấu xa đau khổ, do ác nghiệp đạo dẫn sinh từ tác nhân của chính nó, mà hoàn toàn không do một thần linh nào từ trên trời cao có quyền uy trừng phạt.
Nguyện tránh xa giết hại, trộm cắp, tà dâm hay dâm dục và nói dối là ước nguyện thích ứng với bản chất của thiện pháp hay tự tánh Niết bàn. Và từ ước nguyện nầy, mà bản chất của thiện pháp sinh khởi, làm tác nhân dẫn sinh các thiện nghiệp đạo thù thắng, đưa đến phước báo cao quý của cõi người, cõi trời, cõi của các bậc Thánh; và do thiện nghiệp đạo dẫn sinh từ tác nhân của chính nó, nên dẫn sinh đời sống an vui hạnh phúc, mà hoàn toàn không do bất cứ một thần linh nào có quyền uy ngự trị từ trên trời cao ban tặng hạnh phúc, an vui cho ta, ngoài các thiện nghiệp đạo dẫn sinh từ nơi tâm ta.
Vì vậy, bản chất của Thanh văn giới là tránh xa căn bản của hết thảy mọi điều xấu ác và làm nền tảng để phát triển các học giới Đại thừa bồ tát, thực hành hết thảy điều thiện với tâm từ bi..
Thâu nhiếp hết thảy thiện pháp bằng tâm từ bi là bản chất của Đại thừa Bồ tát giới. Bản chất ấy được thắp sáng lên và quảng bá rộng ra từ một điểm cho đến toàn thể không gian và ngay khoảnh khắc thành tựu giới thể, từ tác pháp yết ma lần thứ ba và giới thể được nuôi lớn và phát triển liên tục đến tận biên cương của thời gian vị lai, qua sự thực hành thệ và nguyện.
Nên, Đại thừa bồ tát giới không những bảo trì bản chất của thiện là tự tánh Niết bàn, mà còn phát triển bản chất ấy, đến chỗ rộng lớn và cao tột cùng khắp trong mọi không gian và mọi thời gian, cho đến khi tâm bồ đề kết thành hoa trái giác ngộ.
Bản chất của Đại thừa Bồ tát giới được thiết lập trên nền tảng của tâm bồ đề và tựu thành Bồ tát giới Đại thừa, qua phát khởi thệ và nguyện với đầy đủ sinh chất của trí tuệ và từ bi.
Sinh chất trí tuệ là từ nơi chiều sâu của tâm bồ đề mà sinh khởi. Và sinh chất từ bi cũng sinh ra và lớn lên từ nơi cái thấy tương quan duyên khởi, giữa mình và người; giữa mình với muôn loài và sinh môi.
Nên, thương yêu người khác cũng chính là đang thương yêu chính mình, bảo vệ và chăm sóc tốt những cái không phải mình là bảo vệ và chăm sóc mình một cách có ý nghĩa và lâu dài nhất. Nên, bản chất của Đại thừa Bồ tát giới, bao gồm đủ cả tránh xa hết thảy ác pháp, nắm giữ hết thảy thiện pháp và làm lợi ích cho hết thảy muôn loài, bằng thệ nguyện đầy đủ cả sinh chất trí tuệ và từ bi. Người thực hành Bồ tát giới Đại thừa là người quên mình trong tất cả mọi hành động của chính họ, cho lợi ích của mọi người và muôn loài chúng sanh, khiến sinh chất từ bi sinh khởi một cách trọn vẹn trong đời sống của chính họ qua thân, ngữ và ý, dưới vô số hình thức khác nhau.
Không có trí tuệ, thì không thể nào thấy rõ cùng tột sự thật của khổ đau là gì để tránh xa; không có trí tuệ thì không thấy rõ cùng tột sự thật về tập khởi của khổ đau là gì để nhiếp phục và đoạn tận; không có trí tuệ thì không thể nào thấy rõ cùng tột sự thật của con đường diệt khổ là gì để học hỏi và tu tập; và không có trí tuệ, thì không thể nào thấy rõ sự thật cùng tột của diệt tận vô minh, phiền não là gì, để chứng nghiệm và thể nhập; và nếu không có trí tuệ, thì không thể biết rõ sự liên hệ giữa mình với người; giữa mình với muôn vật; giữa mình với thiên nhiên; giữa mình với đời nầy, đời trước và đời sau là gì, để khởi sinh lòng biết ân, tâm hiếu thuận và từ bi đối với hết thảy muôn loài.
