Tính Chất Văn Nghệ GĐPT – Đức Quảng (tiếp)

  Chùa Từ Đàm , ngôi tổ đình lịch sử  đã chở che và chứng kiến  hai sự kiện : sự kiện thống nhất danh xưng GĐPT và sự kiện thống nhất Phật Giáo Bắc TrungNam. Đây cũng là ngôi cổ tự có nét văn hoá tiêu biểu trong công trình kiến trúc  Phật Giáo ViệtNamvà từ đó nhạc phẩm Từ Đàm quê hương tôi  của Nguyên Thông (Văn Giảng) cũng trở thành bất hủ.

Từ dòng nhạc trình diễn, chúng tôi xin được phép gọi là Nhạc Đạo  xuất hiện những giai điệu buồn thương, tiếc nuối: Một ngày qua thơ Huyền Không – Nhạc Dương Thiện Hiền; sự kiện Pháp nạn  1963 – 1966 : Tưởng niệm Thánh Tử Đạo của Ngọc Kỳ; Trái tim Bồ tát của Trường Long , các ca khúc  chan chứa tình cảm như Mẹ hiền Quán  Âm, Tôi yêu màu Lam của Trần Nhật Thành, Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ  ..v..v… Sự kiện  GĐPT sau 1975  làm tan tác , chia ly dòng nhạc man mác buồn nhưng vẫn tràn trề niềm tin hội ngộ như Lửa Dũng của Đức Quảng, Tình màu Lam của Trường Khánh ..v…v.. Trong dòng nhạc Đạo này GĐPT cũng chấp nhận luôn những tác phẩm 10 bài Đạo ca  thơ Phạm Thiên Thư – Nhạc Phạm Duy, các bài Thiền ca, Tụng ca  của Nguyên Truyền, Giác An. Tuy nhiên, các ca khúc Phật Giáo mới  phải  được chọn lọc kỹ lưỡng bởi vì thứ nhất chúng khởi cảm từ các đạo tràng chuyên tu, thứ nhì, các nhạc sĩ đời chưa thuần thành viết về đạo thường lệch về ca từ xã hội. Tưởng cũng nên nhắc, Huynh trưởng Bửu Ấn Pháp danh Nguyên Định hiện là Ủy Viên Văn Nghệ BHD Trung Ương GĐPT, cùng với huynh trưởng cao niên Như Vinh- Nguyễn Văn Xứng (Bình Định)sau làm Phụ tá UV Văn Nghệ  cũng là một nhạc sĩ GĐPT lão thành có nhiều tác phẩm cho GĐPT.

  Trong một buổi hội kiến với Trưởng Ngô Mạnh Thu trước khi anh di trú qua Mỹ , anh thẳng thắn khẳng định :” Nhạc GĐPT  phải gieo được sức sống vui tươi , an lạc , giải thoát , không nên bi thương sầu thảm  ! “  Tôi ghi nhận điều này và nghiệm xét nhiều ngày  và cũng đồng ý với anh trên quan niệm giáo dục , chuyển tải tư tưởng Phật Đà . Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên có viết một bài hát Thành Đạo mà giai điệu đầu rất bi  thiết để diễn tả cảnh sanh , lão,  bệnh , tử của cõi người nhưng đến chỗ kết lại hùng tráng mạnh mẽ như vượt thoát qua  các khổ ải bốn cửa thành ( được mở lối thoát )

      Ai từng đọc quyển Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du  mới thấy những  tấu khúc đoạn trường mà  Vương Thúy Kiều  rất thích – cùng chung số kiếp bạc mệnh còn có  kiều nữ đã chết  tên là Đạm Tiên  vận vào những khúc đoạn trường với nhau . Thiền sư Nhất Hạnh cũng có bài giảng về Văn nghệ “ đứt ruột “ để miêu tả  Đoạn trường tân Thanh .

    Chúng ta nên quan sát , chiêm nghiệm  những dân tộc như Chiêm Thành , Lão Qua …., những địa phương Châu Ô – Châu Lý[Quảng Trị, Thừa Thiên], Nghệ Tĩnh , Quảng Bình , miền Tây Nam bộ …. nơi phát sinh ra những nhạc khúc, ca khúc bi ai sầu thảm  cũng bắt nguồn từ đời sống thiên tai khổ cực, thiếu kém  triền miên

Quê hương em nghèo lắm ai ơi !

 mùa đông thiếu áo , hè thời thiếu ăn

Trời  hành cơn lụt mỗi năm ….

