Tượng đài Quách Thị Trang phải đặt ở đâu?

Tôi sẽ không nói lòng vòng và hoa mỹ về cuộc biểu tình ngày 25.8.1963 do ai tổ chức, ai bị bức hại, ai là nạn nhân, ai là thủ phạm, ai lợi dụng, tiếm danh… Cũng sẽ không kể nhiều về cái chết oan ức mà oanh liệt của người Liệt Nữ Việt Nam thuộc thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh tranh đấu đã gục ngã trước họng súng bạo cường khi tuổi đời vừa mới 15 non trẻ, bởi sự hy sinh uy dũng của Diệu Nghiêm QUÁCH THỊ TRANG – Thánh Tử Đạo Phật Giáo Việt Nam, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Đoàn Sinh Học Sinh Phật Tử Việt Nam, Đoàn Viên Sinh Viên Học Sinh Việt Nam – đã trở thành huyền thoại, đã là thiên anh hùng ca bất khuất không chỉ trong hàng ngũ Tăng, Tín Đồ Phật Giáo; Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử mà còn là niềm tự hào của đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và cả đất nước.

Tôi chỉ xin tóm lược đôi điều về cuộc đời ngắn ngủi, diễn tiến ngắn gọn sự hy sinh và công cuộc kiến tạo tượng đài Liệt Nữ Quách Thị Trang trước cổng chợ Bến Thành Sài Gòn trước và sau ngày Trang ngã xuống vì đạo, vì dân, vì nước trong bối cảnh thế sự nhiễu nhương lúc bấy giờ. Tóm lược để nhận định nên và không nên làm gì với tượng đài người Liệt Nữ Việt Nam khi quy hoạch, “di dời” một công trình lịch sử.

oOo

Quách Thị Trang – Pháp danh là Diệu Nghiêm, sinh ngày 4.1.1948 tại làng Cổ Khúc, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình, thuộc miền Bắc Việt Nam. Năm 1954, trong cuộc di cư vào Nam, 6 anh em chị cùng mẹ vào ở vùng Chí Hòa (Sài Gòn), và chỉ khoảng 3 tháng sau đó thì Trang được tin cha đã từ trần ngoài Bắc. Từ nhỏ, Trang đã là một Đoàn Sinh của Gia Đình Phật Tử Minh Tâm, học lớp Đệ Nhị B trường Trung Học Tư Thục Trường Sơn (đường Lê Văn Duyệt, Saigon). Trang gia nhập Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử tháng 8/1963, đồng thời sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Minh Tâm.

Sau “sự biến” triệt hạ Phật Giáo Kỳ bởi công điện 9195 từ Phủ Tổng Thống (chính quyền ông Ngô Đình Diệm) cho đến những ngày đấu tranh gian khổ sau đó của Phật Giáo Đồ và toàn dân, đòi hỏi tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo – công bằng xã hội; sau những ngày tháng “xuống đường” sôi động ban đầu là của Phật Giáo rồi Sinh Viên Học Sinh và kế tiếp là hầu như mọi tầng lớp dân chúng Thủ Đô Sài Gòn và khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa; rồi sau những đợt “giới nghiêm”, “thiết quân luật” để đối phó với tình hình ngày càng căng thẳng, phức tạp lúc ấy thì vào đêm 20 rạng ngày 21.8.1963, chính quyền đương cuộc đưa ra quyết định hạ sách sai lầm và tàn bạo cuối cùng: TỔNG TẤN CÔNG CHÙA CHIỀN trên cả nước trong một chiến dịch mà sau này được biết dưới cái tên “Chiến Dịch Nước Lũ”. Tăng Ni và Phật Tử có mặt tại các chùa đều bị bắt; pháp tự, pháp khí và tài sản tôn giáo bị đập phá, cướp bóc. Quách Thị Trang, cô học sinh bé nhỏ mới 15 tuổi đã khóc thật nhiều và quyết định sẽ góp phần tham gia nhiều hơn nửa vào các phong trào cứu nguy cho Phật Giáo và Dân Tộc, cứu chùa, cứu Thầy, cứu Phật…

Ngày 24.8.1963, Trang nhận được tin: Sáng mai sẽ có một cuộc biểu tình ở chợ Bến Thành để phản đối tấn công chùa chiền, phản đối lệnh Thiết Quân Luật và đấu tranh cho quý Thầy, Cô đang bị giam giữ. Trong lòng Trang đã có quyết định và Trang nói với bạn bè: “Ngày mai tụi mình đi biểu tình”.