Nên, nếu nguyện từ bi không phát khởi từ sinh chất bồ đề để hóa độ chúng sanh, thì bản chất của Bồ tát Đại thừa giới không thể viên thành Phật quả.
 IV – Hiệu quả của giới học:
Khát vọng hay niềm mơ ước muôn thưở của con người là khát vọng tự do và ước mơ của con người là sống đời hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của con người không hề được tạo nên từ những ước mơ, và sự tự do của con người không hề xảy ra từ những khát vọng.
          Càng khát vọng, con người càng rát bỏng cuộc tìm và tiêu hao năng lượng của sự sống và càng ước mơ con người càng rượt chạy bươn về phía trước, như những chú ngựa rượt đuổi những gợn nước trên con đường nhựa giữa trưa hè nóng bỏng!
Giới pháp đức Phật dạy, không phải là chất xúc tác thúc đẩy con người khởi sinh khát vọng và lại càng không phải là những dự tưởng hạnh phúc, để cho con người ước mơ hay những tín điều cứng đờ, để buộc ràng con người nơi những dự tưởng ước mơ ấy, để rồi bán đứng cuộc sống cho những tín điều dự tưởng xa xăm hư dối, mà giới đặt hạnh phúc, an lạc và tự do ngay nơi cuộc sống của con người với ý thức tự nguyện, tự giác qua thệ và nguyện, được biểu lộ cụ thể qua những động tác của thân và ngữ, để giới thể vô biểu tựu thành, và từ đó có năng lực thúc đẩy hành động vươn lên sống cùng và sống với tự do, giải thoát, nhằm thành tựu ước nguyện hạnh phúc ngay trong cuộc sống nầy với tư cách của một bậc Thánh giả.
Không có tâm, con người tự biến mình trở thành gỗ đá, nhưng nếu có tâm mà thiếu ý thức tự nguyện, tự giác thì chính tâm ấy là nguồn gốc sinh khởi những phiền lụy và dẫn đến những hệ quả khổ đau đời đời.
Vì vậy, giới pháp Phật dạy là điều kiện giúp ta đứng dậy từ nơi đất tâm của chính chúng ta với ý thức tự nguyện, tự giác. Nhờ có ý thức tự nguyện, nên ta không hành động như những kẻ nô lệ, mà mọi hoạt động của ta là những hoạt động của những con người thực sự có tự do; và nhờ có ý thức tự giác, nên mọi hoạt động của ta không bị điều động bởi những thế lực vô minh vận hành tự nội, mà mọi hành hoạt của ta đều thuận với những chủng tử tâm thức vận hành theo tiến trình của tâm giải thoát.
Nên, trong Giới Kinh đức Phật dạy: “Giới thuận với căn bản giải thoát, nên ta mệnh danh là hướng tới giải thoát. Nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ, có năng lực hủy diệt mọi thống khổ.
Thế nên, các Tỷ khưu phải giữ gìn tịnh giới, đừng để hủy phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới người đó có thiện pháp, không có tịnh giới thì mọi công đức không thể phát sinh.
Do đó, biết rằng, tịnh giới là chỗ an toàn nhất và là nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức”. (Niết bàn lược thuyết giáo giới kinh, tr 111c, Đại Chính 12).
Có người hỏi rằng, tôi không thọ giới mà thực hành điều thiện, thì có lợi ích gì không? Hẳn nhiên là có lợi ích, nhưng lợi ích ấy không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần triệu đối với người có thọ trì giới pháp thực hành điều thiện. Vì sao? Vì đối với người không thọ trì giới pháp mà thực hành điều thiện, thì việc thực hành điều thiện của họ không đặt trên một nền tảng hay một ý hướng nào cả, nên người ấy có thể thực hành điều thiện một cách bốc đồng, tùy tiện hay nửa vời. Và nếu không phải bốc đồng, tùy tiện và nửa vời đi nữa, thì sự thực hành điều thiện của họ không thiết lập trên nền tảng của giới pháp đã lãnh thọ, nên hiệu quả của việc làm, chỉ dẫn đến đời sống phước báo của hữu lậu, nghĩa là phước báo còn bị rỉ chảy rơi lọt ở trong sanh tử luân hồi, mà không thể thành tựu phước báo vô lậu, dẫn sinh đời sống giải thoát sinh tử.