   Để  cẩn thận định hướng trong sáng tác  và phổ biến nhạc GĐPT . Đành rằng:  “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ “ nhưng không nên làm lan truyền nỗi buồn ấy  làm chướng ngại cho sự rỗng rang, giải thoát trên đường tu học, hay tạo cảm tình quyến luyến  không rời. Mặc dù trên một góc độ tình Lam, nhờ có sự quyến luyến này mà GĐPT còn tồn tại  và phát triển sau 1975  cho đến nay.

      Trong Trại HL Vạn Hạnh 5 /2003 vừa rồi , chúng tôi tình cờ nghe được một ca khúc  chào mừng Phật Đản  viết theo điệu bi ai của dân ca Quảng Bình  trong đêm lửa trại, nghe thì hay nhưng buồn đến não ruột. Cũng như thời kỳ sinh hoạt xuống Long Xuyên ,miền Tây nam bộ   sau 1975, chúng tôi cũng từng nghe bài vọng cổ 4 câu  diễn tả  đêm xuất gia  của thái tử Tất Đạt Đa , ý nghĩa sâu xa và  bi ai cảm động…

Rằng hay thì thật là hay

Nghe như ngậm đắng nuốt cay thế nào !

      Trong khi quí Phật tử chảy nước mắt  nức nở khen hay  và diễn xuất như vậy là thành công. Đứng từ góc độ huynh trưởng hướng dẫn  dù  cảm  thấy bi điệu tràn trề lưu luyến  dễ làm đắm say ràng buộc, nhưng đã nhập gia phải tùy tục, ai về miền Tây , ai lên xứ Nghệ , không ca được vài câu vọng cổ  hoặc không cất nổi giọng hò  thời khó lòng mà làm văn nghệ nơi đây!

     Sau 1975, GĐPT Lâm Đồng xuất hiện một mô hình nhạc  mới  do anh Nguyên Định – Bửu Ấn và anh Năng Quang – Nguyễn Hữu Thạnh điều khiển  có tên gọi là KINH NHẠC HỢP XƯỚNG . Với 1 cây accordéon hay organ  anh đã tập họp được nhiều giọng ca  taynor, soprano  cho dàn hợp xướng có khi lên đến 6 bè. Người hát và người nghe đều thích thú thưởng ngoạn. Điều này  khẳng định khả năng và trình độ hát và nghe nhạc của GĐPT Lâm Đồng. Anh Bửu Ấn  đã ghi lại những bài tụng ca , kinh nhạc hợp xướng trong quyển 450 bài hát GĐPT, đồng thời tự thu âm vào băng Cassettes để phổ biến(Anh không quan trọng vấn đề kỹ thuật phòng thu)

   Theo lời thuật lại của các anh Ban hướng dẫn Darlak , đã trình diễn hợp xướng hàng trăm người ca khúc Sống trọn đời Lam  của Nguyễn Khắc Từ – Đức Quảng trước công chúng rất trang nghiêm và nhiều người đã rơi lệ !

    Anh Bửu Ấn , ba năm về trước có tập dượt cho dàn hợp xướng và tấu nhạc GĐPT Đức Chơn – Gia Định  bài   trường ca Ngày Vía Đản sanh  trình diễn trong ngày Phật Đản , và sau này có dàn hợp xướng của Gia đình Đức Tuệ, hay dàn đồng ca của GĐPT Đức Trường, Gia Định  thường hát bài này .

  Nâng cao trình độ hoà âm của nhạc sĩ  và khả năng thẩm âm  của thính giả là một nhu cầu thực tế trong thời đại phát triển GĐPT trong và ngoài nước. Điều này các nhạc sĩ GĐPT từ thập niên 1950 đã làm  qua nhạc khúc Lời sám nguyện của Hằng Vang hay Mùa Vui Vu Lan của Trần Tâm Hoà  đều có viết thêm phần phụ hoạ và bè đơn giản, nhạc sĩ Phật Giáo Phạm Thế Mỹ cũng có viết nhiều bài  hợp xướng xử dụng trong sinh viên Viện đại học Vạn Hạnh  như Đêm mầu nhiệm thơ Nhất Hạnh , cho cây rừng còn xanh lá hy vọng cho tương lai …..

