Thánh Tích Kushinagar (tt), nơi đức Phật nhập Niết-bàn

Trong kinh tạng đức Phật dạy, có tám nguyên nhân làm cho trái đất rung chuyển, chấn động mạnh; sự kiện đức Như Lai nhập Niết-bàn là một trong những nguyên nhân đó:
“Này Ananda, có tám nhân, có tám duyên khiến đại địa chấn động. Thế nào là tám? Này Ananda, đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Này Ananda, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Đó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động. Lại nữa này Ananda, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thần thông, tâm được chế ngự, hay hàng chư Thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động mạnh, v.v… Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai nhập vô dư y Niết-bàn, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Đó là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động. Này Ananda, do tám nhân này, tám duyên này, khiến đại địa chấn động.”

Gần 50 năm thuyết pháp độ sanh bất quyện, đức Thế Tôn đã đem ánh sáng giác ngộ hướng đạo quần sanh, đưa những người hữu duyên đến bến bờ giải thoát. Vào năm cuối cùng của cuộc đời vĩ đại ấy, tại điện thờ Capala, thành Vaishali (Tỳ-xá-ly), đức Phật đã tuyên bố với Ananda cùng đại chúng Tỳ-kheo ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn tại rừng cây Ta-la thuộc thành Kushinagar (Câu-thi-na): “Các Tỳ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.”

Nơi đức Phật nhập Niết-bàn, Kushinagar đã trở thành một trong bốn thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật thiêng liêng, có lẽ Kushinagar là thánh tích để lại trong ta những ấn tượng bùi ngùi và xúc động nhất. Nếu thánh tích Lumbini (Lâm-tỳ-ni), nơi nhơn thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự đản sanh của đấng Từ Phụ, thì Kushinagar là nơi trời người và muôn vật rơi lệ u buồn, tiễn biệt đấng Thiên Nhơn Sư. Bởi vậy, những người con Phật chúng ta, mấy ai tránh khỏi cảm giác xúc động, u buồn khi chiêm bái, đảnh lễ thánh tích này.

Thánh tích Kushinagar tọa lạc tại thành Kushinagar, thuộc tiểu bang Utta Pradhesh, cách ga xe lửa Gorakhpur khoảng 50 km. Nhìn vào bản đồ Ấn Độ, chúng ta có thể xác định vị trí của Kushinagar tọa lạc gần như là trung tâm của những thánh tích khác như:  Lumbini (Lâm-tỳ-ni thuộc nước Nepal), Vaishali (Tỳ-xá-li), Sarnath (vườn Lộc-uyển), v.v… Căn cứ theo đường chim bay, Kushinagar cách Lumbini khoảng 100 km, cách Vaishali khoảng 150 km, cách Sarnath khoảng 200 km và cách Bodhgaya khoảng 300 km.

Thành Kushinagar, từ thời đức Phật cho đến hàng chục thế kỷ về sau, vẫn là một nơi xa xôi, hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Kushinagar không có những vương thành lộng lẫy, những trung tâm thương mại, phố xá phồn hoa như thành Savatthi (Xá-vệ), thành Rajagaha (Vương-xá), thành Baranasi (Ba-la-nại), v.v… Tuy nhiên, vào thời quá khứ xa xưa, Kushinagar là một vương thành giàu sang cùng tột, dân cư đông đúc, nhưng trải qua sự tàn phá của thời gian, của vô thường hủy diệt, đến thời của đức Phật Thích-ca cũng như nhiều thế kỉ về sau, thành Kushinagar chỉ là những rừng cây Ta-la xa vắng, dân cư thưa thớt… điều đó chúng ta có thể biết được qua câu chuyện đối thoại giữa đức Phật và tôn giả Ananda: Khi nghe đức Phật tuyên bố ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn tại thành Kushinagar, tôn giả Ananda đã vội thỉnh đức Phật trụ thế: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho loài Trời và loài Người.” Nhưng lúc ấy đã quá muộn rồi, vì đức Thế Tôn đã xả bỏ thọ mạng, đấy là một sự ân hận lớn của tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda đã ngấn lệ thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà, hai là Xá-vệ, ba là Bệ-xá-ly, bốn là Vương-xá, năm là Ba-la-nại, sáu là Ca-tỳ-la-vệ. Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành? Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo: Này Ananda, ngươi chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, là thành nhỏ nhất trong các thành. Vì sao? Vì thuở quá khứ, thành Câu-thi-na này tên là Câu-thi vương thành, giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc.”

Như vậy, trong thời quá khứ xa xưa, Kushinagar là một vương thành phồn hoa, dân cư đông đúc và lúc đức Phật nhập Niết-bàn thì thành này chỉ là một thành nhỏ hoang vắng, dân cư thưa thớt, với những cánh rừng Ta-la xanh ngát.

Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, kim thân của Ngài được hỏa táng theo nghi thức tang lễ của một vị Chuyển luân Thánh vương. Sau lễ hỏa táng, để tránh sự xung đột tranh giành xá-lợi của đức Phật, bộ tộc Malla tại Kushinagar đã đồng ý chia xá-lợi Ngài làm tám phần đều nhau cho tám vị quốc vương trong tám nước xây tháp cúng dường. Bộ tộc Malla cũng xây một bảo tháp tại nơi lễ Trà tỳ của đức Phật để phụng thờ tro than lúc hỏa táng còn lại. Ngôi tháp này hiện nay vẫn còn.