Sáng 25.8.1963, Trang dậy thật sớm, đến nơi hẹn với một người bạn (Yến), rồi đi taxi đến chợ Bến Thành.

Trong khi đang đứng chờ đợi bạn bè và ngóng xem tin tức cuộc biểu tình thì từ cửa hông chợ Bến Thành một dòng người túa ra như nước chảy. Đại đa số họ là Sinh Viên, Học Sinh và một số Tiểu Thương Phật Tử. Những người đi đầu chăng tấm biểu ngữ: “Hãy giết chúng tôi đi! Vì chúng tôi là con Phật!”. Mấy nữ sinh nghe lòng bừng dậy như sóng triều dâng. Những đôi mắt sáng ngời nhìn nhau rồi cùng nắm tay nhau chạy vào hàng ngũ cuộc biểu tình… Vậy là Quách Thị Trang cùng bạn bè đã có mặt trong số hơn 5.000 sinh viên, học sinh tại cuộc biểu tình do Ủy Ban Chỉ Đạo Học Sinh Liên Trường tổ chức nhằm phản đối lệnh “thiết quân luật” trước Công Trường Diên Hồng – ngay trước cổng chính chợ Bến Thành, thủ đô Sài Gòn – trong ngày định mệnh của Trang hôm ấy.

Hình ảnh cuối cùng mọi người ghi nhận được là Trang ngã gục xuống mặt đường sau hai tiếng súng nổ chát chúa bất ngờ và hình ảnh viên cảnh sát thuộc “boót” cảnh sát Lê Văn Ken (nằm trên đường Lê Lợi, cạnh Bệnh Viện Sài Gòn) tay còn cầm khẩu súng vừa mới giết người khi họ được lệnh nổ súng thẳng vào đoàn biểu tình. Lúc ấy là buổi sáng ngày 25.8.1963, Quách Thị Trang chết tức tưởi, oan nghiệt khi mới 15 tuổi. Hình ảnh Quách Thị Trang hy sinh đời mình cho dân tộc và đạo pháp đó mãi khắc sâu trong tâm khảm anh chị em, bạn bè Trang, trong lòng Tăng Ni, tín đồ Phật Giáo, trong lòng đồng bào Sài Gòn và cả đất nước Việt Nam đau thương mà oai dũng!

Di ảnh Thánh Tử Đạo Quách Thị Trang
(Chữ ghi số tuổi dưới ảnh đã có sự nhầm lẫn)

Sau khi bị bắn chết, người ta đã đem thi hài Trang về chôn lấp trong nghĩa trang Bộ Tổng Tham Mưu để giấu nhẹm cái chết này, nhưng sau đó Sinh Viên, Học Sinh, Phật Giáo Đồ cùng đông đảo các tầng lớp đồng bào Sài Gòn đã tổ chức một tang lễ rất lớn cho Trang nhằm phản đối hành động ám muội này. Phần mộ của Trang hiện đã được gia đình và các Phật Tử cải táng về chùa Phổ Quang (nay thuộc Quận Tân Bình) an táng từ năm 1966 cho đến hiện nay.

Mộ chí Quách Thị Trang tại chùa Phổ Quang.
Bia mộ Quách Thị Trang tại chùa Phổ Quang.

Ngay sau cuộc đảo chính 1/11/1963 lật đổ thể chế Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Miền Nam Việt Nam, trong ý thức tôn vinh người Liệt Nữ trẻ tuổi, đồng bào Sài Gòn đã bắt đầu gọi nơi Trang ngã xuống là “Bùng Binh Quách Thị Trang” hay “Công Viên Quách Thị Trang” thay vì tên gọi chính thức trước đó là “Công Trường Diên Hồng”.

Tháng 8 năm 1964, Đoàn Thanh Niên Liên Giáo của Hội Sinh Viên Học Sinh đã lập một “Ủy Ban Kiến Tạo Đài Kỷ Niệm Quách Thị Trang” – do sinh viên Vũ Quang Hùng làm trưởng ban, hai sinh viên Thanh Hùng (Đoàn Sinh Viên Phật Tử) và Đào Đức Long (Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Công Giáo) làm phó ban, tổ chức quyên góp để tạc tượng tưởng nhớ Quách Thị Trang. Tượng được điêu khắc trong khoảng một tháng thì hoàn thành và được cất giấu kỷ chờ ngày thực hiện kế hoạch dựng lên ngay gần nơi Trang gục ngã.

Biên nhận vận động kiến tạo đài kỷ niệm Quách Thị Trang.