Người thực hành điều thiện dựa trên nền tảng giới pháp, tức là dựa trên nền tảng thoát ly sanh tử mà hành hoạt, nên ngay trong tác nhân của điều thiện, tự nó đã kết tinh để tựu thành hoa trái giải thoát, tự do, an toàn và ước nguyện sống đời hạnh phúc có thể thành tựu ngay nơi tâm vắng yên hết thảy phiền não.
 Khi một vị thực hành viên mãn thanh tịnh đối với giới pháp, vị ấy sẽ thành tựu được các thánh quả giải thoát từ Dự lưu đến A la hán. A la hán là một phần thọ dụng thân của Phật. Nên, các kinh điển thuộc văn hệ Sanskrit và Pāli phần nhiều sử dụng Như lai, A la hán, Chánh biến tri… trong cấu trúc ngữ pháp đồng cách. Theo kinh Thắng Man, Phật mới đích thật là A la hán. A la hán thuộc hàng Thanh văn là dự phần vào thuộc tính giác ngộ của Phật mà chưa phải là Phật hay là bậc Toàn giác. Toàn giác hay Chánh biến tri là Phật.
Tuy đời sống của một vị A la hán chưa phải là bậc Toàn giác về mặt giác ngộ, nhưng rất hoàn thiện về mặt giải thoát phiền não và tự tại đối với sanh tử, nên A la hán nghiễm nhiên trở thành bậc mô phạm, làm mẫu mực đạo đức cho đời và người đời nương tựa vào tư cách đạo đức của bậc A la hán, để thọ trì giới pháp tu tập, hướng tới đời sống giải thoát.
Nên, những vị thọ giới và giữ giới đều được các đồng phạm hạnh kính nể, ưa mến và được những bậc Thanh trí trong đời ca ngợi; vị ấy xuất hiện giữa các chúng Sa môn, Bà la môn, chính khách, đại gia một cách vững chãi, không sợ hãi, như voi chúa lâm trận bước đi hiên ngang giữa rừng gươm dao dáo mác của muôn ngàn cường địch.
Nói một cách khác, thọ trì giới luật, giúp ta đứng dậy và vươn lên một cách vững chãi từ bùn lầy sanh tử, để thành tựu mọi ước nguyện ngay trong cuộc sống nầy, như đức Phật dạy:
“Vị ấy muốn đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy muốn có đầy đủ y phục, thực phẩm, trú xứ, y dược trị bệnh, thì phải viên mãn giới luật;
Vị ấy muốn bà con huyết thống, khi mệnh chung nghĩ đến với tâm hoan hỷ, và có được quả báo lớn, lợi ích lớn, thì phải viên mãn giới luật;
Vị ấy có ước nguyện nhiếp phục niềm vui và không vui, thì phải viên mãn giới luật;
Vị ấy có ước nguyện nhiếp phục được khiếp đảm và sợ hãi, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy muốn được Tứ thiền, tâm tư thuần túy hiện tại lạc trú, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện có những giải thoát tịch tịnh, siêu Sắc giới, Vô sắc giới, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện trừ diệt ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh giác, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện trừ diệt ba kiết sử, làm cho muội liệt tham sân si, chứng được quả Nhất lai, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện trừ diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, chứng Niết bàn ngay trong cảnh giới hiện tại, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện chứng nhiều thần thông, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện chứng Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, thì thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện chứng Tha tâm thông thanh tịnh, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện chứng Túc mạng thông, biết được nhiều đời, thì phải thành tựu viên mãn giới luật;