Đến với thánh tích Kushinagar, ngày nay, chúng ta sẽ được chiêm bái hai nơi thiêng liêng nhất: nơi đức Phật nhập Niết-bàn (gồm tháp Niết-bàn, chùa Niết-bàn…) và nơi diễn ra lễ Trà tỳ kim thân của đức Thế Tôn.

Nơi đức Phật nhập Niết-bàn: Các sử liệu về Kushinagar chưa xác định rõ sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, nơi đó có những gì. Ngôi tháp Niết-bàn, chùa Niết-bàn và những phế tích còn lại mà chúng ta thấy ngày nay được các nhà khảo cổ xác định xây dựng từ thời vua Asoka (vua A-Dục, thế kỉ thứ 3 trước Tây lịch) trở về sau.

Tháp Niết-bàn (Mahaparinirvana Stupa): Ngôi tháp Niết-bàn to lớn mà chúng ta thấy hiện nay có chiều cao khoảng 45 mét, đường kính khoảng 10 mét. Đấy là một ngôi tháp có màu trắng, xây kín xung quanh, không có cửa ra vào. Tháp được xây trên một nền gạch cao khoảng 2,7 mét; tháp có hình tròn trụ, với mái hình vòm tròn, phía trên vòm tròn ấy được xây một khối hình trụ nhọn dần lên tận đỉnh, hình trụ ấy gồm ba tầng, cao khoảng 5,5 mét.

Nguyên thủy ngôi bảo tháp này được các nhà khảo cổ cho rằng, nó được xây dựng bởi vua Asoka vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Vua Asoka, sau khi từ bỏ đời sống một bạo chúa hung tàn, ông đã quay về với Phật giáo và dùng chánh pháp để trị dân. Để cho dân chúng toàn cõi Ấn Độ được thấm nhuần công đức, vua Asoka đã thu thập xá-lợi của đức Phật trong tám ngôi tháp của tám vị quốc vương thời xưa, chia đều ra tám vạn bốn ngàn phần và xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp trên toàn cõi Ấn để dân chúng được chiêm bái, cúng dường, tăng trưởng công đức. Bảo tháp Niết-bàn là một trong những ngôi tháp ấy.

Tháp Niết-bàn được xây tại thánh tích này để tôn thờ xá-lợi của đức Phật, đồng thời để kỉ niệm nơi đức Phật đã xả bỏ báo thân sanh diệt, an trú vào Niết-bàn bất diệt. Gần mười thế kỷ trôi qua kể từ thời vua Asoka, đến thế kỷ thứ bảy, ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này thì bảo tháp Niết-bàn vẫn còn và ngài đã ghi chép trong cuốn kí sự của mình: “Về phía tây bắc của thành này khoảng ba đến bốn dặm, băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), không xa về phía tây của bờ sông này, chúng ta đến một rừng cây Ta-la. Cây Ta-la giống như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá cây lóng lánh và trơn dịu. Chỗ này có bốn cây thật cao, đây là nơi đức Như Lai đã nhập Niết-bàn, tại đây có tinh xá bằng gạch rất lớn. Trong tinh xá này có một tượng đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài nằm quay đầu về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá này là bảo tháp do vua Asoka xây dựng, mặc dù đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 60 mét (200 feet)…”

Lịch sử văn hóa thế giới nói chung hay của Phật giáo nói riêng luôn có những trang sử bi thương về sự tàn phá kinh khiếp của Hồi giáo cực đoan. Vào những thế kỉ 12, 13, các thánh tích Phật giáo bị Hồi giáo đố kị và đốt phá. Nơi đức Phật Niết-bàn cũng như bảo tháp Niết-bàn đã bị thiêu rụi và đập phá, trở thành những đống gạch đổ nát, hoang tàn. Thánh tích Kushinagar nói chung và bảo tháp Niết-bàn nói riêng hầu như đã bị lãng quên không người nhắc đến. Gần 600 năm sau, thế kỉ 19, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh tên là Cunningham, người có công lớn trong cuộc khảo cổ đã phục hồi lại các thánh tích Phật giáo để giới thiệu mọi người trên thế giới. Ông đã căn cứ vào cuốn Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang và tiến hành khảo cổ các thánh tích thiêng liêng của Phật giáo. Một công việc rất khó khăn và vất vả, ông đã huy động những người cộng sự của mình âm thầm làm việc giống như một vị Bồ-tát vô danh trong công cuộc đóng góp xây dựng vào sự phục sinh của Phật giáo tại Ấn Độ. Dưới sự hỗ trợ đắc lực của người phụ tá của ông, nhà khảo cổ Carllleyle, các di tích nơi đức Phật nhập Niết-bàn gồm các nền tháp, chùa viện, tượng Phật, v.v… đã được phát hiện và bảo vệ cẩn thận. Với sự phát hiện khám phá đầy ý nghĩa ấy, nền tháp Niết-bàn đã được xác định. Đến năm 1927, với sự đồng ý của chính phủ Ấn Độ, cộng đồng Phật tử Myanmar đã phát tâm kiến tạo ngôi tháp Niết-bàn ngay trên nền móng cũ của bảo tháp do vua Asoka xây dựng ngày xưa. Gần 50 năm sau, vào năm 1972, các Phật tử Myanmar lại phát tâm trùng tu bảo tháp này một lần nữa, và đấy chính là bảo tháp Niết-bàn hùng vĩ mà chúng ta thấy ngày nay.

(còn nữa)

Thích Trí Lộc

(nguồn: TS. Pháp Luân số 48)

Bài khác nên xem

Quy Y Tam Bảo

datthinh

Duy Tuệ Thị Nghiệp

phuocthanh

Tiểu Sử Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (1905 – 1992)

phuocthanh