   Cũng không quên nhạc sĩ Minh Kim  tác giả của nhiều bài hát xưa dù đã lớn tuổi nhưng cũng cố gắng kẽ dòng viết nhạc  để cho ra một tập hợp trên 60 ca khúc GĐPT  xưa và nay .

     Dòng nhạc Nguyên Truyền, Thừa Thiên Huế đã góp phần không nhỏ trong sinh hoạt GĐPT Thừa Thiên , Quảng Trị , Đà nẵng , Daklak .. anh đã ra mắt quyển nhạc Hoa nở vườn tâm gồm 108 ca khúc GĐPT  và một số bài Thiền ca  tu tập chuyển hoá.

     Và mới đây đã xuất hiện hơn 100 ca khúc GĐPT của nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thơ Tuệ Kiên cũng rất vui tươi, mạnh mẽ và trong sáng , dường như ngay lập tức anh  làm nhiều đĩa Compact để phổ biến trong và ngoài nước. Tuy không có sinh hoạt với GĐPT nhưng anh rất nhiệt tình và hăng say cống hiến. Để khẳng định dòng nhạc mới của anh  trong sinh hoạt  cần phải có thời gian! Còn có khá nhiều huynh trưởng quan tâm với âm nhạc GĐPT như anh Giác An (GĐPTGiác Hạnh), Chúc Linh (Biên Hòa), Minh Tịnh, Phạm Công Toàn, Tâm Vương. Khi tái bút viết lại vấn đề này thì hiện nay ở BHD Gia Định đã xuất hiện thêm vài nghệ sĩ trẻcó dàn nhạc và tuyển giọng ca hữu hiệu như anh Nguyên Hùng, Ngọc Hải…ở trong nước, các anh Dương Thiện Hiền, Tâm Trí-Nguyễn Quang Vui… ở Hải ngoại vẫn thường sáng tác.

 Lễ nhạc Trầm Hương đốt để dâng hoa của BHD Gia Định

Tựu trung GĐPT có  3  loại và 7 phần:

1/ Lễ nhạc: Gồm những bài hát trong các lễ lượt Phật Giáo và GĐPT. Phần lễ nhạc này  có thể phối hợp thêm những bài Nhạc Đạo .

2/ Nhạc Nghi thức : Những bài ca chính thức  chào cờ  từ Sen trắng đến đoàn ca  và các trại huấn luyện .

3/ Nhạc tưởng niệm  chư Thánh Tử Đạo, tưởng niệm những anh chị áo Lam  hữu công quá vãng .

4/ Nhạc Đạo:

–         Nhạc Phật Đản  – Xuất Gia –  Thành Đạo – Nhập diệt – Quán Thế Am – Thiền ca ( Tu Chánh niệm ) – Xuân ca – Đạo ca .

5/ Nhạc Vu Lan báo hiếu : Bao gồm một số nhạc phẩm  ngợi ca ân đức sinh thành  trong xã hội  như Lòng Mẹ của Y vân , Ân nghĩa sinh thành của Dương Thiệu Tước, Mẹ tôi của Nhị Hà  ..v..v..

6/ Nhạc sinh hoạt: Những bài hát ngắn sinh hoạt gia đình và nhạc Đạo ngắn hát theo mùa ( Phật Đản , xuất gia , Vu Lan ….. ) nhạc lửa trại, những bài ca giã từ.

7/ Nhạc kịch, chuyện ca  như Lòng hiếu chim Oanh Vũ của Lê Cao Phan, Vườn Nai, Chim Oanh Vũ nhân từ của Đức Quảng .

Nhạc cộng đồng / Quê hương: Bao gồm những ca khúc có tính cách quốc tế và đại chúng  như  Bốn phương trời, anh em ta về,  tiếng trống cao nguyên, nối vòng tay lớn , vượt đồi non, Hamxaleybi ( vui ca lên ) …..

