Tính Chất Văn Nghệ GĐPT (phần kết)

V. KẾT LUẬN

 

Từ xưa đến nay mọi người quan niệm  chốn Thiền môn là nơi trang nghiêm thanh tịnh , đi ngang Chánh Điện,  hình tượng đều phải mở nón cung kính cúi đầu. Chư Tăng Ni sống đời tịnh hạnh  giữ niệm vô tránh cần sự an tĩnh  tu hành.  Trong nghi thức  thọ Bát quan trai giới,  các giới tử phải  nguyện ly dục ( ….. bất dâm , giữ ngọ trai , không tự ý ca hát hay nghe ca hát , không nằm ngồi ghế cao giường êm , không trang điểm hương hoa ..) Cho nên các lớp dạy Phật Pháp, Giáo lý cho trẻ thường thất bại vì  không khí khô khan, buồn tẻ của kinh kệ,  rất nhiều vị thầy không thích tiếng nô giỡn ồn ào, vỗ tay ca hát  của trẻ thơ  nên  cũng rất ngại  cho GĐPT sinh hoạt. Có  một số quí thầy yêu trẻ thường tập họp chúng lại kể chuyện, dạy Phật Pháp ….lâu lâu cũng có ca hát, chơi một số trò chơi nhỏ cho trẻ thư giãn, bớt nhàm chán  nhưng đó không phải là kế sách giáo dục đạo đức cho trẻ lâu dài .

Phát khởi từ phong trào chấn hưng Đạo Đức , tổ chức GĐPT lớn mạnh và lớn rộng khắp nơi nơi, hơn 60 năm qua GĐPT đã hỗ trợ Giáo hội, tự viện trong công cuộc hướng dẫn cho tuổi trẻ tu hành. Vấn đề tu học của tuổi trẻ phải được hỗ trợ bởi những công cụ Văn Nghệ, hoạt động thanh niên, xã hội. Và bộ môn Văn nghệ đa  thể loại đã đi đầu trong tình thương thân, tương ái, lôi cuốn  trẻ đến sinh hoạt tu học dưới  mái chùa .

sinh hoạt vòng tròn  Ca  múa , trình diễn , hoạt cảnh , kịch nói , kể chuyện , trò chơi nhỏ, trò chơi lớn …. Luôn luôn đổi mới có nghiên cứu về tâm lý và cải tiến  mới lạ  đưa đoàn sinh vui vẻ hoà đồng gần lại với nhau  nên âm nhạc lúc nào cũng là thế mạnh trong bộ môn Văn Nghệ .

Bộ môn Văn nghệ bản sắc là tươi vui, trong sáng, lành mạnh, bình đẳng  trong tình nhân ái  hướng về chánh Pháp, tu học bản thân chuyển hoá nội tâm nhưng số lượng nhạc phẩm giới hạn,  cũng cần được sự hỗ trợ của  một số nhạc Phật Giáo, Đạo ca, Thiền hành, nhạc cộng đồng, nhạc quê hương, có thể là thêm sự bày tỏ tâm tư tình cảm  thực sự , tiết tấu chậm , nhiều ca khúc buồn  nhưng vẫn giữ được tinh thần trong sáng , lành mạnh  hướng về Phật Pháp, vô nhiễm và ly dục giữa dòng nhạc đời.