Lúc bấy giờ, phong trào Thanh Niên – Sinh Viên – Học Sinh xuống đường meeting, diễn thuyết, biểu tình chống chính quyền đương cuộc với mục tiêu hàng đầu vẫn là đòi tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng đang lên rất cao; vào dịp Tiểu Tường – một năm sau ngày Trang mất – nhân một cuộc biểu tình do sinh viên học sinh tổ chức chống “Hiến Chương Vũng Tàu” của chính phủ tướng Nguyễn Khánh đang diễn hành từ Dinh Gia Long đến Chợ Bến Thành thì anh chị em Ban Kiến Tạo bắt đầu dựng tượng Quách Thị Trang. Với vật liệu bí mật chuẩn bị sẵn từ nơi khác chở đến, trong khoảng từ 8 đến 10 giờ sáng, bức tượng bán thân chân dung của Trang đã được dựng xong ngay tại bùng binh ở gần nơi Trang ngã xuống, bên dưới tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn, trước cửa chính chợ Bến Thành – Sài Gòn.

Khi tượng vừa dựng xong có một số người quá khích kéo đến muốn đập phá, nhưng thật bất ngờ, một số anh em “giang hồ anh chị” chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh đã mang dao và gậy gộc đến bảo vệ cả ngày hôm ấy và canh chừng mấy ngày sau nên tượng Trang vẫn đứng vững vàng nơi đó cho đến bây giờ.

Tượng đài Quách Thị Trang

Năm 1965, được sự chấp thuận của chính phủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã cử Thượng Tọa Thích Mãn Giác thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện, nhân danh Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN cùng một phái đoàn đến đặt một tấm biển đồng ghi dòng chữ “LIỆT NỮ QUÁCH THỊ TRANG – PHÁP NẠN 1963” tại bệ tượng.

Bia đồng tôn vinh Liệt Nữ Quách Thị Trang nơi bệ tượng đài.

Thế rồi sau hòa bình năm 1975, chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng công nhận Quách Thị Trang là Liệt Sỹ, đồng thời chính thức đặt tên Quảng Trường Quách Thị Trang thay cho các tên gọi như Công Trường Diên Hồng, Công Trường Quách Thị Trang hay Công Viên Quách Thị Trang thường sử dụng trước đó.

Thế nhưng!…

Giờ đây, sau hơn 40 năm tròn tồn tại ở một địa điểm lịch sử quen thuộc với đồng bào Sài Gòn và cả nước, tượng đài Quách Thị Trang – như một biểu tượng thân quen gắn liền với biểu tượng Chợ Bến Thành của Sài Gòn – sắp bị “xóa sổ” khỏi nơi Trang ngã xuống vì dân tộc và đạo pháp!

Theo kế hoạch phát triển đô thị Sài Gòn, khu vực này được quy hoạch để xây dựng Nhà Ga Số 1 của tuyến Metro (xe điện ngầm) Bến Thành – Suối Tiên trong năm nay (2014) và chỉ ít lâu nửa tượng đài Võ Tướng Trần Nguyên Hãn và tượng đài Liệt Nữ Quách Thị Trang sẽ được “di dời” đi nơi khác. Nghe đâu tượng Trần Nguyên Hãn dự trù sẽ được dời đến đặt ở công viên Phú Lâm (Quận 6); còn tượng Quách Thị Trang chưa biết dời đến đâu, và theo một số thông tin thì nghe đâu sẽ được đưa vào đặt trong… Viện Bảo Tàng!

Công bằng mà nói, dân chúng sẽ không phản ứng gì kế hoạch phát triển Sài Gòn hay đất nước nếu những công trình kiến thiết xây dựng mới là có lợi cho dân, cho nước. Điều đáng tiếc – và kỳ cục nửa! – là cho đến khi dự án xây dựng tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đã khởi công thực hiện (vào giữa tháng 7.2014 vừa rồi) và người ta bắt đầu chặt bỏ các hàng cây cổ thụ trước Nhà Hát Lớn thành phố, dân Sài Gòn mới biết Quảng Trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành phải giải tỏa, tượng Danh Tướng Trần Nguyên Hãn và tượng Liệt Nữ Quách Thị Trang cùng chung số phận phải “di dời”, nhường không gian cho dự án kiến thiết Nhà Ga Số 1.