Vị ấy ước nguyện muốn trừ diệt các lậu hoặc, để chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thì phải thành tựu viên mãn giới luật.
Sau khi trình bày tất cả ước nguyện ấy, đức Phật gọi các Tỷ khưu mà bảo: Này các Tỷ khưu! Hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của các giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm ngay trong từng các lỗi nhỏ, chơn chánh lãnh thọ và tu học các học giới. Như vậy, hễ đã nói gì, thì chính duyên ở đây mà nói vậy” (Kinh Ước nguyện,  Trung I, tr 33 – 35, Đại Học Vạn Hạnh 1973).
Ở trong Thanh tịnh Đạo luận, có những bài kệ ca ngợi hiệu quả của vị thọ lãnh và hành trì viên mãn giới học như sau:
“Ai giữ giới toàn vẹn
  thì việc mang y bát
  gây lạc thú niềm tin
  xuất gia có kết quả”.
“Tỷ khưu giới trong trắng
  không sợ mình, trách mình
  cũng như trong mặt trời
  không thể có bóng tối”.
“Tỷ khưu giới trong trắng
  sáng chói khổ hạnh lâm
  như ánh trăng ngời sáng
  chiếu tỏa bầu trời đêm”.
“Làn hương từ thân thể
  của Tỷ khưu có giới
  làm chư thiên hoan hỷ
  huống chi làn giới hương”.
“Toàn bích hơn tất cả
  những hương trên thế gian
hương giới không chướng ngại
tỏa bay khắp mười phương”.
“Phục vụ người giới đức
  dù ít, kết quả nhiều
  bởi vậy người giới đức
  là kho chứa danh xưng”.
“Không có lậu hoặc nào
  ở trong đời hiện tại
  bức bách người có giới
  vị ấy còn đào hết
  gốc rễ của khổ đau
  trong những đời vị lai”.
“Muốn trở thành tối thượng
  trong tất cả loài người
  và cả trong chư thiên
  không phải là chuyện khó
  với người viên mãn giới”.
“Nhưng, vị viên mãn giới
  thì không cầu gì khác
  ngoài Niết bàn, tịch diệt
  cảnh giới thuần thanh tịnh”.
“Quả báo giới tốt lành
  đủ hình thức khác nhau
  người trí nên biết sâu
  gốc ấy, của mọi cành”.
 (Visuddhimagga – Thanh tịnh đạo luận I, tr 90, Thích Nữ Trí Hải dịch, chùa Pháp Vân 850 W. Phillips Blvd. Pomona, CA 91766 – USA, PL 2535).
Kết luận:
Như vậy, ta thấy ý nghĩa của giới rất chuẩn xác, thự tế và sâu xa, bản chất của giới là thiện, là từ bi và trí tuệ; hiệu quả của giới học đem lại cho người lãnh thọ và hành trì là không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn, vì chính nó là cuộc sống và sống với những gì tự nguyện thọ lãnh giới học bằng tất cả tấm lòng và hành trì giới học qua các oai nghi đi đứng nằm ngồi, nói năng, động tịnh trong mọi hành hoạt, trong mọi không gian và thời gian bằng ý thức tự giác, thì hoa trái giải thoát giác ngộ, không còn là những dự tưởng hay là những ước mơ, mà hiệu quả của chúng đang diễn ra và sẽ diễn ra, ngay trong từng động tác ở nơi thân tâm này, cho những ai biết tiêu hóa giới pháp để dưỡng nuôi tâm ly nhiễm, lắng tịnh mọi cấu trần, khiến giới không phải chỉ thành tựu các Thánh quả giải thoát Thanh văn trong hiện tại mà còn có khả năng dẫn sanh tuệ giác chánh biến tri của một bậc Giác ngộ hoàn toàn trong thời kỳ vị lai nữa.
Thích Thái Hòa

Bài khác nên xem

Phật (Buddha)

datthinh

Thánh Tích Kushinagar (tt), nơi đức Phật nhập Niết-bàn

phuocthanh

Phật Pháp với Tuổi Trẻ: Bài số 30″Con đường Bồ Tát”

phuocthanh