   Tuy trong chương trình Văn nghệ , bộ môn âm nhạc GĐPT có “ cho phép “ HT sử dụng các nhạc phẩm trong sáng tươi vui  có tính cách cộng đồng đại chúng . Tất nhiên , chúng ta phải chọn lọc kỹ lưỡng trước khi  xử dụng  theo đúng tinh thần  Phật Giáo + Dân tộc + Gia đình Phật tử . Những ca khúc cộng đồng tuy có thể trong sáng , tươi vui  nhưng nếu gây cho một số người  ngộ nhận , hiểu lầm  hay cố tình làm lệch lạc tổ chức chúng ta cũng phải tránh .

         IV. ĐỊNH HƯỚNG VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

   Trong các loại hình Văn nghệ sáng tác , nếu các nghệ sĩ không có cảm hứng , mê say thì sẽ không có các tác phẩm hay ra đời ! Nhưng thả trôi mỹ cảm dù trong vị trí sáng tác  hay thưởng ngoạn  thì  cũng là rơi  vào trong đoạ lạc  ,  Trong cương vị trách nhiệm làm trưởng trước đã tự khẳng định mình đang làm công tác hướng dẫn , sứ mệnh giáo dục , đào luyện tuổi trẻ thành những Phật tử chân chánh  nên phương hướng sáng tác và thưởng ngoạn  đều có mực thước của nó , mà nền tảng mực thước đó  đã thấm nhuần trong quá trình sinh hoạt GĐPT .

    Chúng ta  không  cần phải nhắm mắt bịt tai trước sự cám dỗ của ngũ dục cuộc đời  mà phải nhìn thẳng vào sự thật  mà quán xét  sự lợi hại của chúng . Huynh trưởng mà kém hiểu biết  là thiếu sự cảm thông dễ rơi vào cực đoan  do thành kiến .

  Từ trước đến nay , khi chọn Ủy viên văn nghệ , thường các anh chị  chọn  những huynh trưởng là nghệ sĩ  âm nhạc – biết đàn hát , biết tổ chức văn nghệ sân khấu , lửa trại, quanh đèn   chứ không chọn  Ủy viên văn nghệ là Hoạ sĩ, kiến trúc, nhiếp ảnh, văn  thi sĩ … Chính vì thế nên  GĐPT có thế mạnh là ca hát , múa , kịch , hoạt cảnh, còn những bộ môn khác thì  rất kém  hoặc ít ai để ý tới. (Sau này Văn Nghệ Trung Ương có bổ sung thêm các phụ tá về báo chí, nhiếp ảnh, hội họa nhưng cũng chưa hoạt động gì đáng kể)

  Ngành Oanh vũ  với số lượng đông nhất  trong 6 đoàn  nhưng nhu cầu  về  chuyện  bằng tranh không được đáp ứng – các em phải học thuộc lòng những câu chuyện Đạo , chuyện tiền thân  suốt 60 năm toàn là chữ nghĩa một cách khô khan. Không phải là GĐPT không có hoạ sĩ  mà vì  Ủy viên Văn Nghệ không  thiên về hoạ và đã không có định hướng sáng tác về hội hoạ điêu khắc. Trong khi thị trường tranh ảnh Nhật Bản, ViệtNam  dù có nhiều chỗ phản cảm nhưng vẫn hấp dẫn cả đến người lớn. Chúng ta vẫn chưa có những bức tranh  do GĐPT  vẽ  được trưng bày – sức sống chỉ đơn sơ vài bức tranh dán  bằng cát màu hay hạt đậu , điêu khắc được một vài khúc cây rừng. Đa số tranh  ảnh , hình tượng  đều do các nghệ nhân Phật tử thực hiện

Chúng ta vẫn còn một tiềm năng rất lớn về bộ môn Nhiếp ảnh mà chưa khai thác hết  vì không có định hướng và diễn đàn , phòng triển lãm  để  tập họp  những nghệ sĩ nhiếp ảnh  chuyên săn tìm và lưu giữ ảnh sức sống GĐPT mấy chục năm qua…

Còn tiếp

 

 

 

Bài khác nên xem

Tính Chất Văn Nghệ GĐPT – Đức Quảng (tiếp)

ducquang

Hướng Về Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam

ducquang

Hành Trình Du Khảo CamBodia kỳ 2

phuocthanh