Giá như nhân dân được tham khảo ý kiến trước như những trường hợp khác – quan trọng và không quan trọng mà nhà nước đã từng làm – về việc giải tỏa, quy hoạch và nơi đặt các tượng đài này thì sao? Có lẽ niềm tiếc nuối bùi ngùi tất nhiên cũng không tránh khỏi, nhưng đồng bào sẽ bớt thương cảm và sẽ tự thỏa mãn tâm lý rằng Quách Thị Trang lại thêm một lần nữa hy sinh vì nhu cầu phát triển của Sài Gòn, hy sinh cho quốc kế dân sinh để dân chúng Sài Thành thêm hạnh phúc, đất nước thêm tiến bộ. Đằng này…

Ngoài ra, vấn đề đặt lại tượng đài ở đâu sau khi dỡ bỏ khỏi địa điểm củ mới chính là sự quan tâm nhất của người Sài Gòn và toàn dân tại quốc nội cũng như kiều bào Việt Nam tại hải ngoại. Cho đến nay dù cố gắng tìm hiểu vẫn chưa thấy một văn kiện chính thức nào ghi rõ nơi sẽ đặt tượng Quách Thị Trang sau khi tháo dỡ ngoài những thông tin khá vô tư và… mù mờ trên báo chí truyền thông, kiểu như: “UBND thành phố quyết định di dời tượng bán thân Quách Thị Trang về địa điểm mới. UBND thành phố giao UBND quận 1 di dời và giao Sở Văn Hóa – Thể Thao & Du Lịch nghiên cứu, đề xuất địa điểm để di dời tượng bán thân Quách Thị Trang và không gian vị trí đặt tượng tại địa điểm chọn” (!!!). Đó là chưa nói đến nguồn tin cho rằng sẽ đưa tượng Quách Thị Trang đặt ở… Viện Bảo Tàng làm nhiều người bức xúc nhất! Bởi “đưa vào bảo tàng” thì đúng nghĩa có khác gì “đem cất” và bảo quản tượng chứ đâu phải dựng lại tượng đài?

Điều đáng tiếc là Giáo Hội Phật Giáo – Hơn ai hết là Giáo Hội Phật Giáo tại Việt Nam – và các tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh hiện tại, luôn “tự hào” với những sự kiện và “truyền thống” thanh niên, sinh viên, học sinh tranh đấu trước năm 1975, không hề có những đề xuất, kiến nghị chính thức, xác đáng và mạnh mẽ với cấp thẩm quyền trước khi xảy ra… chuyện đã rồi!

Tượng bán thân này của Quách Thị Trang sắp bị “di dời”.

Ở đây, người viết bài không dám dài tay đặt vấn đề về địa điểm đặt lại tượng đài Danh Tướng Trần Nguyên Hãn, bởi sẽ còn nhiều người hơn quan tâm đến sự tôn trọng tượng đài một Anh Hùng Dân Tộc; và cũng vì tượng đài vị võ tướng này là một khối kiến trúc khá lớn nên đòi hỏi một không gian tương ứng để tái thiết trí. Với tình cảm và vị thế một Phật Giáo Đồ Việt Nam, người viết chỉ bày tỏ đôi điều suy nghỉ cá nhân thiển cận:

a) Không thể đưa tượng Liệt Nữ Quách Thị Trang vào Viện Bảo Tàng – nếu thật có dự kiến như vậy – vì đó là hành vi xóa sổ lịch sử một cách từ từ, êm thấm nhưng khá là giảo quyệt.

b) Phải tái thiết trí một công viên Quách Thị Trang – hoặc chí ít là tượng đài Liệt Nữ Quách Thị Trang – ngay trong khu vực Nhà Ga Số 1 tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên trong khi quy hoạch và kiến thiết, bởi:

1. Không như tượng đài Danh Tướng Trần Nguyên Hãn có khối lượng lớn, chiếm nhiều không gian; khối lượng nguyên bản của tượng đài bán thân Quách Thị Trang khá “khiêm nhường”, bé nhỏ so với tổng thể dự án xây dựng nhà ga metro; nói một cách nôm na là tượng đài chỉ chiếm một diện tích không đáng kể so với diện tích xây dựng dự án, không những không ảnh hưởng gì nhiều đến kỹ thuật hay cảnh quan dự án khi hoàn thành mà trái lại, còn làm tăng vẽ mỹ thuật và ý nghĩa của công trình.

2. Tượng đài Danh Tướng Trần Nguyên Hãn có thể tái thiết trí ở một địa điểm khác tương xứng và trang trọng ngoài khu vực dự án, vì địa điểm chợ Bến Thành chưa phải chính thức là nơi lưu dấu ấn chiến công của vị anh hùng; nhưng tượng đài Quách Thị Trang thì nên và phải đặt lại tại địa điểm củ, nơi người Liệt Nữ đã ngã xuống cho tự do, dân chủ, dân quyền; cho dân, cho nước và cho đạo Phật.