Ngày nay, đã có nhiều Đạo tràng đã phối hợp các thể loại: Thiền ca, Đạo ca, ngâm thơ, viết thư pháp…  để tạo sự thư giãn cho Phật Tử. Các tự viện Trung Phần  có truyền thống tán tụng lễ nhạc Phật Giáo trong các nghi thức  với sự  hoà hợp đa thanh sắc như chinh, cổ, chuông , mõ, tang, đàn cò, nhị huyền, độc huyền cầm, kèn … , xướng tụng hồng danh trên nền nhạc cổ truyền  hiện nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi đã từng xem  một khoá tu học ở Làng Mai ( Pháp ) qua Video  : Mở đầu là ngâm thơ, ca cổ nhạc,  cả Đạo tràng đồng ca bài  ý thức em mặt trời tỏ rạng của Thiền Sư Nhất Hạnh  với tiết tấu chậm, xong rồi đến Pháp Thoại; giữa chừng có tán tụng hồng danh như hát xướng ……. Trong 450 ca khúc GĐPT của Bửu Ấn  hay 108 bài nhạc của Nguyên Truyền có khá nhiều bài xử dụng trong tăng thân tu chánh niệm, Đạo Tràng Quán Thế Âm ( Phú Nhuận ) mời khá nhiều nhạc sĩ Phật Giáo sáng tác thơ ca và dạy cho quí Phật Tử ….Thời nay có nhiều vị danh tăng làm thơ và được Phật Tử phổ nhạc; có vị còn tự mình sáng tác dạy cho Phật tử hát. Có những  vị Hoà Thượng đang thuyết  Pháp  –  đột nhiên hát bài Mục Kiền Liên của Đỗ Kim Bảng để tưởng nhớ Mẹ hiền  hoặc nhờ một tăng sinh ngâm thơ minh hoạ .….Mới đầu thấy mới lạ, riết rồi cũng quen , đa số Phật tử tỏ ra rất thích loại hình “ sinh hoạt Văn nghệ “ này.

Điều chính yếu ở sự tu trì  là  điều phục tâm hành, thấy chỗ phóng tâm, xả ly an tịnh. Khi Đạo tràng nghe chuông trống bát nhã âm  cung đón Chư Tôn Đức Quang Lâm, trong lời tán tụng  theo khánh mõ của chư tăng, nghe những ca từ Đạo vị trang nghiêm thấm nhuận vào chiều sâu tâm hồn  làm cho Phật tử sinh lòng vui thích  hướng về giải thoát, hướng thượng. Các phương tiện Văn nghệ tốt và tiện ích như vậy tại sao không làm  ?

Phật tử thuần thục trong Chánh niệm  dù nghe âm nhạc du dương cũng không sinh lòng tríu mến, nghe lũ trẻ nô đùa vẫn thấy nét  trong sạch hồn nhiên, không có dụng ý phiền trược như ở người lớn (Tuệ Sĩ ), ở trong điệu múa  mà vẫn thanh thản điều hoà. Chúng ta hãy theo dõi một lớp thanh nhạc, luyện  âm của một Phật học đường và nhạc viện có chỗ tương đồng: Điều hoà hơi thở, âm ba phát tự đan điền ( dưới rốn)  mà giữ sự an tịnh nơi thần kinh – não bộ  để làm chủ giọng hát, giọng xướng tụng …..

Muốn Phát triển GĐPT , trước phải phát triển hài hoà các bộ môn Văn Nghệ và hoạt động thanh niên, hàng đội tự trị muốn vững vàng đoàn kết cũng rất cần Văn nghệ làm chất keo sơn .

Đành rằng các hoạt động  Văn nghệ khí thế, sôi động là nhờ lớp HT trẻ , nhưng các huynh trưởng trẻ thường vội gấp mà thiếu tâm lý ứng dụng để một bài hát, một trò chơi sinh động bền lâu, thỉnh thoảng  cũng có các trưởng “ quá trớn “  vì cao hứng  mà pha sự lai tạp, lố bịch ngoài đời vào trong ca hát sinh hoạt. Cho nên   rất cần các HT lớn để điều chỉnh, định hướng cho thế hệ trẻ, chứ không phải là kềm hãm phát triển, hoặc hay so sánh xưa và nay ( xưa bày nay làm ) khi viết đến các tiêu chuẩn trong phần đào luyện, nhạc sĩ Bửu Ấn mở một con đường, nhiều nhịp cầu thông cảm cho Tuổi trẻ hiện nay .

Việc đầu tiên là chúng ta phải  chỉnh đốn  nhân sự để  bồi dưỡng , đào tạo được một lớp “ nghệ sĩ “ quy củ có tri thức đủ  về một nền tảng Văn nghệ vững bền và đa phương cho sự phát triển hình thức và tinh thần Gia đình Phật Tử Việt Nam.