3. Tượng đài Quách Thị Trang – người Liệt Nữ được đến 2 thể chế chính trị đối nghịch công nhận – nếu trang trọng đặt lại tại địa điểm củ thì ngoài ý nghĩa bảo tồn danh địa thiêng liêng của Sài Gòn, của Việt Nam; tượng đài còn tôn lên giá trị lịch sử của một thành phố danh tiếng, đồng thời bảo lưu được hình ảnh quen thuộc vốn đã vô hình chung gắn liền với biểu tượng Chợ Bến Thành của Sài Gòn ngót 4 thập kỷ nay.

4. Tượng đặt ở chỗ cư dân bản địa, kiều bào Việt và khách du lịch qua lại đông đúc sẽ là một hình thức nhắc nhở lòng tự tôn dân tộc cho công dân Việt Nam, đồng thời giới thiệu tinh thần hy sinh đầy tự hào để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ đất nước của những thế hệ thanh niên Việt Nam với khách ngoại quốc trên thế giới. Nếu khéo kết hợp, đây còn có thể là địa điểm tổ chức tưởng niệm hoặc phát động các phong trào yêu nước một cách ấn tương hơn bất cứ nơi nào khác trong thành phố.

Do đó, việc phải bổ sung kế hoạch dựng lại tượng đài Liệt Nữ Quách Thị Trang vào dự án xây dựng Nhà Ga Số 1 tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên ngay tại khu vực chợ Bến Thành là cần thiết nên làm và phải làm.

Khẩn thiết hơn nữa, là các Giáo Hội Phật Giáo, các tổ chức Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh cần thay mặt quần chúng Sài Gòn và Việt Nam đề đạt ý kiến với cấp thẩm quyền liên hệ để nhắc nhở sự lưu tâm mà có thể chỉ sơ tâm chứ không ác ý, các vị ấy đã bỏ quên một vấn đề hệ trọng cần tham khảo ý kiến người dân.

Toàn cảnh Quảng Trường Quách Thị Trang trước khi bị giải tỏa – di dời.

Trong thời gian gần đây – những ngày tượng đài Quách Thị Trang sắp bị dỡ xuống – nhiều người dân Sài Gòn âm thầm một mình hoặc cùng gia đình đến viếng tượng đài như một cách tạm biệt người Liệt Nữ sắp rời xa nơi an trú quen thuộc. Họ buồn bả đặt vài nhánh hoa, vái lạy hoặc nghiêng mình tưởng nhớ, có người nhổ đôi cọng cỏ, phủi chút bụi nơi bệ tượng và nhất là chụp ảnh, ghi hình như một cách luyến tiếc lưu dấu lại kỷ niệm cuối cùng khu vực tượng đài và chân dung điêu khắc người Liệt Nữ họ không biết khi còn sống, nhưng đã thân quen tự bao giờ từ sau khi Trang oai hùng ngã xuống nơi đây cho họ, vì họ. Hôm cùng một người em GĐPT đến viếng và đặt hoa tại tượng đài lần cuối, người viết bài này đã chứng kiến một chị trung niên trong bộ đồng phục công nhân vệ sinh đang tha thiết chí thành đảnh lễ trước tượng đài Quách Thị Trang. Có lẽ chị là người trong số công nhân thường chăm sóc công viên này.

Vậy mà cũng thật lạ, rất ít thấy các phái đoàn Phật Giáo, các đoàn thể, các tổ chức Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh tổ chức đến viếng tượng đài những ngày này. Có thể họ chờ đến ngày giỗ Trang sắp tới (25 tháng 8) mới đến viếng chăng? Chẳng rõ đến ngày ấy tượng đài đã bị dời đi khỏi chốn ấy hay chưa…

Đồng bào Phật Tử đến viếng và ghi hình kỷ niệm những ngày cuối trước khi tượng bị dời đi.

Saigon, 18.8.2014
Quảng Mẫn NGUYỄN QUANG MAI
Ảnh: Thư Viện GĐPT & Người Áo Lam

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Bình Thuận tổ chức Lễ Thọ Cấp

phuocthanh

GĐPT Cam Ranh: Sinh hoạt Hội đồng Huynh trưởng cấp Tín, cấp Tập, năm 2018

Huệ Quang GĐPTVN

BHD Gia Định – Lễ Hiệp Kỵ PL 2560

nhuanphap