Việc thứ hai là  xác định  nhạc lý  là môn chính  để hướng dẫn các cấp vào một giáo trình bắt buộc  ( tùy mức độ ) để biết đọc nhạc và dạy hát đúng cách. Có thể nói sự hời hợt trong âm nhạc là tình trạng chung của nên giáo dục nước nhà vì cái nhìn của những nhà giáo dục lãnh đạo hiện nay phần đông cho là không cần thiết, khả năng thẩm âm và xướng âm nhìn chung là đơn giản, những người thưởng thức được giọng bè hay hợp xướng không nhiều, có khi lại rất khó chịu vì cho rằng ca lạc điệu!!! GĐPT cũng bị các ảnh hưởng theo xu hướng đó nên muốn phát triển phải quy tụ được một số nghệ sỹ có cơ bản nhạc lý vững vàng và đồng loạt “ tăng tốc”  hướng dẫn thực hành về ký xướng âm và nâng trình độ thẩm âm.

Song song, có thể chọn học một vài môn phụ mà mình ưa thích: Hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, Vũ nhạc , kịch nghệ , thơ văn….. Nếu không có khả năng ca hát thì  đệm đàn, hoặc điều khiển  các trò chơi nhỏ  cho các em .

Tổ chức  sinh hoạt  các thể loại  theo mùa  và các dự án lưu trữ lâu bền tiện lợi.

Văn nghệ là phương tiện để khích lệ đời sống văn hoá phong phú hơn. Huống chi văn nghệ GĐPT là  một phương tiện, một Pháp cụ tốt  trên đường khai phóng tự thân ra khỏi ách nô lệ của dục vọng thường tình. Thay thế ngũ dục  trần thế bằng phương pháp Dục như ý túc  để chuyển hoá phiền não thành an vui.

Công năng của Văn nghệ GĐPT  không thể lấn lướt được làn sóng văn nghệ chuyên khơi dậy lục dục thất tình của Xã hội  nhưng chúng  chuyển tải Chánh Pháp chân thật, tự nhiên, có thể thấm sâu len lỏi  vào tâm  thức, thuần hoá con người  sống cao thượng vị tha. Khi trời tăm tối, nếu người ta có một ngọn đèn dù nhỏ  cũng có thể  soi đường dẫn lối đến chốn bình yên.

Bài Luận văn với Đề tài : Tính chất Văn nghệ Gia đình Phật tử  xin ngưng kết bằng hai câu tâm niệm trong bài Sen Trắng  :

 

 

 

Đến bao giờ được tày Sen Trắng

Toả hương thơm Từ Bi tận cùng

 

 

 

 

 

Viết xong ngày mồng 8 tháng 2 nhuần năm Giáp Thân 2004

Trại sinh 5060 Vạn hạnh 5

Đức Quảng – Nguyễn Hoàng Phụng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. 50 năm GĐPT Việt Nam  của GĐPT Hải Ngoại
  2. Đường về Lộc Uyển của Thiền sư Nhất Hạnh .
  3. Nội qui và quy chế huynh trưởng của BHD TƯ.
  4. Bản phác thảo chương trình Văn nghệ của Bửu An
  5. Truyện Kiều và Văn Nghệ đứt ruột của Thiền sư Nhất Hạnh .
  6. Tuyển chọn một số hình ảnh minh hoạ của nhiều tác giả .
  7. Nhạc sống GĐPT xuất bản 1975
  8. 450 bài nhạc GĐPT của Bửu Ấn .
  9. 108 ca khúc Hoa nở vườn Tâm của Nguyên Truyền

 

10. Đạo Phật và tuổi trẻ của TT Tuệ Sĩ

 

11. Định hướng văn nghệ GĐPT của Ban Giảng huấn Vạn Hạnh 5

 

12. Tài liệu phụ lục gồm 3 quyển nhạc  1 CD , 1VCD Karaoke do chính khoá sinh thực hiện .

 

 

 

Đức Quảng

 

 

 

Bài khác nên xem

Trần Nhân Tông một Hoàng đế Anh hùng, một Vua Phật, một nhà văn hóa lớn

phuocthanh

Tài Liệu: Phật Giáo và Dân Tộc Việt Nam mất gì khi phá sản tinh hoa của Gia Đình Phật Tử Việt Nam (TT)

phuocthanh

Hiếu Từ Dâng Cha Mẹ.

ducquang